PGS.TS Nguyễn Văn Huy và cuộc “cách mạng” trong trưng bày bảo tàng
Không chấp nhận đi theo lối mòn đã tồn tại nhiều năm, ông tự mình tìm một hướng đi mới, cách tiếp cận mới, tạo nên một "cuộc cách mạng'' trong trưng bày bảo tàng. Ông là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam .
Những cái đầu tiên…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên ngược thời gian về gần 3 thập kỷ trước, các bảo tàng ở Việt Nam phải đối mặt với cùng tình trạng đìu hiu, không có khách thăm quan. Bởi vậy, cái khó khăn nhất mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy trăn trở lúc bấy giờ là “làm thế nào để Bảo tàng Dân tộc học sau khi thành lập không phải chịu chung số phận đó”.
Năm 1987, thông qua Qũy Hòa giải, Việt Nam lần đầu tiên đón một đoàn các nhà khoa học xã hội từ Mỹ đến thăm Hà Nội, mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Chuyến viếng thăm này là cơ duyên giúp PGS.TS Nguyễn Văn Huy được tiếp cận với giới bảo tàng thế giới. Những năm sau đó, trong quá trình thành lập đề án về Bảo tàng Dân tộc học, PGS.TS Huy đã có những chuyến thăm và làm việc với những người làm công tác bảo tàng của Pháp, Mỹ và Nhật Bản, được tiếp cận với những tư tưởng mới nhất về bảo tàng trên thế giới.
Nhớ lại chuyến đi học tập tại bảo tàng Nhật, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “15 ngày đó như một khóa đào tạo của trường đại học về bảo tàng”. Và “cuộc cách mạng” trong trưng bày bảo tàng đã được ông thực hiện sau những chuyến đi học tập đó.
Năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách. Khi đó, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam đến tham quan một bảo tàng được nghe các dân tộc trực tiếp giới thiệu về văn hóa, ngôn ngữ của họ thông qua những clip dựng bằng lời hoặc qua các buổi biểu diễn…
Cũng là lần đầu tiên, một bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời. Đó là những ngôi nhà của các dân tộc ở khắp mọi miền của đất nước… Lần đầu tiên, người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách.. Rồi cũng lần đầu tiên trong một bảo tàng có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D…
Sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học với vô số những cái “đầu tiên” ấy đã khiến cho giới bảo tàng ở Việt Nam phải thay đổi quan niệm, phải nhìn nhận lại cách làm bảo tàng của mình trong nhiều năm sau đó. Bảo tàng Dân tộc học đã trở thành hiện tượng và tiên phong cho “cuộc cách mạng” trong trưng bày bảo tàng, đưa các bảo tàng Việt Nam chuyển từ “tĩnh” sang “động”.
Lan tỏa luồng gió mới cho hoạt động bảo tàng ở Việt Nam
Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy được lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời tư vấn. Sau hơn 2 năm, dưới sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lại hệ thống trưng bày, tập huấn, … Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mang một diện mạo mới với sự thay đổi hoàn toàn về chất.
Các cuộc trưng bày sau đó của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được các chuyên gia, công chúng đánh giá cao về tính thẩm mỹ, có màu sắc và đa dạng. Bảo tàng đã mang hơi thở cuộc sống hơn khi tập trung phản ánh những câu chuyện đời thường đương đại, như phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử, trong xã hội hay những câu chuyện, những vấn đề về giới mà xã hội đang quan tâm, trăn trở. “Thông qua câu chuyện người phụ nữ, người ta hiểu được một phần xã hội Việt Nam”. Đó là giá trị mới mà bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã làm được dưới sự tư vấn của PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Một ví dụ khác là việc “làm mới” thành công đối với Dinh Độc Lập với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Văn Huy cùng các chuyên gia và tập thể cán bộ nhân viên của Hội trường Thống Nhất. Trước đây, du khách đến Dinh Độc Lập phải nghe thuyết minh và không có thông tin để tìm hiểu nếu muốn tự đi khám khá kiến trúc và lịch sử của địa điểm này. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, với sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Dinh Độc Lập đã có hệ thống diễn giải, hệ thống thông tin trong từng phòng với nội dung phong phú, trình bày đẹp, hấp dẫn để du khách có thể tự xem, tự tìm kiếm thông tin… Đặc biệt, cuộc trưng bày “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập” (3/2018) đã đạt được một thành công mới, một bước nhẩy vọt mới về cách kể chuyện mới trong trưng bày. Từ những thay đổi này, Dinh Độc Lập đã thu hút một lượng khách đáng kể.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, để các bảo tàng có thể chuyền mình, thì việc đầu tiên là thay đổi quan niệm về bảo tàng, đổi mới cách diễn giải trưng bày trong bảo tàng để hút khách, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục thay đổi tư duy, đưa bảo tàng trở thành nơi “giáo dục trải nghiệm” cho những thế hệ nhỏ tuổi - thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản và tương lai của đất nước. Nếu làm được như vậy thì trong tương lai, Việt Nam sẽ có một thế hệ biết yêu, biết nhận diện, bình phẩm và tôn trọng lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc. “Và đó là sự đầu tư cho tương lai một cách hiệu quả”, PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu/ Báo Ảnh Việt Nam