A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước: Cơ hội “vàng” cho hợp tác doanh nghiệp

Nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam và thu hút đầu tư của kiều bào, ngày 13/10/2011, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước với chủ đề “Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam” tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ - Hà Nội.




Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan và gần 200 đại biểu doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từ 29 nước, đại diện 17 hội doanh nhân VNONN, 180 doanh nghiệp từ các tỉnh, thành trong nước đại diện cho các ngành nghề, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và đông đảo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhiệt liệt chào mừng các đại biểu doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước về tham dự Hội thảo. Ông nhấn mạnh, công tác vận động doanh nhân kiều bào, phát huy nguồn lực của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển đất nước và quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối với NVNONN. Trong những năm qua, với sự phối hợp tích cực của các cơ quan bộ, ngành, nhiều chính sách và biện pháp cụ thể đã đươc ban hành, tạo ra cơ chế ngày càng thuận lợi hơn để doanh nhân VNONN có thể tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế trong nước, theo mô hình “ích nước, lợi nhà”. Bên cạnh các chính sách về đầu tư, thương mại, các doanh nhân kiều bào còn được hỗ trợ bởi các chính sách thuận lợi liên quan đến NVNONN như Luật Quốc tịch, Luật Nhà ở, Quy chế miễn thị thực…được ban hành trong thời gian qua.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của cộng đồng doanh nhân VNONN cho sự nghiệp phát triển đất nước và quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng đề cao vai trò cầu nối của doanh nhân VNONN trong việc giao thương, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ trưởng bày tỏ niềm tin tưởng đội ngũ doanh nhân với phần lớn là trí thức, chuyên gia có trình độ cao sẽ là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng đất nước, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới, cùng nhau góp sức làm cầu nối gắn kết nền kinh tế đất nước với thị trường mở toàn cầu.

Cần một chiến lược toàn diện mang tầm quốc gia cho hàng Việt Nam

Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết và thiết thực của các đại biểu doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đại biểu đều cho rằng đây là một diễn đàn ý nghĩa, hữu ích, một cơ hội "vàng" cho các doanh nghiệp, là hoạt động thiết thực chào đón ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Hầu hết các tham luận đều tập trung nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong  hợp tác đầu tư giữa trong và ngoài nước và vai trò của các doanh nghiệp trong việc giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu hàng Việt Nam, những chiến lược nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa Việt Nam để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài, nhiều đại biểu cho rằng: hàng Việt Nam cần phải tập trung giải quyết hai vấn đề chính là mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối. Nếu có sản phẩm chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng cộng thêm các bước xây dựng kênh phân phối, hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế. Doanh nhân Phạm Xuân Hải đến từ Hải Phòng nêu ý kiến cần đầu tư giải quyết việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, công tác quảng bá hình ảnh - marketting cho sản phẩm hiện nay còn rất manh mún, cần một chiến lược tầm cỡ quốc gia.

Đại biểu Phạm Ngọc Chu – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hunggary, Tổng giám đốc Công ty Limexport - chia sẻ: Để xuất được hàng Việt Nam ra nước ngoài thì ngoài chất lượng sản phẩm, ta cần phải nghiên cứu thị hiếu và yếu tố văn hoá xã hội của mỗi khu vực để làm công việc tiếp thị. Muốn sản xuất và xuất khẩu hàng hoá sang châu Âu, phải hiểu được nền văn hoá châu Âu, hiểu được người dân và thị trường ở đó muốn gì, thích gì từ châu Á. Ông Chu đưa ra dẫn chứng: Nói đến châu Âu là bơ sữa bánh ngọt và các loại rượu chứ đồ ăn chín không có mấy. Cho nên người dân châu Âu cũng rất thích nền ẩm thực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng không phải sản phẩm nào ngon, bổ, đắt tiền chúng ta cũng nên mang sang châu Âu bán, có những sản phẩm ta mang sang không những không bán được, có khi còn bị kiện cáo, không cẩn thận bị đi tù, ví dụ: “Gà hầm thuốc Bắc” đóng hộp, trứng vịt lộn, con nhộng rang muối...

Tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước - nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại

Doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài là một kênh xúc tiến thương mại và du lịch tiềm năng và hiệu quả. Muốn xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, các nhà sản xuất Việt Nam cần phải dựa vào các doanh nghiệp Việt Nam sống ở nước sở tại cũng như các Câu lạc bộ hoặc Hội doanh nghiệp Việt kiều ở nước ngoài vì họ am hiểu văn hoá, phong tục tập quán nước sở tại. Ngoài ra, họ còn có tài chính đảm bảo và kinh nghiệm thị trường…



Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thẳng thắn trình bày những trăn trở khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh xuất khẩu hàng Việt Nam và kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các sở, ban, ngành để xem xét, giải quyết, tháo gỡ. Nhiều giải pháp được đề xuất như: Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ và phối hợp với các cộng đồng doanh nhân VNONN thành lập các đầu mối, các trung tâm thương mại có quy mô và cơ sở pháp lý phù hợp của Việt Nam tại các nước. Các trung tâm này sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt đi ra thị trường quốc tế, đồng thời tập hợp được doanh nghiệp Việt kiều ở nước sở tại, khắc phục tình trạng manh mún, rời rạc của các doanh nghiệp Việt hiện nay. Việc bình ổn giá và chất lượng sản phẩm là những nhân tố quyết định trong phân phối sản phẩm, doanh nghiệp muốn phát triển thì phải xây dựng được thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trong nước phải đoàn kết, cùng hỗ trợ cho nhau trong sản xuất; tính liên kết và khả năng tiếp thị, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước là những nguồn lực lớn để cho doanh nghiệp phát triển nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Đại biểu Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức, kiến nghị: Chính phủ nên có kế hoạch và tài chính để liên kết những người Việt Nam đang kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới, tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức về quản lý và xúc tiến thương mại – du lịch, chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ ta cho họ. Khuyến khích và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp người VNONN để đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra Chính phủ nên có chính sách khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp của NVNONN để họ phát triển bền vững, làm “tiền phương” cho hoạt động hợp tác kinh tế của nước ta với quốc gia sở tại. Cần khuyến khích cán bộ công chức nước ta khi đến công tác ở quốc gia nào thì hãy sử dụng hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp người Việt đang kinh doanh - đó cũng là sự hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.



 Triển lãm các gian hàng trưng bày một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam

Đại biểu Đỗ Trác Bàng, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Canada – Việt Nam, thì cho rằng: Bộ Ngoại giao cần phải vào cuộc thành lập một tiểu ban hỗn hợp phối hợp liên ngành với các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh, thành phố và địa phương trong nước làm ngoại giao và kỹ thuật thương mại để hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam. Trước hết tập trung thường xuyên tổ chức tham dự và quảng bá trong các cuộc triển lãm tại các nước có dân số đông, tầm tiêu thụ hàng Việt Nam cao.

Theo doanh nhân Phạm Xuân Hải (Hải Phòng), để sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước thực sự đem lại hiệu quả, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt bản thân doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực mọi mặt của mình.

Tổng kết buổi Hội thảo, ông Đặng Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cảm ơn sự tham gia, tham luận, trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn của các doanh nhân kiều bào và doanh nhân Việt Nam thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tạo nên thành công của Hội thảo. Ông cũng bày tỏ tin tưởng, với sự chung tay, góp sức của các doanh nhân trong và ngoài nước, những ý kiến đóng góp và kết quả đạt được tại buổi Hội thảo sẽ sớm đi vào thực tế.

Bên cạnh chương trình chính thức, tại Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Các đại biểu cũng được tham quan triển lãm các gian hàng trưng bày một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam, tham dự chương trình ca nhạc và giao lưu doanh nghiệp, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác.

Trước đó, ngày 12/10, Đoàn đại biểu doanh nhân VNONN đã đi thăm và làm việc với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu uy tín tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Chuyến thăm quan, tìm hiểu thực tế này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các đại biểu doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước có cơ hội giao lưu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến thương mại. Đây cũng là dịp giúp các đại biểu kiều bào hiểu rõ thêm về môi trường và chính sách về đầu tư của nhà nước VN.

 Minh Đức


Các tin khác

Tin tiêu điểm