Đoàn kiều bào thăm Trường Sa: Đến với đảo Đá Thị và Sơn Ca
Trong hải trình thăm Trường Sa của đoàn công tác số 10, ngày 22/4, đoàn chúng tôi đã được đến thăm và tặng quà quân, dân đảo Đá Thị, đảo Sơn Ca.
Sáng ngày 22/4, Đoàn công tác số 10 cùng các đại biểu kiều bào thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ tại đảo Đá Thị. Đặc biệt, tại điểm đảo Đá Thị, đoàn kiều bào tại Hàn Quốc đã tặng máy phát điện năng lượng mặt trời và tự tay lắp đặt trên đảo Đá Thị, góp phần giảm bớt khó khăn cho các chiến sĩ.
Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: “Một thiết bị máy phát điện mặt trời hiệu năng cao có trọng tải tới 4 tạ, đòi hỏi rất nhiều người vận chuyển, lên xuống tàu rất vất vả. Theo như thiết kế ban đầu chúng tôi để nguyên cả séc, nhưng vì quá nặng, không thể để nguyên khối để vận chuyển xuống xuồng, nên đã quyết định tháo từng bộ phận nhỏ ra mang xuống tàu, rồi khi mang lên đảo, chúng tôi lại lắp đặt lại. Đối với chúng tôi đây là một việc làm rất ý nghĩa”,
Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc đã thu hút được 15 quốc gia có kiều bào sinh sống, tổng số tiền từ lúc thành lập cho đến nay Quỹ đã kêu gọi quyên góp được là hơn 75 nghìn USD, giành cho tất cả các dự án. Tiền kêu gọi từ dự án sẻ được chi 100%, còn số tiền mà Quỹ hoạt động như vé máy bay, các buổi triển lãm ảnh, tranh, các cuộc biểu tình, in áo đồng phục…Quỹ kêu gọi từ nguồn khác. Năm nay, Quỹ đã lắp đặt cho đảo chìm Đá Thị một bộ máy phát điện mặt trời hiệu năng cao, và lắp cho điểm đảo Tốc Tan (A, B, C) và Nhà dàn DK 1/18 mỗi điểm 1 máy phát điện cầm tay cơ động mini . Tổng dự án của các dự án năm nay của Quỹ là 15 nghìn USD. Đồng thời, Quỹ vì chủ quyền biển đảo có mục tiêu dài hạn là trang bị cho 21 điểm đảo, mỗi điểm đảo chìm được trang bị ít nhất là một bộ năng lượng mặt trời hiệu năng cao và một vài bộ máy phát điện cầm tay cơ động mini. Hiện tại đã có 7 bộ máy phát điện mặt trời hiệu năng cao được trang bị cho 6 điểm đảo. Anh Kiên cho biết thêm.
Ông Tony Trần, kiều bào Mỹ chia sẻ: Đây là lần đầu tiên ông có cơ hội đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1. Sau ngày đầu tiên đặt chân lên huyện đảo Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, làm việc của các cán bộ chiến sỹ nơi đây, ông mới hiểu những gì đã từng nghe không giống như những gì đang thấy hôm nay, ông rất tự hào khi thấy các cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc trời tấc biển của Tổ quốc. Ông mong muốn khi trở về Mỹ sẻ thông tin và thuyết phục cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ nên trực tiếp ra thăm Trướng Sa và Nhà giàn DK 1 để hiểu rõ thực tế tại Trường Sa và Nhà giàn DK 1.
Chia sẻ với Đoàn về kết quả công tác của đảo, Thượng úy Lê Anh Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết: Cuối năm 2017, bão 15, 16 trực tiếp đổ bộ qua đảo Trường Sa, với nhiều thế hệ là những cán bộ đã từng công tác ở đảo Trường Sa, sau hơn 20 năm mới xuất hiện cơn bão mạnh như vậy. Mặc dù đã chủ động, chuẩn bị về mọi mặt, tuy nhiên cơn bão ập đến bất ngờ với sức tàn phá ghê gớm đã phá hủy nhiều cây xanh, tấm pin mặt trời bị cuốn mất, hệ thống vườn, đèn chiếu sáng bị hư hỏng nặng, chuồng trại tăng gia gần như bị sập hoàn toàn, nhiều tài sản bị hư hại…Tuy nhiên, nhận thức được vấn đề về cây xanh, vấn đề môi trường trên biển, mỗi một cán bộ, quân dân trên đảo khi cơn bão đi qua đã nhanh chóng tạo dựng lại cây xanh, khắc phục thiệt hại sau bão. Nhất là đối với hệ thống nước ngọt, vào cuối mùa mưa, tận dụng những cơn mưa trái mùa để làm cho màu xanh trở lại, nhờ vậy vấn đề nước ngọt tạm dần ổn định. Hiện tại 90% cây xanh đã được dựng lại, hệ thống điện đã được khắc phục 35% nguồn điện, và từng bước được khăc phục, …Có được kết quả này, đó là nỗ lực rất lớn của lực lượng quân dân trên đảo.
Điều làm chúng tôi ấn tượng khi bước lên đảo, tuy diện tích hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ tận dụng khoảng trống trên không để trồng những luống rau xanh. Phía dưới chân đảo làm nhiều tấm che để nuôi gà, vịt… không những tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn đem đến màu xanh, sự sống trên đảo chìm.
Trong các cuộc trò chuyện trên đảo chìm Đá Thị, các chiến sĩ cứ nhắc mãi câu nói: “Các anh ra đây, đã nối đất liền với biển, đảo”. Đúng thật, có đi mới biết, có nghe, có nhìn mới thấu hiểu, ở đảo chìm không có bóng cây xanh, chỉ có gió, biển và san hô. Từ những đơn sơ ban đầu, các điểm đóng quân trên đảo chìm ngày càng được củng cố vững chắc... Lính đảo có câu nói đậm chất hào hùng: “Còn người thì còn đảo”. Ý chí đó luôn khắc sâu tinh thần quật cường của dân tộc, của tuổi trẻ quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi tại đảo Đá Thị, binh nhất Hùng, chia sẻ: Em đóng chốt ở đây đã được một năm rồi, vất vả riết rồi cũng quen. Anh em thương yêu, động viên nhau luôn vững tâm, chắc tay súng quyết đem sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chiều cùng ngày, Đoàn đến với đảo Sơn Ca, hòn đảo thơ mộng mang tên một loài chim quí. Ấn tượng đầu tiên trong chúng tôi về đảo Sơn Ca là một màu xanh tươi trẻ của những tán bàng vuông, phong ba, mù u... Trong chương trình làm việc trên đảo, Đoàn đã đến dâng hương khu tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm chùa Sơn Linh, Hải đăng Sơn Ca.
Làm việc tại Hội trường, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã thay mặt đoàn công tác động viên và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên đảo Sơn Ca. Ông Lương Thanh Nghị chia sẻ: Chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với tình cảm ấm áp của các chiến sỹ trên đảo Sơn Ca đã dành cho đoàn ngày hôm nay. Chúng tôi rất xúc động và vui mừng trước sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của các lực lượng trên đảo trong thời gian qua. Đến đây, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng mặc dù các đồng chí còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khẩu hiệu “Chấp nhận hi sinh, còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”. Chúng tôi xin bày tỏ sự khâm phục trước ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các đồng chí và vui mừng khi thấy những điều kiện vật chất của đảo ngày càng được cải thiện, nhiều cây xanh bóng mát và cả những công trình văn hóa, tâm linh để phục vụ cho cán bộ và chiến sỹ trên đảo. Chúng tôi hiểu rằng, để có được chuyến đi đến Trường Sa ngày hôm nay, đã có rất nhiều thế hệ những người con ưu tú của Việt Nam đã hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của chúng ta. Nhân dân và Tổ quốc đời đời ghi công và biết ơn sự hi sinh của các đồng chí. Tôi tin rằng, sau chuyến đi này, mỗi đại biểu, đặc biệt là đại biểu kiều bào đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khi trở về đất liền sẽ có những hành động thiết thực, cụ thể để góp phần cùng các đồng chí giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Hữu Thao, kiều bào Bungary xúc động chia sẻ: “Chúng tôi luôn hướng về biển đảo và hàng năm vẫn cử kiều bào về thăm Trường Sa, có những đóng góp thiết thực trong các chuyến đi cũng như trong các hoạt động của Đại sứ quán và cộng đồng. Chúng tôi luôn luôn theo dõi sự lớn mạnh của quân dân ta ở Trường Sa nói chung và đảo Sơn Ca nói riêng. Tôi rất vinh dự và xúc động khi được đến đây, ngắm cảnh đẹp cũng như những cơ sở vật chất rất khang trang của đảo. Khi về, tôi sẽ báo cáo lại với đồng bào ta tại Bungary rằng hãy vững tâm vì nhân dân trong nước vẫn luôn vững vàng, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của đất nước trước mọi thế lực thù địch”.
Bà Đặng Thị Phong Lan, kiều bào Ukraina chia sẻ: “Chuyến đi này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn rằng kiều bào ở nước ngoài có thể làm gì, đóng góp những gì thiết thực và cụ thể nhất cho Trường Sa và cho đất nước. Ngoài những đóng góp về vật chất, tôi nhận hấy cần phải truyền lại cho bà con hiểu rằng Trường Sa thực sự gắn liền với Việt Nam và ngày càng phát triển, bền vững chứ không như một số thông tin trái chiều, làm bà con hiểu chưa đúng về chủ quyền của chúng ta.
Anh Nguyễn Quốc Hoàng, người Việt tại Ucraina chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được đại diện cho cộng đồng người Việt tại Ucraina đem tình cảm của người Việt Nam tại Ucraina đến với biển đảo Việt Nam. Dù sống xa Tổ quốc, song cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina luôn một lòng hướng về Trường Sa. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Ucraina đã tổ chức biểu tình ngay trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Ucraina. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại đây có nhiều đóng góp để xây dựng quần đảo Trường Sa.
Trong chuyến đi này, thay mặt cho Hiệp hội người Việt tại Hungary và Hội doanh nghiệp người Việt tại Hungary, tôi có trao món quà trị giá 2.000 USD nhằm ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa. Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng đây là tình cảm và mong muốn của kiều bào Hungary đối với Trường Sa".
Nhân dịp này, một số thành viên cao tuổi của đoàn công tác số 10 được bác sĩ quân y trên đảo thăm khám sức khoẻ. Cuối buổi chiều, đoàn ca múa nhạc và các chiến sĩ cũng đã cháy hết mình trong những bài hát về Trường Sa, về quê hương.
Đồng thời, buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác với các cán bộ chiến sỹ trên đảo cũng diễn ra trong không khí vui, sôi động, các bài hát về Trường Sa hùng tráng vang lên giữa biển trời thật nhiều cảm xúc. Mặc dù mới lần đầu tiên đến với Trường Sa và chưa quen với sóng gió, nhưng trong suốt hải trình, các anh chị em trong đoàn văn công đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao của người nghệ sỹ phục vụ nhiệt tình mang đến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo và các thành viên trong đoàn công tác những phút giây thưởng thức nghệ thuật thật ấn tượng. Một chiến sĩ trẻ trên đảo ví buổi giao lưu như một ngày hội, chưa bao giờ vui như thế.
Sau chuyến thăm, động viên các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca, đại biểu kiều bào Bùi Minh Phong (kiều bào tại Hungary) chia sẻ: "Năm nay được tham gia Đoàn công tác số 10, tôi coi đây là niềm vinh dự, là cơ hội rất tốt để có thể hiểu hơn về cuộc sống của các chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Là thế hệ đã trải qua thời gian chiến tranh, nên chúng tôi luôn theo dõi tình hình biển đảo. Đến đây, chúng tôi rất cảm động khi nhìn thấy những cán bộ chiến sỹ trẻ đang ngày đêm đứng canh biển trời, dù điều kiện còn hạn chế, các chiến sỹ vẫn sẵn sàng chiến đấu, vẫn tăng gia sản xuất để có rau xanh. Những hình ảnh đấy đối với chúng tôi rất cảm động, nghẹn lòng. Thực tế trải nghiệm mang lại trong tôi niềm tự hào vì có các cháu đang ngày đêm canh giữ biển đảo thân yêu. Dù là kiều bào sống xa Tổ quốc, nhưng chúng tôi thấy phải có trách nhiệm là sứ giả giúp cho cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài hiểu rõ về tình hình biển đảo tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Hungary là một bộ phận nhỏ, nhưng thường xuyên tổ chức những chuyên đề về biển đảo và giới thiệu những hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bạn bè Hungary và thế giới hiểu hơn về biển đảo của Việt Nam.
Tối cùng ngày trên sân bay tàu KN491, Đoàn chúng tôi giao lưu văn nghệ, với những tiết mục về Trường Sa thân yêu, thắm tình quân dân.
Nối tiếp lịch trình, ngày 23/4, đoàn công tác thăm đảo Sinh Tồn và đảo Cô Lin.
Phi Phượng