A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội

Trong kí ức tuổi thơ của nhiều người, mặt nạ giấy bồi là một trong những món đồ chơi yêu thích nhất trong mỗi dịp Trung Thu.


Giờ đây, khi có nhiều thể loại đồ chơi để lựa chọn hơn thì dần dà chiếc mặt nạ bằng giấy bồi ít hiện diện trong mâm cỗ Trung Thu. Không chỉ người chơi, người bán mặt nạ giấy bồi cũng thưa dần. Ấy vậy mà có một cặp vợ chồng người Hà Nội vẫn duy trì được nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi đến nay đã được hơn 30 năm.

Đến thăm căn nhà ở số 73 Hàng Than của vợ chồng ông Hòa, bà Lan mới thấy được sự vất vả trong công cuộc duy trì nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi. Đã 33 năm nay, vợ chồng ông Hòa, bà Lan vẫn cần mẫn mỗi ngày làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi trên căn gác nhỏ ấy. Ông Hòa tâm sự, ông được bố vợ truyền nghề làm mặt nạ giấy bồi khi ông về làm rể. Hiện nay, gia đình ông là gia đình duy nhất ở Hà Nội còn theo nghề này và làm quanh năm ngày tháng. Cũng dễ hiểu bởi một lẽ, mặt nạ giấy bồi chỉ bán được nhiều khi mùa Trung Thu tới.

Căn phòng rộng chừng 20 m2 của ông bà được chia làm hai, một bên để ông ngồi bồi giấy làm phôi mặt nạ, một bên để bà xếp sản phẩm đã được làm hoàn thiện chờ đem đi bán. Với 22 chiếc khuôn được đúc bằng xi măng, giấy vở học sinh đã qua sử dụng, giấy bìa các tông, giấy báo và bột sắn quấy làm hồ, sơn tổng hợp các màu, vợ chồng ông Hòa đã cho ra đời nhiều sản phẩm mặt nạ đẹp mắt.

Đó là những con thú như trâu, hổ, cáo, thỏ, sư tử…đến các nhân vật được trẻ em yêu thích như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Thị Nở, Chí Phèo, em bé Maica, thổ dân da đỏ…Thông thường để làm xong một chiếc mặt nạ thô (chưa được sơn vẽ), ông Hòa phải mất từ 20 đến 30 phút, sau đó đem ra phơi dưới trời nắng to và phải phơi khi nắng to thì mặt nạ mới có mùi thơm và cứng cáp. Sau khi phơi khô, bà Lan mới ngồi sơn, vẽ từng chi tiết, nhưng không đơn giản vẽ một lần là xong, vẽ xong một chi tiết phải đem phơi cho khô rồi mới vẽ tiếp được.

Thế nên mỗi ngày hai ông bà chỉ làm xong 14, 15 cái mặt nạ đã là nhiều rồi. Đã làm nghề 33 năm nay nhưng với ông Hòa không vì tay quen mà làm ẩu, từng công đoạn phải rất cẩn thận, nếu không sản phẩm làm ra sẽ không đẹp.

Tỉ mỉ bồi từng lớp giấy bìa vào khuôn tạo phôi mặt nạ, ông Hòa chia sẻ: “Công đoạn nào cũng cẩn thận tỉ mỉ thì mới đẹp được, nếu làm ẩu thì bị nhăn không lì mặt, rúm ró vào, tất cả các công đoạn đều phải cẩn thận hết. Vẽ mà không cẩn thận, vội vàng thì không nét sẽ nhòe, chỉ cần chảy sơn vào sơn khác thì trông xấu ngay”.

Bà Lan còn cho biết thêm, để có một sản phẩm đẹp, trước hết phôi phải cứng và sắc nét. Muốn có phôi như thế, ông Hòa phải bồi từ 5 đến 6 lớp giấy bìa, đến khi nào đạt được độ dày khoảng trên 1mm thì mới được.

Bà Lan cho biết: “Mặt nạ này cần khéo tay, cần cù, tỉ mỉ thì mới làm ra được mặt nạ. Khi vẽ mặt nạ để hoàn chỉnh một sản phẩm thì ta phải dồn tất cả hồn mình thổi hồn vào mặt nạ đó, thì khi ấy cầm một mặt nạ hoàn chỉnh xong rồi thì ta mới thấy mặt nạ đấy có hồn.”

Cầu kì, tỉ mỉ là vậy nhưng mỗi sản phẩm bán ra chỉ từ 25-35.000 đồng tùy kích cỡ. Có thể thấy rằng tuy vật liệu chả là mấy nhưng công thì nhiều, chỉ lấy công làm lãi.

Đến hẹn lại lên, cứ chiều chiều từ ngày rằm tháng Bảy trở đi, ông bà lại kéo chiếc xe sắt chở mặt nạ ra bán ở phố Hàng Lược. Mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào mùa Trung Thu nhưng nhiều người đã trở thành khách quen của ông bà.

Chị Phương, một khách hàng ở Hà Nội cho biết: “Trung thu năm nào tôi cũng mua cho con và các cháu của tôi chơi mặt nạ được làm bằng giấy bồi này vì nó rất an toàn, màu sắc rất đẹp và có nhiều hình thù rất bắt mắt”.

“Ngoài ra cho các cháu chơi để các cháu biết đây là một trong các đồ chơi dân gian của Việt Nam mà ngày xưa chúng tôi đã được chơi rồi. Mấy năm nay tôi đều mua mặt nạ của nhà ông bà ấy vì cái mặt nạ ông bà ấy làm cầm rất cứng cáp, các cháu chơi được bền, màu sắc rất tươi tắn và khuôn mẫu tạo hình mặt nạ của nhà ông bà ấy làm rất đẹp”.

Tiếng lành đồn xa, bà Lan cho biết ngoài dịp Trung Thu, những tháng trong năm cũng có mối khách ở tận trong Nam ra lấy hàng của ông bà về bán, thi thoảng có trường học cũng đặt mua để dùng cho hội diễn.

Với tâm huyết mấy chục năm theo nghề, ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan đang góp phần giữ gìn một giá trị văn hóa đẹp của Việt Nam đang có nguy cơ mai một theo thời gian.

(Theo VOV)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm