Một con người làm nên lịch sử
Ông kể cho tôi một đôi ký ức thời trai trẻ rồi đọc thuộc lòng những vần thơ hừng hực chí khí yêu nước của Phan Bội Châu, ông kể lại những kỷ niệm về các nhân vật lịch sử mà ông từng tiếp xúc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, ông đọc thuộc từng bài trong sách giáo khoa thư đã nhen nhóm trong lòng ông những bài học đầu tiên dạy làm người và lòng yêu nước…
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội 9/11/1995 (Ảnh: AFP) |
Ông muốn nói rằng lịch sử là tri thức tạo nên tư cách của một con người có ý thức về xã hội. Năm 1995, khi quan hệ Việt - Mỹ mới được xác lập, ông tạo điều kiện cho tôi có mặt trong hai lần gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara. Tôi nhận ra Đại tướng vận dụng rất nhiều những vấn đề lịch sử để khẳng định thêm cái điều mà chính người đứng đầu bộ máy chiến tranh của Mỹ đã từng thừa nhận là Mỹ thất bại ở Việt Nam vì không hiểu lịch sử Việt Nam.
Năm 1998, ông cho phép tôi được có mặt trong buổi ông cùng gia đình tiếp con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy. Hôm đó tôi thực sự nhận ra phong cách của một ông thầy dạy sử. Chậm rãi và mạch lạc, ông nói với anh bạn trẻ tuổi tác cách ông đúng một nửa thế kỷ về lịch sử mối quan hệ Việt - Mỹ. Ông nói về những mối giao lưu đầu tiên giữa hai xứ sở cách nhau một đại dương mà vị tổng thống Mỹ từng là người khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập Mỹ đã say mê các giống lúa ở Đàng Trong của Đại Việt, đến mối quan hệ Việt - Mỹ khi còn là đồng minh chống phát xít Nhật. Ông chỉ tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ treo trên tường nhà mình mà nói rằng: “Tấm ảnh kia mấy người bạn đồng minh Mỹ chụp cho tôi”… Hàm ý muốn nói với những người Mỹ trẻ tuổi rằng quan hệ giữa hai nước không chỉ có những trang sử đen tối của chiến tranh, và trang sử đang được viết tiếp phải là những trang sử tốt đẹp như một thời là Đồng minh cùng chung sức đánh phát xít mà chính ông là “người trong cuộc”.
Người con trai của cố Tổng thống Kennedy rất cảm động khi nghe vị Đại tướng gợi lại hình ảnh cậu bé 4 tuổi dự đám tang cha của mình bị ám sát, và anh ta nói rằng những gì nhận được sau chuyến đi thăm Việt Nam và đặc biệt là trong buổi gặp Đại tướng sẽ rất có ích cho bước đường sắp tới, khi anh ta dự định bắt đầu bước vào chính trường… (rất tiếc, không lâu sau, anh đã chết trong một tai nạn máy bay).
“Đại tướng 5 sao”
Khi nói chuyện với chúng tôi, những người làm công tác sử học, đặc biệt là với giới trẻ, ông rất hay nhắc đến câu diễn ca mộc mạc của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta…”. Ông kể rằng, đứng trước khả năng phải bắt buộc cầm súng đánh thực dân, Bác Hồ sai người đi tìm cuốn Việt Nam sử lược của Lệ thần Trần Trọng Kim, khi đó là cuốn sách duy nhất biên soạn mạch lạc về lịch sử nước nhà để trao cho các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến đọc. Không chỉ chí khí của người xưa mà nhiều bài học về cách đánh và cách thắng của ông cha chúng ta đem lại những tri thức rất bổ ích cho cuộc chiến đấu ở thế kỷ 20.
Khi buông dần những công việc chính trường, ông thực sự dành tâm lực cho việc tổng kết lịch sử và lấy chính trải nghiệm của mình để tìm ra những bài học. Không kể tới những công trình chính luận đóng góp vào tổng kết sự nghiệp cách mạng mà ông là một yếu nhân, đặc biệt là tổng kết chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mà ông là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành rất nhiều công sức để viết hồi ức của mình, điều mà mọi chính khách hiện đại đều làm. Nhưng khác mọi người, ông viết hồi ức với tất cả các tình tiết riêng tư, kể cả những rung động tình cảm của mình nhưng lại để nói đến cả một dân tộc, một thời đại và một con người mà ông luôn coi là người thầy vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người nước ngoài khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường so sánh ông với những nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử chiến tranh. Họ có sự tinh tế mà ít khi ta chú ý tới, ví như nhiều sách của Mỹ khi nói về quân hàm của ông viết rằng Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai ông luôn luôn là quân hàm mang 4 ngôi sao 5 cánh như nhiều vị đại tướng Việt Nam khác. Giới sử học Việt Nam tự hào có một vị Tổng tư lệnh là Chủ tịch Danh dự Hội nghề nghiệp của mình.
Tôi không quên lần Giáo sư Trần Văn Giàu lần đầu tiên đặt chân tới Huế để tham dự một cuộc hội thảo sử học. Thầy Giàu cùng các học trò đến thăm Khiêm Lăng của vua Tự Đức, tại đây ông nói với chúng tôi cái dự cảm: rồi thời gian sẽ trôi qua... có lẽ sau này khi nhắc đến thế kỷ 20, sử sách chỉ còn đọng lại hai tên tuổi có tầm vóc bao trùm nhất của thế kỷ này là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp...
Sự thật về Đại tướng - trách nhiệm của các nhà sử học Cụ Hoàng Đạo Thúy, trước kia là Cục trưởng, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ, từng làm việc bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời có kể lại cho bạn bè nhiều kỷ niệm của cụ với Đại tướng. Như khi có người thắc mắc vì sao Đại tướng không làm rõ một số chuyện người khác gán ghép cho ông thì cụ đã tươi cười trả lời: “Sẽ nói!”. Kể đến đây cụ Thúy hạ một câu: “Có lẽ ở ông tướng này bài học lớn là bài học về chữ nhẫn!”. Tất nhiên chữ nhẫn ở đây không có nghĩa là thụ động, thủ tiêu đấu tranh, mà là chờ đúng lúc và chọn đúng cách để nói. Cũng chính cụ Thúy, trước khi mất đã nói ra một sự thật lịch sử: “Người nói không phải là chính ông Văn, mà là lịch sử nói đấy!”. Đại tướng cũng đã dần dần nói lên sự thật lịch sử qua các hồi ký của ông. Nhưng rõ ràng đó cũng là trách nhiệm của các nhà sử học khi có điều kiện và cơ hội. Giáo sư Đinh Xuân Lâm |
Dương Trung Quốc