Trại hè Việt Nam 2022 nâng cao niềm tự hào dân tộc và tinh thần hướng về cội nguồn
Cuộc thi "Kể chuyện tiếng Việt" nhằm giúp thanh niên kiều bào hiểu hơn về ý nghĩa, vẻ đẹp của tiếng Việt và thúc đẩy tình yêu tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhằm triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam 2022 từ ngày 19/7 - 03/8/2022.
Trại hè Việt Nam là một trong những hoạt động được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tổ chức hàng năm nhằm tạo ra sân chơi để thanh niên, sinh viên VN ở nước ngoài kết nối, giao lưu với thanh niên, sinh viên trong nước, trở về cội nguồn nhằm phát huy vai trò nòng cốt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức Trại hè Việt Nam năm 2022. Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật và điểm mới của chương trình năm nay?
Ông Mai Phan Dũng: Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.. Chính vì vậy, từ năm 2004, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức chương trình trại hè cho sinh viên, thanh niên kiều bào. Cho đến nay, chương trình này thu hút được khoảng 2.000 thanh niên và sinh viên ở hàng chục nước trên thế giới tham gia. Năm 2019 và 2020, do tình hình dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) không tổ chức chương trình như thông lệ. Năm 2022, Ủy ban tổ chức chương trình này để đáp ứng mong mỏi của các sinh viên, thanh niên kiều bào trên khắp thế giới.
Chương trình Trại hè Việt Nam năm 2022 bám sát mục tiêu chung của các chương trình trại hè trước đây. Thông qua hoạt động tham quan, tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử để giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên kiều bào đối với việc quảng bá văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc trong cộng đồng; Thông qua các hoạt động tri ân, tưởng niệm để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc, từ đó nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần hướng về quê hương, cội nguồn; Thông qua các hoạt động thiện nguyện với các hoạt động với các chủ đề về môi trường, biển đảo… nhằm giáo dục các em về trách nhiệm đối với Tổ quốc, đồng thời thể hiện đóng góp của thế hệ trẻ kiều bào đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh những hoạt động đó, năm nay chúng tôi có một số hoạt động mới. Trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam năm 2022 sẽ có hoạt động vinh danh các thanh niên sinh viên kiều bào có thành tích học tập và công tác tốt hoặc có những thành tích đóng góp cho phong trào của Hội đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thể hiện sự quan tâm và trân trọng đồng thời khuyến khích các em có nhiều đóng góp hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi cũng tổ chức tọa đàm về phát huy nguồn lực kiều bào trẻ nhằm kết nối các em với các cơ quan, tổ chức, địa phương trong nước, khuyến khích và tạo điều kiện để thế hệ kiều bào trẻ hướng về quê hương, đất nước. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt nhằm giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa, vẻ đẹp của tiếng Việt và thúc đẩy tình yêu tiếng Việt, nâng cao trách nhiệm gìn giữ tiếng Việt và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phóng viên: Trong các hoạt động ông vừa nêu, cuộc thi “Kể chuyện tiếng Việt” là hoạt động lần đầu tiên diễn ra trong chương trình Trại hè. Lý do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hoạt động này cho thanh niên là gì? Ông kỳ vọng như thế nào vào hiệu quả của hoạt động này?
Ông Mai Phan Dũng: Ngôn ngữ là một công cụ rất quan trọng để tạo nên một chất kết dính tăng cường đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đó cũng là một phương tiện rất quan trọng để qua đó chúng ta có thể quảng bá giá trị tốt đẹp, những bản sắc đặc sắc của văn hóa, lịch sử của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đối với kiều bào, việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Trên cơ sở đó, suốt trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và nhiều cơ quan có liên quan đã có nhiều hoạt động phát triển phong trào học tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài một cách rộng khắp và bài bản. Qua cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt trong khuôn khổ chương trình Trại hè Việt Nam năm nay, chúng tôi rất mong muốn Trại hè lần này sẽ càng hiểu rõ được nét đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Qua cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt, chúng tôi cũng mong muốn tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đặc biệt là trong giới trẻ người Việt và có thể sẽ tìm được những đại sứ tiếng Việt trong giới trẻ kiều bào.
Phóng viên: Xin ông cho biết việc lựa chọn tổ chức Lễ khai mạc chương trình năm nay tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có ý nghĩa như thế nào?
Ông Mai Phan Dũng: Mỗi kỳ trại hè đều là một hoạt động về nguồn rất có ý nghĩa đối với các học sinh, sinh viên thanh niên kiều bào. Việc lựa chọn địa điểm khai mạc, bế mạc hay các hoạt động trong khuôn khổ trại hè đều có ý nghĩa riêng. Năm nay, lễ khai mạc được lựa chọn tổ chức ở tỉnh Nghệ An với nhiều hoạt động như: thăm khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm làng Sen quê Bác, thăm đền thờ Vua Quang Trung.. Đến đây, các đại biểu trại hè sẽ được thăm nơi sinh ra và lớn lên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất. Chúng tôi kỳ vọng rằng qua hoạt động ở tỉnh Nghệ An, các hoạt động trong khuôn khổ lễ khai mạc, các em sẽ tìm hiểu được nhiều hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nhân cách con người, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Từ đó, các em sẽ yêu mến hơn lịch sử của Việt Nam. Đặc biệt, các em có tinh thần học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần yêu quê hương, đất nước và tinh thần đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, là những mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo đuổi lúc sinh thời.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
(Bài trả lời phỏng vấn VOV tháng 7/2022)