A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào Tấn - Ông tổ nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Đào Tấn, (1845-1907) tên đầy đủ là Đào Đăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang, Mộng Mai. Ông xuất thân từ dòng dõi quí tộc, sinh ra ở làng Vinh Thạnh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước( Bình Định). Đào Tấn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, được coi là ông tổ của nghệ thuật Tuồng Việt Nam .

 Một cuộc đời trung quân, ái quốc


 
Đào Tấn (1845-1907)

Ngay từ thuở nhỏ Đào Tấn đã nổi tiếng là thông minh dĩnh ngộ. Năm 1867, Đào Tấn 22 tuổi là một trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão tại trường thi Bình Định (bao gồm sĩ tử từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa). Bốn năm sau, vào năm 1871 Tự Đức thứ 24, ông được bổ quan rồi thăng tiến rất nhanh: năm 1874 làm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), năm 1882 Phủ doãn Thừa Thiên. Thời gian này, ông trú tại Mai Viên nằm trên đường Ngự Viên - nay là đường Nguyễn Du, Tp Huế. Ông thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc.

Những năm đó, triều đình Nguyễn liên tiếp nhượng bộ, từng bước dâng đất nước cho thực dân Pháp. Là người nặng tư tưởng trung quân, Đào Tấn dường như đứng ngoài cuộc kháng chiến của toàn dân đang sôi sục khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng mặt khác, ông lại là người ái quốc, thấy nước nhà lâm nguy mà không cứu, tự thấy hổ thẹn với chính mình. Ông viện cớ cha mẹ yếu xin từ quan về phụng dưỡng nhưng không được chấp nhận. Mãi khi cha mất ông mới được phép về quê.

Đồng Khánh lên ngôi, vốn là chỗ cố tri, năm 1889 cho mời ông tiếp tục tham chính. Đào Tấn trở lại triều đình nhậm chức, ông từng được giao những trọng trách như Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, Binh. Vào năm 1904, khi kế hoạch phục quốc của vua Thành Thái mà ông là một yếu nhân bại lộ, Đào Tấn bị buộc về hưu. Ông trở về ở ẩn và mất tại quê nhà năm 1907 (hưởng thọ 62 tuổi).

Cuộc đời làm quan của Đào Tấn có một mâu thuẫn kỳ lạ: bậc trọng thần thường được các vua Nguyễn sủng ái, có tuổi quan vào loại kỷ lục ở triều Nguyễn ấy lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất trong thơ và từ của ông. Đào Tấn từng đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan như ông. Trong bài thơ “Viết tình cờ”, ông căn dặn các con:

Các con chưa tỏ sự đời
Lợi danh đâu phải phận người văn chương
Phong trần cha đã ê xương
Chớ chen vào chốn quan trường mà chi.

Dưới con mắt Đào Tấn, con người coi sự trong sạch của hoa mai là cốt cách của mình, quan trường thời ấy là chốn ô trọc, sâu mọt, bụi bặm, là nơi “nhân tình bạc tựa thu vân”, nơi “ô khóa lợi xiềng danh luôn trói chặt”, nơi đầy rẫy những kẻ “lộc vua ăn uổng, cột trời để xiêu”. Trong suốt 30 năm làm quan, giấc mộng lớn nhất, thường trực nhất trong ông là được từ quan, về quê, thỏa chí bình sinh “chỉ thích đề ngâm khắp dưới trời” của mình. Tuy vậy, giấc mộng ấy, với Đào Tấn, đã trở thành “thảm mộng” bởi ông đã không thể nào dứt nổi chốn quan trường mà ông cho là nhơ nhuốc ấy, đã từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp, rồi vẫn ra làm quan trở lại; có thể nói đó là một lựa chọn đầy hy sinh vì nước vì dân của ông. Thấu hiểu những ê chề cay đắng của kiếp làm quan ở một thời vua không ra vua quan không ra quan, thời lộng hành của bọn xâm lược, của lũ sâu dân, mọt nước, thời của những đọa lạc, những phản bội ghê gớm, nhưng Đào Tấn, con người luôn “Thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà” vẫn ở lại làm quan giúp vua Thành Thái là vì trách nhiệm của một sĩ phu khi đất nước suy vong, và vì ông tin rằng mình sẽ góp phần làm cho sự liêm chính và lòng trung nghĩa không chết, ngọn đèn cứu nước không tắt và tạo điều kiện cho những anh hùng cứu nước đã và sẽ xuất hiện. Có nhiều bằng chứng cho thấy, tinh thần dân tộc bất khuất, ý chí tự cường mạnh mẽ của vị vua trẻ Thành Thái có ảnh hưởng lớn của Đào Tấn, vị cận thần thân tín của ông. Không phải ngẫu nhiên mà người đương thời đã gọi Đào Tấn là “Kẻ ở ẩn tại triều”.

Nổi tiếng là một người thanh liêm và công bằng, vị thượng quan Đào Tấn xứng đáng là một tấm gương sáng cho muôn đời. Dưới thời Tự Đức, ông được vua ban tặng các danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua). Tiếp kiến Đào Tấn tại dinh tổng đốc ở Vinh năm 1902, thời Thành Thái, Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã phải ghi nhận sau gần 30 năm làm quan, Đào Tấn vẫn “tay trắng thanh bần”. Gosselin viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân” (L’Empire d’Annam, trang 468, Vương Hồng Sển dịch).

Đào Tấn luôn vì ích nước lợi dân thực thi chức trách của mình, bất chấp những hậu quả không hay có thể sẽ phải gánh chịu. Hầu hết những nơi Đào Tấn từng làm quan đều ca ngợi những ân đức mà ông đã làm cho nhân dân trong vùng. Đào Tấn từng cứu trợ nạn đắm thuyền của hơn 400 ngư dân đảo Hải Nam, được họ lập đền thờ sống ở đảo này. Bất chấp sự can thiệp của khâm sứ Pháp, ông quan “điềm tĩnh, khiêm hòa” ấy đã ra lệnh xử chém Bồi Ba, tên tay sai Pháp gây nhiều tội ác với nhân dân Huế. Khi bị điều ra nhậm chức tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn dâng sớ nói rõ: “Hoan châu là đất xung yếu, sĩ phu nhiều người học giỏi, sĩ khí hùng, dân trí tốt, tôi đến nơi chỉ làm cho được chữ Phủ (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp. Còn chữ Tiểu (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công...Tôi là quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận tôi xin chịu tội vi mạng”.

Những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến dầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.


 
Sơn hậu- một vở tuồng đã gắn liền với tên tuổi Đào Tấn


Đào Tấn đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên Học bộ đình và ở làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở tuồng của ông và đào tạo những nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Ông là tác giả tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút. Đặc biệt, ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 40 vở tuồng vẫn được lưu truyền mãi mãi cho hậu thế như: Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan Công quá quan, Tân Dã đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trầm hương các, Khuê các anh hùng và nhuận sắc phong một số vở như Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Ngũ hổ Bình Tây và Nguyệt cô hóa cáo...Có thể nói trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất và ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn” Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

Ngoài ra, Đào Tấn còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ như: Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai tử lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao viết bằng chữ Hán...Nói chung, di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp.

Để tỏ lòng biết ơn và trân trọng với công lao to lớn của ông đối với nghệ thuật Tuồng Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương và Nhà hát tuồng Đào Tấn, đã đầu tư kinh phí tu bổ và nâng cấp mộ của ông tại núi Hoàng Mai xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, thành khu lăng mộ khang trang. Mộ được xây dựng hình chữ nhật dài 3 m và rộng 2m, có bờ bao quanh cao 0,8 m; phía trước mộ có bia đề ngày lập mộ, trước nữa là bức bình phong làm tiền án và phía ngoài mộ là một vòng tường bao dài 10 m, rộng 6 m, trước có trụ cổng đề đôi câu đối của Hà Đình tướng công, lưng có bình phong kiểu cuốn thư, 2 bên cổng và 2 bên cuốn thư được tạo dáng đuôi vểnh lên trên...Nơi đây, xưa là cả một rừng hoa, dưới là dòng sông Tranh quanh năm nước chảy, xa xa là cụm tháp Bánh Ít cổ kính, phong cảnh ấy, kiến trúc mộ phần ấy đã toát lên tính cách cương trực, cuộc sống thanh bạch, tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ của con người Đào Tấn.

Q.H


Tin liên quan

Tin tiêu điểm