Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học (Phần 1)
(Tiếp theo kỳ trước)
|
Khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới có diện tích rộng khoảng 48.000m2 đã được Chính phủ quyết định cho thi công trong năm 2002. Nhưng trước khi công trường xây dựng khởi công, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 12-2002, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Xây dựng, chỉ đạo Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực này. Đây là nơi được giới nghiên cứu sử học và khảo cổ học đoán định nằm trong khu trung tâm của Kinh đô Thăng Long thời Lý, thời Trần và thời Lê (thế kỷ XI - XVIII). Tính đến thời điểm tháng 10-2003, Viện Khảo cổ học đã khai quật được 17.000m2. Hiện nay, công tác khai quật khảo cổ vẫn đang tiếp tục, song các kết quả bước đầu đã thu được là rất tốt đẹp.
|
|
Tầng văn hóa
Trên toàn khu vực, vị trí nào cũng xuất lộ các tầng văn hóa có chứa các dấu tích lịch sử và văn hóa của Thăng Long - Hà Nội trong khoảng hơn 1.300 năm lịch sử. Nhìn chung lớp đất văn hóa này thường xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 1m trở xuống và dày từ 2,0-3,50m. Tại vị trí của một số hố khai quật như hố A10 – A11, B3 - B9 và D4 - D6 có thể nhận ra được di tích của các thời đại chồng lên nhau.
Dấu tích kiến trúc thời | Dấu tích trụ móng sỏi của hệ thống |
Ví dụ tiêu biểu là vị trí hố B3. Tại vị trí này, có thể thấy rõ trật tự văn hóa qua các thời như sau:
- Từ độ sâu 0,90m đến 1,90m đã gặp lớp văn hóa thời Lê có niên đại thế kỷ XV-XVIII.
- Từ độ sâu 1,90m đến 3m là lớp văn hóa thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI-XIV). Tại đây còn có vị trí có dấu tích một nền gạch vuông thời Trần chồng hẳn lên nền gạch vuông thời Lý qua một lớp đất đắp dày 12cm - 15cm.
- Từ độ sâu 3m đến khoảng hơn 4,20m là lớp văn hóa thời Đại La (thế kỷ VII-IX).
Dĩ nhiên sự thay đổi của tầng văn hóa ở nhiều vị trí khác là khá phức tạp và không giống nhau, nhưng trên đại thể, diễn trình văn hóa tiêu biểu của di tích là như vậy.
Các dấu tích kiến trúc tiêu biểu
1. Ở trong các tầng văn hóa đều tìm thấy những di tích kiến trúc đặc trưng cho các thời Tiền Thăng Long hay còn gọi là thời Đại La (thế kỷ VII - IX), thời Lý (thế kỷ XI - XII), thời Trần (thế kỷ XIII- XIV), thời Lê (thế kỷ XV - XVIII).
|
- Dấu tích kiến trúc sớm nhất thuộc thời Đại La. Đó là vết tích của các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám, các chân tảng đá và những cột gỗ. Những dấu tích này đã tìm thấy ở khu vực các hố A5, A16, B2, B3, B10, B13, B16, D5, D6... tiêu biểu nhất là ở hố B3 – B13. Tại đây xuất hiện một vết tích kiến trúc lớn. Kiến trúc này hiện còn giữ được 4 cột gỗ lớn đang dựng trên các chân đá tảng. Các cột gỗ này cao 1,61m, chu vi khoảng 1,32m. Có một cột gỗ nhỏ hơn được kê trên một thanh gỗ và các viên gạch bìa màu xám. Ngoài ra còn 2 chân đá tảng khác đã xuất lộ nhưng bị mất cột gỗ. Các chân tảng đều là một khối đá hình chữ nhật dài 96cm, rộng 72cm được gia công đơn giản, không có trang trí. Các cột này cách nhau 3,80m tính từ tim cột. Chiều dài bắc – nam của các cột gỗ này khoảng 35m đã cho thấy mặt bằng của kiến trúc này khá lớn.
- Dấu tích kiến trúc thời Lý được xác định rõ nhất là ở khu vực hố A20: ở đây có hai nền kiến trúc được phân cách với nhau bằng một sân nền lát gạch vuông. Hiện nay, chưa xác định rõ quy mô của kiến trúc này bởi hố khai quật còn vướng nhà dân và mặt bằng kiến trúc còn đang có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu. Cả hai dấu tích kiến trúc này được đặc trưng bởi các viên gạch bìa màu đỏ bó thềm và các chân đá tảng hoa sen.
Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần | Giếng cổ thời Đại La - Lý |
Hàng gạch bó thềm hiện còn cao 47cm, rộng 88cm, được xây xếp bởi 9 hàng gạch. Các viên gạch đều có màu đỏ nhạt, diềm một số viên gạch có in hình chữ Hán, kích thước 40cm x19,5cm x 4,5cm.
Có 10 chân đá tảng hoa sen đang được đặt nguyên tại chỗ trên các móng trụ gia cố bằng sỏi và gạch rất chắc chắn. Chân tảng hình vuông (65cm - 73,50cm x 65cm - 74cm), mặt tảng hình tròn (đường kính 41cm - 49cm), xung quanh có chạm 14 cánh sen dáng thon dài, nét chạm thanh tú. Loại chân tảng cánh sen này tương tự như các chân đá tảng hoa sen ở tháp Tường Long (Hải Phòng) năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định) năm 1107.
Trong khu vực mặt nền kiến trúc cũng đã tìm thấy một số di vật trang trí kiến trúc thời Lý và thời Trần. Điều này cho thấy rằng kiến trúc này có từ thời Lý và khả năng được tiếp tục sử dụng vào thời Trần được.
Dấu tích giếng nước cổ thời Lý | Chi tiết giếng nước cổ thời Lý |
- Ở khu A1 đã xuất lộ gần hết một đơn nguyên kiến trúc lớn dài hơn 60m, rộng 17,65m với hơn 40 trụ móng hình vuông (1,30m x 1,30m) được gia cố bằng sỏi và gạch ngói vụn tương tự như kiến trúc ở khu A20. Kiến trúc này được sử dụng trong cả thời Lý và thời Trần. Vào cuối thời Trần, kiến trúc bị cháy và thay vào đó một kiến trúc khác nhỏ hơn và một hồ nước nhỏ ở đây.
- Ở khu B, cũng tìm thấy nhiều vết tích kiến trúc, trong đó bước đầu đã tìm thấy quy mô khá hoàn chỉnh một kiến trúc có chiều dài hơn 60m, rộng 9m thuộc thời Lý - Trần với hơn 42 móng trụ sỏi được phân thành 11 gian, 2 chái. Đây là một kiến trúc có quy mô hoàn chỉnh nhất ở khu vực. Tại hố B16 cũng đã tìm thấy một nền kiến trúc có chân tảng đá hoa sen thời Trần và một nền kiến trúc có chân tảng đá thời Lý.
- Ở khu C, tuy chưa khai quật được nhiều, nhưng hố thăm dò C3 đã xuất lộ móng trụ vuông được gia cố bằng gạch vuông và sỏi mỗi cạnh dài 1,40m có niên đại thời Lý.
- Khu D, tuy diện tích khai quật chưa lớn nhưng có thể thấy nét đặc sắc của di tích ở đây là có những kiến trúc được viền các dải hình ''hoa chanh'' được xếp bằng các loại ngói có niên đại thời Trần. Ở hố D7 có mảng nền gạch còn nguyên cả 2 viên gạch chữ ''Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo'' nghĩa là gạch được chế tạo đời vua Lý thứ 3 (Lý Thánh Tông) năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057).
Gạch vuông xếp dưới đáy giếng thời Trần ở hố A9MR | Giếng nước cổ thời trần ở hố A9MR | Giếng nước cổ thời Lê Trung Hưng ở hố B12 |
Ở cả khu A và khu B đều tìm thấy dấu tích một loại kiến trúc được tạo bởi 7 móng trụ trong đó có một trụ móng ở giữa hình vuông, xung quanh là 6 trụ móng tròn. Bảy móng trụ này tạo thành một mặt bằng kiến trúc hình tròn (đường kính 3,74cm).
Có nhà nghiên cứu gọi đó là vết tích của kiến trúc kiểu ''lầu lục giác'' ở ven sông vì ngay cạnh các kiến trúc này là vết tích của một dòng sông cổ. Hiện đã tìm thấy 11 cụm móng trụ kiến trúc thư vậy đang phân bố dọc theo sông và kiến trúc lớn nhiều gian ở khu A1.
Các kiến trúc đều được bố trí các đường cống thoát nước. Có loại cống thoát nước của một kiến trúc có kích thước nhỏ, có loại cống thoát nước cho cả một khu vực thì kích thước lớn hơn. Các cửa cống đều có xu hướng đổ ra sông hoặc hồ.
Một hệ thống các di tích giếng nước đã tìm thấy 11 chiếc gồm: 2 giếng thời Đại La, 2 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng nước thời Lê và 2 giếng nước thời Lê - Nguyễn.
- Di tích mộ táng: có 2 mộ táng khoảng cuối thời Trần, 3 mộ thuộc thời Lê - Nguyễn, 1 mộ cuối thời Nguyễn và một số di cốt nằm rải rác ở khu B, tập trung nhiều ở hố B19 trong khu vực có dòng chảy cổ. Những mộ táng này đang được nghiên cứu về mặt nhân chủng và niên đại. Đáng lưu ý nhất là mộ táng tại hố B16 nằm ở độ sâu khoảng 2,10m, cạnh ngay bên dưới chân tảng đá hoa sen. Đây là mộ song táng của hai di cốt trẻ em khoảng 8 - 12 tuổi. Đầu mộ quay về hướng đông, hơi chếch bắc khoảng 200 - 300.
Tống Trung Tín
(Xem tiếp kỳ sau)