Di cốt người cổ
(Tiếp theo kỳ trước)
Các di cốt này có niên đại từ thế kỷ XIV (thời Trần) đến thế kỷ XIX (thời Nguyễn). Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét chủ yếu về những di cốt đó.
1. Mộ táng
Di tích mộ táng phát hiện trong khu vực Hoàng Thành có ba loại hình khác nhau:
* Loại hình mộ đơn táng
* Loại hình mộ song táng
* Loại hình mộ tập thể
1.1 Mộ đơn táng
Mộ trẻ em thời Trần tìm thấy ở hố A3 | Chi tiết sọ mộ B19 |
Mộ đơn táng phát hiện được ở khu vực các hố: A3, A4, B19 ký hiệu lần lượt như sau:
* BĐ.02.A3.L6.M1:
Mộ BĐ.02.A3.L6.M1: mộ nằm theo hướng Đông chếch Bắc, mặt nghiêng về Bắc chếch Tây. Mộ xuất lộ ở đáy lớp 5 và mặt trên lớp 6. Bộ xương nằm trên những viên ngói đỏ vỡ to nằm lộn xộn, không có gì chứng tỏ là chỗ chôn được chuẩn bị có chủ ý (trích nhật ký khai quật của PGS.TS. Phạm Lý Hương). Bộ xương nằm ở tư thế nghiêng, chân hơi co, không có đồ tùy táng chôn theo. Dựa vào tư thế và vị trí mộ táng cho phép chúng ta nghĩ rằng dường như người chết không được chôn cất tử tế với đầy đủ thủ tục.
* BĐ.02.A4.M1:
|
|
Mộ xuất lộ từ lớp 1, ở độ sâu 105cm - 115cm. Đầu mộ quay hướng Tây-Bắc, nằm cách vách Tây 226cm, cách vách Bắc 305cm. Mặt trên của mộ phủ ngói, gạch cổ. Di cốt được chôn thẳng và nằm ngửa, đầu gối lên 3 bát sứ hoa lam nằm úp; phần bụng đặt ngửa một chiếc bát sứ cùng loại bên cạnh có một cối giã trầu và một cái têm trầu bằng kim loại (đồng). Phía dưới chỗ chậu hông đặt một cây đèn “dầu lạc” có men lam xám và mảnh thuỷ tinh hình tròn, có thể là mắt kính chăng? Phía cuối mộ, góc bên phải có một mảnh bát gốm Hải Dương trang trí văn in hoa cúc thế kỷ XVII. Theo TS. Bùi Minh Trí, cây đèn gốm có nguồn gốc ở Biên Hoà, niên đại khoảng thế kỷ XIX (thời Nguyễn) và những bát sứ hoa lam nói trên là đồ sứ Hồng Kông có cùng niên đại này .
* BĐ.02.B19:
|
1.2 Mộ song táng
|
Mộ nằm thấp hơn chân tảng khoảng 30 - 40cm và cách chân tảng khoảng 20cm - 40cm, cách vách Tây 220cm - 340cm. Mộ được ký hiệu: BĐ.02.B16.M1a (là mộ nằm cao về hướng Đông).
* BĐ.02.B16.M1B:
Mộ nằm theo hướng Đông chếch Bắc khoảng 200 - 300, mặt nghiêng về hướng Nam. Dựa vào tư thế giải phẫu chúng tôi xác định:
Mộ 1a: nằm sấp, hai tay duỗi, bàn tay phải ngửa.
Mộ 1b: nằm nghiêng co chân, tay đặt lên đầu gối của mộ M1a, phần khớp gối mộ M1b nằm đè lên phần đầu dưới của xương chày và xương mác mộ M1a.
Qua dấu tích biên mộ cho thấy phía đầu mộ đã đào phá vào một phần trụ móng sỏi của kiến trúc thời Trần. Vì vậy, niên đại của mộ có lẽ muộn hơn niên đại của kiến trúc.
1.3 Mộ tập thể
Tại hố B17, nằm trong lớp gạch, ngói đổ vỡ của thời Lê Trung Hưng đã phát hiện một mộ chôn 4 cá thể. Mộ có biên hình tròn, có đường kính 150cm. Khi xử lý, cạnh chậu hông của cá thể nằm gần phía Nam tìm thấy hai viên đạn chì.
Điều lý thú là dựa vào tư thế giải phẫu của cá thể nằm dưới cùng, chúng tôi thấy cá thể này hai tay bị trói ra phía sau lưng và hai chân cũng quặp vào phía sau. Hiện tượng này cho thấy cá thể này có thể đã bị trói và sau khi chết bị vứt xuống hố. Ba cá thế khác cũng được chôn cùng thời và nằm chồng đè lên nhau.
Niên đại của các ngôi mộ này có khả năng thuộc thời Lê Trung Hưng.
2. Tư liệu di cốt
Tính đến thời điểm tháng 1/2004, tại khu vực khai quật phát hiện được 12 di cốt người cổ, chúng tôi đã sơ bộ nghiên cứu được một số cá thể. Sau đây là kết quả ban đầu về những nghiên cứu đó:
* BĐ.02.A4.M1:
Xương sọ vỡ vụn, còn một phần xương trán, ổ mắt bên trái, cung mày bên trái, xương đỉnh trái, xương thái dương trái. Mỏm chũm nhỏ, thanh nhẹ.
Xương hàm nhỏ, nhẹ. Răng đã bị rụng trước khi chết. Dựa vào đường khớp và sự mọc răng, chúng tôi xác định di cốt BĐ.02.A4.M1 là nữ, khoảng trên 60 tuổi. Dựa vào chiều dài xương chi, di cốt này cao khoảng 152cm.
* BĐ.02.B19.M1:
Từ 128 mảnh xương sọ, chúng tôi đã gắn chắp và phục dựng lại một sọ của một cá thể nam giới nhuộm răng đen, khoảng 35 – 40 tuổi, cao khoảng 165cm.
Đặc biệt là ở phần trán - đỉnh bên trái xương sọ có một vết chém dài khoảng 5cm, sâu 3mm và một vết chém sượt ở đỉnh - chẩm khoảng 3cm. Theo các nhà giải phẫu và các nhà pháp y, với vết thương ở đầu như vậy có thể là nguyên nhân gây nên cái chết của di cốt BĐ.02.B19.M1.
* BĐ.02.B19.M2:
Hộp sọ tương đối đủ, ở hiện trường sọ nằm kiểu trồng cây chuối, đỉnh nằm ở dưới, lỗ chẩm quay ngược lên trên. Sọ vỡ phần trán, ổ mắt sắc mỏng. Mắt có dạng vuông cao, sọ thanh nhẹ, mỏm chũm nhỏ. Răng nhuộm đen, xương sọ nhẵn đen. Dựa vào hình thái sọ và sự cốt hoá có khả năng di cốt BĐ.02.B19.M2 là nữ khoảng 20-25 tuổi.
* BĐ.02.B19.M3:
Sọ vỡ làm nhiều mảnh được thu gom từ nhiều vị trí khác nhau. Sọ này còn lại các phần sau: mảnh xương trán, ổ mắt bên trái, ổ mắt trán bên phải, mảnh xương đỉnh, xương chẩm và xương hàm. Xương hàm dưới to và cao cho thấy hàm khoẻ. Răng nhuộm đen, có răng cửa hình xẻng. Khi nghiên cứu chúng tôi thấy không có răng M3. Để kiểm tra chính xác hơn, chúng tôi đã tiến hành chụp X-quang xương hàm dưới và thấy có hiện tượng thiếu răng M3 (vì nếu răng chưa mọc thì phải có mầm răng ở trong hàm, nhưng khi chụp X-quang thì trong hàm không có răng M3). Như vậy, di cốt BĐ.02.B19.M3 có hiện tượng thiếu răng hàm M3. Bộ răng của di cốt BĐ.02.B19.M3 không đủ 32 răng. Dựa vào hình thái xương hàm dưới, chúng tôi xác định di cốt này là một người đàn ông có khuôn mặt quắc thước, hàm vuông, khoảng hơn 20 tuổi.
Như vậy, bên cạnh các di tích kiến trúc, một số hố đào ở khu A và B đều đã tìm thấy những di cốt mộ cổ. Những di cốt mộ cổ này đang còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn vì nó được phát hiện ngay trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Chẳng hạn như ngôi mộ trẻ em song táng chôn ngay sát dưới chân tảng cột kiến trúc ở hố B16, đây có phải là kiểu táng thức liên quan đến tín ngưỡng hiến sinh như Nhật Bản hay Trung Quốc cổ đại hay không?... là vấn đề đang được quan tâm nghiên cứu. Ngoài ra còn nhiều vấn đề xung quanh nguyên nhân cái chết của những di cốt chôn ở khu vực này.
Để giải mã những điều bí ẩn đó, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và sẽ thông báo vào dịp khác.
Nguyễn Kim Thúy và Trương Hữu Nghĩa
(Hết)