Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ
Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người Việt xa quê.
Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ, chiều 27/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã có buổi gặp gỡ thân mật đại diện các hội đoàn, tổ chức hữu nghị và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nhiều bang trên đất nước Thụy Sĩ.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hội tụ nhiều nhà khoa học, doanh nhân và trí thức có uy tín làm việc trong các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn như vật lý, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ rất gắn bó, đoàn kết và luôn hướng về quê hương, đất nước, sống hữu nghị, chan hòa với nhân dân nước bạn.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, bà Anjuska Weil cho biết, trong năm 2022, Hội sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (năm 1982).
Hội đã phát động nhiều phong trào trong từng giai đoạn cùng mục tiêu chung là “dành cả trái tim cho đất nước và con người Việt Nam.”
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục dành tâm huyết của mình cho tình hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam; đấu tranh cho sự công bằng của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam…
Bên cạnh những chia sẻ về tình cảm với quê hương đất nước, buổi gặp gỡ trở lên sôi nổi, giàu cảm xúc khi bà con kiều bào nêu nhiều vấn đề tâm huyết với quê hương đất nước, trong đó bày tỏ vui mừng khi Đảng, Nhà nước xác định rất đúng hướng việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở trong nước, coi đây là động lực phát triển của đất nước.
Tiến sỹ Quy Võ Reinhard, đồng sáng lập, Giám đốc dữ liệu tại HIT Foundation ở Thụy Sĩ cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự liên kết liên ngành. Do đó, Việt Nam cần có một lộ trình cụ thể trong việc kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại buổi hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ, phía Việt Nam đã đề nghị, nâng cấp từ Ý Định thư xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo thành Nghị định thư giữa hai nước.
Đây là cơ sở quan trọng để Thụy Sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam tốt hơn. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quốc vụ khanh Ủy ban Nhà nước về các vấn đề giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo Thụy Sĩ đã thỏa thuận, phối hợp để thực hiện.
Cùng với đó, theo yêu cầu của bạn, Việt Nam sẽ cử một phái đoàn khoa học công nghệ sang Thụy Sĩ để triển khai các thế mạnh về đổi mới sáng tạo.
Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn, thành viên Ban chấp hành Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ, đại diện giới trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ bày tỏ mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa với quê hương, đất nước thông qua việc tiếp thu, lĩnh hội những tinh hoa khoa học công nghệ của Thụy Sĩ - quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Từ đó góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ; đồng thời, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội ở Việt Nam như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Chia sẻ tình cảm với quê hương, đất nước, đại diện bà con Việt kiều tại Thụy Sĩ bày tỏ khát khao sớm được trở về Việt Nam do cách trở vì dịch bệnh thời gian qua; bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó, mở rộng các quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với Thụy Sĩ trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, bà con cũng đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm và chú trọng đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt là mô hình đào tạo kép để có nguồn nhân lực chất lượng cao - động lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng trước những góp ý, đề xuất của bà con tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến Kết luận số 12-KL/TW của Trung ương mới đây về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “bộ phận không thể tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước cũng đề ra yêu cầu cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Nhắc lại những dấu ấn lịch sử, trong lúc đất nước và nhân dân Việt Nam vô cùng khó khăn trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ, Chủ tịch nước nhấn mạnh đó là tình cảm, tài sản hết sức đáng quý, cần được gìn giữ và phát huy trong tương lai.
Thông báo với bà con về tình hình trong nước, Chủ tịch nước khẳng định, từ một đất nước gặp vô vàn khó khăn do hậu quả của chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng vươn lên một cách nhanh chóng và mạnh mẽ; đã đạt được những kết quả vững chắc trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và ngoại giao.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện với việc thu hút được những nhà đầu tư hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng phương châm chủ động, tích cực và hiệu quả. Việt Nam đã ký kết, thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn trong “cuộc chiến” với dịch bệnh COVID-19, Đảng, Nhà nước bằng nhiều nguồn lực đã tăng cường nhiều lực lượng với hàng vạn cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho các tỉnh phía Nam để hỗ trợ người dân ứng phó với dịch bệnh.
Đặc biệt là huy động nhiều nguồn lực để có nguồn vaccine phục vụ công tác phòng dịch trong cả nước, làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe người dân.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phát triển của bà con Việt kiều Việt Nam tại Thụy Sĩ trong công việc, đời sống và tuân thủ nghiêm pháp luật của nước sở tại.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng những người Việt xa quê hương, để cùng ổn định, phát triển trên đất nước Thụy Sĩ.
Chủ tịch nước mong muốn bà con tiếp tục phát huy tinh thần “tương thân, tương ái,” hướng về quê hương, đóng góp cho nhân dân trong nước để cùng chung tay sớm vượt qua đại dịch.
Cùng với đó là tăng cường đoàn kết; duy trì giáo dục truyền thống và văn hóa cội nguồn cho thế hệ trẻ, nhất là việc học tiếng Việt.
Chủ tịch nước căn dặn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân, chăm lo, hỗ trợ đời sống cho bà con Việt kiều để ngày càng có nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực của bà con hướng về cội nguồn, ngày càng nhiều con em các gia đình Việt kiều, thanh niên, sinh viên kiều bào đem những kiến thức, hiểu biết và nhiệt huyết của sức trẻ về góp phần xây dựng quê hương, qua đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc đóng góp vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh và hòa bình.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Hữu nghị tặng Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam vì những đóng góp xuất sắc cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị), bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị đã trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” - Phần thưởng cao quý nhất của Liên hiệp Hữu nghị, tặng bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam.
Theo chương trình, sáng 28/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sẽ rời thành phố Bern, về Geneva.
Tại đây, dự kiến Chủ tịch nước sẽ gặp Tổng giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)./.
Quang Vũ / TTXVN/Vietnam+