Người trẻ hải ngoại hướng về Tổ quốc
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lực người trẻ Việt Nam ở nước ngoài đang trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước. Họ được ví như những “cánh chim” tri thức, mang trong mình tinh hoa khoa học công nghệ thế giới và một trái tim luôn hướng về Tổ quốc, góp phần tạo cầu nối quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Dòng chảy tri thức trẻ xuyên biên giới
Dưới sự dẫn dắt của những tên tuổi như TS. Lê Viết Quốc (Google Brain), TS. Trần Việt Hùng (Got It), TS. Vũ Xuân Sơn và ThS. Tô Diệu Liên, một nhóm chuyên gia người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ và đại học hàng đầu thế giới đã cùng nhau thành lập tổ chức phi lợi nhuận “AI for Vietnam” (AIV) tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ). Mục tiêu của họ là đưa trí tuệ nhân tạo (AI) đến gần hơn với người dân Việt Nam, như một công cụ tăng tốc học tập, làm việc, kinh doanh và sáng tạo. AIV định hướng xây dựng một hệ sinh thái AI toàn diện cho Việt Nam, từ giáo dục, nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn. Dự án đầu tiên của AIV là ViGen, một sáng kiến hợp tác với Meta nhằm xây dựng bộ dữ liệu tiếng Việt mã nguồn mở lớn nhất từ trước tới nay. AIV nhận định dữ liệu là “nguồn sống” của AI, trong khi tiếng Việt vẫn còn rất hạn chế trong các hệ thống học máy. ViGen sẽ giúp tạo nền tảng để các mô hình AI hiểu và xử lý tiếng Việt chính xác hơn, từ đó thúc đẩy các ứng dụng AI nội địa trong giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác. Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, AIV đã hoạt động với cường độ cao và nhận được sự đồng hành từ cộng đồng công nghệ toàn cầu. Tất cả thành viên đều làm việc tình nguyện, không nhận lương, với tinh thần cống hiến vì tương lai công nghệ Việt Nam. Họ tin rằng, bằng cách “đứng trên vai người khổng lồ” - tận dụng mô hình mã nguồn mở quốc tế và kết hợp dữ liệu bản địa - Việt Nam hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách với thế giới.
Một câu chuyện truyền cảm hứng khác là câu chuyện về phần mềm AlphaGeometry - công cụ AI có khả năng giải toán hình học ở cấp độ Olympic quốc tế (IMO), đạt thành tích ấn tượng: giải được 25/30 bài toán thử nghiệm, tức tương đương một thí sinh đạt Huy chương Vàng IMO. Đây là kết quả hợp tác của nhóm chuyên gia tại Google DeepMind gồm TS. Trịnh Hoàng Triều, TS. Lê Viết Quốc, TS. Yuhuai Wu và TS. Lương Minh Thắng. Theo TS. Lương Minh Thắng và các cộng sự nhận định, AlphaGeometry đánh dấu bước tiến quan trọng đến với “trí tuệ nhân tạo tổng quát” (AGI) - hệ thống có khả năng tư duy và học hỏi như con người. Ngoài nghiên cứu, TS. Lương Minh Thắng còn đồng sáng lập tổ chức VietAI nhằm đào tạo thế hệ kỹ sư AI cho Việt Nam, với hơn 4.000 học viên và nhiều người đã trở thành chuyên gia được Google công nhận. TS. Lương Minh Thắng và các cộng sự cũng đang triển khai các sáng kiến như Viện New Turing và tổ chức hội nghị AI tại Việt Nam, kỳ vọng đưa AI thành lực đẩy phát triển bền vững.
Một cái tên không quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam là Huyền Chip (tên thật là Khánh Huyền), từng nổi tiếng với cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Đến nay, cô đã có hành trình rẽ ngoặt đáng ngưỡng mộ: tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và trở thành tác giả của hai cuốn sách chuyên sâu về công nghệ AI. Đó là “Designing Machine Learning Systems” - hướng dẫn cách xây dựng hệ thống học máy an toàn và hiệu quả và “AI Engineering” - tập trung vào việc ứng dụng AI tạo sinh như GPT vào thực tiễn doanh nghiệp. Huyền Chip nhìn nhận AI là công cụ giúp xóa bỏ rào cản, đặc biệt trong giáo dục và ngôn ngữ. Cô đang cùng các startup triển khai mô hình cá nhân hóa việc học, giúp trẻ em học đọc hiệu quả hơn nhờ AI thiết kế chương trình phù hợp với từng cá nhân. Song song đó, cô cũng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật từ trò chơi điện tử vào giảng dạy để tăng mức độ tập trung và hứng thú học tập.
![]() Huyền Chip trở thành tác giả của hai cuốn sách chuyên sâu về công nghệ AI. Ảnh: Facebook Huyen Chip |
|
Một cái tên đáng chú ý khác là TS. Hoàng Anh Đức, 35 tuổi, vừa được Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) bầu chọn cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, trở thành người Việt Nam thứ 5 gia nhập mạng lưới này. TS Đức hiện là nghiên cứu viên tại Đại học RMIT Việt Nam và Tổng Giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line. Việc anh được vinh danh đến từ những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu giáo dục, chuyển đổi số và thúc đẩy khoa học mở - chia sẻ dữ liệu, phương pháp và kết quả nghiên cứu một cách minh bạch, giúp tăng tính kết nối và tác động thực tiễn. TS Đức đã có nhiều sáng kiến nổi bật trong giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như Sổ tay Sức khỏe Tâm thần cho học sinh - lan tỏa đến hơn 3.500 trường học tại Việt Nam. Anh cũng là tác giả bộ sách “Kể chuyện khoa học” với mục tiêu khơi dậy tư duy tò mò và niềm yêu thích khoa học cho trẻ em.
Khơi dậy tiềm năng từ nguồn lực trẻ hải ngoại
Trong bối cảnh khoa học công nghệ đã trở thành huyết mạch của sự phát triển, là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai thịnh vượng cho mỗi quốc gia; Việt Nam, trên hành trình vươn mình hội nhập, luôn khát khao nguồn lực tri thức chất lượng cao, đặc biệt là từ cộng đồng người Việt trẻ tài năng hải ngoại.
Những ví dụ trên mới chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh rộng lớn về sự đóng góp của người trẻ hải ngoại vào sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ các nhà khoa học và trí thức người Việt đang làm việc tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đông đảo và có ảnh hưởng. Bên cạnh lực lượng trí thức quốc tế gốc Việt, thế hệ chuyên gia người Việt thứ hai, thứ ba sinh ra và trưởng thành ở nước ngoài cũng được nhìn nhận là nguồn lực tiềm năng rất đáng quan tâm. Việc tiếp cận, kết nối và tạo điều kiện để họ gắn bó và đóng góp cho sự phát triển của đất nước đang trở thành một hướng đi quan trọng cần được chú trọng hơn trong thời gian tới.
Trên thực tế, hiện tượng “chảy máu chất xám” đang dần được thay thế bởi một làn sóng ngược tích cực: sự trở về của người trẻ tài năng. Những cá nhân này mang theo kinh nghiệm, tư duy toàn cầu và mạng lưới kết nối rộng khắp, đóng góp thiết thực vào các dự án nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa nguồn lực này, Việt Nam cần có chính sách thu hút và đãi ngộ rõ ràng. Như giới chuyên gia trong nước nhận định, bên cạnh nỗ lực hội nhập quốc tế, vẫn tồn tại những rào cản như lương thưởng, điều kiện làm việc chưa thực sự cạnh tranh. Việc cải thiện môi trường làm việc, đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu và đơn giản hóa thủ tục hành chính là yếu tố then chốt để giữ chân nhân tài. Bên cạnh đó, Việt Nam cần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự vững chắc và giàu cảm hứng. Đó là nơi mà người trẻ được tin tưởng, trao quyền và có không gian để phát huy tối đa khả năng. Mỗi ý tưởng cần được lắng nghe một cách nghiêm túc, mỗi sáng kiến cần có cơ hội thử nghiệm và nhân rộng, thay vì bị bóp nghẹt bởi các rào cản cơ chế.
Mặt khác, một quốc gia muốn đột phá không thể thiếu những “bài toán lớn” - những vấn đề cấp thiết và có tầm nhìn dài hạn, để người trẻ, dù ở bất kỳ đâu, cũng cảm thấy mình có vai trò trong việc giải quyết. Nhìn chung, chính sách thu hút nhân tài cần đi đôi với hành động cụ thể, đơn cử mức đãi ngộ xứng đáng, cơ hội phát triển chuyên môn, hạ tầng nghiên cứu hiện đại và nhất là môi trường làm việc minh bạch, cởi mở, khuyến khích sáng tạo…
Trong quá trình này, giáo dục chính là chiếc chìa khóa bền vững, kết nối thế hệ hôm nay với thế hệ mai sau. Có thể hiểu rằng, khi khoa học công nghệ trở thành trụ cột phát triển quốc gia, việc đưa giáo dục STEM vào từ bậc phổ thông không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Trẻ em cần được tiếp cận sớm với tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và đặc biệt là lòng say mê khám phá. Chính từ đó, các em sẽ trưởng thành với tinh thần đổi mới và ý thức rằng tri thức không chỉ để tích lũy cho bản thân, mà còn là để cống hiến cho cộng đồng.
Giáo dục vì thế không chỉ là nơi gieo mầm tri thức, mà còn là chiếc cầu nối những người con Việt Nam ở khắp năm châu. Khi nền giáo dục trong nước đủ mạnh mẽ, tiên phong và mang tính nhân văn sâu sắc, đó sẽ trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc và nguồn động lực to lớn để người Việt xa quê tìm về cống hiến. Họ được truyền cảm hứng từ tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên không ngừng và tinh thần hiếu học bền bỉ của dân tộc. Đó chính là vòng tuần hoàn tích cực mà giáo dục có thể tạo nên cho tương lai Việt Nam.
Diệu Bảo/ baophapluat.vn