Hội thảo Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ
Ngày 25/3, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức Hội thảo Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới công nghệ vốn đã được hình thành thời gian qua và dần phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN) Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam và 400 đại biểu là đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH-CN, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cùng các Sở KH-CN các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu Khai mạc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Hội thảo góp phần thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái đổi mới công nghệ vốn đã được hình thành thời gian qua và dần phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Ông cũng cho rằng doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu khoa học, công nghệ vào cuộc sống. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng của không chỉ ngành khoa học công nghệ mà của tất cả các ngành, các cấp. Nhiệm vụ này cần được sự chủ động tham gia tích cực và đồng hành xuyên suốt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ KH-CN cũng đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Một trong những nội dung quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong việc quản lý các chương trình và nỗ lực để huy động tối đa các nhà khoa học, các tổ chức và doanh nghiệp trên toàn quốc tham gia các chương trình khoa học, công nghệ, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng tìm hiểu các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đồng thời tìm kiếm các giải pháp để triển khai các chương trình của Bộ KH-CN nhằm thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học.
Trong đó, nội dung được các đại biểu thảo luận nhiều nhất chính là phải cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh hiệu quả trong chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu, sáng chế từ các viện, trường cần gắn với các doanh nghiệp để đưa vào ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế nhằm phục vụ cộng đồng.
Tại phiên thảo luận, dưới sự chủ trì của Bộ KH-CN, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các đại biểu đã thắng thắn nêu những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong triển khai các cơ chế, chính sách, cũng như đề xuất các giải pháp hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức trong nước, quốc tế và doanh nghiệp.
Tiến sĩ Cao Minh Việt – Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nhật - cho biết, việc kết nối với các nhà khoa học nước ngoài của chúng ta còn yếu và ít, chủ yếu mang tính chất cá nhân, không có mạng lưới thực sự. Theo ông, để toàn bộ chuỗi giá trị không chỉ mang tính cá nhân hay giữa một trường đại học và một đơn vị, để kết nối đủ rộng, đủ mạnh, tạo giá trị thực sự, tận dụng được nguồn nhân lực NVNONN một cách có giá trị phải có một nền tảng kết nối thực sự mở, sâu và minh bạch. Đây là điều Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản và một số nước đang bàn bạc để thực hiện, hướng tới tận dụng các công nghệ mới nhất, công nghệ số để kết nối, chuyển giao công nghệ, mang lại giá trị cho từng thành phần tham gia. Tiến sĩ cho rằng giá trị cốt lõi là chia sẻ, trao đổi.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh- Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu - cho rằng các chuyên gia người Việt ở châu Âu và các nước khác trên thế giới có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ của Việt Nam, họ như cây cầu nối giữa Việt Nam với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các nước châu Âu, các nước khác và ngược lại. Ông giới thiệu về các điều kiện chuyển giao công nghệ các doanh nghiệp tại Đức, đồng thời cũng giới thiệu một số công nghệ mong muốn hợp tác với Việt Nam như Năng lượng xanh, công nghệ điện phân khí Hydro….
Hội thảo là sự kiện KH-CN quan trọng không chỉ đối với các nhà quản lý trong việc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả trong việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và đổi mới công nghệ đã ban hành, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời là cơ hội để 3 nhà: nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà trường gặp gỡ, trao đổi, xây dựng mối liên kết về chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Hương Nhiên