A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị Phó bảng yêu nước, thương dân

Công cuộc sưu tầm, xác minh tài liệu từ nhiều nguồn của giới nghiên cứu tới nay đã đủ để đánh giá Phó bảng Phạm Văn Thụ (1866-1930) là một nhân vật lịch sử đáng được tôn vinh.

Tỉnh Hưng Yên đã quyết định bảo tồn, tôn tạo Khu lăng mộ của  cụ tại quê nhà - xã Bạch Sam, nay thuộc huyện Mỹ Hào.

Di tích kiến trúc này, cùng với nhiều di cảo mà Phó bảng Phạm Văn Thụ để lại hiện còn được lưu giữ tại dòng họ, tại kho sách của Viễn Ðông bác cổ ngày trước, và tiểu sử một  con nhà nghèo hiếu học thành tài, suốt đời đem tài năng làm những việc có ích cho dân, cho nước, hết lòng bảo vệ văn hiến dân tộc, của nhà chí sĩ, có ý nghĩa giáo dục, khích lệ các thế hệ học sinh, thanh niên ngày nay lòng ham học, học giỏi, chí tiến thủ  lập thân, lập nghiệp.

Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo ở quê nghèo mà có tiếng văn vật sánh ngang với vùng Hành Thiện bên Nam Ðịnh ("đông Bạch Sam, nam Hành Thiện"), ham học và thông minh từ nhỏ, cậu bé Thụ miệt mài tự học. 20 tuổi đỗ tú tài, rồi vừa dạy học làm kế sinh nhai, vừa tìm sách tự học không mệt mỏi, có khi sang Nam Ðịnh dạy học để có thể lui tới làng Hành Thiện để học hỏi thêm.

Khi đó phong trào Cần Vương đang lan rộng, cơ may gặp được thủ lĩnh quân nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật, cậu tú trẻ hỏi về hướng lập thân. Ông Tán Thuật khuyên rằng đã học thì phải đi thi để đỗ đạt, có chức quan để chăm lo cho dân đỡ khổ,  đó cũng là cách kẻ sĩ giúp dân giúp nước. Từ đó, anh tú Phạm Văn Thụ thi đỗ cử nhân tại trường thi Nam Ðịnh (1891), rồi được bạn bè quyên góp và được vợ vay cho lộ phí lặn lội vào Huế thi Ðình (1892), đỗ Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Thượng Hiền.

Sau đó là quãng đời gần 40 năm làm tri huyện ở nhiều huyện trong tỉnh Thái Bình, rồi làm Tri phủ Kiến Xương, sau lên án sát Thái Bình, thời gian sau làm Tuần phủ Phúc Yên, rồi Tổng đốc các tỉnh Bắc Ninh, Nam Ðịnh, Phó bảng Phạm Văn Thụ dốc lòng chăm lo đời sống dân chúng, nêu gương thanh liêm, cần kiệm, ở đâu cũng được dân trọng vọng. Ông đôn đốc các làng xã gia cố đê kè phòng lụt, những kỳ đê vỡ thì ngày đêm chỉ huy tráng đinh hàn khẩu. Cữ nông nhàn thì huy động dân chúng và xin thêm tiền gạo cho dân đào mương, bắc cầu, xây cống, làm đường. Ông úy lạo nhà nông chăm chỉ nghề nông tang. Ông mở mang trường học, cả trường chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ, mở các kỳ bình văn thơ, tu sửa văn miếu hàng tỉnh, hô hào bài trừ hủ tục. Ông ngăn cấm tệ tham nhũng. Những lệ cũ chánh tổng, lý trưởng nộp "lệ phí",  lên huyện, tỉnh, thực chất là đút lót, ông sung công quỹ để chi phí việc công ích và phát chẩn cho vùng bị thiên tai, đói kém... Có chánh tổng hỏi ông cứ thanh liêm thế, về hưu lấy gì tiêu pha, ông đáp: "Nghề làm quan không phải để làm giàu. Ăn của dân cốt làm việc cho dân, trước là trị an, thứ đến là khuyến học, khuyến nông, muốn hưng lợi, trước tiên phải trừ tệ nạn. Dân vui là ta hết khó nhọc". Ông năng đi thăm dân tình các làng xã, giải nỗi oan sai cho dân, có lần tấu sớ biện bạch lên Nam triều cứu mạng cho hàng trăm dân Thái Bình bị ghép tội "phản loạn"...

Phạm Văn Thụ có nhiều dịp gặp gỡ các bậc chí sĩ đương thời như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ðinh Chương Dương, Nghiêm Xuân Quảng. Ông thường đem tiền lương ủng hộ các phong trào Ðông Du thông qua người liên lạc là bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) cùng các cuộc vận động duy tân khác. Chính quyền Pháp nghi ngại, điều ông lên làm ở phủ Liêm sứ. Từ chối mãi không xong, ông chỉ nhận làm chân đọc đơn từ (1908-1910). Nhờ thế, biết được nhiều đơn thư mật báo tố giác những người chống chính quyền bảo hộ, ông đã tìm cách can thiệp, có lần giải thoát được các nhà yêu nước Nguyễn Hữu Cương, Chu Dưỡng Bình, những lần khác cứu được hàng trăm người liên quan đến quân nghĩa Ðề Thám và vụ Hà thành đầu độc.

Là nhà khoa bảng yêu xứ sở, ham trước tác vào lúc rảnh rỗi, từng viết nhiều tập địa chí Thái Bình, viết sách tuyên truyền cải cách phong hóa, làm thơ (từng có thơ được vua Khải Ðịnh chọn khắc vào bình phong chữ bạc khảm vàng), viết lời bạt hay bình luận cho nhiều cuốn sách đương thời,  Phó bảng Nguyễn Văn Thụ cũng có công lớn trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Ông từng góp sức ngăn chặn mưu đồ của quân Pháp phá lăng Tự Ðức để tìm vàng bạc sung quân quỹ. Ông ngăn chặn được vụ chính quyền Pháp lệnh cho hào lý địa phương đốt đền Sóc Sơn là nơi chúng được mật báo lãnh tụ Ðề Thám sắp đến làm lễ tế cờ. Ðặc biệt, ông nhân danh thân sĩ Bắc Kỳ đứng ra đấu lý sắc bén, đầy tinh thần tự tôn dân tộc: "Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân cũng không thể hủy được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích cho cả nước Nam!". Chính quyền thực dân phải từ bỏ ý định lấy Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm nhà thương, cho dù chúng đã quyết định bỏ ra hai vạn lạng bạc cho tỉnh Hà Ðông xây văn miếu ở nơi khác.

Qua thời tráng niên, vào kinh đệ xin về hưu sớm không được Khải Ðịnh ưng thuận, Phạm Văn Thụ lưu lại Huế một thời gian dưới triều Khải Ðịnh rồi Bảo Ðại, làm công việc Thượng thư bộ Hộ, sắp đặt các công việc tu sửa cung điện, di tích, bảo tồn các bảo vật hoàng cung, tinh giản nghi thức trong triều... Cuối đời, Phó bảng Phạm Văn Thụ được phong "Nam tước-Thượng thư Cơ mật viện đại thần", hàm vị "Thái tử thiếu bảo, Ðông các đại học sĩ". Ông qua đời ngày 7-7-1930 tại quê nhà.

(Nhân Dân)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm