A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồ Quý Ly và thành nhà Hồ

Cuối thế kỷ 14, triều Trần lâm vào thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, dân tình đói kém, bị áp bức nặng nề, lòng dân oán hận ngày một tăng cao đối với quan lại triều đình (Trần Nghệ Tông là người đứng đầu lúc bấy giờ). Trong bối cảnh đó, Hồ Quý Ly được vua Trần giao cho nhiều trọng trách, quyền thế và vì vậy ông đã có tư tưởng cải cách lớn.



Hồ Quý Ly-
Tranh sơn của Hoàng Hoa Mai

Hồ Quý Ly phải tiến hành ngay việc cải cách sâu rộng và toàn diện từ thiết chế chính trị đến cơ cấu kinh tế từ trung ương đến địa phương mà chủ yếu là quản lý ruộng đất. Kế theo đó phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhất là hệ tư tưởng đã thành gốc rễ như tính đặc quyền, đặc lợi, yếu kém về chính sách kinh tế, quân sự, an ninh xã hội tín ngưỡng, tôn giáo… Hồ Quý Ly đã nhìn thấy rõ sự mâu thuẫn nội tại trong nước nên ông đã quyết tâm con đường cải cách ngay trong thời kỳ ông làm quan dưới triều Trần mà không đợi đến khi trở thành quân vương. Có thể nói sự tiến hành cải cách hành chính Nhà nước của Hồ Quý Ly là toàn diện và quyết liệt. Về chính trị ông thâu tóm toàn bộ quyền lực về Nhà nước Trung ương, thay đổi một số cơ chế chính sách trong hệ thống quản lý của quan lại ở địa phương nhất là dùng quyền lực để hạn chế sức sản xuất chủ yếu là ruộng đất, mặt khác bãi bỏ số chức quan, quy định lại quyền hạn chức quan hiện đang nắm giữ ở địa phương.

Trong lực lượng quân đội, ông cho chỉnh đốn lại đội ngũ, tuyển chọn những người khỏe mạnh có sức chiến đấu dẻo dai, có đức có tài, trung thành với dân tộc, chính triều với đất nước. Bên cạnh kiện toàn đội ngũ binh lính, ông tăng cường bổ sung vũ khí, đúc súng, cải tiến vũ khí có khả năng tiến công địch hiệu quả cao. Hồ Quý Ly chú trọng đến hệ thống phòng thủ, đào hào, đắp lũy xây thành kiên cố. Mặt khác, Nhà nước tiến hành kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch quản lý nhân khẩu, tuyển lính, huấn luyện thành đội quân hùng mạnh, phòng thủ đất nước, chủ động tác chiến có bài bản. Về kinh tế, Nhà nước phải nắm quyền lực để điều chỉnh xã hội như hạn điền, quy định cụ thể cho quý tộc, vương hầu, hạn nô cho từng đối tượng thứ bậc gia nô, số lượng nô tỳ; Nhà nước tiến hành đổi tiền từ tiền đồng sang tiền giấy có nhiều loại mệnh giá khác nhau...

Trong văn hóa xã hội, Hồ Quý Ly tập trung vào chính sách khuyến học, học chữ Nôm, quy định các chức giáo, mở trường học ở các phủ, các châu, cải tiến lề lối thi cử, chọn nhân tài để phục vụ đất nước, theo phương châm học đi đôi với hành. Có thể nói suốt từ năm 1396 đến 1405, Hồ Quý Ly bỏ nhiều công sức để thực hiện ý tưởng cải cách một cách quyết liệt, táo bạo, liên tục trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hiệu quả không cao, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện sách lược cải cách. Thực tế là chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và triển khai quá sớm việc cải cách từ khi Hồ Quý Ly còn là quan trọng trách của triều Trần cho đến khi trở thành quân vương nên bước đi không vững chắc, thế và lực còn yếu và rất mong manh. Xét về mặt logic thì ông vẫn nặng tư tưởng của thể chế chính trị quân chủ và cá nhân ông chứa đựng hàm ý chống Trần. Trong khi đó khả năng ngoại xâm là rất lớn, nội bộ lục đục, lòng dân oán trách, vì thế công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly không hiệu quả, thậm chí đó còn là một nguyên nhân quan trọng trong việc thất bại trước sức mạnh của quân Minh dẫn đến sụp đổ cơ đồ nhà Hồ. Vì thế người ta ví Hồ Quý Ly như ngôi sao băng bừng sáng rồi tắt biến.

Sắp tới, Thanh Hóa đón nhận bằng Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, một công trình kỳ vĩ mà nhân dân ta đã tạo dựng. Đồng thời, hậu thế cũng nhìn lại những trang sử sự nghiệp của Hồ Quý Ly và cũng ghi nhận những đóng góp, sự điều hành, chỉ đạo của ông về việc thi công thành đá quân sự có một không hai ở Đông Nam châu Á, để rồi hôm nay trở thành di sản quý giá của nhân loại.

Theo Hoàng Hoa Mai/(DL)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm