A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình của trái tim

Chiều 19/4, dưới cái nắng đầu hè rạng rỡ, chuyến tàu mang số hiệu KN491, xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh, đưa hơn 200 đại biểu trong đó có gần 70 kiều bào từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 18 đến 28/4. Đoàn công tác do ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - làm Trưởng đoàn, PGS-TS Đỗ Minh Thái - Chuẩn đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân - làm Phó trưởng đoàn. Ngoài các đại biểu kiều bào, Đoàn công tác số 10 còn có sự tham gia của các cơ quan trung ương và địa phương.

Đoàn chúng tôi đi thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1/18, mang theo cả tấm lòng và tặng phẩm gửi đến quân và dân đang sinh sống và bảo vệ vùng biển trời quê hương.

Màu xanh và sức sống mãnh liệt giữa đại dương

Còn nhớ, cuối năm 2017 vừa qua, Trường Sa và Nhà giàn DK phải gánh chịu cơn bão Tembin càn quét với sức tàn phá ghê gớm, phá hủy nhiều công trình, quật đổ nhiều cây lâu năm, hàng loạt tấm pin mặt trời bị cuốn mất, hệ thống vườn, đèn chiếu sáng tại các đảo bị hư hỏng nặng, chuồng trại tăng gia ở các đảo gần như bị sập hoàn toàn, nhiều tài sản bị hư hại… Ấy vậy mà giờ đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ khi bước chân lên thăm các đảo. Đảo nào cũng một màu xanh bao phủ, rợp bóng cây. Những vườn rau bị nhiễm mặn đã được thau chua rửa mặn. Trước mắt chúng tôi là những luống rau mới đang lên mầm xanh tốt. Khu nhà kính trồng rau đã được sửa chữa và gieo trồng rau mới. Trên các đảo nổi còn có cả vườn hoa, hòn non bộ, những nhành phong lan bên cửa sổ như thách thức với nắng gió… Có được kết quả này, thời gian qua, các lực lượng quân dân trên đảo đã nỗ lực tập trung khắc phục khó khăn, trả lại màu xanh cho đảo.

Huyện Trường Sa có ba đơn vị hành chính trực thuộc là thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và xã Song Tử Tây. Mặc dù, đời sống của quân và dân trên huyện đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đã được cải thiện rất nhiều. Trường Sa hôm nay đã có thêm những công trình hiện đại phục vụ công tác an ninh quốc phòng và cuộc sống của quân dân trên đảo. Huyện đảo từ lâu đã được phủ sóng truyền hình, điện thoại (2G). Các điểm đảo đều được lắp đặt tivi, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời và các máy lọc nước biển thành nước ngọt dự phòng cho lúc cần thiết. Thị trấn Trường Sa – trung tâm của huyện đảo, có những công trình quy mô như cảng hàng không với đường băng rộng, trường tiểu học và Trung tâm y tế, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sa, chùa chiền, lại có cả Nhà khách Thủ Đô… với mạng lưới điện năng lượng sạch, cung cấp nguồn điện cho toàn địa bàn thị trấn.

Những lớp học ở Trường Sa rất đặc biệt. Học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 ngồi chung một lớp. Giáo viên mỗi trường hai người thay phiên nhau đứng lớp. Vì trường và nhà dân trên đảo khá gần nhau nên ngoài giờ học, buổi tối các giáo viên thường đến tận nhà dạy thêm cho các em những bài thơ, bài hát về Bác Hồ, về biển đảo và về chính Trường Sa thân yêu, nơi lũ trẻ đang sống và lớn lên từng ngày.

Các hộ dân sinh sống nơi đây ở trong những ngôi nhà được xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi, có sân trước, vườn sau để chăn nuôi và trồng trọt, mọi người quây quần gần gũi thân tình, ấm cúng. Các căn nhà ở thị trấn Trường Sa đều được xây dựng cùng một kiến trúc, đảm bảo yếu tố cảnh quan môi trường và có đủ khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của Biển Đông. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là khai thác đánh bắt hải sản, trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù sống giữa biển khơi, cách xa đất liền, nhưng tinh thần người dân thị trấn Trường Sa rất lạc quan, vui vẻ. Tiếng trẻ em ê a học chữ, tiếng cười đùa của các em ở trường mẫu giáo góp phần tạo niềm vui, sức sống cho thị trấn này.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, người dân sống ở đảo Song Tử Tây, chia sẻ: Trường Sa từ lâu là quê hương thứ 2 của chị. Dẫu đảo xa còn nhiều khó khăn so với đất liền nhưng chị cùng gia đình cũng như toàn bộ người dân trên đảo rất tự hào vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mặc dù là đảo ở xa đất liền nhưng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa và bệnh xá Song Tử Tây được trang bị nhiều phương tiện thiết bị y tế hiện đại. Ở đây có máy chụp X-quang, máy xét nghiệm máu, có cả buồng giảm áp di động dùng để cứu chữa cho các ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt trên khu vực Trường Sa… Đặc biệt, Trạm xá còn được trang bị hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh (Telecom Medicin). Nhờ có hệ thống này, thông qua sự hướng dẫn và chỉ đạo trực tuyến của các bác sĩ trong đất liền, các bác sĩ ở đảo Trường Sa Lớn đã mổ cấp cứu thành công nhiều ca mổ phức tạp mà không cần phải chuyển bệnh nhân về đất liền. Anh Trình Chân Thiện, kiều bào tại Mỹ, là một bác sỹ hồi sức cấp cứu, khi được chứng kiến hệ thống trang thiết bị y tế ở đây, đã rất ngạc nhiên và thán phục.

Đời sống tâm linh, hoạt động tín ngưỡng ở huyện đảo cũng rất được chú trọng. Những ngôi chùa trên các đảo rất uy nghi, mang kiến trúc truyền thống không khác gì chùa ở đất liền. Không chỉ là “những cột mốc tâm linh” khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa tại đây là địa chỉ không thể thiếu của quân và dân trên các hòn đảo và cả ngư dân trong những hải trình dài ngày trên biển khi có dịp cũng ghé thăm viếng chùa, thắp hương nguyện cầu cho sự hòa bình, hữu nghị trên vùng biển và chuyến đi được bình yên.

Các đảo lớn của huyện đảo như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn... còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Mỗi năm, các âu tàu hướng dẫn tránh trú bão cho hàng trăm lượt tàu; tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh hoạt động khai thác hải sản trong khu vực. Tại đây, các ngư dân còn được cấp miễn phí nước ngọt, mua nhiên liệu bằng giá ở đất liền. Nhờ đó, từ khi các âu tàu đi vào hoạt động, việc đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa đã tăng mạnh.

Chúng tôi tản bộ đi thăm các đảo trên những con đường bê tông rợp bóng cây. Bình minh trên biển thật đẹp, âm thanh của tiếng gà gáy sáng, tiếng chuông chùa vọng vào thinh không, tiếng ê a con trẻ học bài… thật thanh bình. Đâu đó, là hình ảnh quân dân và khách từ đất liền đang trò chuyện với nhau về cuộc sống, niềm tin, về ngày mai biển bình yên. Chúng tôi cảm giác như đang đứng trên một vùng quê yên bình trong đất liền, chứ không phải nơi đảo xa, cách đất liền cả ngàn hải lý. Một số người trong Đoàn đã từng ra Trường Sa nhiều lần nói với chúng tôi rằng, Trường Sa hôm nay thay da đổi thịt từng ngày.

Trong hành trình ra thăm các đảo, chúng tôi rất ngạc nhiên vì trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khí hậu khắc nghiệt, lại thường xuyên có gió bão, nhưng toàn đảo vẫn phủ một mầu xanh mướt của những hàng cây, những vườn rau. Điển hình là đảo Phan Vinh, đảo đầu tiên trồng thử nghiệm rau xanh trong nhà kính. Để có những luống rau xanh mướt, anh em trên đảo phải sử dụng hết sức tiết kiệm, hợp lý từng ca nước ngọt, bởi trên đảo không có nguồn nước ngọt mà phụ thuộc chủ yếu vào nước mưa; đồng thời, phải tìm hiểu cách làm phân vi sinh từ đất và các loại rác hữu cơ để chăm sóc rau. Với những nỗ lực đó, 3 năm qua, đảo đã chủ động được 100% rau xanh các loại, góp phần cung cấp bữa ăn đủ chất cho cán bộ, chiến sỹ.

Trong khi đó, tại các điểm đảo chìm, cuộc sống còn vất vả và khó khăn hơn nhiều so với các đảo nổi. Tại đảo Đá Nam, không gian sinh hoạt chỉ có vài chục mét vuông, thiếu thốn nước ngọt, thời tiết ở đảo khá khắc nghiệt, nhiệt độ luôn ở mức 38-40 độ C, cùng với nắng gió, hơi muối mặn bốc lên làm cho trang thiết bị máy móc trên đảo nhanh hàn gỉ xuống cấp… Tuy khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã tận dụng khoảng trống trên không để trồng những luống rau xanh, phía dưới chân đảo làm nhiều tấm che để nuôi gà, vịt… Không những tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn đem đến màu xanh, sự sống trên đảo chìm. Thượng úy Hoàng Đình Bình, Chỉ huy trưởng đảo Đá Nam, cho biết: Mọi thứ trên đảo đều được anh em tiết kiệm tối đa, từ đồ ăn cho đến thức uống. Mùa khô thì nước ngọt quý như “máu”, mùa mưa bão thì sóng gió chồm lên như muốn nhấn chìm cả đảo… Nhưng không vì thế mà trách nhiệm, tinh thần của anh em yếu đi; trên đảo tình đồng chí như anh em ruột thịt.

Biển xanh gọi mãi tên anh

Thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK vào những ngày tháng Tư lịch sử này, có bao điều để nhớ và trân quý, ngoài vẻ đẹp kì vĩ và hùng tráng của biển đảo quê hương, là vẻ đẹp của con người, của ý chí kiên cường vững chắc tay súng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc của người chiến sỹ Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến với mỗi đảo, chúng tôi đều thấy rõ quyết tâm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các chiến sĩ. Những cái tên như Cô Lin, Đá Thị, Tốc Tan, Đá Đông, Sơn Ca, Sinh Tồn… đã trở nên rất đỗi thân thương và khắc sâu trong trái tim mỗi thành viên trong đoàn.

Suốt hải trình, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều những người lính hải quân, trong đó có những anh lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa. Kiêu hãnh, vươn ngực trần trước nắng gió trùng dương, tất cả họ đều ngời lên niềm tự hào khi được góp một phần sức trẻ của mình cho quê hương.

Chúng tôi vẫn nhớ lời tâm sự của anh binh nhất Hùng ở đảo Đá Thị: Em đóng chốt ở đây đã được một năm rồi, vất vả riết rồi cũng quen. Anh em thương yêu, động viên nhau luôn vững tâm, chắc tay súng quyết đem sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Còn anh binh nhất Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 1993, sinh viên Đại học FPT, ra đảo Sinh Tồn tháng 8/2017, có bài thơ “Tiếp Bước” đầy lạc quan và khí thế của người lính. Bài thơ được ra đời khi anh đang đứng gác giữa trùng khơi, với nổi nhớ về Ba mình và niềm tự hào nối tiếp Ba được làm người lính bảo vệ Tổ quốc:

“Con ngồi gác giữa biển/ Bỗng chợt nhớ về Ba/ Ngày xưa ba còn trẻ/ Cũng đi lính xa nhà/ Ba học ở Sơn tây/ Ngược lên vùng biên giới/ Qua tây nam đánh giặc/ Xuôi dòng về Cửu long/ Nay con tiếp bước Ba/ Ra giữ nơi biển đảo/ Nơi mà giặc phương bắc/ Vẫn nhòm ngó ngày đêm/ Con xin hứa với Ba/ Ở nơi Trường Sa đó/ Dẫu có gặp hiểm nguy/ Người lính không lùi bước/ Giữ chủ quyền Tổ quốc/ Cho thế hệ mai sau/ Dù giặc mạnh tới đâu/ Không bao giờ lấy được./.".

Đến đảo nào chúng tôi cũng nghe lính đảo có câu nói đậm chất hào hùng: “Còn người thì còn đảo”. Ý chí đó luôn khắc sâu tinh thần quật cường của dân tộc, của tuổi trẻ quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại đảo Song Tử Tây, Trung tá, Chỉ huy trưởng Nguyễn Đức Độ chia sẻ về công tác huấn luyện cùng đời sống sinh hoạt hàng ngày của đảo: Song Tử Tây là đảo đầu tiên được giải phóng trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Phát huy truyền thống của bộ đội hải quân, những năm qua, quân dân trên đảo Song Tử Tây luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng, bảo vệ đảo.

Theo Trung tá Độ, mặc dù nước ngọt trên đảo rất khan hiếm nhưng tại khu âu tàu trên đảo luôn có bể nước ngọt để hỗ trợ ngư dân trên những tàu cá đánh bắt dài ngày trên biển. Trạm xăng dầu ở ngay khu âu tàu của đảo cũng bán dầu cho bà con ngư dân với giá cả như ở trong đất liền, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi. Cùng với nhiều đảo khác trong quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây đang là điểm tựa vững chắc để bà con ngư dân vươn khơi bám biển trên ngư trường truyền thống hàng ngàn đời của cha ông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Báo cáo với Đoàn về kết quả công tác của đảo Đá Thị , Thượng úy Lê Anh Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết: Cuối năm 2017, bão 15, 16 trực tiếp đổ bộ qua đảo Trường Sa, với nhiều thế hệ là những cán bộ đã từng công tác ở đảo Trường Sa, sau hơn 20 năm mới xuất hiện cơn bão mạnh như vậy. Mặc dù đã chủ động, chuẩn bị về mọi mặt, tuy nhiên cơn bão ập đến bất ngờ với sức tàn phá ghê gớm đã phá hủy nhiều cây xanh, tấm pin mặt trời bị cuốn mất, hệ thống vườn, đèn chiếu sáng tại đảo bị hư hỏng nặng, chuồng trại tăng gia gần như bị sập hoàn toàn, nhiều tài sản bị hư hại…Tuy nhiên, nhận thức được vấn đề về cây xanh, vấn đề môi trường trên biển, mỗi một cán bộ, quân dân trên đảo khi cơn bão đi qua đã nhanh chóng tạo dựng lại cây xanh, khắc phục thiệt hại sau bão. Nhất là đối với hệ thống nước ngọt, vào cuối mùa mưa, tận dụng những cơn mưa trái mùa để làm cho màu xanh trở lại, nhờ vậy vấn đề nước ngọt tạm dần ổn định. Hiện tại 90% cây xanh đã được dựng lại, hệ thống điện đã được khắc phục 35% nguồn điện, và từng bước được khăc phục, …Có được kết quả này, đó là nỗ lực rất lớn của lực lượng quân dân trên đảo. 

Chia sẻ về công tác của Nhà giàn DK 1/18, Thiếu úy, Chính trị viên Trần Bảo Hùng cho biết: Các cán bộ chiến sỹ tại Nhà giàn đã thực hiện tốt công tác thông tin về chính sách vươn khơi bám biển của Đảng và Nhà nước ta và giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống. Trong năm 2017 vừa qua, đơn vị đã giúp đỡ ngư dân hơn 1000 lít nước ngọt, gạo, mắm muối, dầu ăn, khám và cấp thuốc, điều trị cho 02 ngư dân.

Trước những diễn biến phức tạp trên vùng biển và yêu cầu nhiệm vụ ngày một cao, trong khi thời tiết khí hậu khắc nghiệt, hậu phương gia đình còn khó khăn, nhưng cán bộ chiến sỹ trên Nhà giàn DK 1/18 luôn đoàn kết, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình trên biển, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trường Sa – Nối liền trái tim những người con xa

Trong phát biểu với cán bộ chiến sĩ, nhân dân tại các đảo, ông Lương Thanh Nghị - Trưởng Đoàn công tác - cho biết: “Liên tục từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức các Đoàn kiều bào đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK. 7 năm qua, gần 400 lượt kiều bào đã đi thăm Trường Sa. Những chuyến đi đã giúp cho bà con hiểu hơn về Trường Sa và Nhà giàn DK, tình yêu biển đảo trong cộng đồng kiều bào được lan tỏa rộng rãi hơn, thể hiện mạnh mẽ hơn. Qua đó, bà con kiều bào đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm và có những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho quân và dân đang ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”

Qua nhiều chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK, sự chung tay góp sức của kiều bào ủng hộ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến hải đảo của Tổ quốc ngày càng tăng lên. Năm nay, bà con kiều bào đã đóng góp, ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa khoảng 700 triệu đồng tiền mặt và 1 tỷ đồng bằng hiện vật gồm máy phát điện mini, hệ thống pin năng lượng mặt trời, bộ thể thao đa năng... cho các chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo và nhà giàn DK1/18.

Rất nhiều năm nay, hình ảnh của các thành viên đoàn kiều bào về từ Hàn Quốc mướt mát mồ hôi tháo rời từng bộ máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao di chuyển xuống xuồng để vận chuyển vào các đảo chìm đã trở nên rất đỗi thân thuộc với những ai đã từng ra Trường Sa. Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Ra mắt từ năm 2015, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện đã thu hút được  sự tham gia của kiều bào từ 15 quốc gia. Từ lúc thành lập cho đến nay, Quỹ đã kêu gọi quyên góp được tổng số tiền là hơn 75 nghìn USD, dành cho tất cả các dự án. Năm nay, Quỹ đã lắp đặt cho đảo chìm Đá Thị một bộ máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao, và lắp cho các điểm đảo Tốc Tan (A, B, C) và Nhà giàn DK1/18 mỗi điểm 1 máy phát điện cầm tay cơ động mini. Hiện tại, đã có 7 bộ máy phát điện hiệu năng cao được trang bị cho 6 điểm đảo.

Bày tỏ về món quà ý nghĩa của mình, anh Cao Sơn Tùng (kiều bào tại Singapore) chia sẻ: “Trên đảo, đặc biệt là đảo chìm không có nhiều không gian để các chiến sĩ tập luyện mà thể lực là điều rất cần thiết, vì thế chúng mình đã quyết định tặng máy tập cho các chiến sĩ”.

Chị Vũ Thị Phương (kiều bào tại Singapore) kể, chồng chị đã may mắn được tham gia chuyến đi thăm và tặng quà cho các chiến sỹ Trường Sa năm 2016 và có tình yêu đặc biệt với Trường Sa. Anh đã lan tỏa tình yêu này tới các thành viên trong gia đình và cộng đồng người Việt tại Singapore. Điều này đã thôi thúc chị đến với Trường Sa và làm được điều gì đó cho Trường Sa.

Ông Bùi Minh Phong (kiều bào tại Hungary) chia sẻ: “Trong chuyến đi này, thay mặt cho Hiệp hội người Việt tại Hungary và Hội doanh nghiệp người Việt tại Hungary, tôi đã trao món quà trị giá 2.000 USD nhằm ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa. Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng đây là tình cảm của kiều bào ở Hungary đối với Trường Sa".

Chị Lưu Thị Phi Nga (kiều bào tại Đức) tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi tới Trường Sa, nhưng vẫn bồi hồi, xúc động, háo hức đong đầy như lần đầu tiên. Chúng tôi mang theo tình yêu của các thành viên trong Câu lạc bộ Trường Sa tại Berlin cùng những phần quà ý nghĩa, trị giá hơn 200 triệu đồng... Chúng tôi hứa sẽ đem tình yêu Trường Sa lan tỏa ra khắp thế giới và truyền cho các thế hệ sau”.

Ngoài ra, ngay sau chuyến đi, các đại biểu kiều bào đã quyên góp thêm hơn 230 triệu đồng cho việc xây dựng Nhà Văn hoá đa năng tại Trường Sa.

Trong buổi tổng kết chuyến công tác, ông Lương Thanh Nghị phấn khởi chia sẻ, trong hải trình thăm Trường Sa lần này có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. Đầu tiên là điểm xuất phát, Ban tổ chức đã chọn cảng quốc tế Cam Ranh, thay vì cảng Cát Lái, để bà con kiều bào tận mắt thấy sự thay đổi và phát triển lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên, Đoàn công tác, trong đó có kiều bào, được tham dự lễ chào cờ, duyệt binh và nghe cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây – đảo đầu tiên Đoàn đến thăm - hô vang 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam. Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo, tất cả cùng hát vang quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt.

Chuyến thăm lần này của Đoàn công tác không chỉ chứng kiến cuộc sống và điều kiện làm việc khó khăn, khắc nghiệt của các chiến sỹ tại 5 đảo nổi, 5 đảo chìm của Trường Sa và Nhà giàn DK1/18, bà con cũng thêm hiểu biết về lịch sử các cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo của chiến sỹ hải quân Việt Nam. Tại lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhiều kiều bào đã không kìm được nước mắt.

Đặc biệt, ngày Đoàn cập cảng Trường Sa Lớn, đảo cuối cùng của hành trình, cũng là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch (25/4 Dương lịch). Lần đầu tiên, chúng tôi được tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngay trên boong tàu KN 491. Đây cũng là lần đầu tiên, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trên vùng biển Trường Sa. Buổi lễ khiến cho mỗi thành viên trong đoàn thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc.

Chuyến đi thăm quân, dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1/18 đã cho chúng tôi những trải nghiệm quý giá. Chúng tôi có cùng chung cảm nhận rằng, những người lính nơi biển đảo, những đồng bào ở trong nước và những người con xa xứ thật là gần bởi trong trái tim của mỗi chúng tôi đều có chung một nơi chốn thân yêu -  Việt Nam. Với Trường Sa, đất mẹ Việt Nam luôn hướng đến vùng đất xa xôi này của Tổ quốc với những tình cảm yêu thương đặc biệt. Trường Sa không chỉ đón nhận những tình cảm, chia sẻ của nhân dân trong nước, mà cả của những người Việt Nam sống xa Tổ quốc.

Thanh Thủy

 

 

 

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu