A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bậc thầy tranh sơn mài

Theo nhà phê bình Thái Bá Vân: “Duyên nợ của Nguyễn Gia Trí với sơn mài thật là sâu xa. Nó không nằm ở thời gian mà ở nghệ thuật”.

Một phần của bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc - Ảnh: Diệp Đức Minh chụp lại

Nhờ giới thiệu của văn sĩ Đoàn Phú Tứ, ông Thái Bá Vân được gặp và nghe danh họa Nguyễn Gia Trí nói về sơn mài vào năm 1977. Hai ông gặp nhau ở Hà Nội, trong căn nhà của ông Trí. Căn nhà đó sau này ông Vân mô tả lại ở trong hẻm, tồi tàn, không có ánh sáng. “Tôi nhớ phòng tiếp khách chỉ có vài cái ghế mây, tường trống không và cạnh chỗ ông ngồi là một chiếc radio cũ”, ông Vân viết.

Sự tồi tàn đó dường như chẳng có gì chung với khối tài sản khổng lồ mà người ta suy đoán ông Trí bán tranh mà có. Trước đó, ông nổi tiếng là người được giới mua tranh ưa chuộng vô cùng. Trong nhiều giai thoại, còn có chuyện tranh của ông được bán theo một kiểu thức kỳ lạ - theo độ dài. Khách hàng mê tranh của ông đến mức đặt mua nó ngay từ khi mới là một phác thảo. Việc được đặt tranh thường xuyên khiến ông làm không hết việc. Thậm chí, năm 1996, ngay sau khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mua tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của ông với giá 100.000 USD thì đã có nhà sưu tập người Bỉ sẵn sàng mua lại với giá gấp mười.

Sơn mài không có gì là thực

Nhưng ngay cả trong khung cảnh thiếu sáng - điều thiệt thòi với một họa sĩ - thì quan điểm sơn mài đằm thắm của ông cũng vẫn lay động nhà phê bình Thái Bá Vân. Trong câu chuyện, danh họa Nguyễn Gia Trí nói rằng nhờ sơn mài mà ông nên người. Ông cũng nhắc đi nhắc lại, sơn ta với bản chất lộng lẫy huyền thoại, thần tiên có miền hình tượng và ngôn ngữ riêng của nó.

“Nhờ nó mà ông đã vượt bỏ object (đối tượng, ngoại vật, khách thể. Tất cả những chữ Pháp ở đây là nguyên văn ông dùng) - để ra khỏi ranh giới imitation (mô phỏng tự nhiên) để vào tận trung tâm cái thực intérieur (bên trong, nội tâm). Theo Nguyễn Gia Trí, càng bỏ xa object bao nhiêu, càng xuất phát từ bản thân bao nhiêu, thì càng tránh được con đường từ ngoài đi vào, mà đi từ trong tâm linh mình đi ra”, ông Vân nhớ lại.

Những khung cảnh từ trong tâm linh của ông Trí bước ra, một lần, đã được danh họa Nguyễn Đỗ Cung mô tả: “Vỏ trứng đã thành ánh sáng nhễ nhại và huyền diệu trên thân thể một thiếu nữ mặc áo đỏ trên một bức sơn mài. Giữa một cảnh lộng lẫy, thiếu nữ đó đã tưng bừng bước ra”.

Danh họa Nguyễn Gia Trí - Ảnh: T.L

Theo ông Thái Bá Vân, với nửa thế kỷ hội họa của mình, Nguyễn Gia Trí (1909 - 1993) là một trong vài ba ngôi sao sáng nhất của nghệ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa khi trước đó, sơn mài chỉ được sử dụng như một chất liệu trang trí truyền thống. Và mãi tới những năm 1930, với Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu chân trời hội họa mới mở ra với chất liệu ấy.

Cùng lúc, ông Trí thoát được khỏi thành kiến về chất liệu. Ông cũng thoát khỏi được lối vẽ hình họa mà người châu Âu mang đến, định áp đặt trong Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhờ đó, Nguyễn Gia Trí

Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng (Họa sĩ Tô Ngọc Vân)

tạo ra một âm hưởng thần tiên riêng trong những bức tranh của mình. Điều này, ông Vân gọi tên: “Không phải là của đời sống thực này, mà của miền hư ảo, xa xôi, với bảng màu mạnh mẽ, rạo rực, độ bóng trên tranh ông, vừa lộng lẫy, tôn giáo (vàng, bạc) lại vừa sâu lắng ngọc ngà (son, then, vỏ trứng...)”.Ở điểm này, tranh Nguyễn Gia Trí bỗng trở nên giàu yếu tố tượng trưng, siêu thực và trừu tượng. Những cảm giác ông mang lại không thể chỉ ra cụ thể, từ một chi tiết quá cụ thể. Người ta chỉ có thể cảm nhận chúng mà khó lòng gọi ra.

Danh họa Tô Ngọc Vân viết: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng”.

“Tôi rất cảm ơn danh họa Nguyễn Gia Trí”, ông Thái Bá Vân viết. “Như một giá trị độc lập trong nền hội họa Việt Nam. Ông đã làm tôi an tâm hơn về quan điểm sơn mài của mình. Tôi có một kết luận là trong vài chục năm qua, quá nhiều họa sĩ chúng ta đã nhầm đường, toan tính dùng sơn mài để làm tranh tả thực, bắt chước tranh màu dầu hàn lâm của châu Âu. Bằng cách đó, sơn mài chỉ còn là cái xác. Ông Trí thì nói đi nói lại cái chất phi tự nhiên chủ nghĩa của sơn mài”.

Đời thành thực trong mơ

Nguyễn Gia Trí cũng nhiều lần lập ngôn trong quan điểm sáng tác. Trong một ghi chép, ông viết: “Sáng tác có lúc cũng như trong cơn mơ. Người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Vẽ trừu tượng là không vẽ bất cứ cái gì mắt thấy. Mắt vẫn mở (thì mới "làm" được!) nhưng mắt không được thấy, như thế thì chỉ có cách vào một cơn mơ. Hễ ra khỏi mơ, hễ bắt đầu ý thức, bắt đầu thấy cái nọ cái kia xung quanh mình, thì thể nào cũng lôi chúng vào, làm hỏng mất tranh trừu tượng”.

Danh họa cũng viết: “Vẽ cụ thể là làm cho một cái hình có thật nào đó bỗng chứa tâm hồn ta. Còn vẽ trừu tượng là làm cho tâm hồn ta bỗng hiện ra thành một cái hình chưa hề có thật bao giờ!”.

Cũng vì thế mà theo ông Trí: “Họa sĩ có tài mà kém thành thật với chính mình thì tranh không đẹp đến mức có thể. Họa sĩ không có tài thì dù thành thật tuyệt đối cũng không sao vẽ nên tranh đẹp. Thực ra như vậy là muốn làm họa sĩ chứ không phải là họa sĩ”.

Trong suốt cuộc đời sáng tác, Nguyễn Gia Trí một lòng đi theo quan điểm sáng tác thành thực ấy. Ông say đắm không ngừng với sơn mài. Ông cũng hưởng ứng vô điều kiện nghệ thuật trừu tượng. Điều đó đã thể hiện rõ từ thời làm sơn ở Trường Mỹ thuật Đông Dương cho tới cuối đời. Thẩm mỹ và quan điểm bền bỉ ấy cũng giúp lý giải phần nào giá trị của bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc. Tác phẩm này được ông vẽ trong vòng 20 năm mà tính thống nhất của cảm xúc vẫn liên tục.

Tới năm 1987, ông Nguyễn Gia Trí mời họa sĩ Thái Tuấn đến xem lại toàn bộ ký họa và phác thảo. Sau đó, ông Trí châm lửa đốt những gì không muốn giữ lại.

Tháng 6.2013 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày triển lãm Những phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập của mình. Trong đó, có 73 phác thảo (có những phác thảo có thể đứng độc lập như một tác phẩm), một số tư liệu bài viết hình ảnh. Tuy nhiên, phần lớn phác thảo này không có tên, không ghi năm hay giai đoạn sáng tác. Điều này khiến hình dung về tiến trình nghệ thuật của ông thật khó.

Được coi là một giá trị độc lập trong hội họa Việt Nam, nhưng hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông lại không suôn sẻ. Hội đồng nghệ thuật Giải thưởng Nhà nước thậm chí đã bỏ phiếu 100% đề nghị ông được đặc cách nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một đơn kiến nghị đã được gửi liên quan đến nhân thân cố họa sĩ. Sau khi xác minh, Bộ VH-TT-DL vẫn tiếp tục đề nghị Chủ tịch nước truy tặng ông giải thưởng này.

Danh họa Nguyễn Gia Trí (1909 - 1993) quê ở Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, vào Nam năm 1954.

Chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm ông đã vẽ. Song nhiều người cho rằng phần lớn chúng đang ở nước ngoài. Một số tác phẩm của ông: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Cảnh thiên thai, Thiếu nữ trong vườn... Bức Vườn xuân Trung Nam Bắc của ông vừa được công nhận bảo vật quốc gia đợt 2 ngày 30.12.2013.

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

(Theo Thanh Niên)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm