A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người giữ điệu hát Dô

Cho đến nay, khi bộ môn nghệ thuật hát Dô không còn xa lạ, nhiều làn điệu đã được học truyền khẩu, phổ biến rộng rãi như điệu trúc mai, lên chùa hay muỗi đốt tứ tung... thì người ta lại đặt câu hỏi: Nhờ đâu mà một làn điệu cổ có sức sống mãnh liệt đến như thế?

Đến với những người gìn giữ điệu hát Dô ở xã Liệp Tuyết, một vùng chiêm trũng thuộc huyện Quốc Oai, bạn sẽ thật sự bất ngờ vì những cách người dân ở đây đang làm để vinh danh điệu hát độc đáo này.

Chuyện của người vượt qua lời nguyền

Chị Nguyễn Thị Lan, làm chủ nhiệm CLB hát Dô với 50 thành viên của xã Liệp Tuyết cũng đã gần hai chục năm. Gặp chị, ít ai có thể ngờ rằng đây chính là người có gan vượt qua lời nguyền vốn rất nặng nề ở vùng quê này. Không chỉ cùng với CLB hát Dô "làm mưa, làm gió" trên nhiều sân khấu lớn, nhỏ trong cả nước, chị còn là người góp sức không nhỏ vào việc đưa điệu hát quê mình trở thành một trong 6 bộ môn nghệ thuật truyền thống được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa.

Đền Khánh Xuân tọa lạc trên một khoảng đất cao, rộng, có địa thế đẹp, là nơi thờ Thánh Tản Viên, người có công giúp dân làng vượt qua đói khổ và truyền dạy cho họ điệu hát Dô có một không hai. Đây cũng là nơi cứ 36 năm một lần, hội Đền được mở để tưởng nhớ công ơn vị thần trong "tứ bất tử" của dân tộc. Những ngày hội ấy càng nô nức hơn vì có âm vang rộn ràng của 36 làn điệu hát Dô. Ai ai cũng muốn được mắt thấy, tai nghe sự kiện không phải dễ gặp 2 lần trong đời. Bởi lẽ, sau lễ hội, trang phục biểu diễn sẽ được xếp lại cẩn thận và chẳng còn ai dám hát làn điệu này cho đến tận dịp lễ hội 36 năm sau nữa. Nguyên do vì trong dân gian đã có lời nguyền, được truyền qua hàng trăm năm kể từ khi điệu hát ra đời: "Ai dám hát Dô vào ngày thường sẽ mang tội bất kính và bị thánh thần trừng phạt".

Làm sao để gìn giữ một điệu hát khi số lần được cất lên trong đời người không thể tính nổi bằng đầu ngón tay? Đã có thời kỳ bộ môn hát Dô tưởng như bị thất truyền vì số thành viên trong đội khi đó chẳng còn mấy người, lại đều già yếu hay nhầm lẫn. Đem nỗi băn khoăn của mình bày tỏ với xã, chị Lan đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo, giúp chị mạnh dạn vượt qua lời nguyền mà đánh thức điệu hát Dô sau mấy chục năm "ngủ vùi" trong tâm trí người dân trong làng. Đây là việc làm không đơn giản bởi nó không chỉ là việc vận động, thuyết phục gây dựng một phong trào văn nghệ đơn thuần mà còn là việc thay đổi quan niệm, cách nghĩ của nhiều người, của cả tập thể. Chị Lan nhớ lại: "Những ngày đầu đi thu thập, sưu tầm từng câu, từng lời hát rồi vận động người tham gia cùng, tôi cũng "vấp" phải sự từ chối hợp tác mà nhiều khi rất gay gắt của dân làng. Không ít người còn nhìn mình như người không bình thường. Đáng lo hơn nhiều gia đình nhất định không cho con em tham gia học hát".

Suốt một thời gian dài kiên trì vận động, thuyết phục rồi cả năn nỉ, chị Lan cũng tập hợp được số người tối thiểu để tổ chức một đội hát. Bằng vốn hát Dô ít ỏi của mình, các chị vừa ôn tập, vừa hướng dẫn cho nhau. Những cố gắng này đã được đền đáp ngay trong lần "ra quân" đầu tiên, đội giành được giải nhất tại hội diễn huyện. Thấy những thành viên trong đội văn nghệ không những "không bị làm sao" mà còn giành được nhiều giải thưởng tại các hội diễn của huyện, của thành phố và nhất là thấy hoạt động này "vui quá, bổ ích quá, điệu hát của quê hương hay như thế thì việc bảo tồn, gìn giữ là đáng làm lắm", nên thái độ của người dân với hành động "cả gan" trên đã dần dần được thay đổi. Không ít người còn hào hứng đăng ký tham gia với mong muốn được thử sức mình với hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần vào công việc ý nghĩa này. Mừng nhất là các cụ già trong thôn đã đồng ý tham gia truyền dạy điệu hát; để rồi, mỗi tối xong công việc gia đình, chị Lan lại cầm sách đến nhà các cụ học. Cứ thế trong 4 tháng ròng, cụ Đàm Thị Điều đã truyền dạy cho chị đủ 36 làn điệu của bộ môn nghệ thuật hát Dô rồi cụ mất sau khi dặn chị cố gắng đừng để thất truyền điệu hát này, mới yên lòng nhắm mất xuôi tay.

Chuyện của một người? - Chuyện của nhiều người

Cho đến giờ, chuyện khôi phục, gìn giữ làn điệu hát Dô đã không còn là chuyện của riêng một người mà là của mọi người dân trong xã, ngoài làng Liệp Tuyết. Cứ tối đến, tiếng gọi nhau í ới đi tập hát lại rộn cả làng tạo nên không khí háo hức lạ kỳ, để rồi sau đó, người học, người nghe đều say sưa. Việc có những cháu nhỏ chỉ năm, bảy tuổi cũng có thể hát "tròn vành, rõ chữ" một làn điệu hát Dô quen thuộc chỉ là một trong những ví dụ rất nhỏ nhưng đầy thuyết phục, khẳng định sức sống mãnh liệt của điệu hát này. Tuy là thể loại ca cung đình, song điệu hát Dô không khô cứng, bó hẹp trong một nội dung mà lại có nét nhạc, lời ca rất độc đáo, trữ tình và đề cập đến nhiều mảng màu, nét đẹp trong đời sống lao động, sản xuất, tình cảm của con người nên khi đã đi vào lòng người thì thật dễ để nhân rộng.

Không chỉ nức tiếng trong vùng, đến giờ, điệu hát Dô của Liệp Tuyết còn thu hút được sự quan tâm, yêu mến của người dân ở nhiều vùng quê khác. Không ít người sau khi nghe hát đã rất thích thú, xin được chép lời đem về học. Điệu hát Dô đã có mặt ở không ít hội diễn, liên hoan trong và ngoài Thành phố với sự trình diễn của các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp... Bằng chính tình yêu, trách nhiệm và những việc làm đơn giản, cụ thể ấy, người Liệp Tuyết đã làm sống lại điệu hát Dô quê họ một cách đầy đủ, nguyên vẹn và ý nghĩa. Không chỉ có vậy, họ còn tạo cho làn điệu này một sức vươn mạnh mẽ, vượt qua cả lũy tre làng để đến với đông đảo người dân, đem lại giá trị đích thực cho nó khi được tôn vinh là địa chỉ văn hóa của đất nước. Nếu như trước kia, phải qua 36 năm khi làng mở hội tế thần, người dân vùng quê Liệp Tuyết (Quốc Oai) mới được một lần nghe điệu hát Dô thì nay cứ vào dịp tết đến xuân về, đất trời mở hội, người Liệp Tuyết lại có thêm niềm háo hức mới. Đó là đón chờ tiếng trống đền Khánh Xuân rộn rã để đắm mình trong những làn điệu dân ca vốn đã gắn bó nhiều đời với cha ông họ.

Thanh Thủy
(Hà Nội mới)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm