A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trượng phu bốn biển là nhà, chí sĩ vợ con là nước

Làm thức tỉnh dân tộc, hướng dân tộc tiến lên theo con đường tiến bộ, bao giờ cũng có công lao đặc biệt quan trọng của những nhà trí thức yêu nước. Chí sĩ Ngô Đức Kế là một trong những con người như thế.


Đường Ngô Đức Kế ở Tp. Hồ Chí Minh 

Nhân dân khi đã được giác ngộ, mới là lực lượng quyết định vận mệnh của lịch sử. Làm thức tỉnh dân tộc nuôi dưỡng ý chí tự cường, đấu tranh thoát ách nô lệ vào buổi giao thời từ Cần Vương đến cách mạng vô sản, có khoảng vài chục đại trí thức như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc… Trong số đó có chí sĩ Ngô Đức Kế (1878-1929).
 
Họ Ngô ở xã Trảo Nha (Đại Lộc) nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vốn là dòng võ tướng, đến năm 1866, dưới triều Cảnh Hưng mới có một tiến sĩ khai khoa là cụ Ngô Phúc Lâm. Từ đó, các bậc khoa - hoạn ngày một nhiều thêm.
 
Ông nội Ngô Đức Kế là cụ Ngô Phùng (1805-1863) tuy chỉ đỗ cử nhân nhưng học rộng, tài cao, nên từ Hậu bổ Hà Nội,  Đốc học Bắc Ninh được sung chức Kinh diên giảng quan (dạy học cho vua và các hoàng tử, rồi lại thăng hàm Trước tác, chức Thị độc thuộc Viện Tập hiền, chuyên đọc duyệt các bài thơ lịch sử của vua Tự Đức.
 
Thân phụ của Ngô Đức Kế là cụ Ngô Huệ Liên (1840-1912) cử nhân, từng làm Hậu bổ ở Kinh, Đốc học Quảng Ngãi, sau sung chức Toản tủ Quốc sử quán. Chính hai người này đã xây dựng cho họ Ngô một viện sách lớn, tuy không bằng thư viện Long Cương của cụ Cao Xuân Dục ở Nghệ An nhưng có thêm nhiều sách Âu - Mỹ.
 
Ngô Đức Kế đỗ cao hơn ông và cha mình. Khoa thi 1901 (Thành Thái 13), lúc 23 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, xếp thứ hai sau Đình Nguyên tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân (Bắc Giang).
 
Cùng đỗ khoa thi này, có Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc 41 tuổi và Phan Chu Trinh 30 tuổi. Xuất thân là một nhà nho, Ngô Đức Kế cũng từng quan niệm theo đòi cử tử, mong đỗ đạt, để báo đáp công lao dưỡng dục và làm rạng danh cha mẹ, cũng được coi như làm tròn chữ hiếu (bách thiện hiếu vi tiên).
 
Trong bài Khán bảng thời cảm tác, ông viết : Thánh chúa ân cầu sĩ, Ngô thân hựu vọng nhi, Thử sinh tư báo bổ, Hồi thư cảm suy di. Cụ Đào Duy Anh dịch là : Vua thánh kén kẻ sĩ, Lòng cha mẹ thương con, Thân này lo đền đáp, Ngoái lại chạnh mất còn.
 
Là trí thức, ắt phải thức thời và hành xử hơn đời. Triều đình đã là bù nhìn thì làm quan phỏng có ích gì ? Đỗ tiến sĩ, hẳn được quan cao, lộc lớn nhưng cụ Ngô Đức Kế đã không màng.
 
Trong lễ vinh quy bái tổ, ông đã từng nói với cha của nhà cách mạng Võ Liêm Sơn, người lấy cô ruột của mình : “Nước đã mất, cháu không bao giờ ra làm quan cả”. Vào thời buổi ấy, nhà vua yêu nước Thành Thái đã từng đau đớn thốt lên : “Dân cu li, vua cũng cu li”.
 
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cuối cùng cũng bỏ quan và phát biểu : “Quan trường là nơi nô lệ nhất trong đám nô lệ”. Hành xử của hai vị đồng khoa này cho thấy sự gần gũi về nhận thức, tấm lòng yêu nước, và về nhân cách.
 
Bỏ quan, cụ Ngô Đức Kế và nhiều trí thức khác hăng hái dẫn thân vào con đường cứu nước, bất chấp hiểm nguy. Phan Chu Trinh và nhiều chí sĩ xứ Quảng đã từng đến Trảo Nha để cùng Ngô Đức Kế thương thảo đại cuộc nước nhà.
 
Năm 1903, những trí thức lớn của Xứ Nghệ như cụ Nguyễn Sinh Huy và con trai là Nguyễn Tất Thành, cụ Bùi Xuân Phong, Hoàng Xuân Hành, Đặng Nguyên Cẩn (sau ốm phải nghỉ lại), Ngô Đức Kế … ra bắc để họp với các bạn đồng tâm, đồng chí là Lương Căn Can (Lãnh tụ của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục), Võ Hoành, Hoàng Đạo Phương, Ngô Quang Đoan (con cả Ngô Quang Bích), Bùi Văn Thức (cha Bùi Kỷ), Đặng Xuân Bảng (Đốc học Nam Định), Hoàng Tăng Phụng, Hoàng Tăng Bí, Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến (con trai Lương Văn Can) … để mưu sự cứu nước, rửa nhục nô lệ. “Chữ nghĩa thánh hiền” giờ đã không còn cứu được nước, cần phải vượt bể lớn, tìm kiếm văn rộng lớn, cùng nhất tề (đoàn kết thành một  loạt) đặng cứu nước như chính hiệu triệu của Sào Nam Phan Bội Châu :
 
          Non sông đã chết còn thêm nhục
          Thần thánh còn đâu, đọc cũng hoài
          Muốn vượt bể Đông theo gió chạy
          Ngàn trùng sóng bạc thảy cùng bay
 
(Nguyên văn chữ Hán - bản dịch của Tôn Quang Phiệt)
 
          Chuyến đi này, khi qua Thanh Hoá, Ngô Đức Kế có để lại bài thơ :
 
          Lởm chởm núi chạy qua
          Hỏi đường ra Thanh Hoa
          Xứ này vốn nhiều đá
          Đầu dân cũng cứng ha ?
 
(Nguyên văn chữ Hán - bản dịch của Ngạn Xuyên)
 
Năm 1905, trước khi sang Nhật Bản, Phan Bội Châu đã bí mật gặp Đốc học Nghệ An Đặng Nguyên Cẩn. Cụ Đặng nói : “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thì tôi với ông Tập Xuyên (tức Ngô Đức Kế) đảm nhiệm … (Phan Bội Châu. Tự phê phán, Ban NC Văn Sử Địa, 1955, tr.57).
 
Chỉ câu nói này cũng là sự khẳng định, đánh giá cao vai trò của Ngô Đức Kế trong Phong trào Duy Tân. Sau đó ông cùng một số đồng chí khác lập cơ sở buôn bán Triêu Dương ở Vinh để yểm trợ Đông Du. Chính vì những hoạt động yêu nước tích cực và có phần lộ liễu này mà ông đã bị thực dân Pháp bắt giam tháng 11-1907 và sau đó đày đi Côn Lôn.
 
Trong ngục, Ngô Đức Kế không nhụt chí lớn, mà còn dùng thơ văn để cổ võ phong trào, bày tỏ tình cảm thắm thiết của mình đối với gia đình, quê hương, đất nước. Ông đã để lại nhiều áng thơ đặc sắc.
 
Khi nghe tin Ngư Hải Đặng Thái Thân (1874-1910), một thành viên chủ chốt của Duy Tân hội nổ súng chống giặc rồi tự sát để giữ tròn khí tiết, ông đã làm bốn bài khóc, trong đó những câu :
 
          Mười năm lo nước máu sôi lòng
          Thề quyết xoay nên cuộc gió giông
          Nếu được sanh tài đều thế cả
          Ngàn thu Hồng Lạc lửa hương nồng.
 
(Nguyên văn chữ Hán - Huỳnh Thúc Kháng dịch)
 
Kỷ niệm một năm ngày đến Côn Lôn, ông viết :
 
          Ngày này, năm trước đến Côn Lôn
          Mài bẻ nghìn muôn, chí khí còn
          Riêng nỗi nhớ nhà luôn rấm rứt
          Áo tù ướt mãi nước mắt tuôn
 
(N.S.Đ. dịch)
 
          Thật nghĩa khí và tình cảm biết bao. Cũng như khi nhìn thấy người bạn tù là ông Phong Niên được vợ gửi chăn ra từ đất liền, ông cảm động trước từng đường kim mũi chỉ và tấc lòng mòn mỏi của người thiếu phụ :
 
          Chỉ đỏ mền bông lắm mối manh
          Chỉ bao nhiêu mối, thiếp bao tình
          Mền đôi biết hẳn là chưa ấm  
          Nhớ chăng, đôi mày kém nét xanh …
 
(Huỳnh Thúc Kháng dịch)
 
Thơ văn của ông, dú trữ tình hay nghị luận đều đặc sắc một phong cách Ngô Đức Kế. Nhiều người từng nhớ và thuộc nhiều đoạn trong bài nghị luận mẫu mực “Luận về chánh học cùng tà thuyết, quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du”. Bài này đăng trên Tạp chí Hữu Thanh số 21, ra ngày 21-9-1924 nhằm đập lại một số luận điểm sai trái của Phạm Quỳnh trong diễn văn đọc trước Hội Khai trí tiến đức nhân ngày giỗ Nguyễn Du.
 
Công bằng mà nói, Phạm Quỳnh có tấm lòng thành thực yêu vì tài năng của cụ Nguyễn Tiên Điền, yêu vì quốc ngữ, có nhiều đánh giá tốt về Truyện Kiều. Nhưng không phải không có sự lợi dụng, làm lãng quên cái sự mất nước, cái sự cai trị tàn nhẫn của thực dân Pháp là mối lo, mối họa lớn nhất lúc bấy giờ.
 
Cũng công bằng mà nói, cụ Ngô Đức Kế cũng có chỗ trách cứ quá lời đối với Truyện Kiều và Nguyễn Du, nhưng lập luận của ông bẻ lại Phạm Quỳnh về “quốc hoa, quốc hồn, quốc túy” thì đối phương phải cứng họng, không nói vào đâu được : “ Ông Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia Long; thế thì từ Gia Long về trước, chưa có Truyện Kiều thì nước ta không có quốc hoa, không quốc túy, không quốc hồn; thế thì cái văn tự vũ công mấy triều Đinh, Lý, Trần, Lê sáng chói rực rỡ đó, đều là ở đâu đem đến cho bọn “học thuê viết mướn” ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huân nghiệp cứu dân giúp nước, tái tạo giang sơn, mở mang bờ cõi nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho nòi giống, không ai đáng kỷ niệm cả ?...”
 
Vì uy tín lớn của Ngô Đức Kế, vì những lập luận đanh thép ấy, mà sinh thời cụ Nghè, Phạm Quỳnh đã không dám lên tiếng. Nhưng sau khi Ngô Đức Kế mất, Phạm Quỳnh lại lập lờ, hạ thấp giá trị của cuộc tranh luận ấy.
 
Sau đoạn thừa nhận sự kính trọng đối với lòng yêu nước và thân thế của Ngô Đức Kế “Ông là quốc sự phạm cũ, vì việc nước mà long đong chìm nổi trong bao năm, dẫu là người không đồng tư tưởng, đồng chính kiến với ông, cũng phải kính trọng cái thân thế của ông”, lập tức Phạm Quỳnh bẻ ra chuyện con buôn : “Bấy giờ ông làm chủ bút báo Hữu Thanh mới lập. Báo Hữu Thanh là một cái tạp chí; báo Nam Phong của tôi cũng là một cái tạp chí. Báo Hữu Thanh ra sau, báo Nam Phong của tôi có từ trước. “Hàng thịt nguýt hàng cá”" là cái thói thường của con buôn … Họ Ngô không phải vì Truyện Kiều mà bình phẩm Truyện Kiều, chỉ là kiếm cớ gây cuộc “cãi lộn” với tôi, trước là một cách quảng cáo cho báo  Hữu Thanh, sau cũng để thoả một cái lòng ác cảm riêng chăng” (Phụ nữ Tân văn, 28-3-1930).
 
Trước những lời lẽ méo mó đó, Phạm Quỳnh lại bị Huỳnh Thúc Kháng đập cho một trận : “Những lời nói trên mà xuất tự một người văn sĩ xằng nào thì không đủ trách, song tự lỗ miệng và ngòi bút một người tân nhân vật nghiễm nhiên tự nhận cái gánh gây dựng một nền văn hoá mới cho nước nhà, lại chủ trương một cơ quan ngôn luận trong nước mười mấy năm nay mà có lời thô bỉ tỏ cái tâm sự hiềm riêng, nói xấu cho một người thiên cổ thì không thể bỏ qua được”.
 
Như vậy đó. Ngày nay, dưới ánh sáng của Đổi mới, chúng ta có điều kiện nhìn rõ hơn, toàn diện hơn quá khứ. Nhưng “đổi mới” không có nghĩa là lộn ngược sự thật lịch sử.
 
Tấm lòng yêu nước, công nghiệp của nhà chí sĩ Ngô Đức Kế đã được ghi đậm trong trang sử dân tộc. Đương thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá một cách xác đáng rằng : “ Ông Ngô Đức Kế là một người tài học trổ từ lúc thiếu niên. Nếu như có ý thờ cái chủ nghĩa vinh thân phì gia, mượn lối văn chương để tiện đường mua giàu chác tiếng như ai, thì trong đám người đời mà lên mặt sang trọng, thông thái ấy, ông làm đến đâu cũng thừa ra. Thế mà hy sinh cả thảy, chỉ ôm một lòng lo việc chung cho đất nước, trọn đời đày đọa mà cứ khăng khăng một mực cho đến ngày đậy nắp hòm”.
 
Rồi đây sẽ có nhiều nghiên cứu sâu về Ngô Đức Kế cũng như nhiều nhà yêu nước, danh nhân khác, đặng làm giàu hào khí nước nhà.
 
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của ông, chúng tôi đặc biệt lưu ý những quan điểm về giáo dục của ông, mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt phương pháp và sự nêu gương.
 
Vào đầu thế kỷ XX, lối học và thi tuyển chọn người tài theo kiểu cũ đã tỏ rõ lỗi thời. Ba vị khoa cử tài danh xứ Quảng là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp đã chung nhau làm một bài thơ ký một cái tên là Đào Mộng Giác bài bác khoa cử :
 
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn nô lệ khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương thụy mộng trung.
 
Rồi Trần Quý Cáp tự dịch là :
 
Ngảnh lại giang san luống lửng lơ
Anh hùng rầu rĩ khóc người sơ
Muôn dân tôi tớ phường quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
 
Phát biểu một cách chính thống, có luận điểm, luận cứ khoa học là “Thư kiến nghị sửa đổi phép học,  phép thi” gửi thượng thư bộ học Cao Xuân Dục năm 1907.
 
Bức thư này có trong sách “Văn minh tân học, ký hiệu A.566 ở Thư viện Viện NC Hán Nôm, được Đặng Thai Mai đánh giá là “một tư liệu rất qúy”.
 
Bức thư đề nghị bỏ hư học, cải biến cựu học, tăng cường thực học : “Khoa học công nghệ của các nước trên toàn cầu phát triển nhanh chóng, qủy thần cũng không lường được cái công dụng của nó, quyết không thể đem cái học dùi mài từ chương mà điều khiển nó được, tư tưởng phát đạt mới lạ hằng tháng, hằng ngày, quyết không thể dùng những cách thức buông nắm viển vông nghìn năm cũ rích mà hạn chế nó được. Sĩ phu không phải không biết thời văn là vô dụng nhưng vì triều đinhg dùng thời văn để thi cử chọn người sĩ phu nếu bỏ thời văn tất không có đường tiến thân “…
 
Mặt khác, ông cũng có cái nhìn biện chứng, không phải một lúc mà bỏ ngay, bỏ tuyệt Hán học, đoạt tuyệt với quá khứ ông cha : “Nước Việt Nam ta, vài nghìn năm nay, học chữ Hán, theo đạo Khổng, Hán văn tức là Quốc văn … Đem Âu học mà đổi Hán học, không phải là có hại, song thiên hạ việc gì cũng thế, phá cái cũ thì dễ mà chóng, lập cái mới thì khó mà lâu. Âu học chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ … Thương hại thay ! Trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều, học mà có kiến thức thì ít, học mà không có kiến thức thì nhiều. Những văn chương nhảm nhí, ngôn luận càn xiên ấy đã tràn khắp cả nước làm cho phải chăng (phải trái) điên đảo, đen trắng lộn phèo …, đạo đức ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy”… (Luận về chánh học cùng tà thuyết). So với tình hình thực tế cái sự học ngày nay, không phải không có những điều giống như cụ Ngô Đức Kế đã cảnh báo.
 
“Trượng phu bốn biển là nhà, chí sĩ vợ con là nước; bậc đại nhân có quản chi sống chết, tấm linh hồn còn tỏ với non sông”, chính là câu văn điếu của Ngô Đức Kế và các đồng chí điếu Phan Chu Trinh, nay cũng có thể nói về Ngô Đức Kế.
 
Làm sao để nối chí, nối đức của các bậc hào kiệt, là việc của tất cả chúng ta, phường hậu tử, mỗi khi ôn lại lịch sử nước nhà.

Nguyễn Sĩ Đại
(Theo Nhân dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm