Tích cực đẩy mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì tiếng Việt của kiều bào
|
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đang đứng trước những thay đổi to lớn, ngày càng đông hơn về số lượng, đa dạng hơn về thành phần, thành đạt hơn trong xã hội sở tại và ngày càng ý thức hơn về các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Tuy điều kiện sống ở mỗi địa bàn khác nhau nhưng NVNONN đều có nguyện vọng chung là ổn định cuộc sống, hoà nhập và thành đạt trong xã hội sở tại, đồng thời tiếp tục củng cố và phát triển cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, duy trì tiếng Việt và đẩy mạnh các hoạt động hướng về cội nguồn. Theo tinh thần đổi mới, nhận thức về vai trò, vị trí của cộng đồng NVNONN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thay đổi đáng kể. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đặc biệt quan tâm.
Giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ luôn nhấn mạnh một trong những trọng tâm của công tác đối với NVNONN là củng cố và phát triển toàn diện cộng đồng nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng trong cả nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử đất nước, truyền thống dân tộc, đặc biệt là bảo tồn, phát triển và thúc đẩy việc học tiếng Việt khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi bà con kiều bào ta sinh sống.
Theo định hướng trên, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho kiều bào hiểu biết nhiều hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước, về sự thay đổi của đất nước, về những giá trị văn hoá, truyền thống của dân tộc. Trong đó, có thể kể đến nhiều hoạt động nổi bật như: Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào tham dự Giỗ tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, Đưa đoàn kiều bào ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa... Các chương trình này đều kết hợp hài hòa các yếu tố giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó với quê hương.
Đặc biệt, chương trình Trại hè Việt Nam hàng năm dành cho thành niên, sinh viên NVNONN đã giúp cho thế hệ trẻ kiều bào hiểu sâu hơn về quê hương, về truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, về thành tựu, thuận lợi và khó khăn của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền.
Các bạn trẻ kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2009 thăm cố đô Huế
Qua các hoạt động của chương trình, các em đã nhận thức sâu sắc về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như về vị thế quốc tế của đất nước, tích cực trau dồi khả năng sử dụng tiếng Việt, thêm tự hào và gắn bó hơn với quê hương và tăng cường ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Với những trải nghiệm thực tế và nhận thức, hiểu biết mới từ các hoạt động trong khuôn khổ trại hè, thanh niên và sinh viên kiều bào tham gia trại hè sẽ dần trở thành những hạt nhân mới trong công tác thông tin, tuyên truyền và vận động NVNONN, trước hết trong gia đình, bạn bè và thế hệ trẻ ở nước ngoài, qua đó đóng góp thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, đấu tranh với những thông tin và luận điệu sai trái về Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh những hoạt động có tính chất thường niên, Uỷ ban cũng chú trọng đến các hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của kiều bào thông qua việc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức lễ cầu siêu tại những địa danh lịch sử như: Trường Sa, Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)… Gần đây nhất tháng 5/2014, nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Phật tử kiều bào khắp nơi trên thế giới, Ủy ban phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Chương trình “Đại lễ cầu siêu, cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới – siêu độ hương linh anh hùng liệt sĩ và nạn nhân thiên tai thảm họa” tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Những hoạt động này góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Không chỉ tổ chức các hoạt động trong nước, Ủy ban còn chủ động tổ chức hoạt động đáp ứng các nhu cầu văn hóa của kiều bào, như đưa các đoàn văn nghệ phục vụ kiều bào nhân các ngày lễ lớn của đất nước như: Biểu diễn phục vụ cộng đồng và nhân dân sở tại các tỉnh Đông bắc Thái Lan ở Nong Khai, Bang Kok (2010), Nakhon Phanom, Udon Thani, Sakon Nakhon (2011), Ubon Ratchathani, Mukdahan và Bangkok (2012); Đoàn văn nghệ đi biểu diễn Lào – Thái: Viêng Chăn (Lào) và Sakon Nakhon, Udon Thani và Bangkok (Thái Lan) (2013); Đoàn văn nghệ đi biểu diễn tại Sophia - Bungari, Athen - Hy Lạp, Praha - Séc, Frankfurt – Đức (2014)…
Tại nhiều địa bàn, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được cộng đồng tổ chức thường xuyên, gắn với các ngày lễ-tết của dân tộc và có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể khác. Các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật với sự phối hợp tổ chức giữa cộng đồng với Cơ quan đại diện ta, với các doanh nghiệp trở nên phổ biến. Đây cũng là dịp để kiều bào thêm tự hào và giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đẹp, đặc sắc trong truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời của dân tộc.
Bên cạnh những hoạt động của Ủy ban, các hoạt động văn hóa đối ngoại do các bộ, ban ngành, địa phương, như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Vụ Văn hóa Đối ngoại – UNESCO, Bộ Ngoại giao, phối hợp với cơ quan đại diện ta tổ chức đều lồng ghép các nội dung phục vụ kiều bào. Những hoạt động này đã thực sự trở thành món ăn tinh thần cho cộng đồng và là cầu nối để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới người dân sở tại và bạn bè thế giới.
Đẩy mạnh hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN
Việc duy trì và truyền bá tiếng Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc cũng như đối với chính sự tồn tại của cộng đồng NVNONN như một bộ phận gắn bó máu thịt với dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ: hỗ trợ kiều bào giữ gìn tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lâu dài trong công tác cộng đồng; đối với các thế hệ trẻ kiều bào, đó còn là một nhiệm vụ mang tính chất “trồng người” có ý nghĩa chiến lược.
|
Để đẩy mạnh công tác tiếng Việt trong cộng đồng, Ủy ban đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ xây dựng trường, lớp cho cộng đồng tại nhiều nước: Hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện 6 dự án xây trường học tiếng Việt cho con em kiều bào ở Lào, trong đó nổi bật là việc xây trường Nguyễn Du mới ở Thủ đô Vientiane; thực hiện 5 dự án xây trường học tiếng Việt cho con em kiều bào ở Campuchia.
Hàng năm, Ủy ban tổ chức nhiều chương trình, hội thảo liên quan đến công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, như Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt” vào tháng 9/2011, hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” vào tháng 8/2014, Chương trình Trại hè Việt Nam hàng năm cho thanh niên kiều bào về thăm quê hương kết hợp học tiếng Việt. Ngoài ra, Ủy ban hỗ trợ gửi sách giáo khoa, giáo trình tiếng Việt cho cộng đồng.
Trong khuôn khổ Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” và Dự án “Thí điểm đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở Lào, Campuchia, Nga, Séc, Mỹ và Canada”, tháng 5/2010, Uỷ ban xây dựng và triển khai nội dung của dự án thí điểm tại Lào và Campuchia nhằm mục tiêu xây dựng phong trào truyền bá tiếng Việt, phát triển đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung và loại hình hoạt động liên quan đến dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.
Ủy ban đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công 2 khóa tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN được dư luận đánh giá cao vào các năm 2013, 2014.
Bên cạnh các hoạt động của Ủy ban, Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều cơ quan tổ chức ở trung ương và địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt như cử giáo viên, hỗ trợ xây dựng trường lớp, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa và đồ dùng học tập…
Để nâng cao trình độ sư phạm cho giáo viên cộng đồng, Bộ Giáo dục và Đào tại đã tổ chức dạy thử nghiệm về phương pháp sử dụng 2 bộ sách Quê Việt và Tiếng Việt vui đồng thời bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Việt hiện đại cho giáo viên tại Thái Lan, Lào, Pháp, Mỹ, Đức, Séc và Ba Lan; Tổ chức 5 khóa tập huấn tại Việt Nam cho khoảng 150 giáo viên đang giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng hoặc trong các trường học ở Campuchia, Lào, Thái Lan và một số nước khác.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai trương website dạy tiếng Việt miễn phí dành cho người Việt Nam ở nước ngoài theo 2 bộ sách giáo khoa trên; Hỗ trợ sách báo, tài liệu, truyện, tranh ảnh, băng đĩa, quốc kỳ Việt Nam cho một số trung tâm dạy tiếng Việt ở Úc, CHLB Đức, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Phần Lan, Thái Lan...
Trong công tác đào tạo, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chuyển đổi trường Việt kiều Nguyễn Du thành trường song ngữ Lào-Việt Nguyễn Du và trao 25 học bổng đại học và 2 học bổng thạc sỹ của chính phủ Việt Nam cho con em Việt kiều ở Lào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Lào cũng như đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con kiều bào trong việc giữ gìn tiếng Việt.
Những khó khăn, thách thức đặt ra
“Quốc hồn” của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia chính là văn hóa, là ngôn ngữ. Và chính văn hóa, ngôn ngữ làm cho quốc gia đó có đặc sắc riêng và có thể giao lưu, hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới. Giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là một công tác mang tính chiến lược, lâu dài nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa cho kiều bào hiện nay lại chưa được xác định rõ về nội dung, thiếu đồng nhất; công tác phối hợp với các ngành và cơ quan chưa thật chặt chẽ, còn có sự chồng chéo. Hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng là một rào cản trong việc triển khai các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn dân tộc.
|
Trong công tác tiếng Việt, hệ thống cơ sở trường, lớp phục vụ cho việc dạy học chưa có sự đầu tư thích đáng, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt hiện nay đa số là tình nguyện, hạn chế về trình độ và kinh nghiệm sư phạm, nên hiệu quả dạy học chưa cao.
Ngoài ra, việc tổ chức và duy trì các lớp tiếng Việt trong cộng đồng nhìn chung khó khăn vì chủ yếu do bà con tự tổ chức và bỏ kinh phí, sự hỗ trợ từ trong nước cũng như của chính quyền sở tại còn chưa được nhiều.
Môi trường dạy và học cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, trong gia đình, cha mẹ do bận mưu sinh nên thiếu quan tâm duy trì việc sử dụng tiếng Việt, ngoài xã hội tiếng Việt không phải là một ngoại ngữ phổ biến do đó học sinh không có động lực học và ít có điều kiện phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Việt.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trên và tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cả cộng đồng NVNONN. Được như vậy, trong thời gian tới đây, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt nói riêng và công tác đối với NVNONN nói chung sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tạo thành một khối đại đoàn kết dân tộc thống nhất, bền vững./.
Vũ Tuấn Hải
Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa