Trường Sa xin đến một lần…(*)
… Trường Sa xin đến một lần
Để mang Tổ quốc thật gần trong tim
Để lòng ta trọn niềm tin
Hải âu sải cánh tới nghìn năm xa...
(Giáp Văn Chung - Xúc cảm Trường Sa)
Lời thơ sâu lắng của ông Giáp Văn Chung, đại biểu kiều bào về từ Hungary, như nói thay cho ước mong của bao người dân Việt Nam trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài, được ít nhất một lần đến với Trường Sa – vùng biển đảo yêu thương của Tổ quốc - để được trải nghiệm thực tế về tình hình biển đảo quê nhà, để được kết nối với những người con cùng chung một tấm lòng hướng về đất mẹ Việt Nam.
Đáp ứng nguyện vọng của kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 24/4- 4/5. Đoàn thăm Trường Sa năm nay (Đoàn công tác số 8) do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Vũ Hồng Nam dẫn đầu với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có 60 đại biểu kiều bào trở về từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiên ngang Tổ quốc nơi đầu sóng
Đúng 8h ngày 25/4, tàu KN 491 rời cảng Cát Lái đưa Đoàn công tác đến với Trường Sa. “Tháng Ba bà già đi biển”, đã nhiều lần cùng đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, nhưng chưa chuyến nào tôi thấy biển lặng, sóng êm như lần này. Trời xanh, nắng vàng, biển cũng xanh ngắt một màu, biển quê hương đẹp khôn xiết như tạc vào đất trời. Khoảng không gian rộng lớn, bao la của biển cả khiến tâm hồn chúng tôi thật bình yên. Sự bình yên có được nhờ sự sẵn sàng hy sinh và tay súng vững vàng bảo vệ biển trời quê hương của lực lượng Hải quân. Chúng tôi yêu vùng trời, vùng biển Việt Nam, và chúng tôi thêm yêu và cảm phục các anh – những người chiến sĩ Hải quân can trường.
Con tàu KN 491 lần lượt đưa chúng tôi đến thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ tại 11 điểm đảo và nhà giàn, gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông B, Đá Đông C, Trường Sa, Đá Tây A và Nhà giàn DK1/11.
Đặt chân lên mỗi điểm đảo, đón chúng tôi là những nụ cười rạng rỡ với ánh mắt rạng ngời, nước da mặn mòi nắng gió, bàn tay chai cứng mạnh mẽ và trái tim tràn đầy tình yêu quê hương của những người lính đảo. Mỗi năm ra Trường Sa, lại thấy Trường Sa một khác. Ở các điểm đảo lớn như Trường Sa, Song Tử Tây…, trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa đa năng, khu thể thao được xây dựng khang trang; hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, hệ thống thông tin liên lạc, mạng internet… phát triển không thua kém đất liền, là những minh chứng cụ thể về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của toàn thể nhân dân tới đời sống cán bộ chiến sĩ, nhân dân đảo xa.
Những đảo ngọc Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa,… hiện lên bình yên và đầy chất thơ trong màu xanh dịu mát của cỏ cây, hoa lá, nổi bật trên nền trời và biển xanh thăm thẳm. Lên thăm đảo, đi qua những con đường rợp bóng mát cây xanh, khi chiều về tiếng chuông chùa vọng vào thinh không, tạo cho mọi người cảm giác như đang ở một làng quê nơi đất liền. Yêu sao những lời hát và nét mặt sáng trong của các em nhỏ! Yêu sao những giây phút chúng tôi nắm chặt tay những cán bộ chiến sĩ Hải quân cùng hòa nhịp hát. Chúng tôi truyền năng lượng cổ vũ tới các anh, và các anh cũng truyền tới chúng tôi một niềm tin bất diệt, một quyết tâm sắt đá bảo vệ Tổ quốc tới cùng.
Khâm phục và biết ơn “những người canh giữ, bảo vệ đảo” là tiếng lòng của nhiều đại biểu kiều bào. Ông Nguyễn Thành Trung - kiều bào về từ Thụy Sỹ, thành viên lớn tuổi nhất trong Đoàn – bày tỏ sự khâm phục trước ý chí quật cường của cán bộ chiến sĩ nhân dân nơi đảo xa. “Thật sự quá diệu kỳ! Tất cả mọi thứ! Giữa biển khơi mênh mông muôn trùng sóng gió, các chiến sĩ của chúng ta vẫn kiên trì quyết tâm bám đảo, tạo cảnh quan môi trường thật tuyệt vời với cây xanh, bóng mát khắp đảo”, ông thốt lên.
Chuyến đi là một niềm vui bất ngờ với ông Angot Rabind - kiều bào về từ Pháp. “Trước khi đến với Trường Sa, tôi đã tìm hiểu qua sách báo và phương tiện truyền thông. Trong tưởng tượng của tôi, Trường Sa chỉ là một hòn đảo nhỏ, đất đai cằn cỗi không có cây, không có rau, không có hoa. Suy nghĩ đó hoàn toàn bị phá vỡ khi tôi bước chân đến đảo Song Tử Tây. Biển đảo quê hương thật đẹp, nhờ biết bao công sức đóng góp của cán bộ chiến sĩ Hải quân. Tôi hy vọng một ngày không xa, chúng ta có thể phát triển du lịch tới những hòn đảo này”.
Với nhiều thành viên trong Đoàn, chào cờ tại những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc là niềm hãnh diện và xúc động lớn. Trong giây phút thiêng liêng đó, trái tim những người con đất Việt như chung nhịp đập hòa vào giai điệu hào hùng của bài quốc ca “Tiến quân ca”, cùng cảm nhận “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả”. Những người chiến sĩ kiên cường bằng thực tế đã chứng minh cho Đoàn chúng tôi thấy tấm lòng sắt son, ý chí mạnh mẽ và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng vùng biển của Tổ quốc. Và trong giây phút trước lá quốc kỳ thiêng liêng, trước cán bộ chiến sĩ nhân dân đảo xa, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cùng bà con kiều bào cũng hô vang lời thề đoàn kết một lòng, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thành quả chúng tôi chứng kiến trên các đảo hôm nay là công sức của biết bao thế hệ người Việt đã hy sinh thân mình và cuộc sống riêng tư để ra sức bảo vệ, gìn giữ và phát triển. Đúng như lời phát biểu của Thứ trưởng Vũ Hồng Nam trong buổi lễ tổng kết chuyến thăm Trường Sa: “Mỗi hòn đảo các thành viên đến để chứng kiến thực tế đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Những hình ảnh ấy ghi lại trong tâm khảm của tất cả các thành viên trong đoàn niềm xúc động, cảm phục sâu sắc trước những gian lao vất vả không thể diễn tả bằng lời của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Các anh là những người đang ngày đêm bằng cả máu, mồ hôi, nước mắt nhưng vẫn luôn vững chắc tay súng, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, bất chấp mọi hiểm nguy, kẻ thù rình rập, với ý chí sắt đá không gì lay chuyển, quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Những người con của biển cả đã và đang kế tục xuất sắc truyền thống Anh bộ đội Cụ Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” với 10 lời thề sắt son trước lá cờ Tổ quốc ”.
“Những người con của đảo” không chỉ bảo vệ đảo, mà còn tích cực hỗ trợ ngư dân cả về vật chất lẫn tinh thần trong đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường truyền thống Trường Sa và thềm lục địa Tổ quốc. Các anh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân mỗi khi ra khơi.
Một hoạt động ý nghĩa và gây xúc động rất lớn cho kiều bào trong chuyến thăm Trường Sa lần này là hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc tại vùng biển gần đảo Cô Lin và khu vực gần Nhà giàn DK1/11. Nước mắt lấp lánh trên những gương mặt rưng rưng trong khung cảnh hoàng hôn, tất cả lặng đi trong niềm xúc động, nghẹn ngào. Ông Nguyễn Hải Anh - kiều bào về từ Ucraina - chia sẻ: “Bố tôi là liệt sĩ và tôi cũng là người lính nên tôi thấu hiểu tình cảm và nỗi đau mất mát của người thân các chiến sĩ nằm lại nơi biển sâu. Sự hy sinh đó của các anh, Tổ quốc và đồng bào trong và ngoài nước không bao giờ quên. Các anh sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Được đi và được thấy tận mắt biển đảo quê hương, chúng tôi càng thêm yêu Tổ quốc và những chiến sĩ Hải quân”.
Kiều bào đồng hành cùng Trường Sa
Trong phát biểu với cán bộ chiến sĩ, nhân dân tại các đảo, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam thay mặt Đoàn công tác luôn nhấn mạnh: Bà con kiều bào xin hứa sẽ đồng hành cùng các chiến sĩ Hải quân và nhân dân tại xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam!
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua, cộng đồng NVNONN đã có những hoạt động, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương trên nhiều lĩnh vực, từ thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và lập trường chính nghĩa của Việt Nam cho đến vận động quyên góp ủng hộ về tinh thần và vật chất, thực hiện “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”.
Trong hải trình về với Trường Sa lần này, các đại biểu kiều bào cũng đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, thăm hỏi động viên quân dân trên các đảo và Nhà giàn DK1. Các đại biểu đã quyên góp ngay trong chuyến đi được số tiền khoảng gần 700 triệu đồng. Số tiền này cùng với số tiền trước đó cộng đồng NVN ở nhiều nước quyên góp được, tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng đã được Thứ trưởng Vũ Hồng Nam thay mặt trao tặng ủng hộ Trường Sa xây nhà văn hóa đa năng.
Là một trong những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí của cộng đồng người Việt Nam tại Đức, gắn bó nhiều với công tác cộng đồng, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Những hoạt động xuống đường biểu tình để thể hiện lập trường chính nghĩa của Việt Nam và phản đối thế lực nước ngoài có tư tưởng bành chướng chiếm trọn Biển Đông, đã được chúng tôi tổ chức với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Chuyến thăm Trường Sa lần này đối với tôi là một vinh dự rất lớn. Đây cũng là cơ hội giúp tôi có thêm những tư liệu sống động để thông tin tới bà con trong cộng đồng chưa được đến Trường Sa và bạn bè quốc tế về tình hình thực tế cũng như lòng quả cảm, ý chí sắt son bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc của quân dân Việt Nam anh hùng”.
Đối với anh Alan Ford Võ - kiều bào về từ Mỹ, chuyến hành trình trở về thăm Trường Sa lần này còn là việc đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của bản thân và của một bộ phận kiều bào tại Mỹ hiện nay về tình hình biển đảo quê hương. Anh cho biết: “Trước khi tham gia đoàn, tôi nhận được nhiều luồng thông tin cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đánh mất quần đảo Trường Sa, thậm chí cả những lời đe dọa rằng nếu đến đây sẽ không an toàn, nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn khác. Tôi chứng kiến tận mắt sự phát triển của Trường Sa dưới sự canh giữ vững chắc ngày đêm của các chiến sĩ. Còn gì hơn khi được đặt chân, chạm tay lên những hòn đảo yêu dấu của đất nước. Tôi đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ. Từ những thực tế ấy, tôi sẽ thông tin tới bà con người Việt tại nơi tôi ở để bà con hiểu về Trường Sa, từ đó có những việc làm thiết thực ủng hộ chiến sĩ và nhân dân Trường Sa”.
Hình ảnh các thành viên trong đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc mướt mát mồ hôi chuẩn bị đồ đạc rời tàu sớm để lên lắp đặt các thiết bị chiếu sáng cho các đảo chìm, trở nên quen thuộc với các thành viên trong đoàn. Không ai bảo ai, mọi người đứng gọn trên boong tàu nhường phần ưu tiên cho đoàn vào đảo trước. Anh Phạm Hải Chiến - thành viên đoàn - cho biết: “Tiếp nối hoạt động của những năm trước, năm nay đoàn kiều bào tại Hàn Quốc tiếp tục có những hoạt động ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa. Chúng tôi thay mặt Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc mang những món quà của không chỉ bà con kiều bào ở Hàn Quốc, bạn bè Hàn Quốc mà còn có nhiều bà con kiều bào nhiều nước gửi gắm chuyển tới các chiến sĩ Trường Sa. Đó là những tấm pin năng lượng mặt trời, máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời (có tổng giá trị 25.000 USD) với mong muốn cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ tại đảo chìm. Rút kinh nghiệm từ những chuyến công tác trước, sau khi về Hàn Quốc chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với các chiến sĩ để kiểm tra hoạt động của các thiết bị. Trong chuyến công tác này, anh em trong đoàn cũng có người học về kỹ thuật nên mỗi khi đến thăm còn có thể kiểm tra, sửa chữa, khắc phục một số sự cố máy móc đoàn tặng trong lần trước. Chúng tôi hy vọng những năm sau sẽ vẫn tiếp tục được đến với anh em chiến sĩ nơi đảo xa, thực hiện thêm nhiều dự án của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, góp phần ủng hộ chia sẻ nhiều hơn với Trường Sa”.
Chuyến đi tới Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này có thể nói mới chỉ là sự khởi đầu của một hành trình lâu dài hơn đối với tất cả các thành viên trong Đoàn công tác số 8. Những vần thơ, bài hát, những sáng kiến khoa học,… hứa hẹn sẽ tiếp tục ươm mầm, nảy nở trong các thành viên Đoàn công tác để động viên, hỗ trợ Trường Sa nhiều hơn nữa. Những đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ, ca múa nhạc, ngâm thơ, bình thơ, hưởng ứng cuộc thi sáng tác thơ, nhạc, ảnh về Trường Sa… của các đại biểu trong nước, ngoài nước cùng các cán bộ chiến sĩ phục vụ trên tàu KN 491 sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên đối với mọi người.
Và giống như tình cảm chân tình của bác Lê Thị Tuyết Thế, đại biểu kiều bào về từ Thái Lan, “Dù chúng tôi ở nước ngoài nhưng vẫn luôn luôn hướng về đất nước. Đất nước kêu gọi, chúng tôi luôn sẵn sàng!” - Đó cũng chính là tấm lòng và quyết tâm của bao thế hệ kiều bào ta ở nước ngoài.
___________
(*) Tiêu đề bài viết đặt theo lời thơ của tác giả Giáp Văn Chung
Cảnh Tiên