Người tạo hình cho gỗ thốt nốt
Là một nông dân quê gốc An Phú, An Giang, cái nghề mà anh Nguyễn Văn Phùng theo đuổi từ nhỏ chính là nghề nông. Thỉnh thoảng anh lại mua bán thêm để kiếm “chút đỉnh” trong mùa giáp hạt. Làm ruộng, cuộc sống lại rất vất vả, không đủ sống nên anh bôn ba tìm về Bảy Núi để trồng rừng với cây tràm bông vàng và một giấc mơ làm đồ gỗ gia dụng từ chính những cây rừng mình trồng được. Vậy là từ dân chuyên làm lúa, anh bắt đầu chuyển sang làm lâm nghiệp. 4ha gỗ tràm bông vàng được trồng và lớn rất nhanh. Anh cho biết: “Lúc đầu mình chỉ có ý định mở một xưởng gỗ để chế biến các loại gỗ rừng được phép khai thác tại Bảy Núi, qua đó làm bước đệm để khi rừng trồng đến tuổi và khai thác chế biến luôn”. Vậy là từ làm ruộng, anh cùng với anh Lê Phước Hải (một người bạn thân) thành lập cơ sở mộc Hải - Phùng tại thị trấn Tri Tôn - huyện Tri Tôn.
Nhưng cơ duyên với cây thốt nốt mới là điều đáng nói. Anh tâm sự: “Không hiểu sao mình cứ nghĩ về cây thốt nốt. Vùng này nó mọc khắp nơi nhưng đến chết rồi cũng bỏ, không làm được gì cho hiệu quả. Một số bà con người dân tộc xẻ làm nhà thì thấy không có con mối, mọt nào dám đụng đến. Hiện nay, vẫn còn một số nhà làm bằng gỗ thốt nốt đã 50-100 năm mà chẳng hề hấn gì. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu và mình quyết định thử thời vận với nó”.
Vậy là gỗ của cây thốt nốt chết, cây già được anh thu gom về. Ngày anh bắt đầu làm gỗ thốt nốt khiến nhiều người ngạc nhiên. Cả một khoảng thời gian dài trong quá khứ chưa ai dám làm cái chuyện kỳ cục này, vậy mà một người tay ngang như anh dám mạo hiểm. Nhưng anh lại có cái lý riêng của mình: “Gỗ hiện nay rất khan hiếm. Trong khi đó, làm ăn mà không nghĩ cách làm ra một sản phẩm độc đáo, mang bản sắc của riêng mình thì làm sao cạnh tranh được. Trong khi cây thốt nốt có khắp nơi tại khu vực này”.
Vốn không phải là thợ mộc nên anh phải qua làng mộc Mỹ Luông - Chợ Mới tìm thợ để tạo dáng cho cái ý nghĩ độc đáo của mình. Anh cho biết: “Bước đầu thợ tại đây làm được, tuy nhiên sản phẩm làm ra chỉ là hàng thủ công bình thường, còn nếu muốn làm ra những sản phẩm có độ tinh xảo cao thì thợ tại địa phương không tài nào làm được”. Vậy là qua tìm hiểu, anh khăn gói lên Tp.HCM để tìm thợ. Theo giới thiệu từ người quen, đã có 4 thợ từ những làng nghề truyền thống của Miền Bắc đã chấp nhận vào vùng Bảy Núi cùng anh tạo ra những sản phẩm từ gỗ thốt nốt có chất lượng đầu tiên.
Chuyện anh Nguyễn Văn Phùng sản xuất thành công đồ gia dụng bằng gỗ thốt nốt làm nhiều người bán tín bán nghi, nhưng lại là sự thật. Bây giờ, sau 3 năm, anh “nên duyên” với cây thốt nốt, các sản phẩm đồ gia dụng từ cây thốt nốt Bảy Núi đã có uy tín nhất định trên thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình tạo những sản phẩm cũng lắm gian truân. Anh trăn trở: “Mình chưa kinh nghiệm nên bước đầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như gỗ mới xẻ, còn đường trong thân sản phẩm làm xong cứ xì đường nên không tài nào dán dính, khi phơi nắng sẽ bị cong lên, không thể ghép những sản phẩm theo ý mình. Khi ghép xong, gỗ bị xé là chuyện bình thường và cứ thế, anh lại phải làm nhiều lần để nghĩ ra cách “trị” nó. Chỉ có chuyện gỗ bị xì đường sau khi ghép thôi mà mình phải mất 4 tháng mới tìm ra phương án “trị” được bệnh… Chính những cái hư đó giúp mình có thêm kinh nghiệm để làm những sản phẩm tốt hơn”.
|
Phải hơn một năm từ khi bắt tay vào thực hiện cái ý nghĩ mà nhiều người cho rằng điên rồ đó, anh đã thuần hóa được gỗ thốt nốt. Các sản phẩm từ gỗ thốt nốt của cơ sở Hải - Phùng đã tạo được uy tín và có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Anh cho biết: “Sản phẩm làm ra hiện được tiêu thụ mạnh tại tỉnh An Giang và Tp.HCM, còn nếu ai thích có thể đặt, mình sẽ làm theo yêu cầu”. Đặc biệt, liên tiếp hai kỳ hội chợ tại Long Xuyên sản phẩm mộc từ gỗ thốt nốt đã gây được sự chú ý của người tiêu dùng. Do đó anh đang chuẩn bị cho phương án quảng bá sản phẩm các tỉnh tại ĐBSCL. Anh cho biết: “Mình đã thăm dò kỹ rồi, khoảng 20% khách hàng cho biết sản phẩm gỗ thốt nốt bền đẹp, 40% cho rằng rất đẹp và phần còn lại thì nghi ngờ vì giá sản phẩm còn cao”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tạo một sản phẩm từ gỗ thốt nốt rất tốn công và đòi hỏi độ tinh xảo rất cao. Trong đó khó nhất là ghép gỗ để tạo ra các sản phẩm như bàn, ghế, cầu thang, trường kỷ… nên sản phẩm đến người tiêu dùng giá còn cao, chưa phổ biến. Anh khẳng định: “Cơ sở đã làm tất cả những đồ trang trí trong nhà như bàn ăn, ghế, bình hoa… nhưng giá còn khá cao so với thu nhập của người tiêu dùng. Do đó sẽ tìm cách để có thể hạ giá thành sản phẩm”. Hiện nay, ngoài sản phẩm gỗ thốt nốt, anh còn hợp tác với Phước mỹ nghệ, gia công thêm sản phẩm từ gáo dừa để tạo thêm việc làm cho lao động. Ngoài 4 thợ chính có tay nghề cao, cơ sở mộc Hải - Phùng đang góp phần giải quyết được việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương. Sản phẩm gỗ thốt nốt từ cơ sở Hải - Phùng đã được anh đăng ký thương hiệu và logo của cơ sở. Với cách nghĩ cách làm của mình, anh Nguyễn Văn Phùng đã tạo ra những sản phẩm gia dụng rất độc đáo từ thân cây thốt nốt và trong tương lai, đây sẽ là một “đặc sản” tiếp theo của vùng Bảy Núi.
(Báo Ảnh Đất Mũi)