A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long - Gốm thời Lê

Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

(Tiếp theo kỳ trước)

Đĩa hoa lam lớn vẽ rồng và mây thời Lê Sơ Tk 15. ĐKM 37,7cm 

 

Bát nhỏ trang trí văn in bông hoa cúc. Gốm Hải Dương thời Lê, TK 17. Cao 5,2cm; ĐKM 14,4cm

Đồ gốm sứ thời Lê tìm được tại các hố khai quật có số lượng lớn, nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực ven triền sông cổ nằm giữa Khu A và B.

Để nhận diện về chất lượng gốm dùng trong Hoàng thành, tôi phân định gốm thời Lê theo ba thời kỳ: Gốm thời Lê Sơ (thế kỷ XV), Gốm thời Lê-Mạc (thế kỷ XVI) và Gốm thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Nhìn chung, gốm thời Lê - Mạc và Lê Trung Hưng có chất lượng thấp, hoa văn trang trí đơn giản và phát triển mạnh theo xu hướng dân gian. Những sưu tập đồ gốm tìm được từ các hố khai quật phần nhiều là sản phẩm của các lò gốm vùng Hải Dương và Bát Tràng. Tình hình này có sự khác biệt lớn so với gốm thời Lê Sơ.

       

Bát sứ trắng mỏng trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng, lòng in chữ Quan. Đồ ngự dụng, thời Lê Sơ TK 15. Cao 6,5cm; ĐKM 12,5cm

Bát hoa lam cao cấp vẽ rồng có chân 5 móng. Đồ ngự dụng thời Lê Sơ, Tk 15, cao 9,5cm; ĐKM 16,1cm

Điếu bát vẽ lam.
Gốm Hải Dương thời Lê,
Tk 17 - 18, cao 9,0cm

Hình này cho thấy độ mỏng
(thấu quang)

Gốm thời Lê Sơ có bước phát triển đột biến với sự bùng nổ các trung tâm sản xuất gốm lớn, nhất là vùng Hải Dương. Thời kỳ này gốm hoa lam, gốm men trắng và gốm vẽ nhiều màu đạt đến đỉnh cao của sự tinh mỹ. Bằng chứng từ những phát hiện trên các con tàu đắm ở Hội An (Quảng Nam), Pandanan (Philippin)... cho thấy những đồ gốm này đã từng là mặt hàng chủ đạo trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong công trình nghiên cứu trước, khi bàn về gốm ngoại thương Việt Nam, tôi đã đưa ra nhận xét rằng: nhiều đồ gốm cao cấp trong lô hàng trên con tàu đắm Hội An có những sản phẩm của lò gốm Thăng Long. Nhận xét này nay đã có đủ cơ sở khi tại dải gốm ven sông Khu A chúng tôi tìm thấy nhiều loại gốm hoa lam cao cấp, có hình dáng và hoa văn tương tự như những đồ gốm trên tàu đắm Hội An, ví dụ như loại bát vẽ rồng 4 móng, dưới đáy khắc chữ Trù (bếp), giữa lòng viết chữ Kính hay loại đĩa lớn vẽ rồng có bút pháp tinh tế như trên bản đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phát hiện có ý nghĩa này cho phép một lần nữa khẳng định về sự góp mặt quan trọng của gốm Thăng Long trong mối giao lưu kinh tế, văn hoá với quốc tế trong lịch sử.

      

Bát hoa lam vẽ cành lá, thời Lê Sơ, Tk 16. Cao 6,5cm; ĐKM 12,7cm

Mảnh bát, đĩa vẽ rồng, phượng. Đồ ngự dụng thời Lê Sơ, TK 15


Một phát hiện khác đem lại sự cảm phục của giới chuyên môn và những người say mê cổ ngoạn là loại gốm trắng mỏng trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng (cũng có loại rồng có 4 móng), giữa lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Nghiên cứu so sánh với gốm Hải Dương, tôi cho rằng đây là những sản phẩm của lò quan Thăng Long.


 Nhóm đồ sứ hoa lam cao cấp trang trí rồng, phượng.
Đồ ngự dụng, thời Lê Sơ TK 15

Cách đây vài năm trước, tại di chỉ gốm Ngói, Chu Đậu (Hải Dương) và Kim Lan (Gia Lâm) tôi đã tìm thấy bằng chứng sản xuất gốm của lò quan ở đây. Sản phẩm chính của những lò quan này được khẳng định rõ qua những đồ gốm sứ men trắng, trang trí in khuôn văn sóng nước hình vảy cá, giữa lòng in nổi chữ Quan như gốm Thăng Long. Nhưng so với gốm Thăng Long thì gốm lò quan Hải Dương có xương gốm dày, nặng và độ trắng của xương và men kém hơn gốm Thăng Long. Gốm Thăng Long cũng có loại xương gốm mỏng và loại xương gốm dày, nhưng về cơ bản xương gốm Thăng Long có chất lượng tốt hơn gốm Hải Dương. Gốm trắng mỏng Thăng Long chủ yếu là các loại bát, đĩa cỡ nhỏ, có xương mỏng như vỏ trứng (dạng sứ thấu quang), thành trong in nổi hình hai con rồng chân có 5 móng, giữa lòng in chữ Quan. Loại gốm trắng mỏng này chưa từng tìm được ở đâu ngoài khu lăng mộ vua nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hoá). Đặc điểm đáng lưu ý về loại gốm mỏng này là được nung đơn chiếc và men thường phủ kín đáy và mép vành chân đế. Chân đế được tạo rất mỏng và mép vành chân vê tròn chứ không cắt vát và cạo men ở mép vành chân như gốm Hải Dương. Đây là đặc điểm kỹ thuật rất khác biệt giữa gốm Thăng Long và gốm Hải Dương hay gốm Kim Lan. Bên cạnh loại gốm trang trí rồng, ở Thăng Long còn có loại gốm trắng trang trí văn in hoa cúc dây, giữa lòng cũng in nổi hay viết chữ Quan, nhưng phổ biến hơn là in hình một bông hoa nhỏ có 5 hoặc 6 cánh. Tại hố A10 cũng tìm được một khuôn in loại hoa văn này với đường nét tinh xảo.      

Nhóm bình, lọ men trắng thời Lê Sơ, TK 15

Lư hương  men trắng có 3 chân, thân trang trí nổi quẻ "bát quái". Thời Lê Sơ, TK 15,
cao 19,5; ĐKM 25,5

Ngoài ra, loại gốm men trắng vẽ chỉ lam cũng tìm được khá nhiều, nhưng ở loại cao cấp giữa lòng thường viết chữ Quan bằng màu xanh cobalt. Trong số lượng phong phú các loại bình, vò men trắng tìm thấy trong dải gốm ven sông Khu A cũng có khá nhiều tiêu bản dưới đáy viết chữ Quan bằng màu son nâu. Chữ Quan ở đây được hiểu theo hai nghĩa: quan diêu (sản phẩm của lò quan) và quan dụng (đồ dùng dành cho vua quan).

Cùng với chữ Quan, sự tinh mỹ đến mức ngạc nhiên của loại sứ trắng mỏng và gốm hoa lam cao cấp được trang trí các đồ án mang tính biểu trưng của vương quyền (rồng có chân 5 móng và hình chim phượng) cho thấy rõ đây là những đồ ngự dụng trong Hoàng cung.

Nhận định trên được củng cố thêm khi ở đây chúng tôi tìm thấy nhiều đồ gốm sứ có ghi chữ Hán ''Trường Lạc'' hay ''Trường Lạc khó''. Theo ghi chép của sử cũ thì Trường Lạc là cung của bà Trường Lạc Thánh Từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng vợ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Như vậy những đồ sứ này được hiểu đó là những vật dụng của cung Trường Lạc.

Bên cạnh số lượng lớn và đa dạng các loại hình đồ gốm nói trên, tại khu vực khai quật còn tìm được một sưu tập phong phú các loại đĩa đèn dầu lạc nhỏ men trắng và các loại bình vôi còn khá nguyên vẹn. Trong sưu tập bình vôi có khá nhiều tiêu bản đẹp, phần quai tạo hình tua cau và những quả cau nhỏ đã được dùng đựng vôi để ăn trầu.

Nhóm bình vôi men trắng
thời Trần và  thời Lê Sơ  

Nhóm đĩa đèn dầu lạc
thời Trần và thời Lê

Cùng với loại hình bình vôi, ở dải gốm ven sông còn tìm thấy những chiếc bình đựng bã trầu bằng gốm men (hay còn gọi là ống nhổ) và một số chuôi dao cau làm bằng nanh, vuốt thú hay bằng loại gỗ quý. Xung quanh một số chuôi dao còn được bọc kim loại màu vàng và bên trên được chạm khắc hoa văn rất đẹp. Nhóm di vật này có niên đại vào khoảng thời Trần và thời Lê. Những tư liệu này là bằng chứng thuyết phục cho ta biết rằng, trong Hoàng cung xưa, tục ăn trầu cũng rất phổ biến.

Rõ ràng, những khám phá của khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long đã mở ra một chương mới rất quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long. Những đồ gốm tìm được ở đây phần lớn là những vật dụng dùng trong Hoàng cung.

Bên cạnh những loại hình đồ gốm ngoại nhập, bằng chứng về việc sản xuất tại chỗ của những đồ gốm sứ cao cấp thời Lý, Trần, Lê cũng đã có nhiều cơ sở khẳng định. Dựa vào những đồ gốm phế thải và các công cụ sản xuất, tôi nghĩ rằng ngay từ thời Lý, Thăng Long đã có lò quan chuyên sản xuất gốm sứ cung đình. Những lò gốm ấy tiếp tục hoạt động kéo dài cho đến thời Lê và sản xuất nhiều loại hình đồ gốm sứ cao cấp.

Bằng chứng giúp tôi vững tin vào điều này là những đồ gốm sứ thời Lê Sơ trang trí rồng 5 móng, lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Như vậy có thể tạm kết luận rằng: việc tìm thấy những đồ ngự dụng trong khu vực khai quật không những cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn góp thêm bằng chứng tin cậy để củng cố ý kiến cho rằng: các dấu tích kiến trúc lớn ở đây là những cung, điện của trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.

                  (Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu