5 “nhịp cầu” nối quê hương và bạn bè quốc tế được TPHCM vinh danh
Trong danh sách 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố được UBND TPHCM thống nhất tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) có 5 kiều bào.
Sự vinh danh này là minh chứng cho những đóng góp to lớn và tấm lòng luôn hướng về quê hương của kiều bào trên khắp thế giới, là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến to lớn của họ trên các lĩnh vực khoa học, văn hóa, xã hội và nhân đạo. Họ là những nhịp cầu nối liền quê hương với bạn bè quốc tế.
Dưới đây là 5 cá nhân kiều bào sẽ được thành phố vinh danh:
Giáo sư, tiến sĩ Đặng Lương Mô - Nhà khoa học, cố vấn cao cấp
Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học của Mỹ. Với những thành tựu đó, GS.TS Đặng Lương Mô đã làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học của thế giới. Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992.
![]() Giáo sư, tiến sĩ Đặng Lương Mô (thứ ba từ phải sang) nhận kỷ niệm chương vì những hiến kế, đóng góp phát triển thành phố |
Khi trở về nước, giáo sư, tiến sĩ Đặng Lương Mô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, như thiết lập Phòng Thí nghiệm mô phỏng và Thiết kế vi mạch tại Đại học Bách khoa; đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại Đại học quốc gia TPHCM năm 2005 - nơi thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch, đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.
Giáo sư, tiến sĩ Âm nhạc Trần Văn Khê (mất năm 2015)
Ông là giáo sư, tiến sĩ âm nhạc nổi tiếng trên thế giới và trong nước với nhiều tác phẩm hiếm có, là người đầu tiên giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam trên toàn thế giới; đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ về nghệ thuật ca trù trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; góp phần đưa cồng chiêng được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Ông đã để lại cho Thành phố nhiều tư liệu âm nhạc quý giá.
![]() Giáo sư Trần Văn Khê |
Tiến sĩ Lương Bạch Vân - nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM
Tiến sĩ Lương Bạch Vân cùng kiều bào Pháp, Đức vận động kinh phí thế giới để hỗ trợ quê hương phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió nhằm giúp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bà tích cực hoạt động, đẩy mạnh sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nắm bắt thông tin kiều bào, tập trung hướng đến thế hệ trẻ, con em kiều bào, du học sinh.
![]() Tiến sĩ Lương Bạch Vân |
Tiến sĩ Võ Tá Hân - Chuyên gia tài chính, ngân hàng và quản trị doanh nghiệp, người Việt Nam ở Mỹ
Ông bắt đầu chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp lớp trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước từ năm 1988. Với tổng số 839 đầu sách, 35.503 quyển, trị giá 2.870.985.40 USD (tương đương 96 tỉ đồng), đây là số sách có giá trị cao cho việc nghiên cứu, học tập của giảng viên, sinh viên 53 trường đại học, cao đẳng ở TPHCM và trên cả nước, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại TPHCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
![]() Tiến sĩ Võ Tá Hân |
Bà Trần Tố Nga - Người Việt Nam ở Pháp

Bà là Nhà giáo đi B năm 1965, người đứng đơn khởi kiện để tìm công lý cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (dioxin) trong chiến tranh Việt Nam. Những nỗ lực và cống hiến của bà là tấm gương cho sự đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình và công lý. Ngoài ra, bà là một nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt. Trong chiến tranh Việt Nam, bà là một nhà báo, sau đó là sĩ quan liên lạc cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau chiến tranh, bà trở thành hiệu trưởng một số trường phổ thông trung học.
Nhân An/ phunuonline.com.vn