Lý Công Uẩn (974 – 1028)
1. Chí lớn nuôi từ nhỏ
Vào thế kỷ X, ở làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ, có một người đàn bà goá chồng, người họ Phạm, nhà nghèo phải đến làm thuê ở chùa Cổ Pháp. Nhà sư trụ trì chùa này là Lý Khánh Vân đã đi lại với bà. Khi bà thụ thai, sư sợ bị mang tiếng, thiên hạ chê cười, bèn kiếm cớ đuổi bà.
Sau ngày sinh nở, bà bọc đứa con mới đẻ vào trong áo, đem đến bỏ trước cửa chùa. Nhà sư họ Lý thấy đứa trẻ, bèn đem về, đặt tên là Lý Công Uẩn và nhận làm bố nuôi.
Bấy giờ người đời đã có câu ca chế giễu sư Khánh Vân như sau:
“Con ai đem đến chùa này
Nam mô di Phật còn thầy thầy nuôi”
Lý Công Uẩn mặt mũi rất khôi ngô, thông minh, hiểu biết trước tuổi và đã biểu lộ một tính cách khác người. Tương truyền rằng: Có một lần, nhà sư họ Lý sai Công Uẩn đem oản đặt lên bàn thờ cúng Phật. Cậu bé đã khoét oản ăn trước. Không hiểu sao nhà sư lại phát hiện được, bèn trách mắng Công Uẩn. Cậu tức lắm, cho là bức tượng Hộ pháp nhìn thấy đã mách sư, bèn đánh tượng 3 cái tát, rồi lấy son viết mấy chữ “Đồ tam thiên lí” (Đày ba ngàn dặm) vào sau lưng tượng.
Đêm đó sư Khánh Vân nằm mơ, thấy Hộ pháp cuồn rầu, đến ngỏ lời từ biệt: “Hoàng đế đã phạt đày tôi đi xa, xin chào ông ở lại”. Sáng sớm, sư Lý Khánh Vân lên chùa xem hư thực thế nào, thì quả thấy sau lưng bức tượng Hộ pháp có dòng chữ viết kết án như ông đã nằm mơ. Nhà sư bèn sai mấy chú tiểu múc nước rửa đi, nhưng chùi thế nào cũng không sạch. Khi cho gọi Lý Công Uẩn đến rửa, thì cậu chỉ lấy tay xoa xoa là dòng chữ biến mất!
Công Uẩn ngày một lớn, được sư Khánh Vân dạy cho học. Cậu học một biết mười. Được ít lâu sau, sư thấy mình hết chữ, liệu sức không dạy nổi, mới gửi Công Uẩn sang chùa Tiên Sơn (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh bây giờ) cho người em ruột là sư Vạn Hạnh dạy dỗ giúp, vì Vạn Hạnh là người nổi tiếng văn chương uyên bác thời bấy giờ.
Công Uẩn tuy đã lớn, học hành giỏi giang, nhưng vẫn không thay đổi cá tính. Hằng ngày, cậu thích chơi những trò mà người lớn cho là tinh nghịch. Một lần, Công Uẩn bị sư Vạn Hạnh phạt, trói suốt đêm nơi cửa chùa. Bị muỗi đốt không ngủ được, Công Uẩn tức cảnh đọc 4 câu thơ đầy khẩu khí, bằng tiếng Hán, dịch Nôm ra như sau:
“Màn có trời cao, chiếu đất liền
Cùng trăng thanh thả giấc thần tiên
Suốt đêm nào dám vung chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng!”
(Lê Văn Uông dịch)
Sư Vạn Hạnh nghe được, tự nhủ thầm: “Đứa trẻ này không phải người thường, sau lớn lên ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chúa trong thiên hạ đây!”, bèn hết sức chăm sóc dạy bảo.
Công Uẩn có tính không màng của cải vật chất, chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu chữ nghĩa của thánh hiền. Nhưng khi học cậu không câu nệ vào kinh sử và nhờ sáng dạ nên rất chóng hiểu, biết dùng những điều học được để suy ngẫm việc đời.
Khi Công Uẩn đến tuổi trưởng thành, được sư Vạn Hạnh tiến cử vào triều, làm quan nhà Tiền Lê, từ đời vua Lê Đại Hành (941 – 1005), đến đời Lê Ngoạ Triều (986 – 1009). Nhờ có học vấn và tài cán, Lý Công Uẩn được thăng tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, là một chức quan võ cao cấp, chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô.
Bấy giờ vua Lê Đại Hành đã mất, các vua nối ngôi chơi bời truỵ lạc, tranh giành chém giết lẫn nhau. Nhân dân trong nước đã tỏ ra chán ghét triều đại nhà Lê. Giữa lúc này lại xảy ra hiện tượng ở làng Cổ Pháp, nơi Lý Công Uẩn chào đời, có cây gạo bị sét đánh hiện lên những dòng chữ. Người ta bèn kháo nhau rằng trời đã viết lên thân cây lời sấm, bằng chữ Hán, gồm cả thảy 10 câu 4 chữ, trong đó có mấy câu sau:
“Thụ căn điều điêu
Mộc biểu thanh thanh
Hoà đao mộc lạc
Thập bát tử thành...”
Nghĩa là:
“Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Hoa vàng đã rụng
Mười tám hạt thành...”
Sư Vạn Hạnh đã giải thích: câu đầu là ám chỉ nhà vua đã suy yếu. Câu thứ hai muốn nói kẻ bề tôi đã hưng thịnh. Câu thứ ba thì 3 chữ “hoà, đạo, mộc” ghép lại thành ra chữ “Lê”. Còn câu thứ tư thì 3 chữ “thập, bát, tử” ghép lại thành ra chữ “Lý”... Tóm lại nội dung bài sấm nói rằng nhà Lê sẽ mất, họ Lý sẽ lên ngôi trị vì. Sư Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn nên chớp thời cơ nắm lấy ngôi vua.
Lý Công Uẩn vốn là người chín chắn, có thói quen suy nghĩ thận trọng trước khi hành động. Sợ câu nói của thầy học mình tiết lộ sớm thì rất nguy hiểm, nên ông đã đưa sư Vạn Hạnh đi nơi khác. Vua Lê Ngoạ Triều cũng nghe được lời sấm truyền, đã sai tay chân tìm giết những người họ Lý để đề phòng việc cướp ngôi. Vậy mà Lý Công Uẩn ở ngay trong triều vẫn được an toàn. Thế mới biết ông đã xử sự khôn khéo biết chừng nào!
Khi Ngoạ Triều mất, một viên quan trong triều là Đào Cam Mộc thấy thời cơ thuận lợi, bèn nói khích Lý Công Uẩn về việc giành ngôi. Công Uẩn vẫn cảnh giác, gạt đi mà rằng: Sao ông lại nói thế, tôi phải bắt ông nộp trước triều đình”. Nghe Công Uẩn doạ, Cam Mộc vẫn đường đường không hề sợ hãi, trả lời: “Tôi thấy thiên thời, nhân sự như thé, cho nên mới dám nói ra. Nay ông lại muốn tố giác tôi, thì tôi không phải là kẻ sợ chết!”. Biết Đào Cam Mộc quả thực lòng, Lý Công Uẩn mới nói ra ý nghĩ của mình: “Tôi đâu nỡ cáo giác ông. Chỉ sợ lời tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi!”.
Sau khi tính toán kĩ lưỡng, Lý Công Uẩn mới chấp nhận lời yêu cầu của sư Vạn Hạnh và các quan trong triều lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Lý, thay thế nhà Tiền lê.
2. Rồng bay lên, vận hội mới
Lên ngôi vua, sáng lập ra triều đại nhà Lý, Lý Công Uẩn đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của mình trong việc chọn cho nước ta một thủ đô mới. Ông đã nhận thấy vùng đất chật hẹp Hoa Lư, Ninh Bình mà các triều Đinh, Lê đóng đô không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước thời bấy giờ, nên đã quyết định chọn vùng đất khác là Đại La, một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, quân sự... làm thủ đô cả nước. Trong chiếu dời đô, Lý Công Uẩn đã lập luận một cách đáng như sau: “Đại La... ở chính giữa bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, vị trí chính phương Đông, Tây, Nam Bắc - tiện cho chiều hướng thuận nghịch của núi sông. Ở đó, địa thế vừa rộng, vừa phẳng, vùng đất vừa cao vừa sáng, dân cư không lo nạn lụt lội đắm đuối, muôn vật cũng rất phong phú tốt tươi.
Ngắm khắp nước Việt ta duy đó là thắng địa, thật là nơi then chốt của bốn phương hội lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời...” (Trích dịch theo Đại Việt sử kí toàn thư).
Vậy là với tầm nhìn về xa, bao quát và rất đúng đắn, Lý Công Uẩn đã xác lập cho nước Việt Nam chúng ta một thủ đô chính thức khá sớm, từ năm 1010. Tương truyền rằng, khi thuyền nhà vua từ Hoa Lư đến Đại La, có con rồng vàng bay lên, nên nhân đó nhà vua liền cho đổi tên gọi “Đại La” – do viên tướng Trung Quốc là Cao Biền đặt – thành tên gọi mới là Thăng Long, nghĩa là rồng bay lên.
Trải qua hàng ngàn năm, Thăng Long thời nhà Lý, được bao thế hệ cha ông ta xây dựng, bảo vệ và mở mang liên tục, để trở thành thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước Việt Nam đổi mới và phát triển bây giờ.
(Theo Thần đồng xưa của nước ta - NXB Giáo Dục - 1998)