Thăng Long - Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa đất nước
|
Việc định đô tại Thăng Long là bước chuyển sáng để đi vào một thiên niên kỷ hào hùng của dân tộc Việt
Sự sáng suốt và mưu lược của vị vua "phi thường" (như cách đánh giá của Bác Hồ trong diễn ca Lịch sử nước ta) là ở chỗ: nhà vua đã nhận ra ở mảnh đất này không chỉ là ngôi thành cũ dấu tích của Đại La. Tống Bình là những địa danh gắn với trị sở của quân đô hộ phương Bắc trước ngày dân Việt giành được quyền tự chủ, mà cao xa hơn là tầm nhìn thấy ngọn núi Tản và dòng sông Nhị tự bao đời đã là vùng đất thiêng soi bóng xuống những không gian của Phong Châu thời các vua Hùng, của Sóc Sơn, nơi hiển thánh của cậu bé anh hùng làng Gióng, của Cổ Loa thời An Dương Vương xây thành ốc, của Mê Linh thời Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa "Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta", hay của thời Ngô Vương Quyền khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc...
Địa linh này từng được giới khảo cổ học lật lên từ lòng đất những chứng tích về sự sống con người từ thời tiền sử với những hòn đá cuội ghè đẽo của văn hoá Sơn Vi cách nay từ 2 vạn năm được phát triển ở vùng Ba Vì, cho đến nhiều hiện vật thuộc các văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn của thời đại đồng thau từ cách nay bốn ngàn năm đến đầu công nguyên rải khắp trên địa bàn của Hà Nội hôm nay...
Với nhãn quan của vị đại trí, đại minh, Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô viết: "Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy có chỗ thuận tiện thì dời đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh... ở trung tâm cõi bờ đất nước được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, tây, nam, bắc, tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương".
"Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại, ngay từ thuở đó, quyết sách của nhà vua đã được quần thần ủng hộ: "Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu để trên cho nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhà dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế ai dám không theo". Và sử cũ cũng chép rằng: mùa thu năm 1010 ấy, "tám điện, ba cung" đã được khởi dựng cho một kinh đô bề thế tương xứng sức vóc trưởng thành của quốc gia Đại Việt.
Người đời sau viết về mảnh đất Đại La được chọn đặt làm kinh đô Thăng Long đã bình thêm rằng: "Núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có, phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên, Hưng, phía bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền đông nam thường vận chuyển bằng thuyền, miền Càn Xương thì liên lạc bằng trạm, là một trung tâm của bốn phương chầu về. Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt,sau lưng là nước sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt không nơi nào hơn được nơi này". Sử gia Đặng Xuân Bảng đời Nguyễn thì coi địa thế của Thăng Long "thực là nơi kho trời" (Sử học bị khảo).
|
Gần ngàn năm đã qua những gì mà nhà vua "phi thường" Lý Công Uẩn đã nêu trong Chiếu dời đô mùa thu năm 1010 đã được minh chứng là đúng đắn bằng sức lao động, phấn đấu phi thường của lớp lớp những con dân Thăng Long cùng toàn dân cả nước.
Trải qua các triều đại, mang các tên khác nhau: Đông Đô, Đông Kinh, Thăng Long vẫn là kinh đô nước Đại Việt chứng kiến sự thăng trầm của nhiều thời đại Lý, Trần, Hồ, Lê và vẫn luôn là một mảnh đất đô hội mang danh Kẻ Chợ và là nơi tụ hội của nhân tài cả nước. Ngay cả khi Thăng Long không còn là kinh đô của nước Đại Nam thời Nguyễn (phải cải chữ "Long" từ nghĩa là "rồng" thành "Thịnh" vì không còn là đế đô nữa), thành quách bị thu nhỏ, cung điện xây ở Huế, thì cố đô Thăng Long, kể từ đời Minh Mạng (1831) đổi thành Hà Nội vẫn là một vùng đất không đâu sánh nổi. Sử gia Xin-ve-xtrow (Silvestre) trong cuốn Vương quốc An Nam và dân Nam, xuất bản tại Pa-ri năm 1889 từng có nhận xét: "Mặc dù không còn là nơi vua chúa nữa, nhưng Hà Nội vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc này về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp và sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn... Tóm lại, nó vẫn chính là trái tim đất nước này".
Năm 1802, Gia Long lên ngôi đóng đô ở Huế. Triều đại nhà Nguyễn về danh nghĩa tồn tại đến tháng 8-1945 khi ông vua cuối cùng là Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Nhưng thực chất chủ quyền của Đại
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Đọc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bản Hiến pháp đầu tiên (1946) đã trịnh trọng ghi nhận Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam độc lập. Cũng từ đó nối lại với nguồn xưa Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm" của dân tộc ta...
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân Hà Nội đã và đang quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" để xứng đáng là thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Dương Trung Quốc
(Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt