Ưng Bình Thúc Giạ Thị: Một tâm hồn Huế
|
Sinh trong một gia đình hoàng tộc, yêu văn chương từ ông nội, đến cha mẹ (thân sinh của ông là cụ Tiểu Thảo Hường Thiết có tập Liên hiệp hiên thi tập; bà mẹ là Nguyễn thị Huệ cũng có nhiều bài thơ nôm hay, được truyền tụng) nên Ưng Bình Thúc Giả thị, hầu như cả đời, dù có dấn mình vào khoa cử (đỗ cử nhân Hán học năm 1909, vào quan trường (làm tri huyện, tri phủ, Bố chánh về hưu với hàm Thượng Thư, Hiệp tá Đại học sĩ), nhưng yêu và mê say suốt đời của ông Thúc Giạ, chính là thơ ca.
Về thơ, ông viết tới hàng ngàn bài, trong đó có thơ chữ Hán (Lộc Minh thi tập) có 227 bài, còn lại đều là thơ ca tiếng Việt, gồm ngót một ngàn bài. Ông còn chuyển dịch và có phần nào phóng tác tuồng Lệ Địch (le Cid) của nhà văn Pháp P.Corneille và viết một số tác phẩm khác như Bán buồn mua vui, Đời Thúc Giạ. Thơ của ông tập hợp trong các thi phẩm Tiếng hát sông Hương (1972) và Thơ ca tuyển (1992).
Ưng Bình Thúc Giạ thị là một người Huế gốc, mà nói đến Huế là phải nói đến một thiên nhiên với núi Ngự, sông Hương, cửa Thuận và Phá Tam Giang, những thắng tích vào bậc nhất miền Trung và trong cả nước… Nói đến Huế là phải nói đến chất kinh thành, vương gia, lăng tẩm, chất tinh tế có phần quý phái…và, thơ ca thì thường hay buồn, vốn dĩ xưa đã có những giọng ca buồn từ thời châu Hoá, châu Ô, châu Lý…xa xôi…
Chất Huế còn là một cái gì đó thanh nhã, dịu dàng và chút nào kiêu sa, đài các.
Yêu thiên nhiên là một nét đặc sắc trong thơ Ưng Bình Thúc Giạ thị…Dù làm quan, hay là đi thăm thú danh lam thắng cảnh, điều đầu tiên Thúc Giạ chú ý tới là trời, đất, núi, sông hồn nhiên và mỗi nơi một vẻ đẹp riêng.
Trong tập thơ chữ Hán, Lộc Minh thi tập, Thúc Giạ đi nhiều, viết nhiều về các vùng đất, di tích nổi tiếng như chùa Trà Am, chùa Thiên Mụ, núi Ngự, sông Hương ở Huế, sông Ngưu Chữ ở Hương Khê; Đầm Cầu Hai; núi Bạch Mã ở Thừa Thiên; Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam; sông Thạch Hãn ở Quảng Trị; núi Linh Phong ở Bình Định; động Phong Nha, Lũng Thầy, sông Gianh, sông Nhật Lệ, núi Đầu Mâu ở Quảng Bình, Đèo Ngang, ranh giới của Hà Tĩnh và Quảng Bình; văn miếu ở Hà Nội…
Bài thơ về núi Linh Phong ở Bình Định như sau:
Linh Phong cổ sát cân Bàn Thành,
Huế hữu đăng lâm, bộ bộ khinh.
Hữu hoạ sơn vân phù phiếm phiếm
Vô ba tuyền thủy lạc thanh thanh
Ngự sàn hoán tỉnh quân vương mộng,
Thạch thất trường lưu đại sĩ danh.
Hà hạnh thử sinh tu đắc đạo
Tương yêu địa chủ thái đa tình.
Nhà nghiên cứu Hữu vinh dịch:
Linh Phong chùa cổ cạnh Bàn Thành
Cùng bạn lên chơi bước bước nhanh
Họa có mây trời hình lớp lớp
Sóng yên suối nước tiếng thanh thanh
Long sàng vương đế buồn mơ tỉnh
Thạch thất Phật bà tiếng nổi danh
May mắn đời tu nay có được
Chủ chùa mời đón quá thân tình.
Thơ tưởng là vịnh cảnh, nhưng đọc kỹ ta nhận ra một nỗi buồn man mác ở những câu: “Hữu hoạ sơn vân phù phiếm phiếm, Vô ba tuyền thủy lạc thanh thanh. Ngự sàn hoán tỉnh quân vương mộng, thạch thất trường lưu đại sĩ danh…”.
Thơ Thúc Gia tinh tế, kín đáo. Đến bài thơ viết về sông Gianh (Linh Giang) ở Quảng Bình, thì điệu thơ buồn thầm thì kiểu Thúc Giạ, càng rõ hơn:
Tế sổ lạc hoa sầu vị phá.
Tĩnh thinh đề điểu tín tương lai.
Ngâm bôi hữu khách hoài vân thụ
Lữ dạ hà nhân khán đẩu đài.
Kỷ sắc vị Thành tân sắc liễu,
Nhất chi kế Bắc cựu tình mai.
Tư quân nhiễu mộng tầm quân xứ
Chu phiếm Linh Giang thưởng hải đài…
Xin được dịch là:
Vài bông hoa rụng, sầu chưa phá,
Tĩnh lặng chim đâu hót báo tin.
Thơ rượu khách buồn, mây những ngóng,
Quán xa, ai lặng ngắm sao đêm.
Vị Thành liễu mới, ngân đôi khúc
Kế Bắc mai xưa, một nhánh tình.
Mộng quẩn tìm người vơi nỗi nhớ,
Bước lên đài Hải, tự sông Gianh…
Nhưng Ưng Bình Phúc Giạ thị lại làm nhiều thơ nôm hơn… Thơ Nôm ông viết về Huế cũng khá nhiều. Bởi chứng kiến nhiều biến động, nên thơ nôm của ông những cảnh đời hiện ra nhiều hơn, chất dân giã cũng đậm đà, khác hẳn những vần thơ chữ Hán. Đây là cảnh “Nước sông Hương sau trận lụt” :
Trận lụt qua rồi nước vẫn trong
Đá viên Cồn Hến chảy quanh vòng
Dễ thương bầy cá trương vi lượn,
Tội nghiệp con cò ngóng cổ trông.
Tiếng súng veo vo trên mặt nước
Câu hò lạnh lẽo dưới gành sông
Cây đa bến cũ còn lưa đó
Nông nỗi con đò, bạn thấy không…
Thơ nôm đến tận chân tóc, toàn bài không hề có lấy một từ Hán-Việt. Và chỉ có Thúc Giạ, một tâm hồn Huế mới viết nổi những câu: “Dễ thương bầy cá trương vi lượn, Tội nghiệp con cò ngóng cổ trông…Tiếng súng veo vo trên mặt nước, Câu hò lạnh lẽo dưới gành sông…”
Bài Bảo Đại thoái vị lại có một hoài cảm khác:
Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng,
Ngự xe cờ đỏ đến Thăng Long.
Trải qua non nước nhìn quanh rạng,
Ngảnh lại lâu đài bỏ trống không.
Gió tạc cành thu, chim ngái tổ
Trăng soi cửa cấm nhện giăng mùng
Có ai vô Nội cho mình hỏi
Thần tử còn lưa lại mấy ông?
Thơ kín đáo, mừng vui lẫn lộn, nhưng một nỗi buồn hoàng phái phiêu dạt thì dẫu tinh tế, kín đáo cũng không dấu nổi. Câu thơ Huế nhất là: “Có ai vô Nội cho mình (miếng) hỏi. Thần tử còn lưa lại mấy ông?
Nhưng tập trung chất Huế hơn cả ở Ưng Bình Thúc Giạ thị, chính là ở những câu hò Huế… những câu hò Huế như hò mái nhì hay hát hò khoan… cũng như các điệu ca Huế, thường có giai điệu buồn… Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là đất Huế, vốn là các châu Ô Châu Lý của vua Chiêm Thành xưa dâng cho vua nước Việt, nên ca Huế, hò Huế “còn ảnh hưởng nền âm nhạc của dân tộc Chiêm Thành đã mất nước, nỗi buồn rầu, lòng cảm cựu thổ lộ trong giọng hát cung đàn!”. (Việt Nam văn học sử của Dương Quảng Hàm, trang 150).
Đất Huế gắn với ca nhạc cung đình với ca Huế và hò Huế. Chất Huế, chất cung đình, cũng đậm đà ở thể loại này… Ca Huế đã đặt ra nhiều điệu như Kim Tiền, Cổ bản, Tứ đại cảnh, Lưu Thủy, Hành Vân… Hò Huế thường vang lên trên sông Hương, không chỉ ở đoạn sông đi qua kinh thành, mà còn ở nhiều nơi khác nữa
Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã có nhiều câu hò Huế chuẩn mực, cả về lời lẫn nhạc điệu, đầy chất thơ, chất Huế, không những làm xao lòng người Huế mà còn làm rung động biết bao con tim của những người ghé Huế trong và ngoài nước… Đến Huế, phải nghe ca Huế và hò Huế… Câu hò này của Thúc Giạ, ai đến Huế mà không nghe không thuộc:
Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non…
Về câu hò này, bà Hỉ Khương, con gái nhà thơ, kể lại:
“…Bỗng thầy tôi chợt hỏi: Con có biết chữ ai trong câu này là ai không?”. Tôi chưa kịp thưa, mà có lẽ Người cũng hiểu là tôi không thể nào biết được, nên người bỗng hạ giọng thong thả nói, với vẻ mặt trầm tư, mà tôi nghe gần như một lời tâm sự: “Thuở ấy, có tin vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phú Vân Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn quốc sự”. Tôi nghĩ cái tin này đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy” (Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố HCM, trang 71).
Câu hò này có thể coi là chuẩn mực cho hò Huế bởi lời, bởi nhạc, bởi tình, bởi cảnh nó đã tạo ra…Đọc rồi, nghe rồi, một nỗi u buồn da diết còn dư âm mãi trong lòng mình. Sự tài tình ở câu ca này chính là mấy chữ ai được lắp đi lắp lại, ở âm điệu bằng trắc, không cần hát đã tạo nhạc rồi, huống chi còn hát lên… Nó lại càng hay hơn, đẹp hơn, sâu sắc hơn khi ta lại biết giai thoại trên của bà Hỷ Khương kể lại, gắn với chuyện vua Duy Tân, một vị vua trẻ nhà Nguyễn yêu nước khảng khái và sau đó nhà vua đã bị giặc Pháp hạ bệ và đưa đi đầy ở nước ngoài.
Về câu hò này, giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê đã viết: "…Tôi đinh ninh đó là câu hát trong dân gian như những câu hò cấy miền Nam, hò khoang Quảng Ngãi, hò giả gạo miền Trung, không ai biết tên người nào đã sáng tác ra những câu hò được truyền tụng như thế. Mãi đến sau khi gặp hiền muội Tôn Nữ Hỷ Khương, trong một câu chuyện, tình cờ Hỷ Khương cho tôi biết rằng, câu hò đó do cụ Ưng Bình Thúc Giạ thị sáng tác, tôi rất xúc động, vì một nhà thơ sáng tác một câu hò hay điệu hát mà dân gian chấp nhận không còn nhớ tên người đặt, tức là nội dung câu hò, điệu hát đó phù hợp với cảm nghĩ, suy tư hay hoài bão, nguyện vọng của dân chúng, lời lẽ bình dân dễ nhớ, dễ truyền và dân chúng đã chắt chiu gìn giữ, truyền tụng từ người này đến người khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau”
(Sách đã dẫn, trang 199).
Đâu chỉ một câu hò này, Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn viết nhiều câu hò hay và đẹp khác:
Tiếng hát Ngư ông, giữa sông Bành Lệ,
Tiếng kêu hàn nhạn giữa ánh Hoành Dương
Một mình em đứng giữa sông Hương
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe
Nước chảy xuôi, con cá bươi lội ngược
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!
Biết ở đâu là câu Ô Thước
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời.
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng.
Nước đầu cầu khúc sâu, khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trân đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng
Sóng xao trăng lặng gây lòng nhớ thương
Bên chợ Đông Ba, tiếng gà gáy sáng,
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh,
Giữa sông Hương tiếng sóng khuynh thành,
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng.
Thương thì thương, chẳng thương thì chớ,
Làm chi lỡ dở như hẹn nợ thêm buồn,
Bên chùa đã động tiếng chuông
Gà Thượng Thôn đã gáy, chim nguồn đã kêu…
Câu nào cũng gói trong mình những hoài cảm kín đáo nhuần nhị, thấm thía gieo vào lòng người một nỗi buồn âm ỉ, day dưa…
Ưng Bình Thúc Giạ Thị còn viết hò Huế, ca ngợi những nhân vật lịch sử như Tả quân Lê Văn Duyệt :
Trăm trận gian nan là quan danh tướng
Trung can nghĩa khí, là vị danh hiền
Hương hoa lễ bạc đừng quên
Đi ngang Gia Định viếng đền quan Tả quân.
Không những thế, khoảng năm 1939-1940, ông còn làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ, ông còn viết những câu hò để vận động mọi ngưòi đi học Quốc ngữ :
Vàng chất nên non, không bằng cho con học chữ,
Sách in Quốc ngữ có lịch sử, có từ chương
Hội Quốc văn đã mấy năm trường
Ra công truyền bá để mở đường văn minh
Chốn học trường là gương khai hoá
Điều hay sự lạ cả thiên hạ soi chung
Xưa nay hào kiệt anh hùng
Hoanh hoanh, liệt liệt cũng ở trong vùng mà ra.
Dù là loại thơ ca vận động, mà lời lẽ cũng rất trang nhã, ý tứ sâu xa.
Con người Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tuy là hoàng tộc nhưng là người hiểu sâu đạo Nho, đạo Phật. Ông là người không bị danh lợi ràng buộc, luôn giữ phẩm tiết thanh cao, vui với thiên nhiên, và những bạn bè tri kỷ. Tâm thế ấy, bộc lộ trong bài thơ hát nói Phủ Doãn về hưu:
Mừng đến bến ba mươi năm bể loạn,
Lái còn nguyên lèo lạt hãy còn nguyên.
Ngoắt ông câu cậy gởi con thuyền
Ôm sách cũ lại theo miền núi cũ
Biết đủ dầu không chi cũng đủ
Nên lui đã có dịp thời lui.
Sẵn có đây phong nguyệt kho trời
Câu hành lạc cập trời ta chớ trễ
Có lầu Ngạc liên huy, có đình Lai Vũ thế
Hội Kỳ Anh thêm lắm vẻ phong tao
Thoả lòng rày ước, mai ao.
1993
Ưng Bình Thúc Giạ Thị, được nhiều người yêu mến bởi tài thơ, bởi tính khiêm cung, bình dị… Một đời ông, dù là hoàng phái, dù từng làm quan cao, nhưng vẫn chủ trương sống thanh đạm, giữ lấy cái tâm thuần chất không nhuốm tục luỵ, lòng vẫn hướng về cái đẹp, và yêu Huế thì đến tận cùng gan ruột.
Khi sống, ông có rất nhiều tri âm, tri kỷ. Khi ông mất, thi đàn, nhiều người thương tiếc. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tuy không ở Huế, nhưng chắc cũng rất yêu thơ ca của ông, cảm mến hành trạng của ông Thúc Giạ, nên đã có những câu thơ viết về ông đầy kính trọng và đồng điệu :
…Ôi, ngát mùi hương vương giả ấy,
Ngoài vòng mưa gió hận chi đâu!
Vẻ tiên, lòng Phật, đời viên mãn
Sân quế hoà không nhuốm biển dâu.
Tình Thúc Giạ như thơ Thúc Giạ
Đằm hai mái tuyết đối cao sâu.
Hơn ai người đẹp, ai khanh tướng.
Chẳng dám cùng Xuân hẹn bạc đầu.
Bạch phát thi ông từ hạt lánh
Mười năm giá buốt mãi trăng thâu.
Chỉ vì sông núi cơn mê loạn,
Chừng cũng hơi thơ hết nhiệm mầu!
Vòm lớn, Văn tinh lần lượt rụng,
Đìu hiu Bến Nghé lạnh Hồ Trâu…
Gã say từ độ bằng tung cánh,
Lăng lóc Giang Nam rượu cạn bầu.
Trải mấy giao thoa đời với mộng
Hứng phai ngày trắng bạc đêm nâu.
Huế đỏ chợt ngóng về riêng đợi
Bừng thức hồn thơ biếc cỏ khâu…
Thiên Mụ chùa xa chuông hãy rót.
Cho tươi thắm lại cánh hoa nhàu.
1971
Còn đây là bài thơ cuối cùng của ông (thơ tuyệt bút) khi từ giã cõi đời, lúc này tâm hồn ông đã tất cả hướng về cõi Phật :
Tiếng chuông lòng
Tiếng chuông lòng dội buổi tan sương.
Đính lễ quy y trước Phật đường…
Soi tỏ tâm linh nhờ đuốc tuệ
Rưới tan tục luỵ, sẵn cành dương
Giữ niềm bác ái không sai chậy
Thời bệnh sân si khỏi vấn vương
Tôi cũng như ai phường đạo hữu
Mong vào cửa Phật đến Tây Phương.
Một hồn thơ Huế, hoàng phái, đến chết vẫn còn bao nỗi u hoài…
(Theo Văn Nghệ Trẻ)