36 phố phường Hà Nội Xưa (Phần 3)
Phố Hàng Đào
Rue de la Soie - tên gọi chính thức bằng tiếng Pháp trong bản đồ hành chính thành phố Hà Nội - đủ để giải thích tên gọi “Hàng Đào”. Đây chính là phố bán các loại vải vóc, tơ lụa mà có lẽ là loại vải màu điều (đào/đỏ).
Nghề nhuộm màu tạo nên loại sản phẩm đặc trưng trở thành tên gọi của một trong những con phố nằm trên trục đường thuộc loại sầm uất nhất của người bản xứ, chạy dọc từ Bờ Hồ cho đến Chợ Đồng Xuân.
Ngôi nhà ngoài cùng bên phải ảnh chính là nhà số 4 nơi cư trú của gia đình cụ Cử Lương Văn Can. |
Nói đến Hàng Đào, không thể không kể đến một thời ngắn ngủi sôi động bởi một phong trào yêu nước của các nhà Duy Tân đầu thế kỷ XX, khi lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngôi nhà số 4 là nhà của Cụ Cử Lương Văn Can, vị thục trưởng và ngôi nhà số 10 được dùng làm nơi mở lớp của ngôi trường danh tiếng, nhưng chỉ tồn tại được không trọn một niên khoá (1907) đã bị thực dân đóng cửa và đàn áp, vì sợ dân trí dân ta lên cao thì nền đô hộ của ngoại bang bị đe dọa.
Cả hai ngôi nhà này đều có trong tấm ảnh kèm đây. Lại thêm cái tàu điện rất đặc trưng với tấm biển quảng cáo cho sản phẩm “Dubonnet”, ngày ngày di chuyển trên đường phố, kề cận với đầu mối ở Bờ Hồ toả đi tất cả các cửa ô của thành phố. Còn tấm ảnh thứ hai nhìn từ Bờ Hồ vào chính là nơi hiện giờ mang tên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và là cửa ngõ đi vào khu vực trung tâm của Khu phố cổ Hà Nội.
Sách “Dư Địa Chí” của danh nhân Nguyễn Trãi gọi tên gốc của phố này thuộc địa phận “phường Đại Lợi”, tâp trung dân làng Đan Loan chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần - Hồ, rồi quy tụ đến đây như một khu chợ vải vóc cũng họp theo phiên. Phiên chợ thu hút các làng dệt tứ xứ đến mua bán, như the từ La Cả, La Khê, lĩnh từ làng Bưởi ven Hồ Tây, gấm vóc của Vạn Phúc, rồi các giao dịch của thợ nhuộm, thợ cửi, người bán tơ, bán sợi...
Điểm rẽ của 2 tuyến xe điện, một đi thẳng vào Hàng Đào đi tiếp tới Chợ Đồng Xuân; |
Về sau, vải vóc còn giao dịch với miền Trung hay miền Nam, cũng như việc nhập hàng vải bông từ nước ngoài vào nội địa. Kể từ sau Đại chiến I, lại có thêm người Ấn Độ đến sinh sống với các cửa hàng “Tây Đen bán vải”, càng làm cho phố phường thêm sinh động, cạnh tranh với cái sầm uất của dãy phố liền kề là Hàng Ngang - có nhiều cửa hàng người Hoa giàu có nhưng không buôn bán loại hàng dùng làm đồ mặc này.
Phố Cầu Gỗ - Khu dịch vụ của Hà Thành xưa?
Đôi khi tên phố chỉ là dấu tích còn lại của cái không còn nữa. Cái cầu làm bằng gỗ nay không còn trên một con phố có những ngôi nhà kiểu rất cũ và đặc trưng của kiến trúc Hà Nội trước khi Tây sang - phố Cầu Gỗ.
Phố Cầu Gỗ rất gần Hồ Gươm nhưng bị khuất bởi một dẫy phố nằm kế bên Hồ, có một lối thông sang hồ cũng được coi là một phố (phố Hoàn Kiếm) và đó chính là vị trí của một chiếc cầu làm bằng gỗ bắc qua một con lạch nối Hồ Hoàn Kiếm với một hồ nước không nhỏ có tên là "Thái Cực", sau khi bị lấp đã trở thành không gian của các phố nằm phía sau dẫy nhà lẻ của phố Hàng Đào (khu vực nay là chợ Hàng Bè).
Vị trí tuy khuất nhưng lại kề với những chốn đô hội (hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Đào), gần Ga xe điện Bờ Hồ... nên nó cũng là một phố của những cư dân làm nhiều nghề mà nay ta gọi là "dịch vụ" cho đời sống người dân đô thị. Ví như nghề đóng mới và sửa chữa các loại xe tay, các phòng trọ cho sĩ tử ra kinh thi trú ngụ, vừa gần phố bán giấy bút là Hàng Gai, lại gần nơi thờ Văn Xương trong đền Ngọc Sơn phù hộ cho việc học.
Nhìn kiến trúc của những ngôi nhà trên con phố này, ta có thể đoán chắc rằng nó được xây cất trước khi người Pháp sang, điều mà Trương Vĩnh Ký khi từ trong Nam ra Hà Nội vào năm 1874 đã mô tả.
Đoán chắc không chỉ nhờ cái màu "thời gian" ghi dấu những bức tường, hay những chi tiết kiến trúc như những đầu hồi hình khối vuông trên nóc, những vách ngăn giật cấp giữa hai căn nhà, mà rõ rệt hơn là cái xô lệch giữa những móng nhà với vỉa hè, yếu tố mà người Pháp dùng để "quy hoạch" lại những phổ cổ.
Cái xô lệch, "thò ra thụt vào" với người này có thể gây phản cảm về sự lộn xộn thiếu chuẩn mực, nhưng ở những người khác lại cảm thấy cái chất hồn nhiên của một đô thị cổ - kẻ chợ đang bị khuôn lại theo thể thức của một đô thị hiện đại khi người Pháp đến.
Xưởng làm mũ ở phố Cầu Gỗ |
Ở đây có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp đẹp đẽ và tiện lợi thay cho việc quấn khăn theo lỗi cũ của đàn ông Việt Nam. Đây cũng là phố ẩm thực mà đến nay vẫn duy trì và có phần phát triển nhờ nó nằm kề một lối ra của chợ Hàng Bè.
Phố Hàng Ngang
Cho đến nay cái từ “Ngang” vẫn là một câu hỏi về ngữ nghĩa vì nó không phải là một sản vật như các “hàng” khác (như “Hàng Đường, Hàng bạc, Hàng Muối trắng tinh”).
Có nhà nghiên cứu liên tưởng đến một địa danh khác của Hà Nội là phố “Đình Ngang” vốn là con đường cửa ngõ đi vào trong thành qua cửa phía Tây Nam, vì thế có một cái đình được dựng ngang đường cho một đám quan quân đồn trú để tiện bề kiểm soát người qua lại
Lập luận ấy gợi cho ta cách gọi tên phố Hàng Ngang khi xem tấm ảnh được công bố vào cái thời chưa có kỹ thật in ảnh trên sách báo (bản kẽm) mà để công bố nó phải chuyển những tấm ảnh chụp thành các bản khắc đồng rất công phu và chi tiết (inconographie).
Phố Hàng Ngang xưa |
Đó là một con đưòng mà ở đầu và cuối phố đều có cửa chắn ngang để khi đêm xuống cửa sẽ được đóng lại, có người canh gác, có đèn hay đuộc thắp sáng để bảo đảm an ninh. Vào thời đó chắc nhiều phố khác cũng có, ví như phố Hàng Chiếu, nhưng các rào chắn và cửa ngõ có vẻ sơ sài bằng cây gỗ hay tre mà thôi, dấu ấn của các cổng làng thời Hà Nội còn các phường hội đại lý cho các làng nghề.
Nếu biết đến tên phố của người Tây về Hàng Ngang thì ta sẽ có thêm lời giải thích rõ hơn. Bản đồ của người Pháp đặt tên cho phố này là “Rue de Cantonnais”, tức là phố của dân Quảng Đông (Trung Quốc).
Đọc các thư tịch cổ Việt Nam thì biết rằng từ thời Lê chính quyền đã cho phép người Trung Hoa từ phương Bắc di cư đến làm ăn ở Thăng Long, và cũng theo tập quán vốn có họ cụm lại ở một khu vực mà ta có thể thấy ngay cái thế chân kiềng của phố Hàng Ngang đoạn giáp phố Hàng Đường thì có cái ngã tư một phía là Hàng Buồm có Hội quán của người Quảng Đông và phía đối diện là Hội quán của người Phúc Kiến nên có thời nó cũng từng mang tên gọi là Phố Phúc Kiến (hiện nay là Phố Lãn Ông).
Hàng Ngang nằm trên trục đường phố quan trọng nhất của Thăng Long xưa đến thời Nguyễn sách “Đại Nam nhất thống chí” vẫn gọi tên phố là “Việt Đông”. Có lẽ vì thế nên chỉ có những người Hoa khá giả mới mở cửa hàng, cửa hiệu taị phố này. Về sau không chỉ người Hoa mà cả người Việt, người Ấn (dân vùng Bombay sang mở cửa hàng vải) cũng có mặt tại đây.
Ngôi nhà số 48 ở phố này của một gia đình danh giá là ông bà Trịnh Văn Bô, không chỉ vì giàu có tiền của mà còn giàu lòng yêu nước. Tại ngôi nhà ấy, năm 1945 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư ngụ trong thời gian viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Hội Âm Nhạc Tây
Ngày nay, bên Hồ Hoàn Kiếm có một nhà hát thu hút đông đảo khách nước ngoài đến xem, đó là rạp rối nước mang tên “Thăng Long”. Trước đó là rạp chiếu bóng Hoà Bình, còn thời trước nữa nó mang tên “Philarmonique”. Đó là tên gọi của một kiến trúc gần kề đó, đương thời được coi là toà nhà đẹp và gây sôi nổi cho đời sống của đô thị mới hình thành theo phong cách Tây phương này.
Vào năm 1885, khi Hà Nội đã có một cộng đồng người Âu đông đảo và nhu cầu quảng bá loại âm nhạc mới mẻ đối với xứ thuộc địa này thì “Société Philarmonique” ra đời và được tạm dịch là “Hội Âm nhạc Tây” do một chủ cửa hiệu bán thuốc ở đường Paul Bert (nay là Phố Tràng Tiền đứng ra vận động thành lập.
Tòa nhà nhìn ra hồ có đường tàu điện chạy ngang |
Nhìn từ phía khoảng đất rộng cuối Hàng Đào (nay là Quảng trường |
Trụ sở được xây dựng vào năm 1889 là một toà nhà kiến trúc đẹp, được dùng làm nơi sinh hoạt của các hội viên và tổ chức biểu diễn các chương trình tạp kỹ thay cho địa điểm tạm bợ phía trước cổng đền Ngọc Sơn (về sau được sửa sang thành rạp chiếu bóng Pạthé). Năm 1932 Ban Phước Cương từ Sài Gòn cũng thuê rạp này để giới thiệu nghệ thuật cải lương với dân Hà Thành.
Đoạn phố ngắn này vốn mang tên “Hàng Cau”, rồi đổi thành “Rue Philarmonique” còn nay là “Phố Hồ Hoàn Kiếm”, có lẽ đó cũng là phố ngắn nhất của Hà Nội (!?).
Nhà sử học Dương Trung Quốc