Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường - Bài 4: Niềm tin ở thế hệ trẻ
Trong Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh rõ nhiệm vụ: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước”.
Tiềm lực to lớn
Số lượng du học sinh, nghiên cứu sinh người Việt Nam ở nước ngoài tăng lên nhanh chóng tại nhiều quốc gia. Các hội thanh niên, sinh viên được thành lập mới ngày càng nhiều; là lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển của các hội, đoàn thanh niên sinh viên ngoài nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, kết nối với bạn bè quốc tế. Do đó, lực lượng kiều bào trẻ luôn được quan tâm và là một trong những ưu tiên trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Các thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài rất năng động, tích cực trong việc làm cầu nối giữa Việt Nam và đất nước sở tại. Tiềm lực của thế hệ kiều bào trẻ ngày càng được khẳng định, thể hiện qua 3 khía cạnh là trí lực, tài lực và đặc biệt là tình yêu, tấm lòng dành cho quê hương, nguồn cội. Do đó, việc tạo điều kiện thu hút, khuyến khích thế hệ trẻ kiều bào hướng về quê hương, đất nước rất quan trọng.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao luôn sát cánh hỗ trợ các hội thanh niên, sinh viên tại các sự kiện liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Chương trình Sáng kiến Trẻ Việt Nam InnoCity (2021) do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan tổ chức; Cuộc thi Khởi nghiệp Toàn cầu VietChallenge do Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức...
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ động kết nối, có buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến để trao đổi, tìm hiểu về hoạt động hội, những khó khăn, vướng mắc nhằm đề ra các phương hướng hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hội, đoàn ở nước ngoài đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, cuộc thi hướng tới cộng đồng thanh niên, sinh viên ở nước ngoài.
Tiêu biểu là Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới Sáng tạo toàn cầu Hack4growth do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức tìm kiếm những đơn vị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, có giải pháp cho các vấn đề cấp bách, có thể áp dụng thực tế tại một số địa phương trên cả nước.
Hoặc Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam-Australia (NIC-AU, thuộc Hội Sinh viên Việt Nam tại Australia) được thành lập trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc cấp nhà nước đến Australia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào cuối năm 2019. NIC-AU là một trong những mạng lưới thành phần của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam; đã tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế về Nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam (tháng 5/2022) và hội thảo “Nông nghiệp thông minh: Từ nông trại tới bàn ăn” (tháng 1/2023)…
Trong giai đoạn tới, Mạng lưới NIC-AU xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nòng cốt để phát triển, kết nối và hỗ trợ đội ngũ thành viên tương lai; đồng thời, thúc đẩy hợp tác và đa dạng hóa nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Mạng lưới NIC-AU tổ chức đa dạng các hoạt động: hội thảo, cuộc thi... để tìm ra ý tưởng thực hiện và thương mại hóa, hỗ trợ NIC hình thành trung tâm nghiên cứu (phòng lab, start-up) và trung tâm đào tạo các lĩnh vực trọng tâm của NIC.
Thu hút nhân tài kiều bào
Chủ trương chung, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là khuyến khích kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ tăng cường liên hệ, gắn bó với đất nước. Thông qua các hoạt động về nước thăm thân, du lịch và tìm hiểu văn hóa truyền thống, các thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thêm hiểu và thêm yêu quê hương, từ đó có thêm động lực để đóng góp cho sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Hiện có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thu hút và phát huy nguồn lực của kiều bào trẻ người Việt Nam ở nước ngoài như: Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trước đó là Nghị định 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam; Quyết định số 1314/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ giai đoạn 2022-2030. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BKHCN về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ; xây dựng Đề án thu hút và phát huy hiệu quả các nhà khoa học, công nghệ, chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… có các trung tâm, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó các nhà khởi nghiệp trẻ người Việt Nam ở nước ngoài cũng được nhận rất nhiều hỗ trợ, ưu đãi. Đáng chú ý, môi trường hoạt động khoa học công nghệ, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện có nhiều cải thiện, có dư địa phát triển lớn, là thị trường tiềm năng dành cho nhà đầu tư và start-up. Qua các chương trình này, kiều bào trẻ có thể nắm bắt và tận dụng tốt những ưu thế của Việt Nam, một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất để làm điểm cất cánh cho những ý tưởng sáng tạo cũng như sự nghiệp của mình.
Những năm gần đây, số lượng kiều bào trẻ tham gia các hoạt động đóng góp cho đất nước tăng lên đáng kể, dưới rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tích cực trau dồi chuyên môn và trở thành đại diện văn hóa tích cực của Việt Nam khi ở sở tại.
Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
“Một điều rất đáng mừng, thời gian gần đây, có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 100 công ty start-up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…
Với tinh thần yêu nước, đoàn kết, luôn hướng về cội nguồn, bà con kiều bào sẽ tiếp tục định hướng cho thế hệ con cháu - thế hệ trẻ kiều bào - những tri thức trẻ ưu tú của đất nước sẽ tiếp bước thế hệ cha chú trở về chung tay xây dựng quê hương, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bài cuối: Sức mạnh đại đoàn kết
Diệp Trương / TTXVN