A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước

Nằm trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II (từ ngày 06-09/8/2013), sáng nay 7/8, Hội thảo với chủ đề “Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt - cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh” đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Dalat Edensee Lake Resort & Spa, Đà Lạt, Lâm Đồng.



Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội thảo 


Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ II do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng tổ chức.

Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng khoảng 235 đại biểu doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho gần 20 Hội doanh nghiệp Việt Nam từ các nước với các ngành nghề đa dạng và hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam từ khắp các vùng miền trong cả nước.

“Phải tạo cơ hội liên kết”

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế ngày càng sâu rộng, mang đến nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều cạnh tranh, việc đoàn kết, liên kết lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt ở trong và ngoài nước là một đòi hỏi cấp thiết. Đến nay, tại hầu hết các địa bàn đều có Hội Doanh nghiệp của người Việt. Ở nhiều nước, cộng đồng người Việt đã góp phần quan trọng đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, nhiều tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành, nghề. Nhiều Hội doanh nhân người Việt đã liên kết, tổ chức tốt các hoạt động, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp và tạo uy tín ở nước sở tại, tạo thế cho cộng đồng người Việt, do vậy tập hợp được cộng đồng, góp phần làm cầu nối xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các nước.



Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN Nguyễn Thanh Sơn
phát biểu Khai mạc Hội thảo
 


Thứ trưởng mong muốn tại Hội thảo này, cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước cùng thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nhân Việt Nam trong và nước ngoài có một môi trường pháp lý đồng bộ, đem lại lợi ích và hiệu quả, thiết thực trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở ngoài nước với doanh nhân trong nước được tổ chức mang ý nghĩa sâu sắc nhằm kịp thời động viên doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước sát cánh cùng nhau vượt qua những khó khăn, mở ra những cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Chương trình diễn ra cũng góp phần thúc đẩy vai trò của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. 

Tại Hội thảo này, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi đánh giá kết quả công tác vận động và kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước vì lợi ích doanh nghiệp, cộng đồng và đất nước để phục vụ cho việc đề xuất, bổ sung các chính sách, biện pháp phù hợp về thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư. Hội thảo cũng cần tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, trong quá trình hợp tác kinh doanh và xuất khẩu hàng Việt Nam. Hội thảo có những kiến nghị về chính sách nhằm thu hút đầu tư và có hình thức khen thưởng, động viên các doanh nghiệp kịp thời. Hội thảo phải tạo cơ hội liên kết, là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm quản lý, khả năng hợp tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn giữa doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.


Trăn trở tìm biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam

Hội thảo đã nghe các báo cáo, tham luận với nhiều tâm huyết của các đại biểu. Các doanh nhân trong và ngoài nước cũng đã trao đổi, đưa ra những sáng kiến rất hữu ích để tạo cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, ông Nguyễn Đức Thương- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công thương cho rằng, cần phải tăng cường kết nối, liên kết doanh nhân Việt trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đức Thương cho biết, hàng năm, Bộ Công thương đã phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài ở nhiều địa bàn khác nhau. Các diễn đàn đã góp phần phổ biến thông tin về chính sách của Đảng và Nhà nước, lắng nghe và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về Việt Nam đầu tư kinh doanh. Bộ Công thương đã từng bước cải tiến hoạt động theo hướng gắn kết doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua kiều bào tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tại các Diễn đàn, các doanh nghiệp trong nước và sở tại trao đổi thông tin và giới thiệu mặt hàng, khả năng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn phục vụ xuất khẩu; kết nối thành chuỗi sự kiện quảng bá cho hàng Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, số lượng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong vài thập niên qua thuộc nhóm các nước dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, giá trị thu về lại đạt thấp. Các mặt hàng dệt may và giầy dép tuy xuất khẩu có tỷ trọng cao, song lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và thực hiện theo phương thức gia công, nên thiếu tính chủ động và hiệu quả cũng không cao... Nguyên nhân chủ yếu là thiếu đầu tư chiều sâu, vấn đề quảng bá, tiếp thị. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn chính như thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về công nghệ, khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông Nam, để hàng hóa Việt Nam hội nhập thành công vào thị trường quốc tế, thì một trong những lợi thế quan trọng là tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nhân kiều bào và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước. Để thúc đẩy sự liên kết, hợp tác này, ông Nam cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thực hiện một số hoạt động, trong đó có hoạt động xúc tiến thương mại – nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu; làm cầu nối tạo dựng mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa.
 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm của mình đến với thị trường Châu Âu, ông Chu Văn Dân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty VINASME.CZ tại CH Séc - cho biết, được sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan, trong đó chủ yếu là Hiệp hội doanh nghiệp vừa & nhỏ và bán lẻ CH Séc cùng Hội doanh nghiệp nhỏ & vừa Việt Nam tại CH Séc, Trung tâm môi giới quảng bá và trung chuyển hàng xuất khẩu Việt Nam tại Praha sẽ được thành lập và đi vào hoạt động vào đầu năm 2015, song song với các cuộc hội chợ triển lãm Quốc tế thường kì tại Praha & Brno. Nhiệm vụ của Trung tâm là thông tin về xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam và CH Séc, là nơi trung chuyển giao thương hàng hóa và có các gian trưng bày sản phẩm kèm theo các văn phòng tư vấn. Ngoài ra, Trung tâm có các dịch vụ về ngân hàng, nhà hàng ẩm thực Việt Nam...

Theo bà Helena Van - nữ doanh nhân Việt kiều Thụy Điển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Scandia Villa & Resort, biện pháp tốt nhất để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài là tham dự các hội chợ triển lãm, hội thảo quốc tế. Bà Helena Van cho biết, 12 năm trước đây, khi Thụy Điển không cấp visa cho du khách Việt Nam, bà đã hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các công ty du lịch Việt Nam, tổ chức đưa các doanh nghiệp Việt Nam sang tham gia Hội chợ quốc tế Bắc Âu và đi tham quan các nước Nam Âu. Hiện nay, công ty Nordic Fair HB Thụy Điển luôn sẵn sàng hợp tác đưa các doanh nghiệp có nhu cầu đi tham dự Hội chợ triển lãm và Hội thảo quốc tế.



Bà Helena Van và ông Chu Văn Dân (bìa trái) tại Hội thảo

Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Canada - cho rằng, để có thể cạnh tranh với các nước, Việt Nam cần phải tập trung hơn vào những yếu tố thuận lợi của đất nước như: có bờ biển dài và nhiệt độ ấm quanh năm, đất đai chúng ta trù phú, phì nhiêu... và còn một nguồn lực đặc biệt nữa, đó là chúng ta có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước ngoài. Ông Thành phân tích những lợi thế và kiến nghị những biện pháp cụ thể để phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó chú trọng cải tiến công nghệ, có nhiều chính sách thiết thực trong việc tạo thêm gia trị gia tăng cho các sản phẩm do chúng ta sản xuất, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ chế biến thực phẩm… Ông Thành đặc biệt nhấn mạnh tiềm lực của cộng đồng hơn 4,5 triệu NVNONN với lợi thế thông thạo ngôn ngữ, hiểu rõ về nhu cầu, thói quen, tập quán văn hóa của người dân nước sở tại… và kiến nghị cần phải nghiên cứu tận dụng nguồn lực của kiều bào trong vai trò tiếp thị cho sản phẩm của Việt Nam, hình thành được một mạng lưới thông tin giữa các cơ sở sản xuất trong nước và NVNONN, tận dụng NVNONN như một “lực lượng tiếp thị” cho sản phẩm trong nước thì việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài sẽ được cải thiện hơn.


Môi trường đầu tư thuận lợi giúp kiều bào làm giàu và chung tay xây dựng quê hương

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm khi đầu tư về Việt Nam. Với những trăn trở, tâm huyết của mình, các doanh nhân kiều bào đã thể hiện sự mong mỏi bên cạnh việc “làm giàu” cho chính mình là cùng chung tay dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Các doanh nhân cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Xác định du lịch đang và sẽ tiếp tục là một thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội và cần phải tận dụng những tài nguyên thiên nhiên quý báu để khai thác phục vụ cho du lịch, ông Tiêu Như Phương, doanh nhân ở Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Maico Đà Lạt đã trao đổi về một hồ Tuyền Lâm của Đà Lạt năm 2020. Ông Phương đã nêu lên thực trạng của hồ Tuyền Lâm 7 năm qua và khả năng phát triển 7 năm tới, đặc biệt là những tư duy và biệp pháp để phát triển. Theo ông Phương, phải đảm bảo quyền lợi và tài sản của những nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, không được thay đổi ngang những quy định đã ký kết ở Chứng nhận đầu tư. Đối với các nhà đầu tư không còn điều kiện, phải thỏa thuận lại về vị trí, diện tích, mục tiêu đầu tư từng dự án cụ thể. Ông Phương cũng kiến nghị, các nhà quản lý cần mau chóng và dứt khoát giải quyết những nguyện vọng chính đáng, những yêu cầu, đề nghị có lợi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của các doanh nghiệp.



Ông Tiêu Như Phương phát biểu tại Hội thảo 

Là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Italia, ông Phạm Văn Hồng đã chia sẻ với các đại biểu về những kinh nghiệm ở Italia. Ông Hồng cũng nêu lên những khó khăn và những cơ hội cho doanh nghiệp trong nước và một số kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Trong đó có kế hoạch mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình một chiến lược lâu dài, nâng cao giáo dục đào tạo tay nghề, chuyên môn, dị̣ch vụ nhất là tư duy hội nhập cộng động thế giới.

Bà Helena Van nêu một số thuận lợi và khó khăn khi đầu tư về Việt Nam. Đó là các doanh nhân kiều bào được đa số các cấp lãnh đạo của tỉnh, sở, ủng hộ và giúp đỡ; nhưng lại gặp khó khăn là cán bộ trực tiếp giải quyết rất chậm, thậm chí gây trở ngại và cản trở dự án, có những cán bộ phân biệt đối xử doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó là các thủ tục hành chính thay đổi liên tục cũng gây khó khăn lớn cho các dự án. Bà Helena Van cũng đưa ra một số kiến nghị chính sách, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đầu tư, kinh doanh về Việt Nam. Đó là, Nhà nước cần có các chính sách rất tích cực như rà soát các ngân hàng và cho các dự án của doanh nghiệp đang hoạt động được vay vốn, miễn giảm các loại thuế nhà đất, cá nhân và thuế doanh nghiệp, giảm lãi suất, giải quyết cho các dự án đang xây dựng vay vốn; tái cơ cấu và bổ sung chức năng cho doanh nghiệp, chuyển đổi một phần mục đích đầu tư.

Sau Lễ khai mạc Hội thảo, đã diễn ra Lễ khen thưởng kiều bào có thành tích trong hoạt động kinh doanh và Trao Giấy chứng nhận cho 10 Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước.

Bên cạnh chương trình Hội thảo, hoạt động trưng bày gian hàng, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, giới thiệu doanh nghiệp cũng đã diễn ra trong khuôn viên Khu du lịch Đà Lạt Edensee. Các đại biểu đã có dịp tham quan triển lãm các gian hàng trưng bày một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam, thể hiện sự phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và chất lượng ngày càng đi lên của thương hiệu Việt.

Hội thảo sẽ bế mạc chiều nay sau Chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp.

 6 doanh nhân kiều bào nhận giấy khen của Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

1. Ông Lê Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH “Đầu tư “INCENTRA”, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga.

2. Ông Trần Quốc Triệu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH “Upsway”, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội các nhà doanh nghiệp VN tại Nga, Chủ tịch Chi hội người Việt Nam tại Krasnodar.

3. Ông Bùi Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Mekong Group, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại LB Nga, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, Chủ tịch Hội đồng hương Nam Định tại Mátxcơva.

4. Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Volga-Việt, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, Chủ tịch Chi hội người Việt Nam tại Volgogard.

5. Ông Tiêu Như Phương – Kiều bào Đức, Tổng Giám đốc Cty Maico Đà Lạt.

6. Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục Quốc tế THT.

* Một số hình ảnh tại Hội thảo:



Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
và các doanh nhân kiều bào



Toàn cảnh Hội thảo 



6 doanh nhân kiều bào được tặng Giấy khen của Chủ nhiệm 
Ủy ban Nhà nước về NVNONN
 



Trao Giấy chứng nhận cho 10 Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình Gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước


Lê Minh


Các tin khác

Tin tiêu điểm