Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăm cơ sở đầu tư của kiều bào tại Yên Bái

Trong hai ngày 3-4/9, Đoàn công tác của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thế Hùng dẫn đầu đã đến thăm Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà, Yên Bái do một số doanh nghiệp kiều bào tại Ba Lan và Đông Âu cùng doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư.

Ông Đặng Thế Hùng đánh giá cao đầu tư của doanh nghiệp kiều bào vào Khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà, góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh Yên Bái, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc tại vùng hồ và bà con huyện Yên Bình. Hồ Thác Bà có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nét hoang sơ hòa với sắc màu văn hóa của các dân tộc đang sống trên vùng hồ là nét đặc trưng mà các hồ khác không có được, tạo một ấn tượng đặc biệt đối với du khách đến thăm quan. Ông mong muốn trong quá trình đầu tư, cải tạo và phát triển dự án, nhà đầu tư cần có sự tham vấn của các chuyên gia để không phá vỡ đi kiến trúc nội tại và cảnh quan vùng Hồ.    



 Nhà hàng và bến tàu tại khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà 


Ông Lê Thanh Bình, kiều bào tại Ba Lan, một trong những nhà đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà cho biết: Sau 30 năm sống xa quê, đã từng đi nhiều nước trên thế giới với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng khi về với quê hương nhận thấy vùng Hồ Thác Bà có một ấn tượng rất đặc biệt. Với không gian còn rất hoang sơ, khí hậu và lượng mưa tương đối đặc biệt, sự chênh lệch về các mùa trong năm không lớn và điều đặc biệt ấn tượng là xung quanh vùng hồ có sự góp mặt của 12 dân tộc đang sinh sống với đa dạng về văn hoá đã thôi thúc tôi về đầu tư tại vùng hồ quê nhà. Từ năm 2004 tôi cùng với một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia đầu tư. Giai đoạn 1 đã đầu tư 50 tỷ VNĐ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu như: nhà hàng Ruby, bến tàu du lịch, nhà nổi và  cảng giao thương cho người dân trong vùng hồ; hỗ trợ một số doanh nghiệp nhà hàng, nhà nghỉ tại khu vực cải tạo nâng cấp để phục vụ khách tốt hơn. Các đảo đang dần được cải tạo phân khu trồng cây và xây dựng cơ sở hạ tầng (100 ha rừng đã được trồng từ 2004 đến nay). Giai đoạn 2 cần tới 500 tỷ VNĐ để đầu tư xây dựng một khu resort với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ du khách… Đây cũng là điều trăn trở nhất đối với anh Lê Thanh Bình vì khá năng bản thân và công ty còn hạn chế, anh Bình mong muốn tới đây sẽ thu hút được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư vào dự án tiềm năng này….

Ngày 04/9, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái. Tại buổi làm việc, ông Tạ Văn Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã thông báo tóm tắt với Đoàn tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài thông tin nhiều hơn nữa tới những doanh nghiệp, nhà đầu tư kiều bào về Yên Bái. Ông cho biết, Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ, có vị trí quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội - Hải Phòng. Tỉnh có nguồn tài nguyên về rừng, khoáng sản, du lịch sinh thái rất độc đáo nhưng hiện tại chưa được khai thác sâu. Tỉnh mong muốn và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đến với Yên Bái.

Thay mặt Đoàn công tác, ông Đặng Thế Hùng cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Lãnh đạo tỉnh dành cho Đoàn. Ông cũng thông báo tới Lãnh đạo tỉnh về tình hình và chương trình công tác sắp tới của Uỷ ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, trong đó có việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp trong và ngoài nước trong tháng 10 tới nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, quảng bá cơ hội đầu tư… Ông trân trọng mời Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham dự Diễn đàn. Ông cũng bày tỏ mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào về đầu tư phát triển quê hương.  

Trong những ngày làm việc tại Yên Bái, Đoàn cũng đã đến dâng hương tại Khu lăng mộ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học và những người đã ngã xuống trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (1930) tại công viên Yên Hòa; thăm quan một số cơ sở chế tác và khai thác đá quý và gỗ lũa tại thành phố Yên Bái, trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái. 

Hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng hơn 170 km, là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hồ được hình thành từ năm 1970 khi nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được xây dựng ngăn dòng sông Chảy. Nằm trong vùng diện tích tự nhiên 23.400ha với 1.331 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động, thảm thực vật và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, những dấu ấn bản sắc văn hóa huyền bí và những truyền thuyết, ngoài tiềm năng về thủy điện, Hồ Thác Bà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch.

Từ Hà Nội du khách có thể đến với Thác Bà bằng đường bộ, đường sông và đường sắt. Đặc biệt khi đường cao tốc Hải Phòng – Côn Minh (Trung Quốc) được xây dựng và  thì khoảng cách từ Hà Nội đến với Khu du lịch sinh thái Thác Bà chỉ còn 130km sẽ rút ngắn thời gian du khách đến với Khu du lịch sinh thái tươi đẹp này.

 Dưới đây là một vài hình ảnh ghi lại chuyến công tác của Đoàn:



 Ông Tạ Văn Long – Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái tiếp Đoàn

 



Quang cảnh Hồ Thác Bà 




Đoàn thăm quan tìm hiều Khu sinh thái Hồ Thác Bà 





Ông Đặng Thế Hùng (phải) tặng quà lưu niệm cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Bất động sản NET- chủ đầu tư dự án phát triển khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà




Đoàn dâng hương tại khu lăng mộ Nguyễn Thái Học và những người đã ngã xuống trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) tại công viên Nguyễn Thái Học, Tp Yên Bái





Đoàn thăm quan cơ sở chế tác và khai thác đá quý và gỗ lũa tại thành phố Yên Bái


Cảnh Tiên 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm