A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Tổ quốc nơi đầu sóng

Với mỗi người Việt sống xa Tổ quốc, hình bóng quê hương với cây đa, bến nước, sân đình, nơi tuổi thơ chấp chới cánh cò trong lời ru của mẹ… luôn ấp ủ trong tim. Được trở về thăm quê hương luôn là khát vọng cháy bỏng của biết bao kiều bào ta trên khắp thế giới. Chuyến về thăm quê hương những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2013 của 40 kiều bào về từ 33 quốc gia trên thế giới là một chuyến trở về đặc biệt. Đó là chuyến về thăm Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió - quần đảo Trường Sa.




Màu xanh trên đảo Trường Sa Đông


12 ngày đêm nghĩa tình nơi đầu sóng


Gặp nhau tại Nhà khách của Bộ tư lệnh Hải quân ở TPHCM, ai cũng vui vẻ, hồ hởi chuẩn bị cho một chuyến đi được mong đợi từ lâu. Dư âm từ chuyến thăm Trường Sa lần đầu tiên của kiều bào lan toả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, rất nhiều người đã đăng ký để được tham dự chuyến về thăm Trường Sa năm nay. Tuy nhiên, do số lượng người đi trên tàu có hạn, nên cuối cùng chỉ có khoảng 40 người may mắn được chọn đi thăm Trường Sa lần này. Ông Hoàng Đức Hà, kiều bào về từ Campuchia, tâm sự: “Trước khi đến Trường Sa, những thông tin về Trường Sa còn khá mơ hồ, tôi chỉ nghĩ Tổ quốc mình là một dải đất hình chữ S, chứ chưa thấy được sự rộng lớn của biển đảo đất nước mình”. Còn ông Nguyễn Văn Thuận, kiều bào về từ Đan Mạch, bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ có khái niệm Trường Sa là một vài cái chấm trên bản đồ chứ chưa có kiến thức gì về đảo lớn, đảo nhỏ, thềm lục địa của Tổ quốc…”. Khát vọng được tận mắt nhìn thấy, được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng làm nhiều người hồi hộp không ngủ được. Thế rồi, giờ xuất phát cũng tới, 6 giờ sáng ngày 2/5/2013, con tàu HQ571 hú lên 3 hồi còi tạm biệt đất liền, tiến ra biển cả, hướng về Trường Sa thân yêu.

Tháng 5, biển đang mùa lặng sóng. Mặt biển xanh mênh mang, bọt biển trắng đặc, sóng biển hơi nhấp nhô nơi đầu mũi tàu và thân tàu. Vì thế, mọi người đều ít bị say sóng, hồ hởi ngắm biển, ngắm trời. Chợt nhớ câu nói của Bác Hồ: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó. Lại càng thấy thêm tự hào về Tổ quốc, về Tổ tiên và các thế hệ cha anh đã đổ bao công lao để mở mang bờ cõi non song gấm vóc ngày nay. Bác Nguyễn Quang Tiến, kiều bào về từ Pháp, tâm sự: Tuy xa quê hương nhưng tình cảm vẫn luôn hun đúc, về thăm Trường Sa thấy tình cảm càng sâu đậm, thiêng liêng và gần gũi hơn. Khi đi trên biển cả mênh mông như thế này tôi liên tưởng tới việc Việt Nam đang hội nhập thế giới, tôi rất cảm động và vinh dự thấy rằng các đảo ở Trường Sa của mình chính là tiền đồn của đất nước, rất quan trọng cho sự hội nhập đó.



Ngôi Chùa ở đảo Trường Sa Lớn


Chặng dừng chân đầu tiên của đoàn là đảo Song Tử Tây. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, Song Tử Tây đã hiện ra trước mắt với một màu xanh cây lá mát dịu nổi bật trên nền biển bao la… Mọi người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng của đảo. Tất cả mọi người đều ùa ra boong tàu để được ngắm nhìn hòn đảo đầu tiên của chuyến hành trình về thăm Trường Sa. Những cái chỉ tay, những ánh mắt hướng về đảo, những tiếng trầm trồ thán phục, ngỡ ngàng… Tàu tiến đến gần đảo, đã nhìn thấy rõ lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trên đỉnh cột mốc chủ quyền, tung bay giữa trời xanh. Bỗng thấy dâng trào một tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người con xa Tổ quốc. Hồn thiêng sông núi như đang quyện vào màu đỏ thắm của lá cờ. Khi tàu neo lại cũng là lúc những chiếc xuồng được thả xuống để chở mọi người vào đảo. Sát bờ đảo, bộ đội, nhân dân ùa ra chật kín nơi cầu cảng để chào đón. Những cái bắt tay, những nụ cười, ánh mắt lấp lánh giọt nước mắt nơi bờ mi, những cái ôm ghì chặt như những người thân lâu ngày gặp lại. Vâng, đúng là những người con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ gặp lại nhau mà. Hai tiếng đồng bào chợt trở nên thiêng liêng quá, gần gũi và yêu thương quá! Tại đây, kiều bào ta được tận mắt thấy sự hy sinh, vất vả của các chiến sỹ hải quân ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thấy được cuộc sống của bà con mình ngoài đảo, tuy xa đất liền nhưng luôn được Nhà nước quan tâm chăm lo. Trên đảo giờ cũng có ti vi, có phủ sóng 3G để có thể truy cập mạng internet khi cần, có nhà văn hóa, trạm y tế, có trường học cho các cháu nhỏ hàng ngày cắp sách đến trường…

Rời Song Tử Tây, Đoàn đến thăm các đảo khác trên quần đảo Trường Sa như đảo Đá Nam, Sinh Tồn, Sơn Ca, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/15… Đến đâu kiều bào ta cũng được quân dân trên đảo đón tiếp nồng hậu, ân cần, chu đáo. Qua thăm một loạt các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, bà con càng thấu hiểu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc. Mỗi một mét vuông trên đảo đón nhận rất nhiều của cải vật chất, công sức, nghĩa tình của đất liền, để có được những thành trì vững chắc như những cột mốc vững vàng khắc tên Tổ quốc Việt Nam ngoài biển xa. Ông Nguyễn Thế Phượng, nhà báo về từ Mỹ, chia sẻ: Trò chuyện với các chiến sĩ, tôi rất xúc động và cảm phục. Tôi không nhìn thấy sự lo sợ mà nhìn thấy sự cảnh giác và quyết tâm cao độ của các anh trong việc bảo vệ biển đảo quê hương. Tôi nghĩ kiều bào ở nước ngoài và ngay cả những người dân Việt Nam ít người hiểu được những sự nguy hiểm đang rình rập các chiến sĩ. Từ đó, tôi lại hiểu thêm giá trị của hòa bình. Đặc biệt, là cái giá mà Việt Nam đã phải trả trong một thời gian rất dài và tôi hiểu được chính sách của Việt Nam là hòa bình thân thiện, làm giảm những căng thẳng. Em Nguyễn Ngọc Diệp, du học sinh Việt Nam tại Singapore, xúc động chia sẻ: “Em cảm thấy rất may mắn được đứng ở đây, chứng kiến tận mắt công việc và cuộc sống của các chiến sĩ. Ở ngoài này rất là nắng, nóng và sóng biển, vậy mà các anh phải đứng canh gác cả buổi sáng hay chiều, tối. Điều đó làm em rất cảm động… Chúng em là kiều bào từ nước ngoài về đây được tận mắt chứng kiến các anh như thế này là nguồn động viên rất lớn cho chúng em khi ra nước ngoài. Chúng em sẽ phải làm điều gì đó để xứng đáng với những vất vả hy sinh của các anh. Không mong gì hơn em xin kính chúc các anh sức khỏe và đặc biệt nhất về mặt tinh thần luôn luôn vững vàng để bảo vệ vững chắc quê hương đất nước”.



Phong cảnh thanh bình trên đảo Song Tử Tây


Tại các đảo đến thăm, Đoàn đều trao tặng quân dân trên đảo những món quà chứa đầy nghĩa tình của gần 4,5 kiều bào ta trên khắp thế giới. Có thể những món quà đó không lớn về giá trị vật chất nhưng nó thật lớn về mặt tinh thần, như để khẳng định con cháu Lạc Hồng dù ở đâu, đi đâu, làm gì cũng đều gắng sức chung tay giữ gìn và xây dựng non song đất nước đời đời bền vững, trường tồn. Tại đảo Sinh Tồn, mọi người cùng đại diện 7 tôn giáo lớn trong nước đã tổ chức Đại lễ Cầu siêu cho các liệt sỹ - những người con đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Ở các đảo lớn như Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Đoàn kiều bào được tham dự các chương trình giao lưu, ca nhạc với chủ đề “Biển đảo quê hương” cùng với quân dân trên đảo. Nhiều kiều bào cũng tham gia biểu diễn. Tiếng hát, tiếng đàn, lời ca làm cho không khí trên đảo thêm rộn rã. Hơi ấm của đất liền dường như lan tỏa ra đảo, làm mọi người cứ ngỡ như đang ở đất liền.

Trong hành trình của Đoàn, khi tàu qua khu vực đảo Cô Lin (gần đảo Gạc Ma đang bị nước ngoài chiếm đóng), kiều bào ta vô cùng xúc động khi nghe kể về trận chiến đấu không cân sức giữa các chiến sỹ hải quân của ta với lực lượng hải quân nước ngoài nhằm giữ gìn chủ quyền đất nước ngày 14/3/1988, tại đây. Hình ảnh các chiến sỹ hải quân ta đứng thành vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma trước mũi súng của lực lượng hải quân nước ngoài đông hơn gấp bội, rồi hình ảnh Liệt sỹ Trung úy Trần Văn Phương quấn cờ Tổ quốc vào người khi quân thù nổ súng vào anh, máu của anh loang đỏ, hòa vào màu đỏ thắm của lá cờ làm cho bao kiều bào ta bật khóc. Trong Lễ dâng hương tưởng niệm 64 Liệt sỹ đã hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao năm 1988, tất cả mọi người không ngăn nổi nước mắt, tiếng nấc nghẹn ngào với niềm thương cảm, kính phục vô hạn trước sự anh dũng hy sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ. Các anh đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 20 đầy hoài bão, thân thể các anh hòa tan vào biển Đông, linh hồn các anh mãi ở cùng biển đảo quê hương, cùng mọi người gìn giữ từng cột mốc chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng này. Trong ánh chiều chạng vạng, con tàu HQ571 hú lên 3 hồi còi như tiếng gọi đồng đội, biển cả như lặng đi. Đất nước nghiêng mình tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền của Tổ quốc. Vẳng trong gió, trong tiếng sóng biển, như còn nghe tiếng của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc!”. Chị  Bích Thủy, kiều bào về từ CH Séc, chia sẻ: Ấn tượng, tình cảm trong Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho anh linh các Liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi, không thể nào quên được. Tôi hy vọng có một ngày nào đó chúng ta sẽ tổ chức được Lễ cầu siêu ngay tại đảo Gạc Ma, nơi các anh đã hy sinh.



Nhiều giọt nước mắt đã rơi trong lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ


Thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn, nơi được gọi là Thủ đô của quần đảo Trường Sa) là đảo cuối của cuộc hành trình. Ở đây, ngoài những nghi lễ và chương trình làm việc như ở các đảo, Đoàn kiều bào còn được đến thăm và dâng hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam.

Hành trang mang về từ chuyến đi

Chuyến về thăm Trường Sa đã để lại nhiều tình cảm, ấn tượng khó quên trong tâm trí những người con xa xứ nay được về thăm quê hương trong một hành trình đặc biệt. Bác Nguyễn Quang Tiến, kiều bào về từ Pháp, chia sẻ: “Sau hơn 10 ngày đi thăm quần đảo Trường Sa, tôi cảm nhận sâu sắc các đảo không những là lãnh thổ thiêng liêng, vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, mà còn có vai trò trong sự hội nhập quốc tế của đất nước. Sống xa Tổ quốc, tình yêu quê hương luôn hối thúc từng ngày, nhưng khi về đến đây, trong các buổi dự lễ tưởng niệm, trong những lúc tiếp xúc với mọi người trên đảo thì tình cảm thiêng liêng đó càng thêm sâu đậm, càng thêm thân thương gần gũi, khó có một lời nào diễn tả được cảm xúc đó”. Anh Phạm Ngọc Anh, kiều bào về từ Lào, nói lên ấn tượng của mình về chuyến đi: “Ấn tượng sâu đậm nhất trong chuyến đi này là chúng tôi tin tưởng chắc chắn chủ quyền đất nước được bảo vệ một cách nguyên vẹn bởi những người con xuất sắc của đất Việt, với sự quan tâm của cả nước, cả đồng bào trong nước và  bà con kiều bào trên khắp thế giới”.

Ông Nguyễn Thế Phượng, nhà báo về từ Mỹ, chia sẻ: Sau chuyến đi này, tôi thấy nhiệm vụ của mình rất nặng nề, đó là phải chuyển tải các thông tin để làm sao cho kiều bào nơi tôi sinh sống và trên toàn nước Mỹ hiểu về sự hiện diện của người Việt ta từ bao đời nay và hiện nay tại Trường Sa, để mọi người hiểu về chủ trương, trách nhiệm và quyết tâm của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, về những khó khăn của đất nước, của các chiến sỹ, nhân dân ta đang ngày đêm ra sức bảo vệ từng hòn đảo của Tổ quốc, để kiều bào hiểu và trân trọng điều đó. Tôi cảm ơn những người lính đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam. Tôi nghĩ làm sao để kiều bào thế hệ này phải dạy cho con cháu thế hệ sau về chủ quyền của ta tại Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp, đồng thời nói cho kiều bào đang sinh sống tại các nước đang chiếm đóng các đảo của ta thấy việc làm của đất nước họ là sai trái.

Còn Ông Phạm Minh Thảo, kiều bào về từ Đức, cho biết: Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ về Đức tuyên truyền giới thiệu cho bà con bên đó biết tình hình thực tế về Trường Sa. Qua đó sẽ có hình thức vận động quyên góp bằng vật chất, tinh thần. Chúng tôi cũng mong muốn là cầu nối thông tin giữa biển đảo với bà con nhiều hơn nữa để bà con hiểu và cùng chung sức bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.



Chụp ảnh lưu niệm trước khi tàu vào đất liền


Ông Võ Hoài Nam, về từ Nga, chia sẻ những cảm nghĩ của mình sau chuyến đi: Tôi nghĩ rằng, được ra thăm quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự rất lớn đối với mỗi kiều bào chúng tôi. Chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều so với bao bè bạn còn ở lại ngóng trông phía bờ xa kia, nên chúng tôi sẽ có trách nhiệm truyền tải những thông tin quí báu này về cho họ, coi như đó là món quà, là niềm biết ơn. Còn gì cảm động hơn khi được tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ ta ngày đêm không quản ngại hy sinh gian khổ, khắc phục khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần, hy sinh tình cảm riêng tư, để căng mắt căng tai soi từng mét nước, chăm chú từng động tĩnh trên bầu trời, nhằm giữ gìn cho vùng biển trời của Tổ quốc được yên bình. Chúng tôi cảm thấy rất nhỏ bé trước họ, và phải suy nghĩ để làm thế nào đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta. Biển đảo này phải thuộc về chúng ta! Đó là chân lí không gì thay đổi được, dù có phải hi sinh bao nhiêu xương máu. Nếu không, chúng ta sẽ rất có tội với các bậc tiền nhân!

Về với Tổ quốc nơi đầu sóng để thấy được sự trường tồn của dân tộc, sự bền vững của đất nước, ước nguyện được đóng góp công sức của mình để gìn giữ bảo vệ biên cương bờ cõi Việt Nam chính là cảm nhận chung của những người con xa xứ khi về thăm Trường Sa.

 Minh Thúy



 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu