Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn kiều bào: Cần có thêm nhiều hoạt động mang tính định hướng chiều sâu cho công tác kiều bào

Không chỉ là một doanh nhân, trí thức kiều bào tiêu biểu, ông Trần Hải Linh (kiều bào tại Hàn Quốc) còn là đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Quê Hương, ông đã có nhiều chia sẻ về tình hình cộng đồng cũng như công tác kiều bào những năm vừa qua.

LTS: Trong những năm gần đây, việc thu hút nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào đóng góp xây dựng quê hương đang là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và thành viên Ban liên lạc Chuyên gia – Trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Trần Hải Linh đã có rất nhiều đóng góp thiết thực trong việc kết nối đội ngũ doanh nhân người Việt tại Hàn Quốc và trên thế giới với các doanh nghiệp, dự án trong nước, là nhân tố lan tỏa tinh thần hướng về nguồn cội. Không chỉ là một doanh nhân, trí thức kiều bào tiêu biểu, ông còn là đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Quê Hương, ông Trần Hải Linh đã có nhiều chia sẻ về tình hình cộng đồng cũng như công tác kiều bào những năm vừa qua.

 Ông Trần Hải Linh tại Diễn đàn Kinh tế Kiều bào toàn cầu lần thứ nhất, Hàn Quốc, tháng 6/2019

PV: Là một kiều bào sinh sống tại Hàn Quốc lâu năm, anh có nhận xét như thế nào về tình hình hòa nhập và ổn định cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc? Xin anh cho biết về hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đối với cuộc sống của bà con kiều bào? Tâm tư, nguyện vọng của bà con?

Ông Trần Hải Linh: Theo báo cáo thống kê, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc gia tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, hiện có khoảng 200.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Trước đây, cộng đồng bao gồm 3 khối chính là phụ nữ di trú kết hôn, lao động và du học sinh, nhưng trong thời gian qua đã hình thành nên một khối mới, đó là các doanh nhân là người Việt Nam hoặc quốc tịch Hàn gốc Việt có hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc, giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và các chuyên gia, trí thức tiếp tục ở lại làm việc tại Hàn Quốc. Trong những năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng hòa nhập hơn vào xã hội nước sở tại, đã có một số người khẳng định được vị trí trong các cơ quan, tổ chức đoàn thể của Hàn Quốc.

Theo tôi, việc thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đối với cuộc sống của bà con kiều bào trong những năm qua đã đạt được rất nhiều kết quả. Công tác hỗ trợ kiều bào ổn định, hội nhập vào sở tại được triển khai với nhiều biện pháp, hình thức vận động. Đây là một trong những nội dung làm việc quan trọng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo tâm lý yên tâm cho bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hướng về đất nước. Các tổ chức hội đoàn tiếp tục được củng cố, phát triển ở diện rộng. Công tác truyền tải thông tin đến với kiều bào được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Các hoạt động thường niên đã trở thành "thương hiệu" rất riêng biệt như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, Thăm huyện đảo Trường Sa… của Ủy ban ngày càng thu hút đông đảo kiều bào tham gia, giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong cộng đồng. Ngoài ra các hoạt động như Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển”, Hội nghị “Chuyên gia trí thức kiều bào xây dựng quê hương”, các Hội nghị lấy ý kiến doanh nhân, trí thức kiều bào về những chính sách, vấn đề lớn của đất nước, các Khóa đào tạo giáo viên tiếng Việt, Hội thảo về ngôn ngữ và văn hóa Việt… đã giúp cho kiều bào có cơ hội trao đổi ý kiến, góp ý để xây dựng quê hương, cũng như đưa ra những định hướng hoạt động cho các tổ chức hội đoàn tại nước sở tại. Tuy nhiên yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước đang ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, điều này đòi hỏi Ủy ban cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động mang tính định hướng chiều sâu, cụ thể hơn nữa cho công tác kiều bào và ngoại giao nhân dân.

 Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 9

PV: Cộng đồng người Việt tại Hàn đã và đang có những hành động gì để duy trì tiếng Việt và phát huy bản sắc dân tộc? Các cơ quan trong nước đã có hỗ trợ như thế nào đối với việc này? Anh có thể nêu một vài kiến nghị của bà con?

Ông Trần Hải Linh: Chúng tôi đã tổ chức và tham gia phối hợp tổ chức các Lễ hội văn hoá quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp và mến khách; các Lễ hội văn hóa du lịch và Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Road Show về Du lịch & Văn hóa Việt Nam tại các địa phương lớn của HQ như Seoul, Daejeon, Daegu, Busan, Gwangju; Lễ hội giao lưu văn hóa hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc nhằm đẩy mạnh và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động – sáng tạo và phát triển, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam ở nước sở tại.

Đối với việc duy trì tiếng Việt, chúng tôi cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ sau. Trong các hoạt động này, chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ, phối hợp từ các cơ quan trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và các cơ quan, tổ chức tại nước sở tại. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, ví dụ như việc giảng dạy tiếng Việt cần có giáo án, giáo viên có trình độ giảng dạy cũng như nguồn kinh phí để duy trì và mở rộng ra các địa bàn nơi có nhiều gia đình đa văn hóa Việt – Hàn sinh sống. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận thêm sự hỗ trợ và động viên bằng cả tinh thần và vật chất để tiếp tục thực hiện được mảng công tác này tốt hơn nữa.

PV: Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và thành viên Ban liên lạc Chuyên gia – Trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc, anh có thể đánh giá về tình hình cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt tại Hàn? Những đóng góp thiết thực của cộng đồng này hướng về quê hương, đất nước?

Ông Trần Hải Linh: Cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt tại Hàn mới được hình thành trong những năm gần đây với số lượng không nhiều, gồm một số người đã ở lại Hàn để làm việc sau khi tốt nghiệp tiến sỹ và một số doanh nhân hoạt động giao thương Việt – Hàn và ở lại sinh sống, làm việc, kinh doanh. Một số các hoạt động chủ yếu như sau:

Thúc đẩy, tăng cường giới thiệu xúc tiến đầu tư, tăng cường giao thương giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác – phát triển về Khoa học Công nghệ, Văn hóa – Giáo dục giữa 2 nước. Thành lập các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có chuyên môn, có kiến thức để đáp ứng nhu cầu của đất nước sau này.

Tham gia hỗ trợ, đóng góp ý kiến xây dựng đất nước tại các hội nghị, diễn đàn như: Diễn đàn Kinh tế Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tháng 12/2018; Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương (26 – 29/12/2018) tại Nghệ An và Hà Tĩnh; Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2019 với chủ đề “Nâng tầm Thương hiệu Việt Nam” tại Pháp (tháng 3/2019); đóng góp tham luận cho Hội nghị Kiều bào hiến kế cho TP.HCM xây dựng “Đô thị thông minh” và “Trung tâm tài chính” của khu vực (tháng 4 và tháng 9/2019).
Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào toàn cầu lần thứ nhất” vào tháng 6/2019 tại Hàn Quốc, thu hút sự tham dự của hơn 200 doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) đã tổ chức thành công sự kiện “Startup Runway week in Vietnam” từ 04-10/10/2019, với niềm tin rằng làn sóng khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ cao hiện nay sẽ hình thành nên lớp thế hệ doanh nhân mới đầy tự hào, để cùng chung tay góp sức đưa giao thương Việt Nam và Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đồng hành và phát triển với các tổ chức hội đoàn doanh nhân Việt Nam khác ở nước ngoài (Italia, Thụy Sỹ...), góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện các hoạt động có ý nghĩa hướng về quê hương tổ quốc.

Các hoạt động trên đã mang đến một hình ảnh Việt Nam yêu hòa bình-năng động–tự tin–sáng tạo và hội nhập đến với bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các thành phần trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc.

 Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng, CH Pháp, tháng 3/2019

PV: Trong quá trình đó, các doanh nhân, trí thức kiều bào thường gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì? Anh có thể đưa ra một vài đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc nói trên?

Ông Trần Hải Linh: Trong những năm gần đây, xu hướng trở về quê hương lập nghiệp của các thế hệ kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng tăng, kiều bào đã dần thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước để hình thành những chương trình hoạt động hướng về Tổ quốc. Tuy nhiên, kiều bào vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, do đó chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiều bào yên tâm quay trở về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt chú ý tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nhập, trở lại quốc tịch.

PV: Theo anh, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách động viên, hỗ trợ như thế nào để thu hút nhiều hơn đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào, đặc biệt là thế hệ trí thức trẻ đóng góp xây dựng đất nước?

Ông Trần Hải Linh: Cùng với việc vai trò, vị thế và kinh tế đất nước đi lên thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều giành sự quan tâm đặc biệt đối với NVNONN, thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước.

Mặt khác, hiện nay có đại diện kiều bào tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), do vậy cần phải tăng cường phát huy vai trò và thế mạnh của mỗi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ là kiều bào ở nước ngoài trong từng chương trình hành động, trong các Hội đồng tư vấn, tăng cường sự tham gia vào các đoàn công tác, các buổi làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và kể cả các địa phương, để từ đó kiều bào có những ý kiến chia sẻ và đóng góp được nhiều hơn trong hoạt động ngoại giao nhân dân, thu hút xúc tiến đầu tư giao thương, thúc đẩy các hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Thiết nghĩ, cũng cần đẩy mạnh truyền thông, thông tin về công tác đoàn, hội và phong trào cộng đồng NVNONN; giới thiệu các tấm gương điển hình người Việt Nam tiêu biểu ở nước ngoài có thành tích trong học tập, nghiên cứu, lao động, hoạt động xây dựng cộng đồng tại nước sở tại và hướng về Tổ quốc... nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo không khí thi đua học tập, lao động rộng khắp trong cộng đồng NVNONN. Cần có hình thức khen thưởng, động viên, thúc đẩy, hỗ trợ cho các tấm gương tiêu biểu, năng động nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại nước sở tại làm nòng cốt trong các hoạt động./.

 

Mai Phương (thực hiện)

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm