A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân dệt làng Triều Khúc

Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội xưa nay luôn tự hào về những dòng sản phẩm thổ cẩm của mình. Cũng như nhiều thế hệ sinh ra và trưởng thành từ làng nghề truyền thống, nghệ nhân Đỗ Đình Được đã ngấm cái nghề dệt thổ cẩm của cha ông, đeo đẳng mãi với nghề cho đến khi đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”…

Nghệ nhân Đỗ Đình Được bên chiếc máy dệt cổ truyền đã gắn bó với ông

Trong căn nhà nhỏ dân dã, giản dị, ông Đỗ Đình Được đã tiếp chúng tôi bằng một câu chuyện rất hấp dẫn về nghề dệt thổ cẩm của làng mình xưa và niềm tự hào đối với những sản phẩm mà tự ông làm ra. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông bà, cha mẹ đều gắn bó với nghề dệt ở làng Triều Khúc, từ nhỏ, ông đã được làm quen với sợi thô, sợi sần, dệt lĩnh, dệt lụa... 

Bước vào tuổi trưởng thành, là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó làm giảng viên tại trường, ông quan tâm nhiều đến các dòng thổ cẩm ở khắp các vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, tại vùng Tây Bắc, nơi có đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày… sinh sống, những chuyến đi dài ngày, ăn ở cùng đồng bào miền núi đã giúp ông yêu mến thiên nhiên, con người nơi đây, “ngấm” những nét văn hóa truyền thống trên các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào các dân tộc. 


Nghệ nhân Đỗ Đình Được vẫn nhanh nhẹn,
say mê hào hứng giới thiệu về những
sản phẩm thổ cẩm mà ông đã làm ra

Ông đã bỏ sức học hỏi, nghiên cứu các phương thức chiết xuất màu nhuộm, nguyên liệu làm sợi, cách dệt thổ cẩm của bà con dân tộc thiểu số.

Ông Được cho biết, sự khác biệt giữa thổ cẩm Hà Nội với các vùng miền khác được thể hiện trong cách pha trộn màu sắc, sự cách điệu, bố cục trình bày và độ bền chặc của tấm thổ cẩm. Đồng bào dân tộc thiểu số thích màu sặc sỡ, các màu gốc như đỏ chói, xanh chói, vàng chói..., còn người Hà Nội thường ưa màu nhẹ nhàng, trầm dịu. Cách bố cục, cách điệu hoa văn trên những sản phẩm thổ cẩm Hà Nội cũng đòi hỏi sự tinh xảo, sống động và có hồn hơn.



Một số tác phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Đỗ Đình Được

Nắm vững những đặc trưng đó, khi nhuộm màu sợi vải, ông không nhuộm nguyên màu gốc mà tìm công thức pha trộn sao ra màu phù hợp với "gu" của người Hà Nội. Ông luôn cố gắng đưa ra những đường nét hoa văn sinh động, độc đáo, lạ mắt. Trong quá trình dệt, ông áp dụng một phần máy móc hiện đại sản xuất ra những sợi tơ chuốt, mềm, đều hơn, khi dệt ít bị lỗi. Ông tâm sự: “Muốn có những tấm thổ cẩm đẹp phải ấp ủ ý tưởng, chọn nguyên vật liệu, tìm công thức pha trộn màu, phối màu, gia công dệt công phu. Mỗi tấm thổ cẩm không đơn thuần là sản phẩm lao động giản đơn mà còn là sản phẩm tinh thần, một sự sáng tạo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết. Hoa văn, họa tiết phải trực tiếp do chính bàn tay con người dệt nên…”. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bởi có duyên với nghề và cũng để giữ gìn lấy cái nghề truyền thống của làng, hàng đêm, ông vẫn ngồi bên chiếc bàn nhỏ nghiên cứu những mẫu thổ cẩm mới. Chính vì vậy, các sản phẩm thổ cẩm của ông ra đời được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa thích. Các sản phẩm thổ cẩm của ông từng được sử dụng làm đồ trang trí cho các công trình nội thất trong các nhà khách Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao..., tham gia triển lãm hội chợ ở các nước Đức, Ba Lan, Nhật Bản... Mới đây, ông còn tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam công cụ và sản phẩm dệt thổ cẩm để lưu giữ phục vụ cho Đại lễ  kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ở tuổi 75, nhưng cái hồn nghệ sĩ Hà thành vẫn còn cháy bỏng trong ông. Mỗi sản phẩm thổ cẩm của ông là một tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa bao điều.

(Báo Ảnh Việt Nam)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm