Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước

Mở đầu cho các hoạt động nhân dịp Xuân Quê hương 2016, sáng 27/12, Chương trình Tọa đàm với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về chính sách thu hút đầu tư của kiều bào với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam; ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Văn Thân, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cùng khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Luôn tạo thuận lợi cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết: Việt Nam đang hội nhập thành công, trở thành thành viên của thị trường rộng lớn trong khuôn khổ hơn 10 Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký với nhiều nước và liên minh quốc gia, đã kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP. Điều này sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm mức cao hơn trong khu vực. Đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp kiều bào liên kết, liên doanh, đưa các doanh nghiệp của các nước vào Việt Nam làm ăn, đầu tư, xuất khẩu hàng hóa của các nước thông qua thị trường Việt Nam để tiếp cận thị trường rộng lớn đó.

Thứ trưởng cũng khẳng định những lợi thế của doanh nghiệp kiều bào hiện nay như: sự am hiểu sâu về văn hóa, kinh tế, thị trường, tiềm năng cung cầu, kinh nghiệm kinh doanh; sự có mặt rộng khắp trên thế giới của mạng lưới doanh nghiệp Việt với vai trò là kênh thông tin hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với thế giới, là cây cầu đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường toàn cầu...

Thứ trưởng mong muốn tại Tọa đàm này, doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước cùng thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nhân Việt Nam trong và nước ngoài có một môi trường pháp lý đồng bộ, đem lại lợi ích và hiệu quả, thiết thực trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ tin tưởng Toạ đàm này sẽ tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa cộng đồng các doanh nghiệp kiều bào ta ở nước ngoài. Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp, kiều bào trao đổi tâm tư, nguyện vọng; cập nhật các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, định hướng phát triển kinh tré-xã hội của nước nhà nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Kết quả của Toạ đàm hôm nay sẽ góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Chia sẻ về việc liên kết doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như: luật quốc tịch, đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, pháp lệnh về ngoại hối, các quy định về miễn thị thực nhập xuất cảnh cho người Việt Nam ở nước ngoài... theo hướng ngày càng thuận lợi hơn. Năm 2008, Bộ Công thương đã thành lập Tổ tư vấn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này theo các hướng chính như: tăng cường gắn kết doanh nhân Việt kiều với doanh nhân trong nước; gắn kết doanh nhân Việt kiều với xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; thông qua doanh nhân Việt kiều, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước sở tại; thúc đẩy đưa hàng hóa Việt Nam vào các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ tại nước sở tại thông qua doanh nghiệp Việt kiều...

Mong muốn đầu tư “làm giàu”, góp sức xây dựng quê hương

Tại Tọa đàm, bên cạnh các phát biểu của đại diện bộ, ban, ngành còn có tham luận của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, ý kiến đóng góp của doanh nhân kiều bào trong việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các đại biểu đã nêu lên những ý tưởng, kinh nghiệm khi đầu tư về Việt Nam, đưa ra những sáng kiến rất hữu ích để tạo cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Các doanh nhân kiều bào cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp kiều bào.

Để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp trong nước, ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Cần hợp tác xây dựng một danh bạ doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trực tuyến, dưới hình thức một trang web. Trong đó, danh sách các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước được phân loại cụ thể theo từng khu vực địa lý, theo ngành hàng và chức năng hoạt động. Mỗi doanh nghiệp được cung cấp một tài khoản để có thể tự đăng tải, chỉnh sửa, cập nhật thông tin. Thông qua danh bạ trực tuyến này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước theo nhu cầu của doanh nghiệp mình. Đầu mối quản lý và kiểm soát thông tin ở mỗi nước phải là Hội doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng thương hiệu doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, củng cố lòng tin của doanh nghiệp trong nước đối với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Để làm được điều này, rất cần sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp kiều bào và các hiệp hội doanh nghiệp ở các nước và doanh nghiệp trong nước.

Liên quan đến quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp kiều bào khi đầu tư về Việt Nam vẫn là thủ tục hành chính. Những năm gần đây, thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách, thủ tục, tạo thuận lợi và khích lệ doanh nhân kiều bào tiếp tục đầu tư, “làm giàu” cho quê hương.

Bên cạnh công việc cho các hoạt động cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Séc cũng tham gia một số dự án kinh doanh, trong đó có đầu tư về Việt Nam. Chia sẻ về việc tăng cường kết nối thông tin giữa doanh nhân kiều bào và trong nước, ông cho rằng: việc tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn hay làm việc thông qua các chuyến công tác thực tế là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với doanh nhân kiều bào. Thông qua các hình thức này, doanh nhân kiều bào được trao đổi với nhau và có cơ hội liên hệ, tìm hiểu doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng được trực tiếp đề đạt những nguyên vọng, những kiến nghị, sáng kiến đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, điều này giúp thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Sau Lễ Khai mạc, các đại biểu bắt đầu tham dự giao lưu thể thao tại Giải Quán quân Thế giới môn Golf dành cho người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra từ ngày 27-30/12 tại Hà Nội và Vĩnh Phúc. Chương trình Tọa đàm với doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về chính sách thu hút đầu tư của kiều bào với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước” sẽ bế mạc vào ngày 30/12.

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm