A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người giữ lửa cho tò he và 'cuộc cách mạng' nâng tầm con giống bột

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm gìn giữ nghề nặn con giống bột truyền thống của quê hương và mong muốn thổi những làn gió mới cho những sản phẩm của mình.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu giới thiệu bộ Ngũ hổ dành riêng cho năm Nhâm Dần.  Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Lớn lên cùng những con tò he, nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985) là ‘của hiếm’ của làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) khi là người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu nghệ nhân (năm 2014).

Không chỉ làm ra những con tò he đơn thuần bán ra thị trường, Hậu còn phát triển những con giống bột mang đậm tính dân gian đòi hỏi kỹ thuật và mỹ thuật cao hơn.

“Cuộc cách mạng” nâng tầm con giống bột

Người làng tò he Xuân La kể rằng con giống bột thuở ban đầu được làm bằng gạo tẻ. Gạo được giã nhỏ và nghiền mịn trước khi “đồ” với các loại nguyên liệu tự nhiên để pha màu. Bốn màu cơ bản được sử dụng là vàng, đỏ, đen, xanh.

Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng.

Ngày ấy, các sản phẩm được nặn ở nhà, cho vào phên hấp chín, để khô rồi hôm sau mang đi bán. Quá trình làm rất sạch sẽ như người ta làm bánh nên khi chơi chán, khách hàng có thể hấp cơm để sử dụng trực tiếp như một món ăn.

Bàn làm việc với bộ dụng cụ tạo hình và những sản phẩm vừa hoàn thiện. Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Sản phẩm chủ yếu là các nhân vật trong truyện như Tam quốc hay Thủy hử. Thời kháng chiến thì các nghệ nhân tạo hình chú bộ đội, dân quân tự vệ, công nhân, cô y tá,…

Nhận thấy nguyên liệu vẫn chưa đạt để làm những con giống có độ tinh xảo cao, anh Hậu đã dày công nghiên cứu cải tiến nguyên liệu để bột bền hơn. Vì phục vụ riêng mục đích giải trí nên Hậu sử dụng màu nhân tạo cho ra màu sắc tươi mới và bắt mắt, sinh động hơn.

Anh Hậu cho hay, con giống bột có hai trường phái xuyên suốt là con giống Đồng Xuân và con giống phố Khách. Con giống Đồng Xuân có một chiều sâu văn hóa, tập trung thể hiện các nhân vật dân gian và ảnh hưởng phong cách của tranh Đông Hồ.

Tuy nhìn đơn giản nhưng nặn được không phải là chuyện dễ dàng. Người làm nghề phải tạo hình để có sản phẩm vừa thô nhất, vừa duyên dáng, không giống thật nhưng ai cũng thích và toát lên được vẻ cổ truyền.

Con giống phố Khách thì tập trung vào các chi tiết nhiều hơn, tạo hình giống thật hơn cũng được rất nhiều người ưa chuộng.

Bộ ông Táo cưỡi cá chép lên trời được tạo hình rất duyên dáng và mang đậm chất dân gian. Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Nhận thấy thị trường hiện nay chủ yếu là các con giống nặn hình siêu nhân hay các nhân vật trong những bộ phim hoạt hình hiện đại, Hậu quyết tâm kết hợp hai trường phái con giống Đồng Xuân và con giống phố Khách để cho ra những con giống mang đậm chất dân gian mà nâng cao được tính thẩm mỹ.

Hậu bảo, những dân vật dân gian giúp con giống tồn tại được lâu và có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế. Con giống không chỉ bộc lộ kỹ thuật và mỹ thuật của người nghệ nhân mà còn thể hiện được những câu chuyện riêng của từng nhân vật dân gian. Ví dụ điển hình như sự tích cóc ba chân hay bộ lục súc tranh công...

Anh cũng đã thực hiện khôi phục nhiều bộ con giống dân gian như ngũ hổ, tố nữ, tam sư… vừa có câu chuyện, vừa ‘’thổi hồn” vào bột.

Để làm được vậy, Hậu đã nhiều đêm chong đèn để tạo hình các con giống vừa đẹp vừa mang tính cổ truyền và phối màu tự nhiên nhất. Ví dụ như bộ Ngũ hổ, người nghệ nhân trẻ đã cả dành ra gần một tuần để tạo hình được một “ông ba mươi” trong năm vị: Tạo hình vừa thân thiện, vui tươi nhưng vẫn mang trong hình hài cái uy của chúa sơn lâm. Các mối ghép của con giống phải đảm bảo tỷ lệ cân bằng và các kỹ thuật pha chế màu, các tiểu tiết nhỏ như râu, mắt, lông mày… đạt được sự tinh xảo cao nhất.

Gian nan “giữ lửa” nghề Thông thường, tò he được bán với giá 20-30 nghìn đồng một con nhưng nhờ cải tiến được nguyên liệu và dày công đầu tư vào mỹ thuật nên có những sản phẩm đơn lẻ của Hậu bán ra thị trường với giá khoảng 500 nghìn đồng thậm chí có những bộ lên tới vài triệu đồng. Dù vậy, con đường phía trước của nghệ nhân trẻ vẫn còn nhiều chông gai.

"Một cánh én không thể làm nên mùa xuân,"Hậu hiểu chặng đường giữ nghề truyền thống cho làng còn rất dài, đòi hỏi nhiều thợ giỏi, kỹ thuật cao.

Không chỉ sản xuất ra những con giống theo nhu cầu thị trường, Hậu mở lớp dạy nghề cho trẻ em trong vùng. Anh nhận dạy học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Thế nhưng kinh tế trong vùng dần khá giả hơn, trẻ em không mặn mà với việc nặn con giống để kiếm thêm thu nhập, chỉ còn lại một ít người thực sự có niềm đam mê mới bám trụ lại với nghề.

Những năm gần đây do tình hình dịch bệnh nên việc mở lớp, cung cấp con giống ra thị trường gặp khó khăn. Hiện tại, chỉ còn những thợ nặn các sản phẩm truyền thống ở lại với Hậu.

Việc phát triển theo hướng đi mới cũng khiến Hậu trăn trở. Để làm được những con giống kết hợp cả hai trường phái đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao. Đào tạo được phải ngồi kèm từng ly từng tý. Dù thợ đã rất giỏi nhưng phải mất nhiều năm mới thành thục được cả hai trường phái, nên nhiều người bỏ dở giữa chừng. Hậu từng ngỏ lời kết hợp với những nghệ nhân khác trong làng nhưng mọi người chọn theo lối truyền thống...

Tuy vậy, anh Hậu vẫn cho rằng tò he sẽ luôn phát triển, bởi bản thân nó có một chỗ đứng riêng trong đời sống người dân Việt và hiện nay mọi người quan tâm đến các giá trị văn hóa nhiều hơn.Bởi thế, nghề nặn con giống bột sẽ phát triển ở một tầm mới, đẩy mạnh về các giá trị văn hóa dân gian và mỹ thuật hiện đại./.

Hoài Nam / Vietnam+


Tin liên quan

Tin tiêu điểm