Đoàn kiều bào thăm Trường Sa - mảnh đất thương yêu
Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo kiều bào, nhân dịp 38 năm giải phóng Trường Sa và kỷ niệm 58 năm ngày thành lập quân chủng Hải quân Việt Nam, từ ngày 2/5 – 13/5/2013, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao (Ủy ban) phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân và các cơ quan hữu quan tổ chức đoàn đại biểu kiều bào gồm 40 người đến từ 15 nước đi thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là lần thứ 2 Ủy ban tổ chức cho kiều bào ra thăm, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ở quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn, thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách nhất quán đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) của Đảng và Nhà nước ta, chuyển tải tình cảm của đồng bào cả nước, trong đó có kiều bào, tới nhân dân và chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngoài các đại biểu kiều bào, chuyến đi còn có sự tham dự của đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện các chức sắc của 7 tôn giáo lớn (Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hội Thánh Cao Đài, Hồi Giáo, Dòng Nữ tỳ Thánh Thể Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam), Đoàn Văn nghệ Quân khu V và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và một số cơ quan truyền thông của kiều bào tại Mỹ, Nga, Đức.
Chuyến thăm của tinh thần đại đoàn kết dân tộc
Trong chuyến hành trình thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc đến quần đảo Trường Sa lần này, Đoàn công tác số 9 có nhiều hoạt động như thăm hỏi, tặng quà giữa đại biểu kiều bào, đại biểu tôn giáo với quân dân tại một số đảo như: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tiên Nữ, Tốc Tan, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1/15; tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ và người dân đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo; giao lưu văn nghệ với quân dân trên một số đảo.
|
Tại mỗi điểm đến, Đoàn đều được các cán bộ, chiến sĩ tiếp đón tận tình, chu đáo và được nghe báo cáo tình hình thực tế của các đảo. Trong những năm qua, nhận được sự quan tâm chăm lo, đầu tư rất lớn của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành, sự chung tay góp sức của đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các đại đức tăng ni, Phật tử... đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của quân dân Trường Sa không ngừng được nâng cao. Đó là nguồn cổ vũ động viên giúp cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại các buổi gặp mặt, đại diện đoàn công tác bày tỏ sự cảm phục, tin yêu và động viên quân dân trên đảo, cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn yên tâm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đại diện các tôn giáo và kiều bào tặng quà cho quân dân và có đôi lời phát biểu chia sẻ cảm nhận khi đặt chân lên đảo. Ai cũng cảm thấy xúc động khi được chứng kiến tận mắt một phần máu thịt của Tổ quốc nơi hải đảo xa xôi và tỏ lòng cảm phục, biết ơn với những con người đã và đang ngày đêm xây dựng, canh giữ biển trời quê hương của Tổ quốc.
Trong hành trình thăm đảo, các thành viên trong đoàn đã trồng cây lưu niệm ở một số đảo lớn như: Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn. Cây bồ đề được mang từ đất liền, là biểu hiện của tâm linh, ý nguyện của người dân Việt Nam mong muốn một nền hòa bình cho tất cả quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, đặc biệt là những người lính hải quân đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ vùng trời, biển đảo Tổ quốc.
|
Ông Võ Đại Sự, kiều bào đến từ Lào, xúc động chia sẻ những tình cảm của mình khi thăm các đảo: Là người Việt Nam, chúng tôi dù ở bất cứ đâu cũng không quên những cống hiến hy sinh của các anh em trên quần đảo Trường Sa, luôn dành mọi tình thương yêu cho các anh. Tình cảm của đồng bào trong và ngoài nước vẫn luôn hướng về các anh.
Trong chương trình giao lưu với chiến sĩ tại đảo Tiên Nữ, một nhà sư đã cảm động thốt lên: “Nói về tinh thần của anh em chiến sĩ chúng tôi muốn rơi nước mắt. Chúng tôi học trong sách vở là “tấc đất tấc vàng”, ở đây không thể nói tấc đất nữa mà là “một nắm đất là một nắm vàng”. Để thể hiện tình cảm của mình nhà sư đã đọc một bài thơ viết về đảo do chính mình sáng tác:
Đến đảo Tiên Nữ
Lòng thấy bồi hồi
Thương quá đi thôi anh em chiến sĩ
Cuộc sống kỳ vĩ với biển đảo quê hương.
Lễ tưởng niệm anh linh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp biển đảo của Tổ quốc
Một hoạt động gây xúc động lớn đối với kiều bào trong chuyến hành trình đến với Trường Sa lần này là Lễ tưởng niệm và Lễ cầu siêu anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp biển đảo của Tổ quốc tại đảo Sinh Tồn, Cô Lin và Nhà giàn DK1.
Sáng 6/5, Đoàn đã tham dự Lễ Tưởng niệm anh linh các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp biển đảo của Tổ quốc tại chùa đảo Sinh Tồn. Buổi lễ nhằm thể hiện trọn vẹn nghĩa tình và lòng tri ân đối với những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các nghi thức trọng thể của Lễ tưởng niệm do Ủy ban, Bộ Tư lệnh Hải quân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức.
|
Lễ Tưởng niệm và Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ là dịp để mọi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước cùng nhau thực hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó là sự biết ơn sâu sắc đối với lòng kiên trung, anh dũng hy sinh của các liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo mà tổ tiên đã để lại. Trong khuôn khổ Lễ cầu siêu có đầy đủ các Đàn Lễ để đưa vong linh các liệt sĩ về an lạc trong pháp giới vô biên, nơi đất đảo hòa quyện với hồn thiêng núi sông, biển trời, sống mãi trong lòng dân tộc.
Nói về ý nghĩa của chuyến đi này, Linh mục AnTon Hà Văn Minh, đại diện Công giáo Việt Nam, cho biết: “Chuyến đi với đầy đủ thành phần, có đại diện 7 tôn giáo lớn ở Việt Nam, các đại biểu kiều bào từ hơn 100 quốc gia trên thế giới cùng anh em hải quân, nói lên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước của người Việt không phân biệt tôn giáo. Với tư cách là linh mục, tôi đến đây để dâng lễ cầu nguyện cho các chiến sĩ đã quên mình để bảo vệ quê hương, bảo vệ biển đảo Việt Nam. Dẫu ở trong nước hay ở hải ngoại, là người Việt Nam, chúng ta phải thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ di sản mà cha ông chúng ta đã tạo ra. Mỗi người Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo vệ mảnh đất thân yêu của chúng ta, đó là quê hương Việt Nam dù ở biển đảo hay ở đất liền”.
|
Có mặt tại Lễ tưởng niệm, bà Tạ Phạm Bích Thủy, trở về từ Séc, xúc động nói: “Đoàn kiều bào chúng tôi từ nhiều quốc gia trên thế giới đã vượt qua hàng ngàn cây số để trở về đây, được đặt chân đến mảnh đất xa xôi thiêng liêng của Tổ quốc, được sống hòa mình giữa biển trời bao la của đất mẹ Việt Nam, chúng tôi vô cùng xúc động. Tiền nhân ta và bao thế hệ NVNONN đã trao gửi tâm huyết, đã đổ mồ hôi và máu để giữ gìn vẹn toàn đất thiêng này. Giờ đây, trong những ngày tưởng chừng im tiếng súng vẫn có bao chiến sĩ đang lặng lẽ hy sinh tình cảm gia đình, tình nguyện sống gian khổ để tiếp nối gương anh dũng của các anh. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài dù ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về đất nước bằng những việc làm thiết thực… nhưng những đóng góp này còn quá nhỏ bé so với những gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, thay mặt bà con kiều bào, chúng tôi xin hứa sẽ sống xứng đáng và nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng tôi ở khắp năm châu ghi nhớ công ơn của các anh đã hy sinh để đất nước ta có những ngày tươi đẹp như hôm nay. Chúng tôi xin hứa sẽ cùng cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu, luôn chung tay bảo vệ chủ quyền, biên giới, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.
Sáng 7/5, khi đi qua khu vực đảo Cô Lin, đoàn đã tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma tháng 3/1988, khi bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại đây. Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, đã đọc diễn văn tưởng niệm anh linh những chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Vào giây phút ấy, 3 hồi còi vang lên, sóng biển dường như cũng lặng đi. Ai nấy đều nghẹn ngào, xúc động. Những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt những đại biểu tham dự chuyến đi Trường Sa này.
Võ Xuân Hoài, trở về từ Pháp, chia sẻ: Khi tham gia các hoạt động cầu siêu, tôi và nhiều anh chị khác đã khóc. Chúng tôi đã được nghe nói, đã được xem những hình ảnh về sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma và Len Đao. Chúng tôi thấy các chiến sĩ của chúng ta rất anh dũng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù trong tay không có vũ khí, chỉ có cuốc xẻng thôi nhưng họ vẫn kiên cường, hiên ngang trước mũi súng của quân thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Sự hy sinh của các anh rất vinh quang và đáng tự hào.
Trước anh linh anh hùng liệt sĩ giữa trùng khơi mênh mông sâu thẳm, các thành viên trong Đoàn kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm cầu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ và những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo được siêu thoát. Đại diện 7 tôn giáo lớn tại Việt Nam đi trong Đoàn đã lần lượt làm lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sỹ. Các vòng hoa tươi thắm và những chiếc đèn hoa đăng cũng được Đoàn trân trọng, thành kính thả xuống biển để tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh. Những giọt nước mắt, những cái nhìn xa xăm ra biển khơi bao la như thể đang dõi theo bóng những người con anh hùng đang hòa cùng gió, cùng sóng biển Trường Sa, mãi mãi sống cùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Ngày 10/5, đoàn cũng làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Nhà Giàn DK1 với những nghi thức trang trọng và thành kính khi Đoàn đến thăm và tặng quà cho các chiến sỹ và công nhân khai thác dầu khí trên các dàn khoan.
Giao lưu văn nghệ “ Biển đảo và quê hương”
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo và quê hương” là hoạt động có ý nghĩa thay lời tri ân của kiều bào trên toàn thế giới và những người chiến sĩ, những người con thân yêu của Tổ quốc đang kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc gửi tới đồng bào cả nước và đất mẹ thân yêu. Đây cũng là hoạt động nhằm kết nối tình cảm của kiều bào, các tôn giáo, của những người đang ở đất liền với các chiến sỹ và nhân dân đang sinh sống trên đảo. Chương trình giao lưu văn nghệ được tổ chức chính tại đảo Sinh Tồn và Trường Sa Lớn.
|
Phát biểu tại buổi giao lưu văn nghệ, ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban, nói: “Tôi hy vọng thông qua chuyến đi này, bà con kiều bào sẽ hiểu rõ thêm đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của đất nước cũng như ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, những hoạt động trực tiếp như cuộc giao lưu này càng củng cố và thắt chặt hơn tình cảm của đồng bào cả nước nói chung và của kiều bào nói riêng dành cho các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa”.
Trong không khí ấm áp, đậm đà tình quân dân nơi đảo xa, những khúc hát, điệu múa, lời ca về Trường Sa, về quê hương đất nước... do các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, thiếu nhi trên đảo cùng diễn viên, ca sĩ Đoàn Văn nghệ Quân khu V trình bày với tất cả tình cảm yêu thương, cảm phục gửi tặng cho những người đang sống và làm việc nơi đảo xa - tuyến đầu Tổ quốc, đã làm ấm lòng bao trái tim chiến sỹ. “Ta là chiến sĩ trên đảo Trường Sa/ Giữa bão tố phong ba đảo vẫn là nhà/ Nghe tiếng gọi của Quê hương đất nước / Cùng về đây sum họp để bảo vệ quê hương...", “Không xa đâu Trường Sa ơi…”… Những điệp khúc chan chứa tình cảm ấy cứ ngân vang mãi, vang mãi giữa trời biển bao la của Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng.
|
Chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong mỗi thành viên của Đoàn công tác. Qua chuyến đi, bà con kiều bào hiểu rõ hơn về biển đảo Việt Nam, đồng thời tiếp tục có nhiều hành động thiết thực hướng về Trường Sa thân yêu, góp phần xây dựng biển đảo của đất nước giàu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Trong chuyến đi này, Đoàn kiều bào đã quyên góp được tổng số tiền 600 triệu đồng và 500 lít phân vi sinh Lactofol để ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Minh Thúy