A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đất Nam Dư và chuyện kể hai bà Chúa

Đầu thế kỷ XIX, xã Nam Dư thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Từ khi con đường dài hơn 3 km nối thôn Thuý Lĩnh, xã Lĩnh Nam với làng Mai Động xã Hoàng Văn Thụ hình thành thì đất Nam Dư được chia thành hai thôn Nam Dư Thượng và Nam Dư Hạ.

Nay Nam Dư Thượng thuộc phường Lĩnh Nam, Nam Dư Hạ thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Nhưng sự phân chia địa giới hành chính không hợp lý này cũng không làm làng xưa thay đổi nếp sống, phong tục bởi người dân hai thôn vẫn có quan hệ thân tộc gắn bó và hai thôn cùng thờ chung các vị thành hoàng làng.
 
Theo bản thần tích làng Nam Dư soạn vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470) làng thờ 4 vị thành hoàng: Minh Hoa an quốc đại vương; Đường Thống đại vương; Hoàng phi Trân phu nhân và Nguyệt Thái công chúa.
 
Thần tích cho hay, vào đời Hùng Vương thứ XVIII, vua sinh được 28 hoàng tử, trong đó có Hoa Vi vốn thông minh tuấn tú lại có tài thao lược nên được vua phong là An Quốc Vương, vợ huý là Trân. Lúc ấy, bốn phương thanh bình, vương thường dạo chơi nơi thôn dã, đến xã Tây Trà, huyện Thanh Đàm, thấy đất đai mầu mỡ, cư dân đông đúc, bèn cho lập cung điện ở đó và dạy bảo dân cách trồng dâu chăn tằm.
 
Vương nghe nói núi Tản Viên hình tựa cái tán, đỉnh có phiến đá, dưới có đầm đá, phong cảnh u nhàn. Vương tìm đường lên chơi núi Tản và gặp Sơn Thánh ở đấy. Sơn Thánh, hiệu là Thần Vương có gậy tiên, có sách thần và nhiều thuật biến hoá, An Quốc xin được kết nghĩa anh em. Khi An Quốc mất, Sơn Thánh uỷ em là Thống Công về Tây Trà cùng dân xã tiếp tục lo việc nông tang. Cung điện xưa của con cháu vua Hùng ở Tây Trà nay kông còn dấu tích, nhưng qua huyền thoại vừa nêu, ta biết làng Nam Dư thuở xa xưa có tên gọi Tây Trà.
 
Đầu thế kỷ XVI, khi nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê, vua Lê Trang tông phải bỏ chạy sang Lào. Bà Hoàng Thái hậu Trương Thị Miếu theo không kịp phải về Tây Trà lánh nạn. Mấy tháng sau, bà sang bờ bắc sông Nhĩ Hà. Chẳng may bị lộ, quân Mạc ập tới, bà hoảng hốt bước xuống thuyền, không may thuyền bị đắm, biết tin đang đêm dân làng cho thuyền ra sông tìm cứu nhưng không thấy. Về sau dân làng lập đền thờ bà.
 
Làng Nam Dư có tên nôm là Kẻ Dựa. Tên gọi ấy có từ bao giờ? Tác giả sách “Làng xã ngoại thành Hà Nội” viết: “Đây vốn là một làng được khai phá từ rất sớm và trù phú. Nhưng vào khoảng cuối thế kỷ XVII có bà Chúa Tây (có lẽ là vợ Tây Vương Trịnh Tạc 1657-1681) cướp toàn bộ ruộng đất của Nam Dư, đẩy nhân dân vào cuộc sống cơ cực phải lang thang đi ăn xin, đi làm thuê làm mướn khắp các nơi. Đương thời gọi là Nam Dư, tức là một làng dư thừa giầu có ở phía nam kinh thành, thế mà lại có tên nôm là Kẻ Dựa không lấy gì làm đẹp”. Minh hoạ cho cách lý giải mã tên gọi này, ở Nam Dư hiện còn câu ca:
 
 Chỉ vì có bà Chúa Tây,
 Để cho Kẻ Dựa ăn dây bìm  bìm.
 
Gần đây, chúng tôi có dịp về làng Nam Dư, gặp các bô lão hỏi chuyện bà Chúa Tây thời Lê- Trịnh. Khi nghe thuật lại chuyện này, các cụ đều ngạc nhiên khó hiểu và kể cho chúng tôi nghe khá tường tận câu chuyện Bà Chúa với niềm kính trọng thiêng liêng.
 
Chuyện kể rằng, cách đây hơn 300 năm có một bà chúa hiếm con, đi cầu tự, đêm nằm mộng thấy thần nhân bảo rằng, bà du ngoạn tới đâu thấy ba cây gạo chụm vào nhau thì dựng chùa làm phúc ở đấy. Tới đầu xã Tây Trà, gặp cảnh như trong mộng báo, bà bèn cho dựng chùa nguy nga, đặt tên chữ Nghiêm Thắng tự. Những năm tu hành ở đây, thấy dân xã còn nghèo, bà xin với chúa cho quai đê sông Cái, mở rộng diện tích đất canh tác được 200 mẫu. Để có đường thuỷ và khi cần thì tiêu úng, chống hạn bà cho đào kênh Rạch Đầm và bắc cầu đá qua kênh, dân gọi là Cầu Nghè. Cầu đá ngày xưa đã bị đổ, đất che lấp nhiều phiến đá lớn. Hình ảnh thuyền rồng của bà Chúa đi từ chùa Nghiêm Thắng ra thăm khu đồng chân đê vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.
 
Sau ngày bà mất, biết ơn người có công lập làng, dân xã dựng đền tạc tượng bà để thờ. Đền ấy dân gọi là đền Bà Chúa hoặc đền Vua Bà. 40 năm trước, một số người định phá đền lấy đất dùng vào việc khác nhưng khi thấy tượng bà đang toạ trên bệ thờ với vẻ mặt hiền từ, bao dung thì không ai dấm phá nữa. Sau đó tượng Bà rước vào thờ ở chùa Dựa, nay hãy còn. Tại chùa còn giữ được một số sắc phong của các triều đại phong cho bà là “Nguyên suý thống quốc Tây vương phi chính cung Nguyễn Thị Ngọc Tú”. (HNM)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm