Hội người Việt Nam ở Ba Lan: Đoàn kết, tương trợ và hướng về đất nước
|
Vài nét về cộng đồng người Việt tại Ba Lan
Lớp người đầu tiên chọn Ba Lan làm quê hương thứ hai chính là những lưu học sinh và nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp đã ở lại sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ, lấy chồng người Ba Lan và chính thức hình thành nhóm người định cư đầu tiên. Cuối những năm 1980, những chuyển biến ở Ba Lan và các nước Đông Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ bám rễ trên đất này. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, số người Việt Nam đến Ba Lan từ nhiều con đường khác nhau ngày một đông hơn. Có lẽ bởi “đất lành chim đậu”, hàng loạt người Việt Nam từ các ngả đã đến Warszawa và một số thành phố lớn của Ba Lan làm ăn rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp, đưa vợ con và gia đình sang. Cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan được người dân bản xứ và dư luận trong nước đánh giá là cộng đồng biết làm ăn kinh tế, có nhiều thành đạt trong hoạt động kinh doanh, văn hoá, giáo dục, thường đi tiên phong trong một số lĩnh vực so với cộng đồng các dân tộc khác ở Ba Lan và so với người Việt Nam ở nhiều nước châu Âu.
Cho đến thời điểm hiện nay ước tính số người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Ba Lan là khoảng 30 ngàn, vậy mà số lượng các tổ chức hội đoàn lên tới vài chục, với những tên gọi, tôn chỉ mục đích hoạt động hết sức phong phú, đa dạng. Tôi xin điểm ra đây (có thể còn chưa đầy đủ) tên các tổ chức đó: Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, Hội Văn hoá - Xã hội, Hội Doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Thanh niên, Ban Từ thiện, Hội người VN yêu kính đạo Phật, Câu lạc bộ (CLB) Cựu chiến binh, CLB Lê Quý Đôn, Trung tâm văn hóa Văn Lang, Trường tiếng Việt, Báo Quê Việt, CLB Thơ, Đội Văn nghệ, Liên đoàn bóng đá (với 8, 9 CLB thành viên), Hiệp hội Tenis (với 7, 8 CLB thành viên), CLB khiêu vũ, CLB cầu lông, CLB bóng bàn, CLB golf, các CLB Võ thuật, Võ đường, các hội đồng hương Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kinh Bắc, CLB Hà Thành, các chi hội của Hội người Việt ở Raszyn, Lodz, Krakow, Wroclaw v.v...
Tại sao lại có tình trạng “trăm hoa đua nở” như vậy và điều đó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trong đời sống cộng đồng? Đó là câu hỏi mà không chỉ những người ở trong nước hoặc các bạn bè ở những nước láng giềng đặt ra, mà ngay cả những người hoạt động trong các hội đoàn ở Ba Lan cũng đắn đo suy nghĩ. Cần thừa nhận rằng thực tế hoạt động cộng đồng ở Ba Lan trong hơn 15 năm qua cho thấy tính đa dạng của phong trào cộng đồng tỏ ra phù hợp với lợi ích, năng lực tổ chức, khả năng đóng góp, trình độ và nhiệt tình của các nhóm người khác nhau, và do vậy đã phát huy những mặt tích cực, mặt mạnh của họ đối với các hoạt động vì lợi ích và đặc điểm của một bộ phận cộng đồng hoặc vì lợi ích chung. Đặc biệt trong tình trạng các hoạt động cộng đồng là những hoạt động xã hội, không có lương và phụ cấp. Thí dụ điển hình về vấn đề này là hoạt động của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan. Trong hơn 12 năm qua kể từ khi thành lập, Hội Phụ nữ là nhân tố tích cực trong các hoạt động của Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan. Nhiều hoạt động của Hội đã trở thành hoạt động truyền thống hàng năm như: Kỷ niệm ngày phụ nữ Quốc tế 8-3, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, tổ chức vui chơi cho các cháu nhân dịp 1-6, Tết Trung thu, tổ chức các chuyến tham quan du lịch... Ngày 28/4/2014, Hội Phụ nữ VN tại Ba Lan đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có nhiều thành tích trong củng cố, phát triển cộng đồng người Việt ở nước ngoài và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Việc đóng cửa Sân vân động Mười Năm ở Warszawa dẫn tới sự tan rã mô hình kinh tế chợ và thay vào đó là sự ra đời các trung tâm thương mại có quy mô lớn với tiêu chuẩn châu Âu như ASG, EACC, ASEAN-PL, ASEAN-EU, ASEAN-POLSKIE, TM... Đó là niềm tự hào của các doanh nghiệp trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan. So với các nước khác trên thế giới, kể cả những nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., những trung tâm thương mại đã nêu là bộ mặt của người Việt ở đây, mang đến một hướng phát triển bền vững, lâu dài của cộng đồng, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người bản xứ và các cấp chính quyền sở tại. Đã từ lâu cộng đồng người Việt tại Ba Lan là cầu nối duy trì mối quan hệ về nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan, trong đó đặc biệt là quan hệ thương mại. Đến nay, với việc làm ăn bài bản này cộng đồng một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của mình đối với các doanh nghiệp, doanh nhân và cả các cơ quan trong nước.
Đáng chú ý là cộng đồng người Việt tại Ba Lan sinh sống chủ yếu ở Warszawa. Việc sống và kinh doanh tập trung như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng: Hàng rào ngôn ngữ không là trở ngại lớn đối với những lớp kiều dân Việt Nam chưa có hoặc không có điều kiện để hiểu biết thông thạo ngôn ngữ nước sở tại trong giao tiếp, làm ăn sinh sống. Các thế hệ nối tiếp dễ dàng giữ được ngôn ngữ, phong tục tập quán. Các phong trào cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, tâm linh, thể thao... cũng có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tập trung quá đông ở một nơi dĩ nhiên cũng có mặt không thuận cho kinh doanh và sinh hoạt, đặc biệt khi cộng đồng phần lớn chỉ tập trung vào một số mặt hàng kinh doanh, chủ yếu là hàng may mặc, thực phẩm và quán ăn. Quá trình hội nhập sẽ gặp nhiều trở ngại và hình ảnh của cộng đồng do đó cũng dễ bị đánh giá sai lệch.
|
Vai trò của Hội người Việt Nam tại Ba Lan
Hội người Việt Nam tại Ba Lan được thành lập ngày 20/3/1999. Hơn 15 năm qua, Hội đã tồn tại và hoạt động với sứ mệnh là tổ chức nòng cốt của cộng đồng. Hội đã tập hợp được đông đảo bà con tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các hoạt động chung toàn cộng đồng. Hội đã, đang và sẽ là tổ chức luôn gắn liền với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng và trong mọi nơi, mọi lúc xẩy ra “sự cố”, Hội luôn có mặt để hỗ trợ bà con. Hội là đơn vị phối hợp cùng Đại sứ quán và các hội đoàn khác tổ chức những hoạt động văn hoá - xã hội của cộng đồng, như Tết cổ truyền, Quốc khánh, biểu diễn văn nghệ, thi “Người đẹp thanh lịch”, ngày Văn hoá Việt Nam, các hoạt động thể thao. Hội là đơn vị nòng cốt trong các hoạt động từ thiện, tổ chức quyên góp ủng hộ các nạn nhân thiên tai, bão lụt ở Việt Nam và Ba Lan... Hội là cầu nối trong các hoạt động ngoại giao, có quan hệ tốt với chính quyền và các nhà chính trị, nghị sĩ, nhà báo Ba Lan.
Trong thời gian qua, mỗi tổ chức cộng đồng đều có những hoạt động phù hợp với đặc trưng riêng của mình, nhưng phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng xây dựng một cộng đồng lớn mạnh toàn diện. Trong các hoạt động chung, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan luôn là rường cột chính, là chỗ dựa tin cậy của Đại sứ quán và Ban công tác cộng đồng. Kể từ Đại hội khóa V (năm 2011) các tổ chức cộng đồng đăng ký là thành viên tập thể của Hội người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, trong đó có Hội Người cao tuổi, Hội người Việt Nam yêu kính đạo Phật, CLB Cựu chiến binh, CLB Lê Quý Đôn, các Hội đồng hương, Liên đoàn bóng đá, các CLB tenis, bóng bàn, quần vợt v.v... Vai trò của Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã thể hiện một cách cụ thể trong các hoạt động sau:
- Tổ chức thành công một số hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện gây tiếng vang lớn trong dư luận, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng, như Ngày Việt Nam tại Sân vận động POLONIA năm 2004, trong đó có trận giao hữu bóng đá với đội các ngôi sao sân khấu và điện ảnh Ba Lan. Ngày hội văn hóa tưng bừng ở OROŃSKO năm 2009, trong đó có sự phối hợp hết sức ấn tượng ở mọi lĩnh vực từ văn hóa, thể thao, nghệ thuật đến ẩm thực, Ngày hội bóng đá EURO - VIET 2010 dựa vào sự tài trợ của công ty PTAK ở Lodz. Gần đây nhất, có thể kể đến việc tổ chức hơn 4000 người xuống đường biểu tình ngày 18/5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tổ chức hội thảo về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với sự tham gia của các học giả Ba Lan và Việt Nam.
- Tổ chức thành công một số cuộc gặp gỡ với các nghị sĩ, các cấp chính quyền, lãnh đạo Cục biên phòng, cảnh sát cấp thành phố và cấp quận, lãnh đạo hải quan, phòng thuế... để phản ánh tình hình làm ăn sinh sống và những nguyện vọng của bà con cộng đồng, qua đó giúp các cấp chính quyền có cái nhìn đúng đắn hơn và có chính sách phù hợp hơn đối với cộng đồng trong từng giai đoạn.
- Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi người đau ốm, đặc biệt tổ chức tang lễ, chôn cất và chuyển hài cốt một số người không có bà con thân thích về nước.
- Là tổ chức duy nhất có đại diện của mình ở trong nước để tiến hành các hoạt động hiếu hỉ, từ thiện và thắt chặt quan hệ với các tổ chức hữu nghị, các cơ quan truyền thông trong nước, phục vụ nhu cầu về nhiều mặt của cộng đồng.
- Cùng các tổ chức khác phát động những đợt quyên góp tiền để mua đất và từ 2013 đến nay đã tiến hành xây dựng Trung tâm văn hóa tâm linh, trong đó có ngôi chùa Nhân Hòa. Đây là công trình văn hóa lớn nhất, là tài sản và ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Cho tới nay với sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể cộng đồng người Việt tại Ba Lan và các nước khác đã quyên góp số tiền đủ mua 8000 m2 đất, làm hạ tầng, hoàn thiện việc xây thô chùa Nhân Hòa.
- Tổ chức các lớp dạy tiếng Ba Lan cho bà con trong khuôn khổ quỹ Liên minh Châu Âu dành cho quá trình hội nhập của công dân các nước thứ ba.
- Duy trì và phát triển tờ báo Quê Việt (cả báo viết lẫn báo mạng), biến đây thành sân chơi bổ ích và món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận cộng đồng.
Có thể liệt kê những đóng góp khác của Hội, song điều quan trọng là từ khi thành lập đến nay Hội đã thực sự là chỗ dựa tinh thần cho một bộ phận lớn của cộng đồng, cùng các hội đoàn khác góp phần tạo nên gương mặt cộng đồng như chúng ta thấy hiện nay. Qua quá trình hơn 15 năm hình thành và phát triển, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã thực sự là tổ chức nòng cốt, biết tập hợp và đoàn kết cộng đồng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống vật chất và tinh thần nơi xứ người, động viên bà con luôn hướng về quê hương đất nước.
Nguyễn Văn Thái
Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan