Văn Cao - người nghệ sĩ tiên phong đa tài
Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, nhưng quê quán ở làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định… Lớn lên, cuộc đời Văn Cao song hành với những năm tháng đầy biến động, sục sôi bão tố cách mạng. Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, quê hương, “Văn Cao đến với cách mạng hoàn toàn chủ động bằng ý thức tự nguyện” (Văn Thao). Tham gia đội “Danh dự” Việt Minh và bằng khẩu ru-lô bạn tặng đã tận tay trừ khử một tên mật thám gian ác, tay sai phát xít Nhật ngay tại Hải Phòng. Là một chiến sĩ cách mạng, ông đã từng cùng Nguyễn Đình Thi viết và in báo Độc Lập, một tờ báo cách mạng phát hành bí mật và tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, tháng 8/1945. Sau đó, nhận công tác điều tra viên của công an liên khu 10, phụ trách tình báo ở vùng biên giới Lào Cai. Năm 1946, ông cùng đồng chí Hà Đăng Ấn được giao nhiệm vụ chuyên chở tiền bạc và vũ khí trên một toa tàu tiếp tế cho mặt trận Nam Bộ, trực tiếp trao cho đồng chí Nguyễn Thị Định ở Quảng Ngãi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Văn Cao lên Vĩnh Yên tiếp tục làm báo Độc lập, rồi được Trung ương điều lên Việt Bắc tham gia thành lập Hội văn nghệ và làm báo Văn nghệ...
Cuộc đời hơn nửa thế kỉ tham gia cách mạng của Văn Cao nhiều thăng trầm, nhưng tình yêu đất nước, nhân dân gắn liền với tình yêu chân thành, thủy chung lí tưởng cộng sản đã giúp ông vượt qua những ngày tháng cam go, ác liệt. Nhà văn Trần Bạch Đằng đã hỏi trong một lần gặp gỡ Văn Cao: Sức mạnh nào đã giúp anh chịu đựng trong quá khứ? Và từng rớm nước mắt khi nghe câu trả lời thốt lên tự đáy lòng Văn Cao: Tôi là Đảng viên Đảng Cộng sản. Văn Cao là người chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là người nghệ sĩ đa tài, Văn Cao đã từng khẳng định tài năng của mình trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc. Ba ngọn nến sáng tạo luôn thắp sáng trong tâm hồn Văn Cao khi ông làm thơ, vẽ tranh và viết nhạc. Và hầu như ở lĩnh vực nào ông cũng là chiến sĩ tiên phong.
Với năng khiếu thiên bẩm, ngay từ khi học lớp đồng ấu, Văn Cao đã được thầy học chọn trình bày báo trường và từ bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn ấy được học tập, bồi dưỡng đã giúp Văn Cao tiến dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu. Ông tham gia trưng bày “Triển lãm Duy nhất” (Salon Unique – 1944) với ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”, “ Thái Hà ấp đêm mưa” và lập tức gây chấn động dư luận. Ba bức tranh đều được giải thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, lên Lào Cai, Văn Cao tiếp tục vẽ tranh thể hiện rung động nghệ sĩ của ông trước cuộc sống kháng chiến với các bức tranh “Phố lu”, “Gối mộng”, “Suối tóc”, “Lớn lên trong kháng chiến” được xem là những họa phẩm thành công… Từ sau năm 1956, Văn Cao đi vào hướng thẩm mĩ mới, ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, kí họa chân dung. Hàng trăm bức tranh minh họa báo Văn nghệ, rất nhiều bìa sách ông làm cho nhà xuất bản Thanh niên, nhà xuất bản Phụ nữ, nhà xuất bản Ngoại văn, một số chân dung bạn bè văn nghệ sĩ thân quen… đã được công chúng đánh giá cao. Nhà thơ, dịch giả Dương Tường nhận xét tranh minh họa của Văn Cao “mạnh dạn xử lí nét mảng khối theo một tiếp cận lập thể”, còn nhà phê bình mĩ thuật Thái Bá Vân đánh giá: “Cái nhìn hội họa ở Văn Cao có địa vị dẫn đường và chi phối”.
Họa phẩm của Văn Cao được công chúng yêu nghệ thuật mến mộ nhưng có lẽ âm nhạc mới là lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất. Văn Cao bước vào lĩnh vực âm nhạc khi mới 17 tuổi. “Buồn tàn thu” (1940) là ca khúc đầu tay của ông. Với ca từ đẹp, giai điệu buồn tha thiết, bài hát đã theo chàng du ca rất ngưỡng mộ Văn Cao – Phạm Duy Cẩn (sau này sáng tác nhạc, lấy bút danh là Phạm Duy) “gieo nhạc buồn đi khắp chốn”. Văn Cao sáng tác ca khúc và viết nhạc cho vở kịch “Nhật kí địa chất”, “Từ Trường Sơn”, “Hà Nội năm 1946” và các phim “Tiếng đàn diệu kì”, “Thạch Sanh” (phim cắt giấy)… Số ca khúc không nhiều, nhưng trong đó nhiều bài nổi tiếng, từ các ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”… các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, các thôn ca “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, anh hùng ca “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… đã được bao thế hệ công chúng yêu thích, ngưỡng mộ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng… Âm nhạc của anh là âm nhạc của thần tiên bay bổng”. Quả thế, nhạc của Văn Cao tinh tế về giai điệu, phong phú về tiết tấu, sang trọng mà rất đỗi trong sáng. Nhiều bài hát của Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam. Giai điệu hùng tráng của bài “Tiến quân ca”, một nhạc phẩm không thể thay thế, theo thời gian càng ngày càng vang khắp thế giới. Còn “Thiên thai” với giai điệu thần tiên huyền ảo đã là một bản nhạc trong băng nhạc của các nhà du hành vũ trụ Mỹ mang theo trong hành trình vũ trụ trên con tàu Apolo.
Ca khúc Văn Cao đầy ắp tính dự báo... Từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám, nhìn các chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân từ chiến khu về trang bị còn thô sơ, nhưng khuôn mặt vẫn ngời lên ý chí anh hùng, Văn Cao xúc động và mơ đến một ngày nào đó đất nước ta không chỉ có lục quân mà sẽ còn phải có nhiều quân, binh chủng hùng mạnh. Các bài hát “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” ra đời với lời ca hào sảng lãng mạn vẽ nên một tương lai huy hoàng về sức mạnh Việt Nam: Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh/Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng…Ngay từ những năm 1949, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khó khăn gian khổ, Văn Cao qua nhạc phẩm đã dự báo thắng lợi của cách mạng, những đội quân trùng trùng điệp điệp tiến về giải phóng thủ đô trong trống giong cờ mở, trong hân hoan háo hức của lòng người. Bài hát "Tiến về Hà Nội" ra đời với hào khí: "Trùng trùng đoàn quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố. Trùng trùng say trong câu hát…. ". Sau đó, ở khúc hoan ca mừng xuân đại thắng, mùa xuân đầu tiên đất nước thống nhất năm 1975, nhân dân ta từ Bắc chí Nam được sống trong thanh bình yên ấm, Văn Cao đã gửi gắm một ước mơ có ý nghĩa nhân bản, vĩnh hằng: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”… Âm nhạc của Văn Cao đã được công chúng đón nhận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình… sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.
Cùng với âm nhạc, hội hoạ, trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao cũng đã để lại cho nhân thế những sáng tác nổi tiếng. Năm 1940 trong hành trình viễn du từ Bắc vào Nam, Văn Cao hoàn thành tác phẩm “Một đêm đàn lạnh trên sông Hương”. Sau đó ông còn công bố những bài thơ gây tiếng vang lớn. Thơ của Văn Cao luôn luôn có sự đổi mới, nhạy cảm với thời cuộc, nhân tình thế thái, luôn tạo cho thơ sức nặng của tầm cao tư tưởng, rũ bỏ những làn điệu êm ái, ông nhìn thảm cảnh đau thương năm Ất Dậu là những nỗi kinh hoàng, tiếng kêu xé lòng của một kiếp người, bài thơ: "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc", khẳng định sự tận số của chế độ cũ, dự báo sự tất thắng của cuộc cách mạng dân tộc vì độc lập tự do, bài thơ "Ngoại ô mùa đông năm 1946"…
Thơ Văn Cao in đậm tìm tòi, cách tân trong hình thức, không theo vần điệu mà từ cung bậc của cảm xúc mang tính triết lý, nhưng đầy chất lãng mạn, trữ tình, nhằm tăng cường khả năng truyền cảm. Có thể nói, ở lĩnh vực sáng tạo nào từ nhạc đến hội hoạ và thi ca, Văn Cao cũng cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Như sự đánh giá của dư luận, hoặc ngay cả lời bày tỏ của chính Văn Cao với đồng nghiệp và báo chí : “Ông vẽ và làm thơ như một thôi thúc, còn âm nhạc trước sau vẫn là lẽ sống của đời mình”. Những nhạc phẩm của Văn Cao thực sự có sức sống mãnh liệt, vượt thời gian, sẽ còn sống mãi trong tâm trí của thế hệ công chúng. Đúng như lời học giả Đặng Thai Mai đã khẳng định: “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm văn hoá - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”...
Ghi nhận những đóng góp sáng tạo của Văn Cao trong sự nghiệp Cách mạng, ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, Nhà nước đã trao tặng Ông Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác. Song đó không phải là tất cả, mà hơn thế nữa, đó chính là sự quý trọng của nhân dân, sự lưu truyền và sức sống những tác phẩm của ông trong lòng dân tộc. Tên ông được đặt tên đường phố ở Thủ đô Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Tp.Đà Nẵng, Tp Huế, Tp Đà Lạt, Tp Lạng Sơn...
Cùng với thời gian, sự đóng góp của các văn nghệ sỹ, trong đó có nhạc sĩ-hoạ sĩ-nhà thơ Văn Cao với quê hương đất nước đã không chỉ góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá của mảnh đất Việt Nam giàu truyền thống văn hiến, mà còn thiết thực góp sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
(Theo Tạp chí Tuyên giáo)