A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bác sỹ sách” cuối cùng ở Sài Gòn

Ở tuổi 60, ông Võ Văn Rạng được những khách hàng của mình gọi vui là "bác sĩ sách" khi gắn bó với nghề phục chế sách cũ đã hơn 40 năm qua. Cùng thời gian, ông đã phục chế thành công hàng triệu cuốn sách cũ, lưu lại một kho tri thức vô giá cho người Sài thành.“Bác sỹ sách” cuối cùng ở Sài Gòn

 Ông Võ Văn Rạng (60 tuổi), người được những khách hàng của mình ví như "bác sĩ sách"

Từ năm 15 tuổi, ông Rạng đã bén duyên với nghề nhờ xin được mộ chân phụ việc cho xưởng in của gia đình một người bạn học. Năm 1978, ông Rạng học xong lớp 12 nhưng không thi đại học nên ông trở thành nhân viên trong xưởng in của một hợp tác xã, chuyện làm nhiệm vụ may, đóng sách mới và sửa sách cũ khi có khách hàng. "Cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi khiến chân phải của tôi bị tật nên không thể trở thành một thầy giáo dạy Văn như mơ ước. Thấy nghề đóng sách phù hợp với sức khỏe bản thân nên tôi chọn", ông nhớ lại.

Sách cũ do khách hàng đem tới, tùy mức độ hư hỏng mà ông có những cách phục chế khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những "bệnh nhân" đến tay ông đều đã ở tình trạng rất tệ, cần phải được "đại phẫu". Với những cuốn sách này, ông phải cẩn thận tháo rời từng trang sách, làm vệ sinh, xếp lại như cũ rồi cưa hai đường ở gáy sách, tạo lỗ để xỏ kim khâu.

Ông Rạng kể, nghề sửa sách cũ rất thịnh hành vào khoảng từ năm 1980 - 1990. Khi đó có nhiều người mê sách, quý sách, cứ hư là đi sửa. Từ ngày có Internet, thói quen đọc sách giảm hẳn đi, khách của ông cũng vắng hơn. Nhưng ngay thời nhiều khách nhất cũng không giúp ông trở nên giàu có. "Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên có muốn cũng không thể làm nhiều hơn được, mỗi ngày vài cuốn", ông nói.

 Trong căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Lý Chính Thắng (Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh) vừa là chỗ ở đồng thời là nơi làm việc của ông Võ Văn Rạng

Nghề sửa sách cũ đòi hỏi tính cẩn thận và kiên nhẫn. "Nhiều cuốn sách xuất bản từ những năm 1960, giấy đã mục rã, mạnh tay sẽ làm rách ngay", ông cho biết.

Đồ nghề của ông Rạng chỉ gồm hồ, kim chỉ và một chiếc máy cắt giấy được ông chủ xưởng in bán lại hơn 20 năm trước. Khách hàng của ông Rạng thường là những người lớn tuổi, người kinh doanh sách cũ hoặc người sưu tập sách. Tuy nhiên, 5 năm trước, có một vị khách khiến ông nhớ mãi. Một cậu bé cấp 1 cùng cha đến nhờ ông Rạng sửa lại cuốn sách đã bị bung chỉ, những trang sách rời ra. Ông Rạng hỏi: "Sách này bây giờ xuất bản nhiều, sao không mua mới, giá mua còn rẻ hơn giá sửa". Cậu bé trả lời: "Vì cuốn sách này là món quà cô giáo tặng, nên con muốn giữ".

Khi mang cuốn sách "Những vấn đề thi pháp Dostoievski của Bakhtin" đến gặp ông Võ Văn Rạng, mới nhìn cuốn sách đã mục nát sau một trận triều dâng ở Sài Gòn, ông Rạng đã bắt mạch: “Sách in năm 1985, mang từ Miền Bắc vào, cả Việt Nam cuốn xuất bản năm 1985 không còn đầy 100 quyển”.

Mỗi ngày ông Rạng "chữa" được từ 3 đến 5 cuốn, tiền công từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi cuốn, tùy mức độ hư hỏng. "Tôi không có vợ con nên với mức thu nhập này cũng đủ duy trì cuộc sống, chứ nếu phải nuôi gia đình thì chắc tôi bỏ nghề này rồi", ông Rạng cười chia sẻ.

Ông Rạng cũng tiết lộ, một trong những bí quyết của ông là sử dụng hồ dán nấu từ bột năng. "Bột năng khi khô dính chắc hơn keo. Sau khi dán nếu chưa ngay ngắn thì có thể chỉnh, xê dịch các trang giấy một cách dễ dàng còn keo thì dính chắc ngay từ đầu, dễ làm rách giấy", ông nói.

Ông cảm thấy thích thú nhất với những cuốn sách được khách yêu cầu phục chế lại làm sao cho "giống y như cũ", dù bìa sách có rách hay mục vẫn phải giữ lại chứ không xé bỏ thay bìa mới. "Nghề này cũng thú vị, có nhiều cuốn sách hay tôi tranh thủ đọc, nhờ vậy mà biết được thêm nhiều thứ", ông Rạng kể.

Cũng có thể vì thế mà cuốn sách về thi pháp, lý luận văn học khô khan như cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski của tôi ông Rạng đã nhận diện và “phẩu thuật” để nó có thể tồn tại. Trước khi về ông còn dặn: “Sách quý, đọc được, hiểu được, ngẫm được, giữ được thì càng về sau này cang hay”./

Thông Hải/ Báo Ảnh Việt Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm