A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình Hoài Thị và di bút thơ văn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

Phía trước mặt là cánh đồng lúa màu tươi tốt, ba phía còn lại là nhà cửa dân cư đông đúc trù mật, quần thể di tích đình chùa thôn Hoài Thị không những có cảnh quan đẹp thanh bình yên ả, mà còn từng nổi tiếng là danh lam cổ tự, nơi đây còn bảo lưu được di bút thơ văn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo là danh nhân khoa bảng nổi tiếng của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.

 


Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo tại làng Bịu (xã Liên Bão, huyện Tiên Du - ảnh trên) 

Theo sử liệu, Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) người thôn Hoài Thượng, tên nôm “Bịu Thượng”. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học khoa bảng. Cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em ruột Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân. Sự nghiệp khoa bảng của ông từ rất sớm: Năm 16 tuổi đỗ Tam trường khoa Đinh Mùi Cảnh Trị thứ 5 đời vua Lê Huyền Tông. Năm 19 tuổi đỗ Giải nguyên khoa Quý Sửu năm Dương Đức thứ 2 (1673) triều vua Lê Gia Tông. Năm 33 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1683) đời vua Lê Hy Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được bổ chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu; thăng chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị kinh diên thọ lâm bá. Sau đó thăng trải qua các chức: Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Binh kiêm Bồi tụng và thăng đến chức Tể tướng triều đình.Hoài Thượng vốn là một làng cổ có tên chữ là “Hoài Bão Thị”, tên nôm làng “Bịu Sim”, xưa thuộc xã Hoài Bão tổng Nội Duệ, nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bịu Sim là một trong ba làng Bịu (Bịu Thượng, Bịu Trung, Bịu Sim) của xã Hoài Bão xưa, nổi tiếng là đất học khoa bảng của các Tiến sĩ, Thám hoa, Trạng nguyên, tiêu biểu là Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được sử sách lưu danh, dân gian truyền tụng ca ngợi.

Nguyễn Đăng Đạo là một bậc quan đầu triều trải nhiều chức quan trọng của triều đình và được tôn vinh là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà ngoại giao... Cuộc đời làm quan của ông đã hết lòng vì dân vì nước được sử sách lưu danh và dân gian truyền tụng ca ngợi và còn để lại nhiều giai thoại nổi tiếng. Truyền rằng, ông đi sứ sang nhà Thanh, với tài ngoại giao kiệt xuất, sự uyên bác về văn chương, thơ phú, khiến triều đình nhà Thanh phải kính phục tôn vinh là “Khôi nguyên” và được tôn vinh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Ông về hưu trí tại quê nhà vào năm 1718 niên hiệu Vĩnh thịnh 14 đời vua Lê Dụ Tông, tước Thọ quận công. Ông mất ngày 28-2 năm Kỷ Hợi (1719), được vua Lê Dụ Tông tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc Trạng nguyên” treo tại đền thờ ông ở thôn Hoài Thượng.

Với quê hương, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo là người có nhiều công lao với làng xã như: khuyến khích dân phát triển kinh tế, làm cầu đường, khuyến học, trùng tu đình chùa, làm thơ phú, chữ nghĩa cho treo ở đình chùa nhằm giáo hóa người dân sống theo thuần phong mỹ tục... Với những công lao lớn với quê hương, ông được thờ làm “Phúc Thần” ở đình làng Bịu Thượng và xưa cả 3 làng “Bịu” đều phải tế lễ thờ phụng ông vào dịp xuân thu nhị kỳ.

Truyền rằng, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo có công giúp làng Hoài Thị (Bịu Sim) trùng tu đình chùa, biên soạn văn tế, cho thơ phú chữ nghĩa để làm hoành phi câu đối treo ở đình làng nhằm khuyên răn giáo hóa mọi người làm việc thiện, sống theo thuần phong mĩ tục. Hiện tại đình Hoài Thị còn bảo lưu được nhiều di bút thơ văn của ông trong Thần tích, văn tế, hoành phi, câu đối... Đặc biệt là bức Hoành phi cổ chạm khắc đẹp, sơn son thiếp vàng rực rỡ, chạm nổi 4 chữ Hán lớn “Thánh cung vạn tuế” và xen kẽ là các dòng thơ phú chữ Hán với nội dung như sau: “Dâng vật bất tu đa/Thượng hạ quý hồ hà” nghĩa là (Lễ vật không cần nhiều/Trên dưới phải thuận hòa); “Chúc Thánh thọ vô cương/Xướng ca đương kiệt lực” nghĩa là (Chúc Thánh thọ muôn đời/Ca hát phải hết mình), “Bàng quang thật vật dạ” nghĩa là (Sự việc phải thật lòng thật dạ).

Những câu thơ phú trên của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo có giá trị lớn và ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhằm khuyên nhủ mọi người khi đến chốn tâm linh (đền, đình, chùa, miếu, phủ...) là những nơi thờ “Thần”, “Phật” không nhất thiết phải có lễ vật lớn lao tốn kém để làm gì, mà cần phải có tâm trong, dạ sáng, lòng hướng thiện; bởi theo nhiều Thần tích hay Phật thoại thì “Thần, Phật” là những người khi sống thì giản dị, thanh bạch, nhân từ, độ lượng, đã giúp dân khai nước lập làng, dạy dân làm nghề, học chữ, hay anh hùng đánh giặc giữ nước, khi mất (hóa) thì hiển linh phù dân giúp nước.

Đình Hoài Thị với những di bút thơ văn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo là những di sản văn hóa vô cùng quý giá, không những thể hiện được những nét văn hiến của quê hương, đất nước, mà còn mang một ý nghĩa giáo dục, giáo hóa sâu sắc đối với mọi người rằng khi đến những chốn tâm linh là đến với sự chân thật, trong sáng, giản dị, thanh cao và mọi việc phải hướng thiện.

(Theo Bắc Ninh Online)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm