Xây dựng chiến lược truyền thông định vị hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới
Tọa đàm đề cập đến phương pháp kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thương hiệu quốc gia, vai trò của truyền thông số và lực lượng “người kể chuyện độc lập”.

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng và vị thế vững chắc trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình đó, việc xây dựng và định vị hình ảnh quốc gia không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành truyền thông, mà còn là một phần cơ hữu trong từng hợp phần của chiến lược phát triển tổng thể của đất nước.
Đó là nhận định của bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trong tọa đàm “Định vị Việt Nam-Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới” diễn ra ngày 10/7 tại Hà Nội.
Tọa đàm do Báo Việt Nam News and Law, Thông tấn xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Tăng nhận diện tích cực về Việt Nam
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết đây là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi, thảo luận một cách toàn diện về Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài – một nhiệm vụ mang tính chiến lược, vừa cấp bách trước mắt, vừa đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và phương pháp triển khai đổi mới, hiệu quả.

Ảnh: PV/Vietnam+
Đây cũng là bước cụ thể hóa các định hướng quan trọng của Đảng: Kết luận số 57-KL/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; và đặc biệt là tinh thần từ bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm - một thông điệp mạnh mẽ về khát vọng và bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo bà Vũ Việt Trang, Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng: Tăng cường mức độ nhận diện tích cực về Việt Nam trên các kênh báo chí quốc tế và nền tảng số; định hình một hình ảnh Việt Nam ổn định, sáng tạo, phát triển, giàu bản sắc và thân thiện.
Với vị thế là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực trong hệ thống truyền thông quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam không chỉ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới, mà còn kết nối thế giới với Việt Nam thông qua những sản phẩm báo chí đa dạng. Cùng với đó, Thông tấn xã Việt Nam có quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn và cơ quan báo chí quốc tế, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức báo chí khu vực như Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), Mạng tin châu Á (ANN)...

Ảnh: PV/Vietnam+
“Chúng tôi luôn nỗ lực mở rộng mạng lưới hợp tác để đưa thông tin Việt Nam đến với bạn bè năm châu một cách trực tiếp và hiệu quả hơn,” bà Vũ Việt Trang chia sẻ.
Thông tin về Dự thảo Chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Anh Tuấn cho rằng cuộc cạnh tranh hình ảnh quốc gia ngày càng khốc liệt, trong khi hình ảnh Việt Nam vẫn chưa tương xứng với những thành tựu đạt được. Vì thế, Chính phủ đã giao cho Cục nhiệm vụ soạn thảo Chiến lược bài bản, dài hạn để khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới.
Mục tiêu chung được đề ra trong Chiến lược là thúc đẩy thông tin tích cực về Việt Nam trong và ngoài nước nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “Ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa,” qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Theo định hướng của Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng Bảy này, đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện truyền thông và quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng thống nhất; tổ chức ít nhất 10 chiến dịch truyền thông trọng điểm mang tầm quốc tế; nâng mức độ nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và nền tảng số lên ít nhất 80%.

Chiến lược cũng hướng tới việc đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia có mức độ xuất hiện tích cực cao trên truyền thông toàn cầu, thu hút 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.
Tăng cường truyền thông số
Việc xây dựng một chiến lược truyền thông hiện đại, đồng bộ và có sức cạnh tranh trong khu vực được xem là bước đi quan trọng nhằm lan tỏa giá trị Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trong bối cảnh uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được củng cố, cùng với sự gia tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thể chế và năng lực điều hành của Việt Nam, việc khơi dậy khát vọng phát triển và hình ảnh một quốc gia hùng cường trở thành một yêu cầu tất yếu.
Theo Cục trưởng Phạm Anh Tuấn, truyền thông quảng bá hình ảnh là nhiệm vụ chiến lược, hỗ trợ ngoại giao, đầu tư, giao thương, du lịch. Chiến lược cần đồng bộ, thống nhất, có cơ chế đo lường rõ ràng; tăng cường công nghệ số, truyền thông số, kết nối số Việt Nam với thế giới; huy động tổng hợp nguồn lực, triển khai hiệu quả, trọng tâm; truyền thông phù hợp đối tượng, địa bàn, có trọng điểm.

“Nội dung truyền thông tập trung làm sâu sắc hình ảnh Việt Nam là quốc gia hòa bình, ổn định; là một đất nước phát triển, là trung tâm của đổi mới, sáng tạo trong khu vực và quốc tế; là một đất nước giàu bản sắc văn hóa, đa dạng trong thống nhất và là một đất nước hiếu khách, thân thiện, đáng sống, giàu yếu tố trải nghiệm,” ông Phạm Anh Tuấn nói.
Đóng góp giải pháp truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia, ông Đoàn Đức Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng cần có sự phối hợp của 3 cấp: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Cấp chính phủ sẽ lựa chọn những giá trị độc đáo của Việt Nam, những nét riêng có về văn hóa, lịch sử, phù hợp với thời đại và xu thế phát triển. Doanh nghiệp và từng người dân sẽ là lực lượng đổi mới sáng tạo, làm nổi bật các giá trị của Việt Nam, giúp định hình thương hiệu quốc gia trong một thế giới đang phát triển phức tạp hiện nay.
Đại diện cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng cần xác định 4 định hướng trọng tâm trong thực hiện Chiến lược truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Ảnh: PV/Vietnam+
Trước tiên là đổi mới và đa dạng hóa cách kể câu chuyện Việt Nam. Chúng ta cần những câu chuyện chân thực, chạm đến cảm xúc, truyền cảm hứng để thế giới hiểu về một Việt Nam vừa năng động, hiện đại, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa truyền thống.
Tiếp đó là mở rộng sản phẩm đa ngôn ngữ bởi truyền thông đối ngoại chỉ hiệu quả khi vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Bà Vũ Việt Trang cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác công-tư trong truyền thông. Việc xây dựng hình ảnh quốc gia không thể là trách nhiệm riêng của các cơ quan báo chí. Cần có cơ chế để phối hợp chặt chẽ giữa báo chí chủ lực, các startup công nghệ, doanh nghiệp lớn, nhà báo công dân… để tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, với nội dung đáng tin cậy, hấp dẫn và đa dạng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và trao đổi thông tin với các hãng thông tấn quốc tế.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho nội dung Chiến lược. Các chủ đề tập trung vào định vị hình ảnh quốc gia, phương pháp kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thương hiệu quốc gia, cũng như vai trò của truyền thông số và lực lượng “người kể chuyện độc lập” trong kỷ nguyên đa nền tảng./.
(Theo Vietnam+)