A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những giá trị lịch sử của các hố D4 – D5 – D6

Các hố khai quật D4-D5-D6 thuộc khu D được mở trong khu vực sân tenis của Trung tâm thể thao Ba Đình, có diện tích toàn bộ hơn 2100 m2. Mặc dù việc khai quật chưa kết thúc, những trang lịch sử bi hùng của dân tộc dường như đang hé lộ với những nét chấm phá qua những lát cắt thám sát và các hố khai quật, với sự xuất hiện vô số lớp kiến trúc và văn hoá đan xen chồng chéo trong tầng văn hoá từ độ sâu khoảng -1 tới trên -4 m, tính từ bề mặt.

(Tiếp theo kỳ trước)

    
   

Các dấu tích khảo cổ học


 Toàn cảnh dấu vết kiến trúc
thời Lý - Trần - Lê xuất lộ ở hố D4-D6

Lịch sử hơn 1300 năm của di tích được nhận thấy ở khu vực này qua các thời kì như sau:

Thời kì Đại La, bộc lộ rõ nhất ở các rãnh và hố thám sát giữa D5 và D6, có thể gồm 2 giai đoạn:

   
Giai đoạn 1: con người cư trú trực tiếp trên lớp cát non và phù sa sông Hồng, để lại tầng văn hoá với nhiều cụm ngói xám trong lớp đất phù sa màu nâu nhạt hoặc đất pha cát vàng xỉn lẫn than tro, sành sứ có men đọng giọt và gốm văn thừng đập, còn bảo lưu truyền thống Đông Sơn Muộn.


Dấu vết nền móng kiến trúc
thời Lý - Trần ở giữa khi D4 - D6
 

Giai đoạn 2: Con người tạo nên những mảng nền kiến trúc sử dụng đất phù sa nâu đỏ lẫn ít hoặc nhiều sét bùn xám khai thác tại chỗ. Các bếp tro lớn, vật liệu trang trí kiến trúc dùng chất liệu sét bùn, đồ gốm men ngọc xám, các hiện vật sắt, xương động vật và tiền “Khai Nguyên thông bảo” có mặt khá nhiều, thể hiện sự phát triển trù phú của di tích.

Cấu kiện kiến trúc gỗ
thời Đại La ở hố D5  

Lớp gạch ngói san lấp lên
bãi tro than gỗ, thời Trần

Hệ thống cột gỗ chôn sâu vào sinh thổ hoặc kê trên các trụ gia cố bằng ngói xám lẫn đất pha sét xám là đặc điểm nổi bật của kiến trúc thời kì này.

Thời kì Lý - Trần, có thể gồm các giai đoạn:


 Mặt cắt một trụ móng kê chân tảng cột
cho thấy kỹ thuật gia cố móng
thời Lý - Trần
  

Giai đoạn 1: thể hiện bằng các dấu tích kiến trúc sử dụng lại vật liệu của thời trước. Sét vàng xám mịn, được sử dụng ở những phần trọng yếu, có thể đã được khai thác từ nơi khác. Hệ thống chân tảng không được gia công kĩ, nhưng cho thấy quy mô của kiến trúc khá lớn. Gốm sành và gạch có trang trí thể hiện những nét tương đồng với các loại hình thời Đinh Lê phát hiện từ Hoa Lư. Có thể giả thiết đây là dấu vết của giai đoạn Tiền Lý hay Lý sớm.


 Hiện trạng bối đắp các lớp nền
kiến trúc qua mặt cắt ở hố D5

Giai đoạn 2: Có lẽ đã có sự thay đổi lớn trong xây dựng, bắt đầu bằng việc sử dụng sét vàng trắng nâng phần nền chính lên cao. Các trụ kê chân tảng được gia cố kĩ bằng sỏi sét. Hồ nước và sông/dòng chảy được tạo thành, phủ lên các kiến trúc sớm hơn, với các kiến trúc kiểu lầu lục giác ven bờ. Cũng trong thời kì này đã có những thay đổi nhằm mở rộng quy mô kiến trúc. Kĩ thuật gia cố trụ chân tảng sử dụng mảnh sành và bao nung. Nền tiếp tục được tôn cao bằng loại sét đỏ tươi.


 Dấu vết các trụ móng sỏi kê chân cột bên dòng chảy giữa hố D5 và D6 

Ngói và nhiều vật liệu trang trí kiến trúc phủ men xanh, vàng và trắng, các mảng sa thạch nâu chạm rồng, đồ sành có xương mỏng mịn, gốm men nâu, đồ sứ cao cấp xuất lộ nhiều cho thấy đây là giai đoạn phát triển cực thịnh của di tích. Có thể giả thiết giai đoạn này thuộc thời Lý - đầu thời Trần.

Giai đoạn 3: Có dấu hiệu của sự phá huỷ và cháy lớn bởi các hố chứa than tro, sành sứ... cắt phá các lớp nền kiến trúc, các mảng chạm đá bị đập vụn.Tiếp theo là các hoạt động xây dựng lại bằng cách san lấp bớt các hồ nước và dòng chảy, tái sử dụng vật liệu làm móng và trụ chân tảng, tôn nền bằng loại sét vàng nâu. Các giếng nhỏ được đào qua lớp kiến trúc trước đó. Đây có thể là các dấu vết của thời kì Trần muộn.


 Lá đề gắn trên ngói ống trong lớp đổ ở phía Bắc hố D4

Dấu vết của các lớp nền đất cháy có các rãnh đào hình chữ thập, mảnh tường lò cháy, các bãi xỉ than, ngói men trắng dính xỉ lò đặt ra giả thiết có thể có các lò nung ngay trong khu vực này vào thời Lý-Trần.

Thời kì Lê - Nguyễn, có thể gồm 2 giai đoạn:


 Móng gạch thời Đại La bên dưới dòng chảy bị bồi đắp vào thời Lê ở hố D5

Giai đoạn 1: Quy mô kiến trúc trong khu vực này chưa nhận thấy rõ ràng. Tuy nhiên một khối lượng lớn gạch ngói và đồ sành sứ cao cấp thời Lê sơ (Thế kỉ 15) đã được sử dụng để san lấp các hồ nước và thu hẹp dòng chảy, chỉ còn lại một phần nhỏ phía Nam. Một vài dấu tích chân tảng, các lớp ngói bản mỏng dày đặc ở độ sâu -1,2 đến 1,4 m cho thấy khả năng tồn tại các kiến trúc không lớn lắm, nền đắp sử dụng sét vàng nâu ngả xám ở phía Đông và Tây của khu vực này. Niên đại cụ thể cần được xác định thêm.

Giai đoạn 2: Một thời kì hoang phế có lẽ vào cuối thời Lê của di tích được thể hiện bằng một dòng chảy nhỏ phía Nam phủ đầy cây bụi và các bụi tre, trước khi bị bồi lấp hẳn. Các di vật thời Nguyễn hầu như rất hiếm hoi. Dấu tích kiến trúc hầu như không nhận thấy.

Những lớp đất đá, gạch ngói lộn xộn được san lấp dày, trước khi trải những lớp đá dăm và các vật liệu cần thiết cho một sân thể thao từ thời Pháp thuộc đã tạo nên lớp màn cuối cùng phủ che lịch sử.


 Ấm sành thời Đinh Lê rơi xuống
hố cột thời Đại La

Những giá trị lịch sử nổi bật


 Dấu tích lòng hố bị san lấp vào
cuối thời Trần - đầu thời Lê

Đây là khu vực bộc lộ rõ nét nhất đời sống cư dân thời kì Đại La và thậm chí sớm hơn, với các kĩ thuật kiến trúc độc đáo. Những yếu tố Việt cổ, cả trong kiến trúc và lối sống hàng ngày có thể được tìm hiểu qua di tích này. Đó sẽ là những bằng chứng quý báu của việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc qua suốt các thời kì.


 Đồ gốm thời Trần
trong bãi rác lấp hồ

Vào thời kì Lý-Trần, dù không có những quy mô kiến trúc lớn như khu A, kĩ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí kiến trúc, gốm sứ tinh xảo, quy hoạch cảnh quan môi trường hoàn hảo... phản ánh vai trò độc đáo của khu vực này trong toàn cảnh chung của Hoàng Thành Thăng Long.

Vào thời kì Lê-Nguyễn, những dấu tích địa tầng phản ánh rõ các bước thăng trầm của một Kinh đô trong quy mô xây dựng, mục đích sử dụng. Nó dường như góp phần chứng minh cho sự nhận định của các nhà sử học về vị trí của Kinh đô Thăng Long cũng như diện mạo của Hoàng Thành Thăng Long ở phía Tây điện Kính Thiên.

Lê Thị Liên - Ngô Thị Lan
(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu