A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà văn hóa Phạm Thận Duật, một sĩ phu yêu nước

Phạm Thận Duật có tên hiệu là Vọng Sơn (tên một ngọn núi ở Ninh Bình, quê ông), tự là Quan Thành, sinh ngày 24-9 năm Ất Dậu (4 -11-1825) ở làng quê nghèo Yên Mô thượng (tổng Yên Mô, huyện Yên Mô - nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

Sớm mồ côi cha nhưng Phạm Thận Duật được tình thương của người mẹ tần tảo bao bọc để học hành. Kế thừa truyền thống hiếu học và đỗ đạt của vùng quê đã sinh ra nhiều trí thức ưu tú: Ninh Ðạt, Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải...., với hoài bão của người trai chí lớn muốn đem tài học giúp nước, giúp dân, ông đã tự lực học, tự lực ứng thí và đỗ đạt năm 25 tuổi.



Chân dung Phạm Thận Duật (1825-1885)


Phạm Thận Duật là một nho sĩ quyết tâm dấn thân hành đạo. Trải đường hoạn lộ nhiều năm, nếm cả ngọt bùi và cay đắng, Phạm Thận Duật đã từng đảm nhiệm cả việc văn (bắt đầu là giáo thụ Ðoan Hùng cho đến khi tham gia Hội đồng Cơ mật, kiêm quản Quốc Tử Giám, ba lần là chủ khảo chấm Tiến sĩ, là thầy của nhiều hoàng tử); cả việc võ (nhiều lần chỉ huy tiễu phỉ); việc xây dựng (là đồn điền sứ, hà đê sứ); việc ngoại giao (đi sứ Trung Quốc đầu năm 1883)... từng là Thượng thư bộ Hình, bộ Hộ, nhận hàm nhị phẩm... Dù ở chức trách nào và ở đâu, trấn nhậm ở các địa phương, nơi miền biên viễn hay về làm việc tại kinh thành, Phạm Thận Duật cũng là một tấm gương kiên trì, toàn tâm toàn ý vì công việc, một tấm gương thanh liêm, chính trực.

Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho văn hóa nước nhà: Hưng Hóa ký lược, Hà đê tấu tập, Vãng sứ Thiên tân nhật ký, Quan Thành văn tập. Phạm Thận Duật là người được giao trọng trách thẩm định để chính thức cho in bộ sử đồ sộ thời Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Ðất nước bị xâm chiếm, Phạm Thận Duật chủ chiến. Năm 1882, ông dâng mật tấu nêu những kế sách chiến lược phòng thủ đất nước và chống xâm lược. Dù phải thừa hành lệnh ký Hòa ước Giáp Thân (6-6-1884) đánh dấu sự thất bại của triều đình phong kiến Việt Nam trước thế lực xâm lược thực dân, song Phạm Thận Duật vẫn kiên quyết giành giật được một số điều khoản có lợi cho phong trào kháng chiến về sau: đòi lại bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận là nơi có phong trào chống xâm lược mạnh từ đầu và đã nhanh chóng hưởng ứng phong trào Cần Vương sau này; không có điều khoản quy định về quân đội triều đình, giữ được lực lượng cho phái kháng chiến khi chiến sự xảy ra; quân Pháp không được đóng trong thành Huế để trực tiếp theo dõi hoạt động của quân triều đình đang do thủ lĩnh phe kháng chiến Tôn Thất Thuyết nắm. Phạm Thận Duật là một trong số những người chủ chốt đưa vua Hàm Nghi ra "Sơn phòng" Tân Sở (Quảng Trị), phát chiếu Cần Vương ngày 13-7-1885. Phong trào Cần Vương đã mở ra một chặng đường mới của các trí thức nho học yêu nước. Họ không còn ràng buộc với mũ áo triều đình nữa mà trước mắt chỉ còn Tổ quốc lâm nguy và quyết tâm cùng dân cứu nước. Nghĩa khí cao đẹp đó đã hiện thân ở Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Mai Xuân Thưởng, Tạ Quang Hiện và biết bao sĩ phu vô danh...

Tôn Thất Thuyết tin tưởng ủy thác Phạm Thận Duật chuyển ngọn lửa Cần Vương kháng chiến từ Trung ra Bắc và lãnh đạo cuộc kháng chiến ở đây. Nhưng việc chưa kịp làm, ông bị tay sai Pháp chặn bắt cùng gia quyến sáng ngày 29-7-1885 trước khi xuống thuyền ra bắc thực hiện sứ mệnh được trao. Tinh thần khảng khái bất khuất của Phạm Thận Duật đã khiến kẻ thù bất lực đày ông ra Côn Ðảo rồi đưa ông tới đảo Ta-hi-ti. Trên hải trình đó, Phạm Thận Duật mất ngày 29-11-1885. Hình hài ông hòa vào đại dương. Biển xanh ghi dấu, châu còn đó... - khúc kết bi tráng cuộc đời không dài mà vẻ vang của một văn thân yêu nước, yêu dân, một học giả uyên bác của văn hóa Việt Nam, một nhân cách trong sáng...

Nhân dân tưởng nhớ Phạm Thận Duật, quê hương và gia tộc tự hào về ông. Từ năm 2000, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được trao hằng năm cho các luận án sử học xuất sắc là niềm tự hào của các tân Tiến sĩ được nhận. Quỹ giải thưởng sử học mang tên ông còn mở rộng sự hỗ trợ tới việc nâng cao hiểu biết lịch sử trong quảng đại xã hội, khuyến học và các hoạt động xã hội từ thiện khác.

(Theo Nhân Dân)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm