Kết nối doanh nhân kiều bào, đưa nông sản Việt ra thế giới
“Tình yêu nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp, tổ chức tối 14/2/2022 tại Hà Nội.
Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Ngoại giao đồng chủ trì. Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương; đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; các Sở Nông nghiệp địa phương cùng hơn 200 kiều bào và 40 doanh nghiệp trong nước.
Mong kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đạt thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỷ USD.
Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Hàng hoá nông lâm thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tơi trên 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để đạt được những thành tựu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, mỗi bà con kiều bào đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.
“Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Nga, Đồng Xuân ở Đức, Sapa ở Séc, Asean Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Australia đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cafe…, dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài, đều đã trở thành kênh phân phối quan trọng đưa nông sản Việt Nam đi khắp bốn phương.
Những sản phẩm tươi rất khó bảo quản trước đây giờ cũng được đầu tư công nghệ mới và xuất khẩu thành công như nhãn, vải tươi sang châu Âu; bơ, sầu riêng đông lạnh sang Australia; xoài sang Hoa Kỳ…”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.
Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành nông nghiệp chuyển mình thông qua việc chia sẻ và đưa những công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của bà con kiều bào với ngành Nông nghiệp trong thời gian qua; đồng thời mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Thứ trưởng mong bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam.
Bà con cũng là kênh truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và là Trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu… Từ đó, sẽ giúp đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện các mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đó là xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh.
Bộ Ngoại giao luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kiều bào
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ bền vững, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị - xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng đánh giá thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực cung cấp thông tin, tăng cường tuyên truyền để phổ biến và tận dụng các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam.
Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để ngành nông nghiệp sớm bắt kịp các xu thế chung về phát triển bền vững và thích ứng lâu dài với đại dịch.
Là ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng khẳng định Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao luôn cùng với các cơ quan trong nước quan tâm, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp thiết thực của kiều bào và tham mưu với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện hơn nữa để người Việt Nam ở nước ngoài về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh ở trong nước và tăng cường kết nối với quê hương trên nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tin tưởng, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN&PTNT, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.
Cần phát huy hơn nữa thế mạnh của doanh nghiệp kiều bào
Tại Diễn dàn, các doanh nhân, nhà khoa học NVNONN cho rằng, trong việc đẩy mạnh việc đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối, tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp NVNONN.
Ông Võ Văn Long - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long, một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức và Đông Âu - cho rằng: “Nên xây dựng một cầu nối giữa những doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu thông qua doanh nghiệp Việt ở Đức, vì đây là thị trường rất lớn. Chúng ta không nên nói thị trường Đức là thị trường khó tính, mà là một thị trường đầy tiềm năng. Vì hàng hóa của chúng ta vào được Đức thì chắc chắn vào được các thị trường khác. Điều quan trọng thứ hai là, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Đặc biệt, không nên lấy tiêu chí là hàng rẻ, mà phải lấy tiêu chí hàng chất lượng. Muốn có hàng chất lượng thì phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã".
Đồng quan điềm này, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp VN tại Châu Âu - cho rằng doanh nghiệp trong nước cần có sự kết nối với doanh nghiệp Việt kiều tại các nước trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Theo ông, đây là thế mạnh mà các doanh nghiệp trong nước cần khai thác tận dụng, bởi doanh nghiệp kiều bào am hiểu thị trường, văn hóa, phong tục tập quán sở tại. Tuy nhiên, ông cho rằng việc kết nối này rất lỏng lẻo dẫn đến hạn chế trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, do đó việc đưa hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng, đến với thị trường châu Âu còn rất hạn chế.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng thành công trong việc đưa vải thiều sang châu Âu, xuất gạo ST25 sang Canada và Anh, ông Lê Bá Linh - Giám đốc Pacific Foods, kiều bào tại Thái Lan - cho biết để đưa sản phẩm ra quốc tế, doanh nghiệp rất chú trọng phát triển chất lượng và coi đây là một vinh dự, niềm tự hào.
Theo ông Linh, muốn đưa nông sản Việt ra thế giới, doanh nghiệp cần biết nắm bắt cơ hội. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ như: giảm thuế, phí cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tạo nguồn vốn, sớm phục hồi sau đại dịch; có chính sách hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp xuất khẩu (như doanh nghiệp phải xuất qua một đơn vị khác vì không đủ tiêu chí xuất khẩu)...
Trong xu hướng hội nhập kinh tế, Việt Nam hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới, nhưng cùng với đó, hàng rào kỹ thuật sẽ được nâng lên. Vì thế, ông Linh đề nghị các bên có một giải pháp tổng thể, kịp thời, cập nhật các xu hướng kinh tế mới để các doanh nghiệp, trong đó có Pacific Foods, phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - đại diện doanh nhân Việt Nam tại Úc - cũng bày tỏ nỗi xót xa khi về Việt Nam thấy thanh long bị ùn ứ không xuất khẩu được, phải đổ cho bò ăn, trong khi mặt hàng này bán tại Úc với giá cực kỳ đắt đỏ. “Việt Nam quanh năm cây trái mà chỉ xuất thô, sử dụng thô, khi lệ thuộc vào 1 thị trường sẽ mất đi giá trị nông sản, trong khi lại nhập về những nông sản chế biến sâu. Để giúp nông dân có đầu ra ổn định, chúng tôi nghiên cứu cho ra đời cà phê nông sản. Đây là tư duy mới, khác biệt, không giống ai, đã bước đầu thành công và cho thành quả. Do đó, để phát triển nông sản, cần tập trung cho chế biến sâu, tạo sự khác biệt; đi kèm chiến lược truyền thông dài hạn để người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam - 'tự hào' chứ không phải là 'ưu tiên'!” – ông Nguyễn Ngọc Luận khẳng định.
Kết hợp sự thay đổi của trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào
Kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của bà con kiều bào đối với nông sản Việt và bà con nông dân. Theo Bộ trưởng, kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn... của nước sở tại. Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Và thế giới cần những gì, như thế nào, thì Bộ NN&PTNT sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới.
“Tình yêu nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xúc động chia sẻ.
Với cương vị là người đứng đầu ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tự cảm thấy trách nhiệm lớn lao là cần phải kết nối những tinh hoa, những nguồn lực của bà con kiều bào. Ông chia sẻ, bà con kiều bào không chỉ có “lực”, mà còn có “tâm”. Cái tâm đó có thêm nguồn lực và nguồn lực xuất phát từ cái tâm của mỗi người Việt xa xứ.
Bộ trưởng cũng thể hiện nỗi đau đáu khi nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế, trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel “đàng hoàng, chễm chệ” trên quầy siêu thị của thế giới.
“Tôi mong muốn rằng bà con Việt kiều cho dù đang ở đâu trên thế giới cũng mang tâm thức chúng ta là con một nhà. Một khi chúng ta có được tâm thế, cảm xúc đó, không gì là chúng ta không vượt qua được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Qua những ý kiến đóng góp, chia sẻ, Bộ trưởng cho rằng chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào.
Hương Nhiên