A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đường phố mang tên vua ở Hà Nội

Đó phần lớn các là những đường phố đẹp nằm ở trung tâm Thủ đô. Nhiều phố có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm trí người Hà Nội...

Vào thời xưa, tên của hầu hết các phố phường Hà Nội được đặt tên theo các sản vật hoặc ngành nghề gắn liền với phố đó, ví dụ như phố Thuốc Bắc, Bát Đàn, Hàng Bút, Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Mắm, Hàng Muối… Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân Pháp lại lấy tên các danh nhân của chính quốc để đặt cho các đường phố Hà Nội, như phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay), phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo). Việc lấy tên danh nhân để đặt cho các đường phố là thói quen văn hóa của nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Nga lúc đó.


 
Đường Hùng Vương đi qua Quảng trường Ba Đình lịch sử

Từ năm 1945, sau khi chế độ thực dân bị lật đổ, chính quyền Cách mạng đã sửa đổi toàn bộ tên đường phố Hà Nội. Các tên Pháp bị bãi bỏ thay thế bằng tên của các danh nhân người Việt. Đó là tên của những vị tướng lỗi lạc, nhà yêu nước và những người có nhiều cống hiến cho đất nước, đặc biệt là các vị vua có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử Việt Nam.
 
Có thể kể ra cả chục đường phố mang tên vua ở Hà Nội. Đó là đường Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế... Phần lớn các đường phố này đều nằm ở trung tâm Thủ đô và có cảnh quan đẹp. Nhiều đường phố trong đó có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm trí người Hà Nội bởi vị trí lịch sử cũng như cảnh quan trên các đường phố này.

Đầu tiên, có thể kể đến đường Hùng Vương, con đường dài gần 1,2km, đi từ ngã tư Quán Thánh - Thanh Niên đến phố Nguyễn Thái Học Thuộc quận Ba Đình. Theo các nhà sử học, con đường này nằm trên một khu đất cổ có địa thế phong thủy thuộc loại đẹp nhất Thủ đô. Vào thời Nguyễn, đường Hùng Vương chính là mặt thành phía Tây của thành Thăng Long. Thời Pháp thuộc đường có tên là đại lộ  Brière de I’ Isle. Sau Cách mạng tháng Tám đường mới đổi tên thành đường Hùng Vương, theo tên hiệu của 18 vị vua cai trị nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt.


 
Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những con phố đẹp nhất Hà Nội


Một con đường phố rất nổi tiếng khác là Đinh Tiên Hoàng. Nằm ở bờ phía Đông hồ Hoàn Kiếm, con đường này được các nhà lịch sử và nhà văn coi là một địa điểm hội tụ khí thiêng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội. Phố cũng là nơi ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của Thủ đô.

Ngày nay, phố Đinh Tiên Hoàng là một con phố đẹp của Hà Nội. Nằm bên bờ hồ thơ mộng, trên phố còn có tháp Hòa Phong, di tích còn lại của chùa Báo Ân và bưu điện Hà Nội với chiếc tháp đồng hồ lịch sử. Vào những ngày lễ, Tết, phố là nơi người dân tập trung đông đảo để xem bắn pháo hoa và đón Giao thừa...

Phố Ngô Quyền thuộc quận Hoàn Kiếm cũng là một con phố mang tên vua rất đáng lưu ý. Trên con phố nằm gần bờ hồ này có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng như như Quảng trường Indira Gandhi, Bắc Bộ phủ, khách sạn Metropole... Đặc biệt, phố Ngô Quyền là nơi đã diễn ra trận tử thủ nổi tiếng từ ngày 19-20/12/1946 tại Bắc Bộ phủ giữa các đơn vị Vệ quốc đoàn với đội quân lê dương của thực dân Pháp.

Hàng trăm vết đạn từ trận đánh ác liệt này vẫn còn lưu lại trên hàng rào Bắc Bộ phủ (ngày nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền) như chứng tính về một thời kỳ máu lửa của dân tộc.

Nhiều con phố mang  tên vua khác cũng có nhiều nét đặc trưng độc đáo như phố Lý Nam Đế còn được gọi là “phố nhà binh” hay “phố tin học" vì trên phố có nhiều trụ sở, nhiều cơ quan văn hóa của quân đội cũng như hàng chục công ty và cửa hàng máy tính; phố Phùng Hưng là “phố đường tàu” với một bên là đường tàu được xây trên nền đất cao.


 
Một góc phố Lê Thánh Tông với tòa nhà của Đại học Đông Dương cũ

Trên các con phố mang tên vua cũng tập trung khá nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc có giá trị của thành phố. Ngoài các đường Hùng Vương, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Ngô Quyền đã đề cập ở trên, có phố Hai Bà Trưng với di tích Hỏa Lò, phố Lý Thái Tổ với nhà băng Đông Dương (ngày nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), phố Lê Thái Tổ có tượng đài vua Lê, phố Lê Thánh Tông có trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Dược). Nơi giao cắt giữa phố Lê Thánh Tông và phố Lý Thái Tổ là Quảng trường 19-8 và Nhà hát lớn, một di tích lịch sử rất quan trọng của Thủ đô.   


 
Phố Trần Thái Tông với dáng vẻ hiện đại

Trong các phố mang tên vua, có hai phố mới được mở trong vài năm gần đây là phố Trần Thái Tông ở quận Cầu Giấy và phố Hàm Nghi thuộc huyện Từ Liêm. Nằm trong các khu đô thị mới, cả hai con phố này đều mang dáng vẻ trẻ trung với những tòa nhà cao tầng hiện đại.

Những đường phố mang tên vua ở Hà Nội: 

Đường Hùng Vương dài 1.180m, đi từ phố Quán Thánh, nơi tiếp giáp với đường Thanh Niên đến phố Nguyễn Thái Học, thuộc quận Ba Đình. 

Phố Hai Bà Trưng dài khoảng 3.000m, một đầu tiếp giáp với phố Lê Thánh Tông, đầu kia giao với phố Lê Duẩn và phố Nguyễn Khuyến, thuộc quận Hoàn Kiếm. 

Phố Lý Nam Đế dài 1.100m, kéo dài từ phố Phan Đình Phùng đến giáp đầu phố Trần Phú, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Phố Mai Hắc Đế dài 840m, đi từ phố Trần Nhân Tông ra đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng. 

Phố Phùng Hưng dài 1.200m, chạy từ phố Phan Đình Phùng đến phố Hàng Bông, thuộc quận Hoàn Kiếm.
 
Phố Ngô Quyền dài 1.200m, một đầu giao cắt phố Lê Lai, Lý Thái Tổ,  đầu kia thông ra phố Lê Văn Hưu, thuộc quận Hoàn Kiếm. 

Phố Đinh Tiên Hoàng dài 900m chạy quanh bờ Đông đến Bắc hồ Hoàn Kiếm, một đầu giao ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay, đầu kia là quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Phố Lê Đại Hành dài khoảng 800m, nối phố Đại Cồ Việt và phố Vân Hồ, thuộc quận Hai Bà Trưng. 

Phố Lý Thái Tổ dài khoảng 900m, nối tiếp phố Nguyễn Hữu Huân kéo dài đến Quảng trường 19 tháng 8 trước Nhà hát lớn, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Phố Trần Thái Tông dài khoảng 2.000m, một đầu phố thông ra điểm giao cắt Cầu Giấy - Xuân Thủy, đầu kia cắt đường Mễ Trì, thuộc quận Cầu Giấy. 

Phố Trần Nhân Tông dài khoảng 2.000m, một đầu giao với đường Lê Duẩn, đầu kia tiếp giáp với phố Trần Xuân Soạn, thuộc quận Hai bà Trưng.  

Phố Lê Thái Tổ dài 1.500km, một đầu tiếp giáp phố Đinh Tiên Hoàng, đầu kia tiếp giáp với phố Bà Triệu, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Phố Lê Thánh Tông dài 558m, nối từ phố Lý Thái Tổ đến ngã năm Trần Hưng Đạo - Hàn Thuyên - Trần Thánh Tông, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Phố Quang Trung dài 1.100m, từ phố Nhà Chung đi tới ngã ba Trần Nhân Tông. 

Phố Hàm Nghi có chiều dài 700m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Lê Đức Thọ rẽ vào Khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.


(Theo Đất Việt)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu