A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào hướng về Tổ quốc: Từ Trường Sa đến ngày hội thống nhất non sông

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, đoàn kiều bào tiêu biểu có hành trình thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI, đồng thời, tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, chia sẻ về những điểm đặc biệt trong hành trình Trường Sa năm nay và công tác chuẩn bị cho các hoạt động của đoàn kiều bào tham gia khối diễu hành trong sự kiện chính trị trọng đại của Việt Nam vào ngày 30/4/2025.

Phóng viên: Thưa ông, chuyến đi thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI năm nay của đoàn kiều bào có điểm gì đặc biệt so với những năm trước? Ông đánh giá như thế nào về tác động lan tỏa từ hành trình này đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Hành trình Trường Sa đã trở thành một thương hiệu đối với kiều bào. Trải qua hơn 10 chuyến đi Trường Sa, đến nay, kiều bào rất tự hào và tin tưởng vào quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước. Điều này được thể hiện rất rõ trong việc bảo vệ và phát triển quần đảo Trường Sa.

Chương trình đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI năm nay có nét đặc biệt so với những chuyến đi của các năm trước. Đây là thời điểm trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chuyến đi Trường Sa lần này có ý nghĩa lớn, nên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân mong muốn chuyến đi lần này không chỉ là chuyến đi của kiều bào mà còn có sự tham gia của chí sĩ, nhân sĩ và đại biểu trong nước. Vì thế, chúng tôi gọi đây là chuyến tàu đại đoàn kết. 

Kiều bào hướng về Tổ quốc: Từ Trường Sa đến ngày hội thống nhất non sông - ảnh 1
Các đại biểu kiều bào thăm quần đảo Trường Sa năm 2024

Bà con ra thăm đảo để trực tiếp chứng kiến những nỗ lực của bộ đội và nhân dân bảo vệ đảo. Bà con sẽ hiểu được nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chiến sĩ và nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Bằng thông tin và những trải nghiệm của mình, bà con kiều bào truyền tải cho cộng đồng người Việt ở ngoài nước sự quyết tâm, tình cảm của bà con trong nước trong việc bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những chất kết dính gắn bó bà con trong nước với ngoài nước.

Người Việt Nam nước ngoài cũng tham gia đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng biển đảo. Mặc dù, so với những nỗ lực của nhân dân trong nước thì đó chưa phải là lớn, đến nay, các đoàn công tác kiều bào đóng góp gần 30 tỷ đồng để sửa sang, xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI.

Có nhiều cộng đồng kiều bào trước đây chưa hiểu lắm về đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhưng qua những câu chuyện của bà con kiều bào tiêu biểu chuyển tải, họ đã hiểu rõ hơn và họ cảm nhận họ đúng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Chương trình thăm quần đảo Trường Sa cũng có ý nghĩa rất lớn đối với những người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của biển đảo và sự gắn kết bà con với công cuộc bảo vệ biển đảo.

Phóng viên: Với lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, ông kỳ vọng gì vào sự hiện diện đông đảo của kiều bào tại các hoạt động trọng đại này?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Năm nay, lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có ý nghĩa quan trọng. Đất nước ta kỷ niệm chiến thắng năm xưa. Sau khi giải phóng miền Nam, đất nước chúng ta trải qua rất nhiều khó khăn. Đến năm 1990, đất nước ta bắt đầu đổi mới. Và đến năm 2025, đất nước Việt Nam thực sự vươn mình.

Kiều bào hướng về Tổ quốc: Từ Trường Sa đến ngày hội thống nhất non sông - ảnh 2
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao

Chính vì thế, lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Kiều bào nhận thức được điều đó. Nhiều thế hệ kiều bào đều mong muốn tham gia và chứng kiến lễ kỷ niệm này. Có người đã từng được trải qua ngày 30 tháng 4 năm 1975, có những người hiện nay đang là những nhân vật kiều bào tiêu biểu, là những lãnh đạo trong các hội đoàn người Việt, có cả những kiều bào trẻ, thành tố quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tương lai.

Trong sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, ngoài sự có mặt của kiều bào, còn có rất nhiều khách quốc tế, những bạn bè Việt Nam khắp năm châu đã cùng chứng kiến những thời khắc khó khăn của Việt Nam trong lịch sử cũng tham dự trong đợt này.

Phóng viên: Năm 2025 là tròn 50 năm ngày thống nhất đất nước, một cột mốc đặc biệt ý nghĩa. Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn nổi bật trong các hoạt động dành cho kiều bào nhân dịp này?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài có một loạt các hoạt động rất có ý nghĩa. Ngay từ đầu năm, diễn ra chương trình Xuân Quê hương có sự hiện diện của Chủ tịch nước Lương Cường. Sau đó, đoàn kiều bào tham gia chương trình giỗ tổ Hùng Vương. Giỗ tổ Hùng Vương năm nay cũng là một lễ giỗ tổ nằm trong bầu không khí và tâm thế của 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, đoàn kiều bào đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI, tận mắt chứng kiến công cuộc bảo vệ Tổ quốc trên biển đảo của Việt Nam. Tiếp sau đó, đoàn kiều bào sẽ về dự lễ kỷ niệm 30 tháng 4.

Trước đó, vào ngày 27 tháng 4, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài". Sau lễ kỷ niệm 30/4/2025, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam dành cho thanh, thiếu niên kiều bào. Đây cũng là năm chúng ta sẽ điểm lại những khó khăn và thành tựu Việt Nam đã trải qua, sau 50 năm.

Kiều bào hướng về Tổ quốc: Từ Trường Sa đến ngày hội thống nhất non sông - ảnh 3
Cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV5 và ông Nguyễn Trung Kiên.

Chúng tôi có chương trình tôn vinh tiếng Việt để chọn ra những sứ giả tiếng Việt, đồng thời, quảng bá với thế giới về văn hóa Việt, các di sản văn hóa Việt Nam đã được thế giới công nhận. Đó là những chương trình lớn của năm nay.

Năm nay, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc với bà con, các tổ chức hội đoàn của kiều bào nhằm kỷ niệm các ngày lễ đặc biệt, đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề mà thời đại hiện nay đang đặt ra.

Phóng viên: Việc tổ chức khối diễu hành và các hoạt động tri ân tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho kiều bào lần này đã được chuẩn bị như thế nào để đảm bảo trang trọng, xúc động và gắn kết?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Buổi diễu hành lớn của Nhà nước tổ chức vào ngày 30 tháng 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những sự kiện rất đặc biệt của lễ kỷ niệm năm nay. Đó là sự kiện rất đáng tự hào. Đây là thời điểm chúng ta tôn vinh những thành tựu của đất nước và thắt chặt tình đoàn kết. Trong cuộc diễu hành, có sự hiện diện của các lực lượng của đất nước, trong đó có bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Bà con kiều bào rất vinh dự được tham gia và chứng kiến sự kiện trọng đại này. Đồng thời, bà con cũng nhận thấy sự đóng góp của mình trong khối đại đoàn kết đó. Đây thực sự là một hoạt động có ý nghĩa để khẳng định một lần nữa sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào, khẳng định khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, trong đó có kiều bào.

Kiều bào hướng về Tổ quốc: Từ Trường Sa đến ngày hội thống nhất non sông - ảnh 4
Các khối hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Anh Tú/laodong

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức cho khối kiều bào tham gia lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi thăm các di tích của Thành phố và đặc biệt tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những hoạt động này giúp thế hệ trẻ kiều bào hiểu rõ sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước.

Tôi rất kỳ vọng các hoạt động ý nghĩa này tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự động viên, những cảm xúc tích cực, tiếp tục làm cho phong trào hoạt động của bà con kiều bào ngày càng thêm mạnh mẽ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông. Chúc tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa đồng bào xa Tổ quốc với quê hương đất nước ngày càng sâu đậm và bền chặt.

Lan Phương - Chí Phương/ VOV5


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm