Phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nhằm phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cũng như góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách tạo thuận lợi cho cộng đồng chuyên gia, trí thức kiều bào, chiều 30/11, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội thảo “Thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ông Phạm Quang Hiệu -Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các cơ quan, tổ chức bộ ngành ở trung ương, tham dự trực tuyến có đại diện đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát huy nguồn lực trí thức ở nước ngoài
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận quan trọng của lực lượng trí thức Việt Nam, là nguồn lực quý giá của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Trong thời kỳ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, nhiều trí thức NVNONN đã quay về dốc sức phục vụ cho cuộc kháng chiến của nước nhà. Nổi bật trong đó, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sỹ Trần Hữu Tước… đã đóng góp nhiều phát kiến quan trọng về kỹ thuật quân sự cũng như quân y cho quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến. Trong giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, trí thức kiều bào đã phát động phong trào vận động quyên góp sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật, trang thiết bị đã qua sử dụng gửi về nước. Tại một số quốc gia, các hội nhóm chuyên gia về khoa học kỹ thuật của NVNONN đã cử thành viên về nước tìm hiểu nhu cầu, khả năng hợp tác, xây dựng các đề án, chương trình hợp tác với trong nước, huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng kiều bào và bạn bè sở tại. Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng NVNONN, lực lượng trí thức NVNONN tiếp tục gia tăng về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở sở tại cũng như trong giới khoa học quốc tế.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại, nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới. Tất cả các quốc gia dù ở trình độ phát triển khác nhau đều có nhu cầu thu hút chất xám trong các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giáo dục đào tạo… Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, nhiều quốc gia rất quan tâm phát huy nguồn lực trí thức ở nước ngoài.
Không nằm ngoài xu thế này, phát huy truyền thống trọng hiền tài, Việt Nam đã và đang quan tâm, tích cực triển khai các biện pháp thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ngoài đóng góp vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể và các địa phương trong cả nước, công tác phát huy nguồn lực trí thức NVNONN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều chuyên gia, trí thức NVNONN đã tích cực góp phần vào việc chuyển giao những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời là cầu nối thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín tới Việt Nam giao lưu học thuật.
Thứ trưởng cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động phục vụ việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm tập trung đánh giá một cách thực tế, khách quan về kết quả đạt được trong việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức là NVNONN, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập hợp, thu hút trí thức NVNONN
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 11 tham luận đại diện của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước với các nội dung về thực trạng, những khó khăn và vướng mắc, những giải pháp kiến nghị triển khai các chương trình gắn kết trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực cụ thể như khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức hội đoàn trí thức ở nước ngoài....
Trong tham luận “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác tập hợp, thu hút trí thức NVNONN”, ông Phạm Việt Hùng- Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ , Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quý giá của đất nước trong thời kỳ hiện nay, bằng những hoạt động trí tuệ, mang tính sáng tạo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nói chung và trí thức NVNONN nói riêng đã và đang có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ông cho biết, với khoảng 500.000-600.000 người có trình độ đại học trở lên, tập trung chủ yếu tại các nước đang phát triển, khoảng 50% tại Hoa Kỳ, hơn 40.000 người tại Pháp, gần 40.000 người ở Úc, hơn 30.000 người tại Canada; khoảng 10.000 người tại Nga và Đông Âu… đội ngũ này đã và đang được đào tạo, rèn luyện và làm việc trong môi trường hiện đại, với khả năng tiếp cận xu hướng phát triển, thông tin về khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển, trí thức NVNONN là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp để tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của trí thức NVNONN, tạo cơ hội và động lực để họ tự do nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến trí tuệ cho quê hương, đất nước. Trong khuôn khổ các chính sách chung đối với trí thức, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước, đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo cho công tác này. Cùng với các chính sách dành cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức NVNONN nói riêng, Nghị quyết 27-NQ/TW góp phần hình thành khuôn khổ, môi trường để tập hợp, thu hút và phát huy nguồn lực trí thức kiều bào ta ở nước ngoài, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác phát huy nguồn lực trí thức NVNONN vẫn tồn tại một số bất cập. Đến nay, chỉ có một số tổ chức, địa phương trong nước thực sự quan tâm và thu hút được sự tham gia của trí thức kiều bào (như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Đại học quốc gia), còn lại hầu hết khá thụ động trong triển khai việc thu hút lực lượng này. Vai trò của trí thức kiều bào mới được đề cập chung chung trên nhiều văn bản giấy tờ, kết quả của các cuộc hội nghị, hội thảo mà không được triển khai trên thực tế hoặc các kiến nghị, đề xuất của kiều bào chưa được giải quyết. Ngoài ra, chính sách nhằm vận động, thu hút lực lượng trí thức trong các ngành khoa học xã hội còn thiếu và yếu, chưa có cơ chế để tranh thủ hiệu quả tầm ảnh hưởng và tiếng nói của những gương mặt người gốc Việt có uy tín trên chính trường các nước.
Những tồn tại này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Về nguyên nhân chủ quan, các chính sách chưa tạo được đột phá, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi thu hút nhân tài nói chung và trí thức kiều bào nói riêng có nơi, có lúc mang tính chắp vá, hình thức; kinh phí để triển khai thực hiện chính sách còn rất hạn chế, thủ tục tài chính còn rườm rà, phức tạp. Chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu mở có khả năng liên kết mạng lưới cộng đồng trí thức kiều bào trên thế giới và chia sẻ thông tin về nhu cầu thu hút ở trong nước. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác thu hút nguồn lực NVNONN chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Về các vấn đề khách quan, hạn chế trong môi trường làm việc, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp trong nước; khác biệt về thể chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức NVNONN và các đồng nghiệp trong nước là những nguyên nhân chính. Ngoài ra, việc thu hút nhân tài chất lượng cao có xu hướng khó khăn hơn do sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các đơn vị công lập, tư nhân và các tập đoàn xuyên quốc gia ngày càng gay gắt. Ngoài ra, hiện ta chưa quan tâm, khuyến khích đến việc đóng trí tuệ từ xa của kiều bào, chưa có nỗ lực để điều phối, kết nối vì chưa nhận được đặt hàng cụ thể.
Ông Phạm Việt Hùng cũng đề xuất một số kiến nghị, để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực dồi dào của đội ngũ trí thức, chuyên gia NVNONN, cần sự quan tâm và thống nhất về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, các biện pháp và chính sách trọng dụng, đãi ngộ và thu hút hiệu quả, đủ sức hấp dẫn, cam kết rõ ràng và lâu dài của các cơ quan, địa phương đối với những dự án, chương trình cần phát huy vai trò của nhà khoa học, trí thức, chuyên gia NVNONN.
Ông Phạm Huy Hoàng- Chủ tịch Mạng lưới đối mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu chia sẻ về thực trạng hoạt động các Hội trí thức Việt Nam ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, chưa thực chất. Ông cho biết, hoạt động của các hội trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay đa số dừng ở mức độ đánh giá hiện trạng tại nước ngoài, so sánh với thực tế ở Việt Nam và đưa ra một số đề xuất. Việc triển khai ý tưởng trên thực tế còn rất hạn chế và chưa được kiểm chứng. Các nghiên cứu đề xuất từ phía các hội đến các cơ quan trong nước thường dừng ở mức độ được ghi nhận, việc đưa các đề xuất vào thực tế mất rất nhiều thời gian và qua nhiều thủ tục hành chính. Nhằm nâng cao hiệu quả của các hội tri thức NVNONN ông Hoàng đề xuất, các cơ quan đại điện tại nước ngoài (Đại sứ quán, Thương vụ....) cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp để soạn và ban hành các văn bản hướng dẫn việc thành lập các hội trí thức tại nước ngoài, các cơ chế hỗ trợ (tài chính và pháp lý) để các hội có nhiều thuận lợi hơn trong việc thành lập và đi vào hoạt động. Ví dụ: “Cẩm nang thành lập và hoạt động các hội trí thức Việt Nam tại nước ngoài”; Việc kết nối chính thức từ Việt Nam với các hội trí thức cần được triển khai có hệ thống và đồng bộ, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, thông qua các Biên bản ghi nhớ và Cam kết hợp tác. Từ các biên bản ghi nhớ, chương trình hợp tác cần được xây dựng cụ thể. (Ví dụ như cơ quan nghiên cứu phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ là Viện Nghiên cứu sẽ dành một khoản ngân sách nhất định cho việc hợp tác với Hội hay Mạng lưới tại nước ngoài. Với cam kết này, các Hội sẽ có cơ sở để kêu gọi các thành viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu hợp tác)…
Các giải pháp thúc đẩy phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức NVNONN
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất thực tiễn, sâu sắc và chất lượng của các đại biểu. Ông khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến này trong Báo cáo kết quả Hội thảo trình Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 27. Ông cũng nhất trí về vai trò, đóng góp của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một bộ phận quan trọng của lực lượng trí thức Việt Nam, là nguồn lực quý giá trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ trí thức kiều bào đã và đang có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực và còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách để hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức kiều bào, cho đến nay, về cơ bản, một hệ thống luật pháp và chính sách đối với trí thức NVNONN đã được hình thành và ngày càng được hoàn thiện, phần nào đáp ứng những quyền lợi cơ bản, nguyện vọng chính đáng, thiết thân của trí thức kiều bào, ngày càng tạo điều kiện cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh. các tổ chức hội đoàn trí thức NVNONN phát triển mạnh mẽ, phạm vi hoạt động rộng lớn, tiếp tục được củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy tốt vai trò đầu mối, nhân tố quy tụ, đoàn kết, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam cũng nhất trí với ý kiến nhiều đại biểu đánh giá một cách khách quan những hạn chế của công tác này trong thời gian qua. Để phát huy và tận dụng nguồn lực trí thức Việt Nam, trong đó có nguồn lực trí thức NVNONN đang trở nên cấp bách trước yêu cầu đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam cho rằng trong thời gian tới cần đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để trí thức NVNONN về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức…, chú trọng tính đồng bộ và thống nhất trong triển khai đồng thời tập trung giải quyết sớm những vướng mắc liên quan đến quyền lợi thiết thân và chính đáng của kiều bào.
Hai là, cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút trí thức NVNONN, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, địa phương trong công tác vận động trí thức NVNON. Cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, trí thức NVNONN.
Ba là, cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác xây dựng tổ chức hội đoàn, công tác cán bộ hội đoàn và chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng trí thức NVNONN.
Bốn là, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin tới NVNONN. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.
Hương Nhiên