A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bế mạc Khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài 2022

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ bế giảng và trao Giấy chứng nhận tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2022 cho học viên.

Tham dự buổi lễ có ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Ủy ban); bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại sứ Nguyễn Phú Bình- Chủ tịch Hội liên lạc với NVNONN; đại diện các đơn vị của Ủy ban, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số giảng viên và  các học viên tham gia khóa tập huấn.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết: Sau hơn 2 tuần học tập tích cực, gần 70 thầy cô đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoàn thành xuất sắc nội dung tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2022. Qua khóa tập huấn, các học viên đã được trang bị những kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt chính quy và chuyên nghiệp, trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử Việt Nam...

Ngoài ra, các học viên cũng được cung cấp, chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảng dạy có giá trị, do các giảng viên là các chuyên gia ngôn ngữ có nhiều kinh nghiệm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường  Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn biên soạn, nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Việt. 

Ngoài những giờ học trên lớp, các học viên đã đến dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; tham gia Tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em VNONN” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội (như Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám), ở Ninh Bình (khu di tích Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư). Đây là những bài học thực tế bổ ích, làm giàu thêm vốn kiến thức về văn hóa, lịch sử Việt Nam của các thầy cô.

Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban và các học viên tham dự khóa học, ông Đinh Hoàng Linh gửi lời cảm ơn chân thành tới đội ngũ giáo viên đã biên soạn giáo trình giảng dạy phù hợp, hiệu quả và thu xếp thời gian lên lớp, trao đổi những bài học bổ ích về phương pháp dạy tiếng Việt hiện đại. Uỷ ban Nhà nước về NVNONN mong muốn các thầy cô tiếp tục gắn bó, đồng hành với chương trình tập huấn này.  Ông cũng hy vọng, các học viên đã thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích cho công tác dạy và học tiếng Việt và có những kỷ niệm đẹp với các học viên từ nhiều nước qua các buổi học nhóm, thảo luận và đi thực tế. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực cho các thầy cô vượt qua những khó khăn để tiếp tục sự nghiệp truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ trẻ NVNONN.

Nhân dịp này, ông Đinh Hoàng Linh cũng thông báo tới các thầy cô giáo và đại biểu tham dự về Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được tổ chức trong ngày 8/9 tới đây.

Chị Phạm Thị Mỹ Dung (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, là người con sống xa quê hương nhưng chị luôn hướng về Tổ quốc, đau đáu với văn hóa cội nguồn. Đặc biệt khi chứng kiến sự lớn lên của thế hệ con em ở nước sở tại, chị càng mong muốn làm được điều gì đó để con em mình thông thạo được tiếng mẹ đẻ, từ đó mới có thể giữ gìn gốc gác cội nguồn. "Tôi vô cùng xúc động và biết ơn khi hằng năm Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức khóa tập huấn dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, để chúng tôi được trở về quê hương học tập chuyên sâu về tiếng Việt và phương pháp giảng dạy. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức, các thầy cô đã nhiệt tình giúp đỡ, truyền đạt kiến thức để chúng tôi thêm vững bước trên con đường mình đã chọn, để tiếng Việt được truyền bá muôn nơi", chị Dung xúc động nói.

Anh Lê Mai Trí Dũng (Thụy Điển) đánh giá rất cao các hoạt động của khóa tập huấn. Theo anh, thời gian tập huấn tuy không dài, nhưng cũng đủ để các thầy cô có được những trải nghiệm cơ bản về đất nước ta đang chuyển mình trong tình hình mới, kèm theo đó là những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong dịp tập huấn năm 2022 này. Hơn hết đó chính là những người con từ phương xa có cơ hội trở về Tổ quốc, được gắn kết với nhau, được ôn lại lịch sử văn hóa Việt Nam một lần nữa.

"Khóa tập huấn năm nay có phần đặc biệt hơn hết trong giai đoạn tình hình mới. Khi đoàn chúng tôi xuất hiện những học viên là F0, Ban tổ chức đã rất năng động, linh hoạt trong việc tổ chức cách ly, tổ chức học online hiệu quả. Các giảng viên đã vận dụng hết tất cả khả năng, kỹ năng sư phạm của mình tổ chức lớp học online, thi và chấm bài từ xa. Các học viên cũng đã rất cố gắng đeo bám kiến thức; hơn hết là các thầy cô F0 dù ốm nhưng vẫn say sưa, miệt mài học tập với mong muốn lĩnh hội được bằng hết những tinh hoa của các giảng viên truyền đạt lại", anh Trí Dũng cho biết.

Chị Nguyễn Thị Anh Thơ (Nhật Bản) kể bản thân mắc Covid-19 và phải học online từ phòng khách sạn thay vì được đến lớp trong những buổi cuối của đợt tập huấn. Nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sự nhiệt tình trợ giúp của các giảng viên và học viên trong lớp, chị đã hoàn thành khóa tập huấn một cách tốt đẹp và nhận được Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. “Chứng nhận này còn đáng quý ở chỗ, nó là chứng nhận cho những gì tôi cũng như các anh chị học viên khác đã thu nhận được qua đợt tập huấn này, mà tôi có thể gói gọn trong 4K: Kiến thức - Kỹ năng - Kinh nghiệm - Kết nối", chị Anh Thơ chia sẻ.

Hạo Nhiên


Các tin khác

Tin tiêu điểm