A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Danh họa Mai Trung Thứ tạc hồn Việt trên tranh lụa

Những tác phẩm đắt giá nhất của danh họa Mai Trung Thứ đều vẽ thiếu nữ nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm chất Việt Nam.

 Họa sĩ Mai Trung Thứ

Bảo tàng Cernuschi - chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris - hôm 28/5 ra thông báo tổ chức triển lãm trưng bày 140 tác phẩm của Mai Trung Thứ. Sự kiện được giới chuyên môn mong đợi trong bối cảnh nhiều tranh của ông đạt giá cao. Hôm 24/5, bức Mona Lisa được mua 724.000 USD (hơn 16,6 tỷ đồng) tại nhà đấu giá Christie's Hong Kong. Trước đó, hồi tháng 4, ông ghi dấu lịch sử mỹ thuật Việt Nam khi bức Chân dung cô Phương đạt 3,1 triệu USD.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân - nhớ về người họa sĩ có hai mắt to, lồi, mái tóc rẽ ngôi 3/7 bóng bẩy và phong thái lịch thiệp. "Ông Thứ có đôi mắt giống cha tôi - Tô Ngọc Vân. Cha tôi nói ông hay cười, dí dỏm bởi vậy mà con gái mê ông rất nhiều", Tô Ngọc Thành nói. Bạn bè khi ấy thường gọi ông là Mai Thứ - đây cũng là tên được ông dùng làm bút hiệu, ký trên các tác phẩm sau này.

Trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam, Mai Trung Thứ ghi dấu như một trong những người đưa mỹ thuật trong nước ra thế giới. Sinh ra trong gia đình quan lại, ông được học tập bài bản, thoải mái bộc lộ đam mê. Năm 1925, khi tròn 19 tuổi, ông cùng Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh... trở thành những sinh viên đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lê Phổ từng nhận xét Mai Trung Thứ là người vẽ đẹp nhất khóa của ông. 25 tuổi, tranh của ông được trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới như ở Paris, Roma, Bỉ...

Bước ngoặt đến với Mai Trung Thứ vào năm 1937, khi ông được cử sang Pháp dự Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí. Sau đó, ông quyết định ở lại sống và làm việc. Từ đây, ông vẽ nên trang sử cuộc đời của một trong "tứ kiệt trời Âu" trong nền hội họa Việt Nam: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu).

 Tác phẩm vẽ thiếu nữ của Mai Trung Thứ. Ảnh: Mai-thu.fr

Hình ảnh người thiếu nữ đậm hồn Việt trong tranh lụa là dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Thuở còn là sinh viên, họa sĩ bắt đầu vẽ thiếu nữ trên chất liệu sơn dầu - chuyên ngành học của ông, sau đó dần chuyển sang tranh lụa. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp và chuyển về dạy học tại trường Quốc học Huế, tài năng của ông nở rộ với loạt tác phẩm tranh lụa vẽ người con gái nơi đây.

Cùng đề tài thiếu nữ, Lê Phổ khắc họa vẻ đẹp đài các, quý phái còn Mai Trung Thứ chuộng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát. Trong tranh của ông, các cô gái thường có vóc dáng mảnh mai, diện áo dài, tóc búi. Đặc biệt, đôi mắt của họ mơ mộng, xa xăm lẫn chút u sầu. Sinh thời, họa sĩ Trần Văn Cẩn nhận xét không ai vẽ mắt đẹp như Mai Trung Thứ. Ông thích nhất hình ảnh thiếu nữ có đôi mắt trong như dòng sông Hương nhưng buồn bã, thâm trầm trong Cô gái có tang (1935) của đàn anh. Họa sĩ Tô Ngọc Vân như bị cuốn vào đôi mắt ươn ướt sắp khóc của cô gái ở bức Thiếu nữ.

Năm 1967, ông tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề Phụ nữ dưới con mắt của Mai Thứ, được giới chuyên môn và công chúng đón nhận. Những tranh giá cao của ông đều là vẽ thiếu nữ, như: Tiệc trà có giá 815.500 HKD (khoảng 2,2 tỷ đồng), Người phụ nữ nhìn qua ban công - 600.000 HKD (hơn 1,7 tỷ đồng), Năm cô gái trẻ giá 625.000 HKD (hơn 1,85 tỷ đồng)... Trong phòng tranh riêng của nhà sưu tập Jean François Apesteguy tại Deauville (Pháp), tranh vẽ thiếu nữ của Mai Trung Thứ luôn được đặt ở những vị trí đặc biệt.

Mai Trung Thứ sử dụng những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục... đậm đà và tươi sáng. Ông khắt khe về bố cục, có sự thống nhất về màu sắc, đường nét và không gian. Tranh có sự cải biên dựa trên kỹ thuật vẽ của hội họa hiện đại phương Tây, tạo ra phong cách riêng biệt. Trong cuốn Đi vào cõi tạo hình, họa sĩ Đinh Cường viết: "Tranh lụa Mai Thứ là những nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát, vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu".

 Một bức tranh vẽ trẻ em của Mai Trung Thứ được Unicef in trên bưu thiếp

Ngoài thiếu nữ, trẻ em và những năm tháng thơ ấu tại Việt Nam cũng là niềm cảm hứng sáng tác của Mai Trung Thứ. Đó là khoảnh khắc lũ trẻ quây quần nhảy múa, đánh trống, thổi kèn trong những ngày lễ, những đêm hè tĩnh mịch nơi làng quê, chị cõng em... Ông chọn gam màu tươi sáng với nét vẽ đơn giản. Họa sĩ Lê Phổ từng nhận xét: "Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ".

Theo Tô Ngọc Thành, tranh vẽ thiếu nhi của Mai Trung Thứ gửi gắm tình yêu và hy vọng, khắc họa rõ nét tâm hồn của một người lớn biết yêu trẻ con. Từ năm 1960 - 1965, ông hợp tác Unicef trong chiến dịch Giúp đỡ tuổi thơ bất hạnh và xuất bản bưu thiếp bằng nhiều ngôn ngữ. Ông từng tổ chức hai triển lãm cá nhân về đề tài này là Trẻ em của Mai Thứ (1964) và Thế giới thơ của Mai Thứ (1980). Ngoài ra, ông vẽ tranh chân dung bằng màu phấn, bút chì đậm nét cổ điển hoặc tranh khỏa thân.

Mai Trung Thứ còn được biết tới là người đa tài khi chơi nhiều loại nhạc cụ, đam mê quay phim, chụp ảnh. Ông có thể chơi đàn bầu, đàn nguyệt, tam thập lục, thổi sáo. Ở Pháp, ông nhiều lần biểu diễn trên các chương trình phát thanh. Ông còn tự thu âm để vừa vẽ, vừa nghe nhạc. Hình ảnh nhạc cụ dân tộc cũng nhiều lần xuất hiện trong tranh của ông.

Ông là người được cử đi cùng để quay phim, ghi lại các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến sang Pháp năm 1946. Những thước phim sau đó trở thành tư liệu lịch sử quý giá. Ông còn là tác giả của phim tài liệu Vẽ tranh trên lụa, được chiếu nhiều lần tại Cité Universitaire và Musée de l'Homme.

Năm 1980, Mai Trung Thứ qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Nhà sưu tập Jean François Apesteguy viết lời tiễn biệt: "Nhờ Mai Thứ, tôi biết đến một Việt Nam thanh bình, nên thơ với hình ảnh những thiếu nữ mơ mộng trong tà áo dài, những đứa trẻ đang nô đùa, học tập và cả phong cảnh, các loại nhạc cụ. Tôi yêu cách ông sử dụng màu sắc và bài trí bố cục theo một cách rất riêng. Tranh của ông sẽ còn sống mãi".

Hiểu Nhân/ vnexpress.net


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm